⠀
Học thuyết sức mạnh biển hiện đại và triển vọng áp dụng với Việt Nam
Giới thiệu về lý thuyết Sức mạnh biển hiện đại và phân tích các thành tố sức mạnh biển của Việt Nam theo học thuyết này, từ đó đề xuất một số giải pháp bảo vệ sức mạnh biển trong bối cảnh hiện nay.
Tác giả: Dư Văn Toán, Viện nghiên cứu biển và hải đảo
>> Thuyết Sức mạnh biển của Alfred Thayer Mahan |
I. Học thuyết sức mạnh biển hiện đại
Trong lịch sử cổ đại, các dân tộc-các nhà nước ven biển đều phát triển các chính sách nhằm thực hiện tốt ba lĩnh vực cơ bản: sản xuất hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, bảo vệ an toàn vận chuyển hàng hóa, muốn thế, phải có lực lượng hải quân và đội thương thuyền mạnh cùng một mạng lưới các căn cứ địa trên biển-đại dương. Đây chính là những nền tảng của “Quyền lực biển-(seapower)” hay Sức mạnh biển mà học giả Alfred Mahan đã đưa ra thành lý thuyết vào năm 1890.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sức mạnh biển quốc gia hiện đại bao gồm nhiều thành tố phức hợp hơn thời của Mahan. Nó phụ thuộc vào chính sách biển tổng hợp của quốc gia bao gồm các mặt trận: thứ nhất là đối ngoại, thứ hai là phòng thủ, quân sự (hải-lục-không quân), và thứ ba là hàng hải, thương mại (hình 1), cùng nhiều yếu tố như địa thế biển, tài nguyên biển, các ngành kinh tế biển (hàng hải, đánh bắt cá, bảo hiểm hàng hải, đóng sửa tàu, năng lượng tái tạo), trình độ dân cư, cấu trúc xã hội, thể chế chính phủ, các hoạt động hải quân, các lực lượng lục quân, không quân, các hoạt động hợp tác, các liên minh, công nghệ biển (hình 2).
II. Đánh giá sức mạnh biển Việt Nam
Trong lịch sử sức mạnh biển của Việt Nam đã có những thành tựu nhất định. Thời kỳ từ cuối thế kỷ 10 đến cuối thế kỉ 19 nổi bật sử dụng thuyền buồm và gỗ loại nhỏ của vua chúa nhà Nguyễn và của dân tộc Chăm (Cham Pa). Trong thời kỳ khoảng gần 1000 năm này đội thuyền mạnh nhất có thể nói đội Hoàng Sa được nhà Nguyễn thành lập. Các hoạt động của đội Hoàng Sa trong việc tuần duyên và một đội tàu thuyền hùng mạnh có thể chinh phục các quần đảo xa bờ như Hoàng Sa và Trường Sa. Thời kỳ này triều Nguyễn có ý chí mua tàu và thành lập đội tàu, nhưng cuối cùng cũng bất thành khi đội tàu của Pháp tấn công vào cảng Đà Nẵng. Trong đó thời kỳ 1000 năm này, có thể nói, sự nổi bật về hoạt động giao thương đồ gốm và tơ lụa là do đội tàu nước ngoài, chủ yếu là Nhật, Trung Quốc và một số tàu thuyền châu Âu mang lại. Di tích để lại là những tàu thuyền va chạm đá ngầm và đắm dọc bờ biển Việt Nam 700-1000 năm tuổi. Đến những năm trước năm 1975, lực lượng tàu thuyền Việt Nam luôn có sức mạnh duy trì sự hiện diện tại các quần đảo xa bờ như Hoàng Sa và Trường Sa. Thời kỳ sau 1975 khởi đầu cho việc khai thác dầu khí và khai thác biển. Nhưng về đóng tàu và hoạt động hàng hải thì đội tàu Việt Nam vẫn không đáng kể. Cho đến cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, đội tàu vận tải biển Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường vận tải biển gần 30%. Trong lịch sử tại một yếu huyệt (hiểm lộ) biển của Việt Nam, quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn đã có một trận thư hùng quyết định chiến trường vào năm 1801 tại cửa Thị Nại mà người đời sau gọi đó là Xích Bích của Việt Nam. Hiểm lộ Thị Nại cũng là nơi vua Trần Duệ Tông tử trận trong trận phạt Chiêm năm 1377.
Chúng ta có hàng loạt các hải đảo chiến lược tại vùng ven bờ, và đặc biệt tại các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đây có thể coi như các vị trí chiến lược đáp ứng được việc thực hiện học thuyết Mahan truyền thống. Các điều kiện chính để thực hiện học thuyết sức mạnh biển đó là:
Về vị trí địa lý. Biển Đông là con đường mang tính chiến lược, là huyết mạch giao thông hàng hải và hàng không, là “cầu nối” thương mại cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Đông Á với các châu lục. Biển Đông luôn là tuyến đường biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau Địa Trung Hải) (hình 3).
Trong 39 tuyến đường hàng hải hiện đang hoạt động trên thế giới (có tới 10 tuyến lớn), thì có 29 tuyến đi qua địa phận Biển Đông. Trong 10 tuyến lớn thì khu vực Biển Đông có một tuyến và năm tuyến đi qua hoặc có liên quan đến Biển Đông. Trung bình mỗi ngày có 250-300 lượt tàu biển vận chuyển qua Biển Đông, tính từ năm 2000-2009, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu bằng đường biển tương đối ổn định, chẳng hạn dầu mỏ chiếm 33-36%, hàng chủ đạo 21-27% và hàng khô 39-42%.
Địa thế hàng hải Việt Nam. Hiện nay có 38 luồng đường biển, 49 cảng biển và 166 bến cảng; là một trong những điều kiện để nước ta tiến lên từ biển và làm giàu từ biển. Hệ thống các luồng biển lớn ở nước ta phân bố chủ yếu thành các cửa sông hình phễu, hệ thống các lạch triều, cửa sông phẳng dạng cúc áo, các cửa đầm, vũng vịnh. Đặc điểm các luồng biển về độ sâu, chiều rộng và chiều dài chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế; và hiện có 10 luồng biển có chiều dài hơn 1 km, rộng hơn 100 m và độ sâu trên 10 m, như nếu các luồng biển này được đầu tư đúng mức thì có thể trở thành các luồng biển mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, hệ thống các cảng biển ở nước ta được xây dựng rải rác ở hầu hết các địa phương có biển, với 49 cảng biển, trong đó 17 cảng biển loại I, 23 loại II, chín loại III và 166 bến cảng. Một điều bất cập đối với hệ thống luồng biển, cảng biển và bến cảng ở nước ta được xây dựng rải rác ở các địa phương, nhưng chưa có địa điểm nào đạt tầm quốc tế hay khu vực.
Tài nguyên và các ngành kinh tế biển khác. Hằng năm Việt Nam khai thác được khoảng 17-18 triệu tấn dầu thô. Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí, với tổng trữ lượng khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi (riêng trên địa phận quần đảo Trường Sa là 105 tỷ thùng), trong đó trữ lượng có khả năng khai thác 2 tỷ tấn dầu quy đổi và khí tự nhiên khoảng 1.000 tỷ m3. Việt Nam được xếp vào nước trung bình trong khu vực (tương đương Thái Lan và Malaysia), nhưng lại thấp hơn Trung Quốc (trữ lượng dầu mỏ ước tính 25 tỷ tấn và 8.400 tỷ m3 khí tự nhiên).
Biển Đông cũng được xem là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển (với hơn 11.000 loài) và là một trong 20 vùng biển có nguồn lợi hải sản cao nhất toàn cầu, được xem là ngư trường lớn của quốc gia và hiện nay đang được khai thác hiệu quả. Trong những năm qua, sản lượng khai thác chung hải sản đạt gần 2 triệu tấn/năm, trữ lượng khoảng 4,5 triệu tấn. Chỉ trong thời gian 20 năm, số lượng tàu thuyền khai thác hải sản ở nước ta có tăng, nhưng tốc độ không cao so với sản lượng và đạt 6,2%/năm và tốc độ tăng số lượng tàu đạt 2,9%/năm.
Năng lượng sạch tái tạo, đặc biệt năng lượng gió trên biển với tiềm năng hơn 200.000 GW có thể thay thế, đáp ứng được nhu cầu điện năng của quốc gia.
Quy mô và trình độ dân cư ven biển:
Dân số các vùng biển, hải đảo và ven biển vào khoảng 30 triệu người, tức là khoảng 1/3 dân số toàn quốc, với nhiều lao động có trình độ trong các nghề đóng tàu, hàng hải, khai thác nuôi trồng thuỷ sản, diêm nghiệp, phong điện… Hàng chục các đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển kinh tế biển.
Với học thuyết sức mạnh biển hiện đại: Hiện nay Việt Nam đã hội nhập quốc tế toàn diện hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Việc hợp tác và hội nhập quốc tế trên biển sẽ giúp nước ta bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển và phát triển kinh tế vững chắc hơn. Chúng ta đã tham gia ký kết và thực hiện các công ước quốc tế về biển như UNCLOS 1982, IMO, DOC, MARPOL, CBD..
III. Đề xuất các giải pháp bảo vệ sức mạnh biển Việt Nam
1. Cần áp dụng song hành hai học thuyết Sức mạnh biển truyền thống và các đặc trưng sức mạnh biển hiện đại. Bảo vệ các tuyến hàng hải (SLOC) là những con đường hàng hải chính yếu nối các cảng thương mại, cảng tiếp vận và quân cảng. Cùng hợp tác với các cường quốc biển để các con đường SLOC xung quanh biển Đông không bị phong tỏa vào thời chiến. Chúng ta cần trang bị đủ hệ thống tàu thuyền, máy bay hiện đại giám sát và kiểm soát được hoàn toàn vùng biển Việt Nam khu vực Côn Đảo-Trường Sa-bờ biển Việt Nam thì chúng ta đã kiểm soát được một SLOC quan trọng này trong hàng hải thế giới.
2. Tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng tốt cho vùng bờ và tất cả các hải đảo trong quyền kiểm soát trở thành những địa điểm văn hóa, du lịch, trung tâm ngư nghiệp có giá trị kinh tế biển cao đồng thời với bảo đảm khả năng phòng thủ là nâng cao sức mạnh Việt Nam. Phát triển và tăng cường đầu tư mạnh cho lực lượng đội tàu thương mại cùng phát triển, lực lượng khoa học công nghệ và khai thác biển, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, ngành nghề đánh bắt hải sản và đóng sửa tàu, cứu hộ cứu nạn, bảo vệ môi trường sinh thái và san hô.
3. Tăng cường các hoạt động đối ngoại tích cực như là thành viên tổ chức các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Và hàng loạt các hoạt động song phương và đa phương với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
4. Thực hiện phân định biển, hợp tác biển theo Luật pháp quốc tế đặc biệt là UNCLOS 1982 với các quốc gia láng giềng xung quanh biển Đông.
—————————
Tài liệu tham khảo:
Geoffrei Till, 2009. Seapower. A guide for the twenty-first century. Routledge, 432pp.
Alfred Mahan. Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660-1783. NXB Tri Thức, 2013. 657 tr
Dư Văn Toán, 2013. Sức mạnh biển thế giới và đề xuất với Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, HVNG, tháng 9 năm 2013.
Lê Vĩnh Trương, 2011. Các cường quốc hải dương, SLOC và các hiểm lộ trên biển. http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-09-23-cac-cuong-quoc-hai-duong-sloc-va-cac-hiem-lo-tren-bien.
Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG
Tags: Việt Nam và quốc tế, Khoa học chính trị, Nghiên cứu quốc tế