⠀
Khái niệm ‘Bình đạm’ trong quan niệm văn học cổ điển Việt Nam
Về ý nghĩa từ nguyên của bình đạm, bình có nghĩa là bằng phẳng, yên ổn, cân bằng, giản dị, gắn với phạm trù tĩnh. Đạm có nghĩa là nhạt, nhạt nhẽo.
Quan niệm văn học cổ điển Việt Nam tuy không phong phú và có những công trình đồ sộ như của Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác, nhưng trong suốt gần mười thế kỷ, ông cha ta đã rất có ý thức về văn học và đã có nhiều ý kiến cụ thể, rất có giá trị về văn học, thể hiện qua những phát biểu trực tiếp, hoặc qua các bài bạt, bài tựa, bài bình (dạng tường minh) và qua tác phẩm văn học (dạng hàm ngôn).
Văn học cổ điển Việt Nam nói chung và quan niệm văn học nói riêng, bên cạnh những yếu tố mang bản sắc Việt, còn chịu ảnh hưởng từ các quan niệm mỹ học của Trung Hoa, trong đó Nho giáo và Thiền Lão là tiêu biểu.
Thiền Lão là một khái niệm mà nội hàm ẩn chứa cả tư tưởng Thiền tông và Lão Trang xét trên bình diện những điểm tương đồng vi diệu của hai tư tưởng này. Từ góc độ mỹ học, trong quá trình tịnh hành, hòa hợp Thiền Lão, đã tạo ra những phạm trù mỹ học độc đáo và có sức ảnh hưởng sâu rộng, tiêu biểu như: tự nhiên, hư tĩnh, tiêu dao, bình đạm, vô ngôn.
Bài viết chỉ nghiên cứu phạm trù mỹ học “bình đạm” trong quan niệm văn chương cổ điển Việt Nam với ba nội dung cơ bản: “Bình đạm” trong quan niệm văn học cổ Trung Quốc; “Bình đạm” trong quan niệm văn học cổ điển Việt Nam; “Bình đạm” trong thơ cổ điển Việt Nam.
I. “Bình đạm” trong quan niệm văn học cổ Trung Quốc
Trước hết xin nói về ý nghĩa từ nguyên của bình đạm. Bình có nghĩa là bằng phẳng, yên ổn, cân bằng, giản dị, gắn với phạm trù tĩnh. Đạm có nghĩa là nhạt, nhạt nhẽo. Đạm (淡) bao gồm bộ thủy (氵) và hỏa (火), là hai nguyên tố vốn xung khắc, khi đứng cạnh nhau sẽ triệt tiêu lẫn nhau, lửa nhỏ đi và nước cũng bốc hơi bớt, như vậy trong đạm cũng có sự cân bằng, có sự mờ đi, gắn với phạm trù hư, vô. Từ đó, chúng ta có thể hiểu tương đối rằng: bình đạm có nghĩa là phẳng lặng, đơn sơ, mờ nhạt, tương thông với hư tĩnh. Thực ra, nội hàm và ý nghĩa của bình đạm rất phong phú, uyên thâm, là một ý niệm không thể định nghĩa được. Do vậy, từ đây, trong bài viết này, bình đạm được đặt trong ngoặc kép “ ” cũng bởi lý do này.
Có thể khẳng định rằng, “bình đạm” ( 平 淡 ) có nguồn gốc chủ yếu từ tư tưởng Lão Trang và Thiền tông. “Bình đạm” bao hàm ý nghĩa nhẹ mà cạn tương thông với “hư”, “vô”, “tĩnh”. Chỉ có “bình đạm” mới có thể tĩnh lặng, mới có thể phá chấp, vô ngã. Vì vậy, nhà nghiên cứu Trung Quốc Hoàng Hà Đào khẳng định: “Bình đạm là một nội hàm bao gồm toàn bộ diễn tiến của nó từ đạo gia đến thiền gia…Bình đạm hợp với sự phát triển từ thế giới quan tự nhiên của đạo gia đến “tâm bình thường” của thiền gia” [1].
Như vậy, “bình đạm” là kết quả của mối giao hòa độc đáo của Thiền tông và Lão Trang. Hai tư tưởng có sự đồng điệu rất đặc biệt, trong đó cả hai đều đề cao tự nhiên, yêu chuộng hư tĩnh. Có thể nói rằng “bình đạm” là đức của đạo, vì vậy “bình đạm” vừa là bản thể, vừa là quy luật, đồng thời là dụng của tự nhiên.
Bản chất của “bình đạm” bao gồm mộc, phác, chuyết, hư vị; từ phương diện nghệ thuật, “bình đạm” có nghĩa là phẳng lặng, nhạt. Tuy nhiên, phẳng lặng và nhạt ở đây phải được hiểu là một cảm thức thẩm mỹ với nội hàm rất uyên áo.
Theo Francoise Jullien trong “Bàn về cái nhạt”, cho rằng: “Dầu sao thì mô-típ cái nhạt bắt đầu mang ý nghĩa ở Trung Quốc có liên quan với Đạo, một từ vừa là nguyên thủy vừa là tột cùng của tư tưởng Lão học” [2]. Phạm trù “bình đạm” trở thành “phẩm chất trung tâm, cơ bản” có sức lan tỏa sâu rộng trong nền văn hóa, nghệ thuật phương Đông. Hoàng Ngọc Hiến cho rằng: “Cái vô vị hoặc cái nhạt là một quy tắc mỹ học, một ý niệm cơ bản của mỹ học…” và khẳng định “Chưa nếm cái “vô vị” thì đừng nói đến sáng tác và thưởng thức nghệ thuật”[3].
Trong quan niệm của người Trung Hoa, “bình đạm” được xếp vào giá trị có phẩm chất trung hòa, ở vị trí trung tâm và là điểm xuất phát và giao lưu giữa các tiềm năng. “Bình đạm” được biểu hiện trên nhiều bình diện. “Bình đạm” thể hiện phẩm chất, lý tưởng sống của người nghệ sỹ. Francoise Jullien gọi đó là “sự dửng dưng” của người nghệ sỹ trước mọi hoàn cảnh. “Sự dửng dưng” này không phải là sự hời hợt, không quan tâm, mà là một thái độ khiêm tốn ở bên ngoài để nuôi dưỡng tài năng và phẩm hạnh. Trong quan hệ xã hội, “bình đạm” là phẩm chất duy trì một mối quan hệ bền vững và lâu dài giữa con người với con người, trong tính cánh của con người, “bình đạm” đóng vai trò quân bình và điều hòa những tính cách đối nghịch. Con người có tính “bình đạm” thì dễ dàng phát huy được mọi khả năng của mình.
Trong nghệ thuật, “bình đạm” biểu hiện rất rõ và thống nhất trong hội họa, thơ và nhạc. Đó là tôn sùng sự giản dị, bình thường, mờ ảo, phẳng lặng, gắn với tư tưởng của Lão Tử: “Đại âm hi thanh, Đại tượng vô hình” (Âm lớn ít tiếng, tượng lớn không hình). Ở hội họa, từ quan niệm “Đại tượng vô hình”, “bình đạm” thể hiện ở sự giản phác của màu sắc và đường nét. Người họa sĩ không chú trọng biểu hiện những mảng màu nặng nề, sặc sở, nhiều hình khối mà chú trọng vẽ những nét mang tính chất biểu hiện. Trong âm nhạc, từ quan niệm “Đại âm hi thanh”, “bình đạm” thể hiện ở âm thanh “mờ”, không rườm rà, không phiền phức, không to lớn, rõ rệt. Cái làm cho âm nhạt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn đó chính là “di âm”, một biểu hiện của “đạm thanh”. Đó là âm thanh mà chính trong mờ nhạt, nó tuần tự mở ra con đường từ nghe thấy đến không nghe thấy, dẫn tới ngưỡng cửa của tịch lặng, hài hoà. “Bình đạm” trong văn chương thống nhất và bao hàm cả “bình đạm” trong hội họa và trong âm nhạc. Francois Jullien đã dùng công thức “Đại tượng vô hình” để bàn về tính phi-khách thể của hội họa, qua đó đã đề xuất nhiều khái niệm độc đáo không chỉ trong hội họa mà còn rất hữu ích cho văn chương như: “Hiện diện, Khiếm diện”, “Lờ mờ-Tẻ nhạt-Mông lung”, “Rỗng và Đầy” [4].
Riêng trong văn học, ở phương Tây, “bình đạm” là một “dấu trừ”, nhưng đối với phương Đông là một “dấu cộng”. Ở Trung Quốc, ban đầu “bình đạm” bị xem như là giá trị tiêu cực, không được đánh giá cao trong quan niệm sáng tác. Sau đó, ý thức được rằng đằng sau sự tẻ nhạt, bình dị, dửng dưng là cả khoảng trống nhiệm mầu, một sự nồng ấm đến vô tận và có ý nghĩa quan trọng trong sáng tác văn chương.
Khởi thủy về “bình đạm” trong quan niệm văn chương Trung Quốc có lẽ phải từ Khổng Tử. Ông cho rằng làm thơ thì phải “ôn, nhu, đôn, hậu”. Mặc dù không nói trực tiếp đến “bình đạm”, nhưng “ôn, nhu, đôn, hậu” cũng ít nhiều mang nét nghĩa “bình đạm”. Đến thời Lục Triều, với “Văn tâm điêu long”, Lưu Hiệp đã đưa lý luận phê bình Trung Quốc phát triển ở một tầm cao mới. Trong cuốn kỳ thư này, Lưu Hiệp, mặc dù không đề cập trực tiếp đến “bình đạm”, nhưng vẫn có quan niệm về “bình đạm”. Điều này thể hiện ở hai điểm: Thứ nhất, Lưu Hiệp đề cao vẻ đẹp tự nhiên trong văn chương và hành động “vô vi” khi sáng tác văn chương: “Vẻ đẹp cũng do trời định sẵn, chẳng cần tô điểm… Nếu cứ để tự nhiên, vẻ đẹp sẽ dồi dào, nhưng tay người xen vào, thì bao nhiêu cũng thiếu”[5]. Thứ hai, trong cấu tứ của văn chương, Lưu Hiệp xem trọng cái hư vị, vô hình. Ông nói: “Khi thần tứ vận hành, thì muôn vàn ý tưởng nổi lên, phải sắp xếp cái hư vị, phải khắc họa cái vô hình”[6]. Trong “Tự nhiên, hư vị, vô hình” mà Lưu Hiệp đề cập đã mang màu sắc của “bình đạm”. Khác với Không Tử, cái được xem là “bình đạm” của Lưu Hiệp đã mang màu sắc Thiền Lão. Và cũng từ Lưu Hiệp trở đi, cùng với sự phát triển rực rỡ của Thiền tông Trung Quốc (đỉnh cao là Lục tổ Huệ Năng), quan niệm về “bình đạm” trong văn chương chủ yếu gắn với tư tưởng Thiền Lão. Cùng thời với Lưu Hiệp, Chung Vinh với Thi phẩm đã có những bình điểm về thơ ngũ ngôn rất cụ thể và độc đáo. Trong 122 nhà thơ ngũ ngôn từ Lưỡng Hán đến đời Lương, đã có khoảng 16 nhà thơ được Chung Vinh cho là mang tố chất “bình đạm”. Có thể dẫn ra những nhận xét tiêu biểu sau: “Từ năm Vĩnh Gia lại đây, lối thơ thanh đạm huyền ngôn thành phong khí…Người đời khen Tôn, Hứa giỏi làm thơ hư tĩnh đạm bạc”; “Thơ Quý Hữu, tôi thường cho qua mà không xem xét kỹ. Nay quan Đặc Tiến họ Thẩm tuyển chọn thơ, chép thơ ông đến mấy bài, tôi xem cũng thấy bình đạm”; “Thơ của bảy người Nguyễn Du, Kiên Thạch… đều bình đạm điển nhã”[7]. Khác với Lưu Hiệp, Chung Vinh khi bàn về thơ đã đề cập trực tiếp đến yếu tố bình đạm, không những thế, ông đã nâng “bình đạm” thành “Bình đạm chi thể” (phong cách thơ huyền ngôn đạm nhiên quả vị). Như vậy đến đời Lương, Chung Vinh đã xem “bình đạm” là phong cách là phong khí của thơ.
Vì vậy, từ đời Đường, người Trung Quốc đã đưa “bình đạm” vào quan niệm văn học theo chiều hướng ý nghĩa tích cực, tường minh. Tiêu biểu là Tư Không Thự. Ông quan niệm rất hay và rất Thiền Lão về “bình đạm”: “Cái gì đậm thì sẽ phai đi và trở thành khô héo. Ngược lại cái gì nhạt sẽ thấm đậm lên từ từ”[8]. Đây như là sự mở đầu cho quan niệm về vai trò, ý nghĩa của “bình đạm” trong sáng tác văn chương.
Đến thời đầu nhà Tống, “bình đạm” được xem là lý tưởng sáng tạo thi ca. Mai Nghiêu Thần rất đề cao “bình đạm” trong sáng tác, xem “bình đạm” là cái đẹp cao nhất của thơ ca và để đạt được thì rất khó: “Nhàn ngâm thích tính tình; Xưng dục đáo bình đạm” (Ngâm nga thỏa tình tình, đạt được tới bình đạm), “Tác thi vô cổ kim, Duy tạo bình đạm nan” (Thơ không có xưa nay, được bình đạm khó thay)[9]. Âu Dương Tu bạn của Mai Nghiêu Thần cũng quan niệm tương tự: “Diễn đạt trau chuốt, ý nghĩa chính trực, thường mà không tục. Hương vị ngày xưa có nhạt nhưng đâu phải nghèo nàn”[10]. Tô Đông Pha thì quan niệm bình đạm ở góc độ ngôn ngữ: bình thường, nhưng rất kỳ diệu: “Xung khẩu xuất thường ngôn, Pháp độ khứ tiền quỹ, Nhân ngôn phi diệu xứ, Diệu xứ tại ư thị” (Tựa như lời nói thường, Không theo quy củ trước, Ai bảo không kỳ diệu, Kỳ diệu chính nơi này)[11]. Tương tự, Nghiêm Vũ trong Thương Lang thi thoại, cho rằng ngôn ngữ thơ quý ở “bình đạm”: “Lời văn quý ở tự nhiên, không được gò bó cưỡng ép. Tối kị tạp nhạp, tối kị lộ liễu. Lời văn kị thẳng, ý kị nông, mạch kị lộ, vị kị ngắn, âm vận kị tản mát, cũng kị cả bức bách”[12].
Và đến đời Thanh, “bình đạm” được công nhận như một ý thức hệ trong thơ ca. Lưu Đại Khôi cho rằng văn chương phải giản dị, giản dị là cảnh giới tận cùng của văn chương, giản dị gắn với “bình đạm”. Ông viết: “Văn chương quý ở sự giản dị. Phàm viết văn, những tay bút già dặn thì giản dị, ý chân thực thì giản dị, từ thiết thực thì giản dị, vị thanh đạm thì giản dị, khi đầy đủ thì giản dị, phẩm chất cao quý thì giản dị, thần cao xa mà hàm chứa không cùng thì giản dị. Vì vậy, giản dị là cảnh giới tận cùng của văn chương vậy”[13]. Viên Mai khi bàn về thơ, khẳng định:“Thơ nên đạm không nên nồng nhưng phải là cái đạm sau khi đã nồng”. Vương Sĩ Chân, một nhà thơ đề cao thuyết Thần vận, qua việc nhất trí với Tư Không Đồ trong Thi phẩm, ông đã cho rằng có ba phẩm chất cao nhất của thơ, gồm: “xung đạm”,“tự nhiên”, “xuất thần”. Cả ba phẩm chất đó đều liên quan đến “bình đạm”. Từ đó, Vương Sĩ Chân đã đề cao và công nhận “bình đạm” như ý thức hệ trong sáng tác. Ông viết: “Hỏi: theo cổ nhân thì phải biết cách phân biệt cái vị mới có đủ khả năng hiểu biết thơ ca. Tôi xin hỏi ngài người ta có thể phân biệt được thi vị từ đâu? Đáp: Theo Tư Không Thự đời Đường, ai muốn tìm hiểu thơ ca phải biết thế nào là “cái vị bên kia cái vị”. Cách nói đó do Tô Đông Pha xướng lên và được hưởng ứng rộng rãi. Nếu muốn tìm hiểu thơ của Đào Uyên Minh, Vương Duy, hay Vi Ứng Vật hay Liễu Tông Nguyên, thì ta cần tìm cái vị chân thực trong lòng cái gì nhạt và phẳng lặng”[14]. Qua vấn đáp, chúng ta thấy, Vương Sĩ Chân một mặt công nhận “bình đạm” là một truyền thống của thơ ca, mặt khác khẳng định: Tuy “bình đạm” nhưng nồng ấm, đậm đà, chân thực và sức hấp dẫn vẫy gọi đến vô cùng tận. Điều này đã được Giản Chi của Việt Nam đồng tình: “Thơ của Đào Uyên Minh, nổi tiếng là: “Bình Đạm”, “Ngoại khô nhi trung cao”. Vi (tức Vi Ứng Vật) được cái Đạm, Liễu (tức Liễu Tông Nguyên) được cái Khô, còn Vương Duy thì được cả Khô lẫn Đạm”[15].
Như vậy, quan niệm “bình đạm” từ Khổng Tử đến Vương Sĩ Chân đã có sự phát triển. Quan niệm “bình đạm” ở dạng hàm ngôn, gắn với tư tưởng Nho giáo, ở dạng tường minh, chủ yếu gắn với Thiền Lão. Giai đoạn đầu, ‘bình đạm” được xem như là một yếu tố thẩm mỹ, càng về sau, “bình đạm” được nâng lên thành lý tưởng thẩm mỹ, phong cách nghệ thuật và trở thành một truyền thống trong văn chương Trung Quốc. Trong đó, “bình đạm không còn đơn thuần là một phạm trù mang tính hình thức thẩm mỹ, mà còn ẩn chứa nội dung tư tưởng. “Bình đạm” trở thành hạt nhân của phong cách “thanh trừng đạm viễn”, gắn với khuynh hướng Thiền Lão-một trong ba khuynh hướng cơ bản của lý luận văn học cổ điển Trung Quốc.
Khi nói đến ‘bình đạm” trong văn chương Trung Hoa, chúng ta không thể không liên tưởng đến các cảm thức thẩm mỹ Aware, Yugen, Sabi và Wabi của văn học Nhật Bản. Trong đó, “bình đạm” rất gần với Yugen, Sabi và Wabi, đặc biệt là Wabi. Wabi là những cái gì thuộc về tự nhiên rất bình thường, đơn sơ, mộc mạc mà ta thấy được. Wabi là một khái niệm của Phật giáo Thiền tông nói đến sự cảm nghiệm về sự thanh bần an lạc, sự dung dị nhưng thanh cao của cuộc sống con người và sự vật. Wabi cũng chính là sự nghèo nàn nhất của tự nhiên trong cuộc sống được đưa vào thơ ca Nhật. Ôtrinnicôp đã nhận xét rất hay về Wabi của người Nhật và rất gần với “bình đạm” của người Trung Hoa như sau: “Wabi- đó là sự vắng mặt một cái gì đấy cầu kỳ, sặc sở, cố ý, mà theo quan niệm của người Nhật là sự tầm thường. Wabi- đó là vẻ đẹp thường ngày, là sự chừng mực thông minh, là cái đẹp của sự giản dị”[16].
II. “Bình đạm” trong quan niệm văn học cổ điển Việt Nam
Trong phần này, chủ yếu tìm hiểu “bình đạm” trong quan niệm văn học ở hình thức tường minh. Ở phần cuối (phần III), khi đề cập đến “bình đạm” trong thơ cổ điển Việt Nam chúng ta sẽ thấy được quan niệm văn học “bình đạm” qua tác phẩm.
Khảo sát các phát biểu của các tác gia cổ điển trong “Từ trong di sản” và “Mười thế kỷ bàn về văn chương”, chúng tôi nhận thấy:
– Phạm trù “bình đạm” rất được quan tâm. Cụ thể, “Từ trong di sản” có 18/60 tác giả phát biểu về “bình đạm” và những yếu tố liên quan đến “bình đạm”; trong “Mười thế kỷ bàn về văn chương” con số này là 18/80. (Các trích dẫn dưới đây, được trích trong “Mười thế kỷ bàn về văn chương”, tập 1, NXB Giáo dục, năm 2007).
– Sự quan tâm của các tác giả về “bình đạm” chủ yếu là từ thế kỷ XVIII trở đi. Trong số 18 tác giả phát biểu về “bình đạm” chỉ có 2 tác giả trước thế kỷ XVIII, số còn lại là từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX.
Các phát biểu của các tác gia cổ điển về “bình đạm” có thể phân thành hai nhóm:
– Một số tác giả thông qua nhận xét về văn chương thời xưa, về các tác giả mà mình ái mộ, để từ đó nêu lên quan điểm của mình. Tiêu biểu: Nguyễn Dữ, Nhữ Bá Sĩ, Nguyễn Đức Đạt, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Sĩ, Nguyễn Văn Siêu, Miên Trinh, Phan Huy Chú.
– Một số khác, trình bày trực tiếp quan điểm của mình. Tiêu biểu: Nguyễn Dữ, Nguyễn Cư Trinh, Vũ Phương Đề, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhậm, Ngô Thì Chí, Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Dưỡng Hạo, Vũ Duy Thanh…
Bài viết căn cứ vào hai nhóm này để tìm ra những điểm chung của “bình đạm”trong quan niệm văn học cổ điển Việt Nam.
Nguyễn Dữ, Nhữ Bá Sĩ, Nguyễn Đức Đạt là ba tác giả lấy thơ xưa để phát biểu quan niệm “bình đạm” của mình. Nguyễn Dữ tán đồng việc theo đuổi cái hùng hồn, bình đạm, tránh sự cầu kỳ của thơ xưa, qua đó đề cao “bình đạm”: “Thơ của người xưa, lấy hùng hồn làm gốc, bình đạm làm khéo, câu tuy ngắn nhưng ý thì dài, lời tuy gần nhưng nghĩa lại xa… ”. Nhữ Bá Sĩ cho rằng để đánh giá tác phẩm hay phải theo điều người xưa nói, trong điều người xưa nói có yếu tố “bình đạm”, gắn với tự nhiên: “Riêng điều tâm muốn, chọn lấy điều chân, tự nhiên gợi bảo, được nó sao gần; Chọn lời cho thực, tìm ý cho sâu, tự nhiên bằng gặp, hay âm dài lâu”. Nguyễn Đức Đạt đã so sánh văn của người thời xưa và văn của thời nay, từ đó ông đã đánh giá thấp văn chương thời nay, ca ngợi văn chương thời xưa, trong đó đã đề cao “bình đạm”: “Văn của người thời xưa có sáu điều, riêng thời nay thì khác. Cái giản của thời xưa là bao quát, cái giản thời nay là sơ sài. Cái phồn của người xưa là chu đáo, cái phồn thời nay là rườm rà. Cái nhỏ của thời xưa là khít khao, cái nhỏ của thời nay là vụn vặt. Cái xa của thời xưa là cao vút, cái xa của thời nay là quạnh vắng. Cái gần của thời xưa là bình đạm, cái gần của thời nay là nông cạn…”.
Một số tác giả cổ điển Việt Nam, hoặc là trích dẫn, hoặc là ca ngợi văn chương của các tác giả Trung quốc, từ đó cũng đã nêu lên quan niệm “bình đạm” của mình. Tán thành quan niệm của Tô Đông Pha, Lê Quý Đôn cho rằng: “Về văn chương phải khiến cho khí tượng cao vút, màu sắc rực rỡ, càng già càng chín chắn, mới đến chỗ bình đạm”. Dẫn lời Tư Không Đồ về 24 phẩm chất của thơ, trong đó có 2 phẩm chất thuộc “bình đạm” đó là “trùng đạm” (Hòa dịu, yên lặng), “sơ nhã” (sơ sài, thanh nhã). Qua việc giải nghĩa lời của thánh nhân, tán đồng với Tô Đông Pha, Tư Không Đồ, Lê Quý Đôn rất đề cao ‘bình đạm” trong văn chương, xem đó là cứu cánh của văn chương. Ngô Thì Sĩ tâm sự, “Khi nhỏ tuổi học làm thơ, tôi tuân theo tôn chỉ bình dị”, bởi ông rất hâm mộ thơ Bạch Cư Dị: “Cái khéo tục không cần tô vẽ, tuy đẽo gọt nhưng không thấy dấu, là ngọc tự nhiên nhưng chẳng có vết gợn…”. Và đây là sự ca ngợi của Miên Trinh dành cho các nhà thơ Trung Quốc: “Cái thần tình của Đào Uyên Minh. Cái xa vời của Mạnh Hạo Nhiên. Cái Thanh Đạm của Vi ứng Vật, cái đôn hậu của Từ Quang Hy,…”. Cũng với xu hướng như vậy, nhưng Phan Huy Chú, Phạm Nguyễn Du lại ca ngợi các nhà thơ cổ điển của Việt Nam. Phan Huy Chú rất đề cao thơ mang yếu tố ‘bình đạm” của Chu Văn An- tác giả đời Trần: “Lời thơ rất trong sáng u nhàn” hay “lời thơ nhàn nhã, tự nhiên, có thể thấy ý thú thanh cao của người ở ẩn”. Nhận xét về Lý Tử Tấn, tác giả thời Lê, Phan Huy Chú viết: “Ông tiêu dao ở các chức nhàn tản, là bậc nhà nho có tuổi thời bấy giờ. Thơ ông chuộng giản dị, phần nhiều có ý thơ cổ”. Phan Huy Chú cũng rất hâm mộ thơ và khen thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm là “thanh tao, tiêu sái, hồn hậu, phong nhã, có ý thú tự nhiên”. Phạm Nguyễn Du ca ngợi đạo, đức, nhân và tài nghệ của Bùi Huy Bích và qua đó đề cao vẻ đẹp anh hoa của “bình đạm”: “ Còn như sự đạm bạc bộc lộ anh hoa, sự chân thực biểu hiện làm tinh túy…”
Tán thành và ca ngợi văn chương thời xưa và văn chương cụ thể của từng bậc tiền nhân ở Trung Quốc và Việt Nam, các tác giả cổ điển Việt Nam đã thể hiện rõ quan niệm “bình đạm” trong văn chương. “Bình đạm” không chỉ là yếu tố thẩm mỹ mà quan trọng hơn đó là phong cách nghệ thuật. Điều này sẽ thể hiện rõ hơn khi phần nhiều các tác giả cổ điển phát biểu một cách trực tiếp quan niệm của mình.
Khi phát biểu trực tiếp quan niệm, các tác giả cổ điển chủ yếu đề cập đến “bình đạm” ở các phương diện: ý nghĩa của “bình đạm”, “bình đạm” gắn với tự nhiên, sự thô vụng, giản dị; “bình đạm” dưới góc độ hình thức ngôn từ; “bình đạm” gắn với tư tưởng.
Về ý nghĩa vai trò của “ bình đạm” trong văn chương, Ngô Thì Nhậm cho rằng, “bình đạm” phối hợp cùng với chức năng “chặn điều xấu, bảo tồn điều hay” là đặc sắc của thơ: “… Thơ mà quá cầu kỳ thì sa vào xảo trá, hoang đường hiu hắt thì phần nhiều sa vào buồn bã. Chỉ có thuần hậu, giản dị, thẳng thắn không giã dối, không xảo trá, không buồn bã mà rốt cuộc chú trọng đến sự ngăn chặn điều xấu, bảo tồn điều hay, mới là cái đặc sắc chính của thơ”. Nhận xét về thể thất ngôn trường thiên, Nguyễn Chí Đình đánh giá cao “bình đạm”, biểu hiện ở sự giản phác trong văn chương: “Thất ngôn trường thiên là thể chế của riêng mình, giản phác nhưng văn chương…”. Một tác giả khuyết danh cho rằng, “bình đạm” chứa sự tuyệt diệu: “Bậc quân tử trái lại, biết xem xét sự vật và diễn đạt qua văn chương, cho nên tuy trống trãi, đạm bạc, chi li, tản mạn mà vẫn bao hàm sự tuyệt diệu ở bên trong”. Tương tự, Vũ Duy Thanh đánh giá cao sự kỳ diệu của “bình đạm”: “Cái diệu lý của đất trời thấy khắp ở sự vật, cái tân kỳ xuất hiện ngay nơi mục nát, cái tinh thần tồn tại ngay nơi nông cạn, cái thưa nhất là cái mau nhất, cái vụng nhất là cái khéo nhất,… Người quân tử phải thẩm sát điều đó mà hình dung nó nơi văn, vì cái kỳ diệu tột bậc thường tồn tại ngay nơi mờ nhạt, vụn vặt chi ly”.
Những biểu hiện của “bình đạm” trong văn chương rất phong phú, tuy nhiên theo một số tác giả cổ điển Việt Nam, “bình đạm” thường gắn với tự nhiên, sự giản dị, vụng về.
Như đã nói ở trên, “bình đạm” là sự biểu hiện của tự nhiên theo quan niệm của Thiền Lão. Vì vậy, khi nói đến “bình đạm”, tiền nhân hay đề cập đến tự nhiên. Lê Quý Đôn từ việc tán thành và đề cao “bình đạm” theo Tô Đông Pha và Tư Không Đồ, đã trực tiếp khẳng định: “Cho nên tôi thường cho rằng cốt yếu về thơ có 3 điều: Tình, Cảnh, Sự. Tiếng tự nhiên (thiên lại) kêu lên ở trong lòng, tình động ở tâm có nhãn căn tiếp xúc với bên ngoài. Cảnh chạm vào ý”. Trong lời khẳng định này, ông đã nói đến “thiên lại” là nói đến tự nhiên, đề cao tự nhiên trong khi sáng tác văn chương. Ngô Thì Nhậm quan niệm làm thơ trước hết phải quý ở tự nhiên, còn việc trang sức phải đặt ở sau: “Người làm văn quý ở mực thước, thanh nhã, hồn nhiên; biết nắm lấy cái thực làm cốt tử, rồi dùng đẹp đẽ trang sức thêm”. Nguyễn Dưỡng Hạo cho rằng âm thanh của trời là thứ âm thanh đầu tiên trong trẻo, nguyên sơ không hỗn tạp. Âm thanh của con người trái ngược với âm thanh của trời, vì sự hỗn tạp, lẫn lộn tà chính. Thi nhân muốn theo được cái đạo của vạn vật thì phải thuận theo đặc tính mộc mạc, đơn sơ của đạo tự nhiên và thể hiện sự “bình đạm” trong văn chương: “Nói chung hiểu trời bằng sự giản dị, hiểu đất bằng sự đơn sơ, thênh thênh rất công bằng, có sự huyền diệu ứng hợp để tạo thành sự vật, suy nó nơi việc làm, đặt nó nơi ngôn từ, từ cái này suy tới cái khác, gặp vật phấm đề, phong vận tự nhiên không do đẽo gọt, há không phải là đã nắm được nguyên thanh đó sao?”.
Cũng đã nói ở trên, trong “bình đạm” có mộc, phác, chuyết. Vì vậy “bình đạm” thường gắn với sự giản phác, vụng về.
Vũ Phương Đề khi bàn về văn thơ, ông quan niệm rằng, trong thời văn thơ xu thời, hào nhoáng, khinh bạc, nên tôn trọng những thơ “tuy mộc mạc quê mùa, nhưng ý lại trung hậu”. Và những bài thơ như vậy nên khen, không nên chê. Theo ông nên “trừ bỏ loại văn phù hoa trống rỗng để vãn hồi nền văn chương trong sáng, chân thực”. Qua đó, chúng ta thấy Vũ Phương Đề quan niệm “bình đạm” ở sự mộc mạc, quê mùa. Quan niệm này chúng ta còn bắt gặp ở Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Chí, Ngô Thời Nhậm, Vũ Duy Thanh… Riêng Ninh Tốn, ông đã nói rất hay về cài thô vụng trong “bình đạm”. Ông đã sáng tác thơ Chuyết sơn và tự mình viết lời tựa. Trong đó, ông đề cao “cái thô” vụng rất Lão Trang: “Ta muốn lấy cái thô vụng của nó. Nói chung khi cái hỗn độn chưa mở ra thì đúng là mờ mịt; trong khoảng vũ trụ toàn là một khối thô vụng”… “Núi lấy cái thô vụng làm khả thủ thì cái thô vụng trong cái thô vụng càng là chỗ thích hợp sâu xa của lòng ta”. “Nói chung tâm hồn của trẻ là chân thực và không dối trá, yêu cha mẹ, thuận theo người trên đều là bản tính tự nhiên, những điều đó hoàn toàn ở trong cái thô vụng này”.
Một số tác giả khi nói về “bình đạm”, thường nhìn nó dưới góc độ hình thức ngôn từ. Nguyễn Dữ cho rằng: “Thơ của người xưa, lấy hùng hồn làm gốc, bình đạm làm khéo, câu tuy ngắn nhưng ý thì dài, lời tuy gần nhưng nghĩa lại xa… ”. Trong cách nói này, “bình đạm” gắn với hình thức ngôn từ. Nguyễn Cư Trinh cũng cho rằng:“…lời thơ phải gản dị…”, Ngô Thì Chí cũng có quan niệm tương tự khi bàn về bài phú Mơ Thiên thai, ông nói : “Xem kỹ cách đặt từ và lập ý, đẹp mà không xa hoa, thanh mà có dư vị, hầu như được viết nên một cách tự nhiên”. Qua cách giải nghĩa lời nói của thánh nhân, Lê Quý Đôn cũng có quan niệm “bình đạm” trong ngô ngữ: “lời nói cốt đạt bình dị mà thôi”. Quan niệm này chúng ta còn bắt gặp ở Nguyễn Dữ, Nguyễn Dưỡng Hạo, Phan Huy Chú…,.
Bên cạnh đó, một số tác giả xem “bình đạm” không chỉ là hình thức, cái biểu hiện ra bên ngoài mà nó còn gắn với tâm hồn, tư tưởng của nhà văn. Theo Lê Quý Đôn, chính “bình đạm” từ trong tâm hồn sẽ quyết định đến văn chương: “Nếu ý hứng, tâm hồn vẫn giữ được bình đạm, mỗi khi diễn tả và phát ra, thì càng thêm ung dung”. Tương tự, Nguyễn Đức Đạt nói về quan hệ giữa văn và người và qua đó đề cập đến “bình đạm” trong văn và người: “Văn như con người của nó. Văn thâm hậu thì con người của nó trầm mà tĩnh; văn ôn nhu thì con người của nó khiêm mà hòa; văn cao khiết thì con người của nó đạm mà giản…”. Phạm Nguyễn Du thì cho rằng, “bình đạm” bộc lộ vẻ đẹp của con người: “ Còn như sự đạm bạc bộc lộ anh hoa, sự chân thực biểu hiện làm tinh túy…”. Quan niệm văn chương với cuộc đời của Ngô Thế Vinh cũng mang yếu tố “bình đạm”: “Cái biến của văn chương thông suốt với chính sự. Cho nên thơ văn của thời trị thì thuần phác và cao cả, thơ văn của thời loại không phồn tạp ẻo lả cũng hiểm quái mà thôi”. Ngô Thì Hoàng và Ninh Tốn thì quan niệm “bình đạm” gắn hư tĩnh để nuôi dưỡng tâm tính. Ngô Thời Hoàng cho rằng “mùa thu” và ‘thiền” là khởi phát của “bình đạm” trong lòng: “…có lẽ không gì thanh bằng thu, không gì đạm bằng thiền. Đón trăng sáng trước hàng hiên, với gió mát bến tĩnh xá, thoát nỗi u hoài, tiêu niềm tục lụy, nuôi tính thanh đạm trong lòng ta”. Ninh Tốn thì cho rằng, chính cái thô vụng trong “bình đạm” sẽ là nơi con người trở về với ‘tâm không”, “tâm trai” theo quan niệm Thiền Lão: “Có lẽ thánh hiền muốn người ta phải thường xuyên duy trì cái thô vụng ấy, thì cái tâm mới được “khiêm hư””.
III. “Bình đạm” trong thơ cổ điển Việt Nam
Bản thân “bình đạm” có nội hàm phong phú, khi thể hiện trong văn chương cũng đa dạng, uyên áo vô cùng. Trong phần này, chúng tôi chỉ tìm hiểu một số biểu hiện tiêu biểu của phong cách “bình đạm” trong thơ cổ điển Việt Nam. Như đã nói, quan niệm “bình đạm” trong văn chương mang màu sắc Thiền Lão, vì vậy, trong thơ cổ điển Việt Nam, “bình đạm” chủ yếu được biểu hiện trong thơ Thiền và một số tác giả cổ điển có thiên hướng gắn với tư tưởng “nhàn”, ẩn dật. Và cũng chính điều đó, phong cách “bình đạm” trong thơ cổ điển Việt Nam thường được biểu hiện qua: (1) Tư tưởng hòa đồng, lấy cảm hứng từ thiên nhiên; (2) Những gam màu nhạt trong thơ; (3) Ngôn ngữ giản dị, hàm súc; (4) tứ thơ ngắn gọn; (5) “Sự dửng dưng” của người nghệ sĩ.
(1) Nói theo ngôn ngữ của Lão Trang, “bình đạm” là biểu hiện của đạo, là đức của đạo, mà đạo là tự nhiên. Vì vậy, “bình đạm” trong thơ cổ điển Việt Nam biểu hiện trước hết là ở tư tưởng hòa đồng và lấy thiên nhiên làm nguồn cảm hứng. Các nhà thơ cổ điển Việt Nam sống với tự nhiên, lấy thiên nhiên làm thi liệu, đó còn là nơi để gửi gắm tâm hồn và di dưỡng tính tình.
Thơ Thiền, mà cụ thể là thơ “Thiền ý” là loại thơ giàu hình tượng cảm xúc. Lấy giai hứng, giai thú, tức là hứng thú đẹp, tao nhã, thanh tịnh trước thiên nhiên cuộc sống. Điều này thể hiện rõ trong thơ của Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung, Huyền Quang…,. Cảm hứng Thiền thi đến từ sự trong lành, tươi mới của buổi sáng mùa xuân, hay sự mong manh, ngắn ngủi của mùa thu vàng. Đó còn là cảm xúc Thiền, cũng là cảm xúc thi ca đến từ một âm thanh quen thuộc của tiếng chày đập vải trong buổi đêm yên tĩnh, hay cánh cò trắng bay trên cánh đồng, hình ảnh mục đồng dắt trâu về. Cảnh sắc thiên nhiên trong thơ Thiền chính là sự giao tiếp tương cảm giữa cái “tâm bình thường” với phong cảnh thiên nhiên. Đối với Thiền sư, việc tu Thiền cũng gắn liền với công việc lao động của đời sống thường nhật như trồng lúa, hái rau, đốn củi, rong chơi tự do tự tại. Bản chất của Thiền tông là sự kết hợp giữa đạo và đời, cái đẹp được nhìn qua lăng kính Thiền, vì vậy càng bình đạm, thanh khiết.
Sau thơ Thiền Lý Trần, các nhà thơ cổ điển Việt Nam, nhất là các nhà thơ yêu chuộng lối sống ẩn dật, đều xem thiên nhiên là bầu bạn, là nơi để vừa thể hiện nỗi lòng của mình, vừa là nơi để nuôi dưỡng tâm tính. Có thể kể ra các nhà thơ tiêu biểu:
Chu Văn An với tư tưởng “nhàn” đã hòa mình vào thiên nhiên với lối sống nơi thôn quê “cửa trúc”, “giếng cổ”, “khói trà” rất giản dị, bình lặng, cô tịch:
Nhà núi tịch mịch suốt ngày nhàn,
Cửa trúc che nghiêng đỡ rét nhẹ.
Biếc lẫn sắc cỏ trời như say,
Hồng thẳm ngọn hoa sương chưa ráo.
Thân mình cùng mây cô, quấn quýt núi hang,
Tâm mình giống giêng cổ, không hề gợn sóng.
Hơi xông gỗ bách gần ngụi, khói trà hết,
Một tiếng chim khe mộng xuân tàn. (Ngày xuân)
Đại thi hào Nguyễn Trãi là người “giàu có” nhất về thiên nhiên. Ông có cả kho và thuyền đầy ắp thiên nhiên:
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then
Và thiên nhiên trong thơ của Ức Trai mang màu sắc “bình đạm”:
Hương cách gác vân thu lạnh lạnh
Thuyền kề bãi tuyết nguyệt chênh chênh. (Báo kính cảnh giới 31)
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn bó hầu như cả đời với thiên nhiên ( trừ 8 năm làm quan), tiêu biểu là “Bạch Vân quốc ngữ thi” với gần một trăm bài thơ nôm. Trong tập thơ này, ngoài nội dung về thế thái nhân tình, chủ yếu là thơ vịnh cảnh nhàn tản gắn với thiên nhiên, mà theo nhận xét của Dương Quảng Hàm: “Lời thơ bình đạm mà có ý vị”[17]:
Cây tĩnh chim về xanh loáng khói
Ao thanh cá lội nước tuôn là. ( Thơ nôm 126)
Với Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu đã khẳng định là “nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam”. Nhận định đó cũng đủ thấy thiên nhiên trong thơ Nguyễn Khuyến đậm đặc đến mức nào. Và thiên nhiên làng quê trong thơ ông cũng mang sắc thái “bình đạm”. Điều này thể hiện nổi bật trong ba bài thơ thu của ông và một số bài thơ thiên nhiên khác, tiêu biểu:
Mặt nước mênh mông nổi một hòn,
Núi già nhưng tiếng vẫn còn non,
Mảnh cây thưa thớt đầu như trọc,
Ghềnh đá long lanh ngấn chửa mòn.
Một lá về đâu xa thẳm thẳm,
Nghìn nhà trông xuống bé con con. ( Vịnh núi An Lão)
Bà Huyện Thanh Quan không để lại thơ nhiều (có tài liệu nêu chỉ có 6 bài), tuy nhiên mỗi bài thơ của Bà là một bức tranh thủy mặc, một thể loại tranh tiêu biểu của phong cách “bình đạm”. Bài thơ Qua đèo Ngang là một điển hình, và đây là những câu thơ tiêu biểu trong một bài thơ khác:
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán,
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ. ( Tức cảnh chiều thu)
(2) Có thể nói rằng, những bài thơ về thiên nhiên của các tác giả cổ điển đều có nét đặc trưng là “thi trung hữu họa”. Mỗi bài thơ là một bức tranh thủy mặc với vài nét chấm phá và gắn với gam màu nhạt, nhưng trong sáng. Đây là một biểu hiện rất rõ phong cách “bình đạm” của các thi nhân cổ điển Việt Nam. Gam màu nhạt được thể hiện trước hết là những hình ảnh thiên nhiên không sặc sở, lòe loẹt mà hết sức mộc mạc, bình dị. Đó có thể là những hình ảnh của thiên nhiên ẩn hiện mờ xa như núi non, sông suối, áng mây, mưa, trăng, sóng, cây cỏ, bướm, hoa… Đó cũng có thể là những hình ảnh rất đời thường như: am cỏ, lều tranh, phên tre, giếng cổ, thềm nhà… Tất cả những hình ảnh thiên nhiên đó được các thi nhân vẽ nên một cách chân thực, đơn sơ, gắn với màu nhạt của mùa thu, trời chiều, đêm khuya, làng quê, khói, mưa, rêu xanh…,. Đây là một trong nhiều bức tranh tiêu biểu như thế:
Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền
(Trần Nhân Tông – Thiên Trường vãn vọng)
(Thôn trước thôn sau nhạt khói lồng,
Bóng chiều nửa có nửa hư không.
Đi trong tiếng sáo trâu về hết,
Cò trắng song song liệng xuống đồng)
(Trần Lê Văn dịch)
Bài thơ thể hiện triết lý Phật giáo qua các phạm trù Thiền “hữu” và “vô”, để rồi khung cảnh buổi chiều hiện ra trong trạng thái tĩnh tại, nhòa mờ giữa mênh mông quạnh vắng, xa xa tiếng sáo mục đồng theo trâu về chuồng, còn lại giữa bao la đồng ruộng là hình ảnh từng đôi cò trắng chao liệng. Bức tranh “vãn vọng” lấy động để tả tĩnh. Ý thơ thanh thoát, nhẹ nhàng; sắc thơ gần gũi, mộc mạc, tạo nét đẹp vừa tĩnh lặng, vừa ảo huyền. Màu sắc chủ đạo là những màu trầm nhạt, âm thanh mộc mạc của khung cảnh đồng quê, cùng những hình ảnh quân bình nhưng lại tạo nên một thi phẩm tuyệt đẹp. Đây chỉ là một trong những bài thơ rất “bình đạm” của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đúng như nhận xét của Trần Thị Băng Thanh: “Đọc thơ Trần Nhân Tông, tôi cảm nhận được một trong những vẻ đẹp của thơ người là “cái đạm””[18].
Như vậy, từ gam màu nhạt, hình ảnh thơ thiên về những đường nét, hình ảnh cảnh vật đơn giản, mộc mạc. Mới nhìn sẽ thấy nó rất bình dị, tuy nhiên chính sự đạm phác đó lại làm nên một bức tranh toàn cảnh có chiều sâu, càng cảm càng thấy đẹp. Đây chính là những hình ảnh giản dị, tinh túy và giàu ý nghĩa, tạo những khoảng trống im lặng giàu sức gợi mở, tái hiện trong sự bừng ngộ, sự kết nối con người và thiên nhiên. Những hình ảnh này không chỉ có trong thơ Thiền mà chúng ta còn bắt gặp nhiều ở các nhà thơ cổ điển khác.
Trong sự sầu bi, nhớ thương vô cùng của người chinh phụ, khung cảnh hiện ra chất chứa nỗi lòng. Chất liệu tạo nên khung cảnh bàng bạc là màu nhạt với mùa thu, sương, mưa, liễu, ngô đồng, cây chuối, cộng với những âm thanh gợi nỗi cô tịch: tiếng trùng, tiếng mưa, tiếng chim gù, tiếng gió, tiếng dế, tiếng chuông chùa. Tất cả đã tạo nên một bức tranh với gam màu nhạt nhưng “nồng” chan chứa tiếng lòng của người cô phụ:
Hoài nhân xứ thương tâm hung
Thụ diệp thanh sương lý
Cùng thanh tế vũ trung
Sương phủ tàn hề dương liễu
Vũ cứ tổn hề ngô đồng
Điểu phản cao thung
Lộ há đê tùng
Hàn viên hậu trùng
Viễn tự hiểu chung
Tất suất sổ thanh vũ
Ba tiêu nhất viện phong
Phong liệt chỉ song xuyên trướng khích
Nguyệt di hoa ảnh thướng liêm lung
(Chinh phụ ngâm-Đặng Trần Côn)
Cảnh buồn người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa thu .
Sương như búa bổ mòn gốc liễu,
Mưa dường cưa xẻ hóe cành khô
Giọt sương phủ bụi chim gù,
Sâu tường kêu vẳng, chuông chiều nện khơi.
Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc,
Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên.
Lá màn lay, ngọn gió xuyên,
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm.
( Đoàn Thị Điểm, diễn Nôm)
Thi hào Nguyễn Du cũng là bậc thiên tài về tả cảnh thiên nhiên, ngoài thơ Nôm, thơ chữ Hán của ông cũng có rất nhiều bài vịnh cảnh mang màu sắc “bình đạm”. Trong “Vọng Thiên Thai tự”, chúng ta lại bắt gặp chất liệu màu nhạt của mùa thu, chùa cổ, lá vàng, mây trắng và màu áo của nhà sư:
Thiên Thai sơn tại đế thành đông,
Cách nhất điều giang tự bất thông.
Cổ tự thu mai hoàng diệp lý,
Tiên triều tăng lão bạch vân trung.
(3) Một trong những biểu hiện khác của phong cách “bình đạm” đó là ở việc sử dụng ngôn ngữ giản dị nhưng giàu sức gợi mở. Về phương diện ý thức hệ, phong cách “bình đạm” là một sự nối tiếp tất yếu đầy mới mẽ. Đã qua rồi cái thời, thi nhân chỉ vốn rập khuôn theo cổ nhân, ngôn từ thì ước lệ trau chuốt, thiếu tính chân thực và giản dị. Không còn những ngôn từ khác lạ, xa hoa, hay lối văn chương bộc lộ thái quá, thay vào đó là những bài thơ với tinh thần trong trẻo, bình lặng, nhưng uyên áo, xa xăm, kỳ diệu vô cùng,.. được nhiều nhà thơ cổ điển chuộng hơn cả. Ngôn ngữ được sử dụng trong thơ cổ điển Việt Nam dù viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm, đặc biệt nhất là thơ chữ Nôm rất bình dị, mộc mạc gắn với đời sống thường nhật. Tuy nhiên, đó không đơn thuần là đơn sơ, giản lược mà có sức gợi mở to lớn. Điều này, trước hết được thể hiện rõ trong thơ Thiền.
Ngôn ngữ trong thơ Thiền là thứ ngôn ngữ “vô ngôn”, vi diệu. Thơ Thiền nói ít nhưng gợi nhiều, mở ra ý nghĩa vô hạn bởi sự bức phá to lớn của sức mạnh nội tại. Bài thơ Lạng Châu vãng cảnh của Trần Nhân Tông là một ví dụ tiêu biểu. Bài thơ mở ra một không gian vắng lặng, tĩnh tại trong buổi chiều mùa thu, với chùa xưa, núi lặng, nước quang, mây tạnh, gió im. Trong không gian tĩnh lặng đó, tiếng chuông sơn tự vọng lại, vài cây thưa thớt đỏ như tô thêm nét tiêu sơ cho cảnh chiều phiêu bồng nhẹ trôi làm giảm đi sự mờ nhạt của quang cảnh:
Cổ tự thê lương thu ái ngoại
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.
Thủy minh sơn tĩnh bạch âu quá,
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ
(Chùa xưa lạnh lẽo khói thu mờ
Chiều quạnh thuyền câu, chuông vắng đưa
Núi lặng, nước quang âu trắng lượn,
Tạnh mây, im gió đỏ cây thưa.)
(Trần Lê Văn dịch)
Bài thơ không hề dùng những ngôn từ khoa trương, diễm lệ, hình ảnh thơ mộc mạc, tứ thơ cô đọng nhưng lại giàu tính biểu trưng. Thiên nhiên, cảnh vật được thể hiện dưới ngòi bút rất đổi bình thản, tự nhiên của thi nhân, vẻ đẹp, ý nghĩa của bài thơ có sức lan tỏa kỳ diệu bởi ngôn ngữ, những khoảng trống im lặng tinh tế. Bài thơ tựa như bức tranh thủy mặc, mà khi nhìn ngắm nó, người thưởng thức cảm nhận tâm hồn mình như được soi chiếu và hòa đồng cùng cảnh vật. Một vẻ đẹp được cảm nhận chậm rãi, từ tốn nhưng sâu sắc và vô hạn.
Trong thơ cổ điển, bên cạnh thơ chữ Hán, thơ chữ Nôm chiếm số lượng lớn. Trong thơ Nôm, một điều dễ nhận thấy đó là ngôn ngữ bình dị, đời thường, gắn với cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên điều đó không gây cảm giác thô kệch, dân dã mà trái lại rất thi vị, hàm súc và có sức gợi mở. Điều này chúng ta thấy rõ trong thơ chữ Nôm của Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn Công Trứ…,.
(4) Phong cách bình đạm còn thể hiện ở tứ thơ ngắn gọn, đặc biệt là thơ tứ tuyệt. Đó là thể thơ ngắn gọn nhưng giàu sức chứa, gợi nhiều hơn là tả, chú trọng ở lớp ý nghĩa ngầm ẩn thôi thúc người đọc không ngừng khám phá. Bài thơ Tảo thu của Huyền Quang là một trong những bài thơ Thiền đặc sắc:
Dạ khí phân lương nhập họa bình,
Tiêu tiêu đình thụ báo thu thanh
Trúc đường vong thích hương sơ tẫn,
Nhất nhất tùng chi võng nguyệt minh
(Hơi mát đêm thâu lọt tới mành,
Cây sân xào xạc báo thu thanh.
Bên lều quên bẵng hương vừa tắt,
Lưới bủa vầng trăng mấy khóm cành.)
( Nguyễn Đổng Chi dịch)
Trong bài thơ này, chỉ bốn câu thơ 28 chữ nhưng tác giả đã thể hiện cái thần của mùa thu, khung cảnh bao la của vũ trụ, sự trong sáng, thanh khiết của cảnh vật và sự giao hòa của tâm hồn con người trong khoảnh khắc đốn ngộ trở nên tự do tuyệt đối. Khung cảnh trong thơ mộc mạc, dung dị, hình ảnh thơ tĩnh tại với mái tranh, hàng cây hiu hắt, bên thềm vào thu được tô điểm và khuấy động thêm bởi cơn gió mành và nhành cây dưới ánh trăng. Hình ảnh “Tiêu tiêu đình thụ báo thu thanh” thu vào cả đất trời và vẻ đẹp thanh thoát, bình dị của đêm thu. Điểm chấm phá này gợi nhớ đến phong cách tranh sơn thủy, chỉ dùng những đường nét chấm phá nhưng lại lột tả được cái thần của bức tranh. Ở đây, chỉ bằng một nhành cây dưới ánh trăng, tác giả đã lột tả trọn vẹn được vẻ đẹp và thần thái của buổi đêm mùa thu. Con người trong thơ xuất hiện không phải là một chủ thể quan sát đối tượng mà thực sự đã trở nên vô ngã hòa làm một với cảnh vật. Bài thơ ngắn gọn, súc tích nhưng gợi nhiều, ngôn từ, hình ảnh thơ đạm bạc giản dị nhưng đẹp và sâu sắc.
Không chỉ xuất hiện nhiều trong thơ Thiền, thể thơ tứ tuyệt còn rất được các tác giả cổ điển khác yêu chuộng. Chính Nguyễn Trãi cũng rất chuộng thể thơ này:
Say mùi đạo trà ba chén
Tả lòng phiền thơ bốn câu. ( Thuật hứng 13)
Nếu như từ từ thế kỷ XIV trở về trước, thơ tứ tuyệt chỉ được viết bằng chữ Hán, thì từ thế kỷ XV đến hết thế kỷ XIX, thơ tứ tuyệt có cả hai bộ phận chữ Hán và chữ Nôm. Bộ phận thơ tứ tuyệt chữ Nôm đã tạo nên sự mới mẻ cả về nội dung và hình thức nghệ thuật, tuy nhiên vẫn giữ được đặc trưng hàm súc, nhiều sức gợi. Thơ Nôm tứ tuyệt của Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương…, đều có chung những điểm như vậy. Hai ví dụ tiêu biểu về sức gợi và ý nghĩa ẩn ngầm của thơ Nôm tứ tuyệt:
Muối pha bãi bạc sông sâu hoáy,
Chàm nhuộm cây xanh núi tuyệt mù.
Khói quán mây ngàn tuôn ngùn ngụt,
Chợ quê sóng bể dức ù ù…
(Núi Thần Phù– Lê Thánh Tông)
Gõ cửa làm chi quấy cả ngày
Hỏi ra mới biết lão ăn mày.
Ăn mày chớ có ăn tao nhé,
Gạo kém, đồng kho mới thế rầy.
(Ăn mày – Nguyễn Khuyến)
(5) Khi “Bàn về cái nhạt”, Francoise Jullien, đã nói rất hay về “bình đạm” của người nghệ sĩ. Ông cho rằng, biểu hiện của “bình đạm” của người nghệ sĩ đó chính là “sự dửng dưng”. Trong thơ cổ điển Việt Nam, “sự dửng dưng” này đã được các tác gia cổ điển thể hiện ở thái độ an nhiên, tự tại, vô úy trước sinh tử, thịnh suy và cả danh vọng của cuộc đời. Phải nói ngày rằng, “sự dửng dưng” của các nhà thơ cổ điển Việt Nam hoàn toàn không hàm nghĩa tiêu cực và vô trách nhiệm. Đây là thái độ của những con người đã thấu hiểu lẽ sinh tử, hiểu rõ quy luật của tự nhiên, sống hòa điệu cùng quy luật. Họ sống khiêm tốn, mờ nhạt bên ngoài để nuôi dưỡng cái bên trong là tài năng và phẩm hạnh và cả sự “diệu ngộ”.
Về lẽ sinh tử, Thiền sư Diệu Nhân trong bài “Thị tịch kệ” đã xem sống chết là lẽ thường nhiên. Phải là người ngộ đạo mới có thể tự tại mà kệ rằng:
Sinh lão bệnh tử
Tự cổ thường nhiên
Cũng về lẽ sinh trụ dị diệt của con người, Thiền sư Viên Chiếu đã bày tỏ thái độ bình thản trước cái biến động, tự tại trong cái vô cùng. Điều này có được, bởi đã đạt đến tâm hư tĩnh, không còn vướng vào sắc tướng, không lo sợ trước cái tất yếu của sinh tử:
Thân như tường bích bĩ đồi thì,
Cử thế thông thông thục bất bi?
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng,
Sắc không ẩn hiện nhậm suy di. (Tâm không)
(Thân như tường vách đã lung lay
Lật đật người đời, những xót thay.
Nếu được “lòng không” không tướng sắc,
“Sắc”, “không”, ẩn hiện, mặc vần xoay.)
(Ngô Tất Tố dịch)
Và cũng với thái độ đối diện trước sự vô thường, biến động của con người và vạn vật. Khi đạt đến “nhậm vận”, tức là trở về với tự tính, an nhiên trong sự vận động thì không còn lo sợ trước thịnh suy, thay đổi. Với thái độ “vô úy”, Vạn Hạnh đã “Thị để tử” rằng:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
(Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.)
(Ngô Tất Tố dịch)
Cũng mang đậm chất Thiền Lão, Tuệ Trung đã dửng dưng, tự tại trước cuộc đời, mà cụ thể là trước danh vọng, phú quý:
“Đốt đốt phù vân hề, phú quý!
Hu hu quá khích hề, niên quang!” (Phóng cuồng ngâm)
(Chà chà giàu sang như áng mây nổi
Chao ôi, năm tháng như bóng ngựa chạy qua khe cửa)
Không chỉ các Thiền sư, các nhà thơ cổ điển Việt Nam cũng luôn thức tỉnh, đứng trên cả công danh, vinh hoa trong cuộc đời. Chu Văn An trong “Đề Dương công Thủy Hoa đình” đã ngoảnh mặt với những rắc rối của trần thế để tiêu dao đến vô cùng:
Hồi đầu tạ thế phân
Tiêu dao du bát cực
Và trong “Giang đình tác”, cũng với tư thế, thái độ như vậy, ông viết:
Công danh dĩ lạc hoang đường mộng
Hồ hải liêu vi hãn mạn du.
Tự khứ tự lai hồn bất quản,
Thương ba vạn khoảnh tiễn phi âu
(Công danh lạc mộng hoang đường
Tấm thân hồ hải xem thường cuộc chơi.
Dầu đi dầu lại thảnh thơi,
Thèm như chim biển ngàn khơi vẫy vùng)
(Băng Thanh dịch)
Nguyễn Trãi, sau khi trả xong nợ công danh, ông đã “đủng đỉnh”, trước sự vô thường và ảo ảnh của cuộc đời:
Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay
Trong thế giới phút chim bay. (Mạn thuật 4)
Nguyễn Bỉnh Khiêm lại tỏ thái độ “nhàn” với vinh hoa phù du và như thế ông đã di dưỡng được tính tình:
Yếm khan trọc thế đấu phù vinh
Tân quán thâu nhàn ngã độc thanh. ( Ngụ hứng)
(Chán nhìn trò đời đua chen vinh hoa hão ở cái đời vấn đục này, Thâu nhàn trong quán Trung Tân, riêng ta trong sạch)
Riêng Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong thơ ông xuất hiện nhiều chữ “nhàn” và chữ “tự tại”, đặc biệt là trong “Bạch Vân quốc ngữ thi tập”. Hai chữ này cũng đã nói lên thái độ an nhiên, tiêu dao với cuộc đời của Nguyễn Bình Khiêm. Ngoài ra, trong thơ, Trạng Trình còn bày tỏ thái độ “dại”, “vụng” trước cuộc đời. Đây cũng là một thái độ mang màu sắc “bình đạm” của ẩn sĩ Bạch Vân.
Như vậy, thơ cổ điển Việt Nam, không trực tiếp nói lên quan niệm “bình đạm”, nhưng qua việc tìm hiểu các biểu hiện của “bình đạm” trong tác phẩm thơ cổ điển Việt Nam, chúng ta nhận thấy: Nhiều tác giả cổ điển Việt Nam rất yêu chuộng lối thơ mang phong cách “bình đạm”, và cũng giống như quan niệm trực tiếp về “bình đạm”, các biểu hiện của “bình đạm” trong thơ cổ điển Việt Nam vừa là mang tính tư tưởng, vừa gắn với hình thức nghệ thuật.
IV. Kết luận
Cũng giống như Trung Quốc, “bình đạm” trong quan niệm văn học cổ điển Việt Nam không đơn thuần là một yếu tố thẩm mỹ, mà đã được nâng lên thành lý tưởng thẩm mỹ, phong cách nghệ thuật và trở thành một nét truyền thống trong văn chương cổ điển Việt Nam. “Bình đạm” trong quan niệm hay trong sáng tác văn học cổ điển Việt Nam có nội hàm phong phú, uyên áo và trở thành hạt nhân của khuynh hướng Thiền Lão- một trong bốn khuynh hướng cơ bản của quan niệm văn học cổ điển Việt Nam. “Bình đạm” trong văn học cổ điển Việt Nam có cội nguồn từ Trung Quốc nhưng mang dấu ấn Việt Nam. Bởi nó gắn với tình yêu quê hương, đất nước; yêu chuộng hòa bình và đặc biệt là gắn với cách sống giản dị, liêm chính; cách ứng xử linh hoạt, an nhiên, tự tại; cách tu mà “vô tu”, “hòa quang đồng trần”, “cư trần lạc đạo” của người Việt Nam.
Sở dĩ “bình đạm” rất được ưa chuộng và có sức hấp dẫn đối với văn học các nước thuộc khu vực văn hóa chữ Hán nói chung và văn học cổ điển Việt Nam nói riêng, trước hết vì nó mang tính tư tưởng. “Bình đạm” gắn với lý tưởng sống, gắn với tư tưởng, tâm hồn và nhân cách của người nghệ sĩ. Thứ hai, vì nó gắn liền với thị hiếu thẩm mỹ sùng thượng tự nhiên, đề cao hư tĩnh và phù hợp với truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc của người phương Đông. Thứ ba, vì nó gắn với sự giản dị, lạt, dợt, ít, mỏng, sơ sài…rồi từ đó những khoảng không, rỗng, lặng hiện ra; nó hiện ra cái u, cái tế, cái vi, cái mật, cái huyền, cái viễn, cái thâm, cái vô cùng,…nó là sự giản dị giàu sức gợi, chứ không phải là giản dị nghèo nàn. Thứ tư, vì “bình đạm” gắn với sự siêu thoát nội tâm mà cả Thiền và Lão Trang đem đến cho con người trên thế gian này.
———————————
Chú thích:
[1] Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM, Một số vấn đề về lý luận văn học cổ điển Trung Quốc- Báo cáo HNKH “Cái nhìn mới về lý luận văn học cổ điển Trung Quốc”, năm 2006, tr.144.
[2] Francois Jullien, Bàn về cái nhạt, NXB Lao động, năm 2013, tr.31.
[3] Francois Jullien, Bàn về cái nhạt, NXB Lao động, năm 2013, tr.7.
[4] Francois Jullien, Đại tượng vô hình, NXB Đà Nẵng, năm 2004.
[5] Trần Thanh Đạm, Võ Thị Hảo, Lưu Hiệp Văn tâm điêu long, NXB Văn học, năm 2007, tr.448.
[6] Trần Thanh Đạm, Võ Thị Hảo, Lưu Hiệp Văn tâm điêu long, NXB Văn học, năm 2007, tr.330.
[7] Chung Vinh, Thi phẩm tập bình, Nguyễn Đình Phức và Lê Quang Trường dịch, NXB Văn nghệ, năm 2007, trang 233, 244, 249, 289.
[8] Francois Jullien, Bàn về cái nhạt, NXB Đà Nẵng, năm 2033, tr.100.
[9] Đoàn Lê Giang, Giáo trình lý luận văn học Trung Quốc, Tài liệu dùng cho học viên cao học, trường ĐHKHXH&NV THPCM, năm 2006, tr.106.
[10] Francois Jullien, Bàn về cái nhạt, NXB Đà Nẵng, năm 2033, tr.105.
[11] Đoàn Lê Giang, Giáo trình lý luận văn học Trung Quốc, Tài liệu dùng cho học viên cao học, trường ĐHKHXH&NV THPCM, năm 2006, tr.107.
[12] Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM, Một số vấn đề về lý luận văn học cổ điển Trung Quốc- Báo cáo HNKH “Cái nhìn mới về lý luận văn học cổ điển Trung Quốc”, năm 2006, tr.339.
[13] Khâu Chấn Thanh, Lý luận văn hoc, nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, NXB Giáo dục Hà nội, năm 1995, tr.178.
[14] Francois Jullien, Bàn về cái nhạt, NXB Đà Nẵng, năm 2033, tr.126.
[15] Giản Chi, Vương Duy thi tuyển, NXB Văn hóa Thông tin, TPHCM, năm 1993, tr.27.
[16] V.V Ôtrinnicôp, Phong Vũ dịch , Những quan niệm thẩm mỹ độc đáo về nghệ thuật của người Nhật, tạp chí văn học số 5/1996, tr.62.
[17] Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, NXB Trẻ, năm 2005, tr.392.
[18] Trần Thị Băng Thanh, Cảm nghĩ về thơ Trần Nhân Tông, tạp chí Hán Nôm số 4/2009, tr.3-14.
Theo LÊ ĐẮC TƯỜNG / TẠP CHÍ ĐẠI HỌC SÀI GÒN
Tags: Văn học, Mỹ học