Khi con cá lòng tong đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

Có những ngày mưa, hình ảnh nồi cá lòng tong kho quẹt thơm nức tự dưng hiện lên trong đầu làm tôi thấy cồn cào, nhớ quê. Bây giờ, ở quê tôi, muốn có cá lòng tong ăn cũng không dễ.

Ở TP HCM, mấy năm trước, nếu chịu khó ra vùng Hóc Môn, Củ Chi cũng có thể mua được cá lòng tong với giá chỉ vài chục nghìn đồng một kg. Giờ, hầu như không còn thấy ai bán loại cá này. Có lẽ do lòng tong không phải cá quý nên nếu nó tuyệt chủng, biến mất, chắc cũng chẳng mấy ai để ý.

Một lần tình cờ, đến trụ sở của Tổ chức Bảo vệ động hoang dã WAR (Wildlife At Risk) tại TP HCM, tôi ngạc nhiên khi thấy ở đây lại nuôi cá lòng tong. Trong những chậu kính màu xanh rêu, những con cá sắp đẻ to cỡ ngón tay út, bơi thong dong trông hệt như cá cảnh, rất dễ thương.

Tiến sĩ Bùi Hữu Mạnh, chuyên gia của WAR – người chịu trách nhiệm nhân giống và chăm sóc những hồ cá lòng tong – nói với tôi, nếu bán làm cá cảnh không chừng cũng hút hàng. Anh nói vui thế thôi chứ lũ cá lòng tong ở đây có “sứ mệnh” khác. Chúng là một trong những loài cá bản địa đang được WAR nuôi để thả về tự nhiên nhằm mục đích bảo tồn. Theo tiến sĩ Mạnh, ở Việt Nam, những loài cá như lòng tong, cá bã trầu… cũng đang dần cạn kiệt. Nếu không được nhân nuôi, bảo vệ, có thể chúng cũng sẽ biến mất.

Câu chuyện làm tôi nhớ đến cái chết – sự tuyệt chủng – của con tê giác Java ở Vườn Quốc gia Cát Tiên, con vật được xem quý hiếm nhất Việt Nam. Năm 2010, thông tin con tê giác cuối cùng này bị giết chết làm nhiều người bất ngờ, thậm chí bị sốc vì số tiền chi cho công tác bảo tồn đã lên đến hàng triệu USD. Nhưng với những người am hiểu về bảo tồn động vật hoang dã, cái chết của con tê giác đã được báo trước. Đơn giản, do chỉ còn một cá thể, nếu không bị giết, nó cũng sẽ chết già trong cô độc. Nói một cách khác, khi chúng ta thấy quý hiếm và muốn bảo vệ loài tê giác này thì đã quá muộn.

Ở Việt Nam có bao nhiêu loài động thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng, hoặc biến mất? Tôi đã hỏi rất nhiều nhà khoa học nhưng chưa thấy ai có công trình nghiên cứu rõ ràng về vấn đề này.

Có người cho biết, trước đây nước ta có rất nhiều loại lan rừng đẹp nhưng có thể do khai thác, bán ra nước ngoài nhiều quá nên giờ đến nguồn gen cũng không còn. Có người nói, trước đây chúng ta cũng có những giống gà độc đáo như gà tre, gà ri nhưng không hiểu sao giờ cũng không còn thấy trên thị trường…

Trong khi đó, hiện nay hầu như muốn nuôi con gì, trồng cây gì người dân cũng phải mua giống nhập từ nước ngoài. Từ lúa giống, bầu, bí, cà chua… đến trâu, bò, heo gà… cái gì cũng nhập. Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu rau củ quả đạt khoảng 1,2 tỷ USD thì phải bỏ ra khoảng 600 triệu USD để nhập khẩu giống. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều chủ trang trại cũng than thở vì tiền nhập giống về quá cao…

Thường, những thứ khi khan hiếm hoặc mất đi sẽ trở nên quý giá. Câu chuyện con cá linh ở miền Tây là một ví dụ khác.

Năm 2010, tôi đi công tác về vùng Đồng Tháp Mười ngay trong mùa lũ nhưng vẫn không ăn được món cá linh. Năm đó, do nước trên dòng Mê Kông về ít nên cá linh cũng trở nên khan hiếm. Mọi năm, vào mùa lũ, giá cá linh chỉ vài nghìn đồng một kg. Nó rẻ đến mức người dân địa phương gọi là cá linh sình (để sình thối cũng không ai mua). Nhưng mùa lũ năm ấy giá cá linh ở chợ Long Xuyên (An Giang) có lúc lên đến 250.000 đồng/kg.

Cá linh là loài cá được thiên nhiên ban tặng cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Vào mùa lũ, chúng nhiều đến mức có nơi dùng để làm phân bón cây. Do đó, trước đây, không ai nghĩ đến chuyện cần phải tìm cách nuôi loài cá này. Vài năm gần đây, do lũ bất thường, cá linh khan hiếm dần nên mới có một hai nông dân miền Tây bắt đầu mày mò nuôi cá linh trong hồ…

Tôi nghĩ, chỉ với những nỗ lực mang tính đơn lẻ như người nông dân thử nghiệm nuôi cá linh, Tổ chức WAR nuôi thả cá lòng tong ở TP HCM, đến một lúc nào đó, chuyện nhập khẩu những loại cá vốn rẻ bèo về nước với giá cao cũng sẽ là điều tất yếu.

Theo TRUNG THANH / VNEXPRESS

Tags: , ,