Học phí đại học cao ngất và sự hào phóng của chính quyền Singapore

Chính sách tài chính hào phóng của Chính phủ Singapore lý giải tại sao học phí đại học của họ cao ngất ngưởng nhưng tỷ lệ học đại học lên tới hơn 93%.

Học phí cao ngất và sự hào phóng của chính quyền Singapore

Tác giả:Phạm Mạnh Hùng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Gần đây, vấn đề học phí đại học ở nước ta rộ lên với những quan điểm trái chiều và cuộc tranh cãi này dường như không có hồi kết, “mắc kẹt” trong tình thế là tiếp tục “trì hoãn” hay tăng theo lộ trình?

Nếu tăng nhanh để bắt kịp lộ trình thì có thể gây choáng cho người học còn không tăng, tiếp tục duy trì “ổn định học phí” thì có thể gây choáng cho các trường đại học bởi lẽ làm sao các trường đại học có thể gia tăng chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập khi học phí không tăng, ngân sách cấp thì giữ nguyên, thậm chí giảm?

Trên tinh thần cung cấp thêm một góc nhìn tham khảo để giải bài toán hóc búa này, chúng tôi lựa chọn tìm hiểu trường hợp Singapore giải bài toán học phí đại học của họ cao ngất ngưởng thế nào mà không gây choáng?

Chính phủ trợ cấp học phí bạo tay

Học phí đại học ở 6 trường tự chủ của Singapore cao ngất ngưởng nhưng do phần trợ cấp từ chính phủ rất lớn nên giảm đi nhiều. Mức trợ cấp khác nhau tùy theo mỗi đối tượng song mức thấp nhất cũng chiếm tỷ lệ hơn 50%.

Cụ thể, trợ cấp học phí dành cho 3 đối tượng với ba mức khác nhau.

Thứ nhất, công dân Singapore được trợ cấp nhiều nhất theo chế độ mặc định không cần phải đăng ký, không kèm theo điều kiện ràng buộc.

Thứ hai, thường trú nhân Singapore được trợ cấp ở mức hai có kèm theo điều kiện ràng buộc, phải đăng ký xin trợ cấp từ Bộ Giáo dục Singapore và ký bản thỏa thuận cam kết làm cho các tổ chức/doanh nghiệp Singapore 3 năm sau khi tốt nghiệp.

Thứ ba, sinh viên quốc tế, không phân biệt đến từ quốc gia phát triển hay đang phát triển, có mức trợ cấp thấp nhất có kèm theo điều kiện ràng buộc, phải đăng ký xin trợ cấp từ Bộ Giáo dục Singapore và ký bản thỏa thuận cam kết làm cho các tổ chức/doanh nghiệp Singapore 3 năm sau khi tốt nghiệp.

Chính sách trợ cấp học phí được Singapore thực hiện từ năm 1980 dành cho đối tượng sinh viên học toàn thời gian các khóa học có văn bằng và sinh viên đại học của 14 trường gồm Đại học Công nghệ Nam Dương, Học viện Công nghệ Singapore, Đại học Quản lý Singapore và Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore.

Hiện nay, chính sách này áp dụng cho 6 trường đại học tự chủ của Singapore, gồm Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Đại học Công nghệ Nam Dương (NTU), Đại học Quản trị Singapore (SMU), Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD), Viện Công nghệ Singapore (SIT) và Đại học KHXH Singapore (SUSS).

Nhìn vào mức học phí của khóa học 4 năm về ngành khoa học máy tính dành cho các đối tượng khác nhau ở Đại học Quốc gia Singapore tính từ năm học 2023-2024 có thể thấy mức độ trợ cấp từ chính phủ lớn đến thế nào.

Công dân Singapore là 33.000 SGD, thường trú nhân là 46.000 SGD, sinh viên quốc tế là 71.000 SGD, đối tượng không có trợ cấp là 155.236 SGD. Như vậy, tỷ lệ trợ cấp của chính phủ chiếm tới gần 79% đối với đối tượng là công dân Singapore, chiếm hơn 70% đối với đối tượng là thường trú nhân, ngay cả đối với sinh viên quốc tế có mức trợ cấp thấp nhất thì cũng chiếm tới hơn 54%.

Dù mức trợ cấp của chính phủ là rất lớn nhưng số học phí còn lại vẫn không hề nhẹ chút nào.

Mức học phí bình quân của khóa học 4 năm đại học của các ngành, ngoại trừ hai ngành đặc thù là Y khoa và Luật với số tiền học phí cao hơn nhiều, thuộc 6 trường đại học tự chủ Singapore tính từ năm học 2023-2024 là 38.250 SGD đối với công dân Singapore; 61.700 SGD đối với thường trú nhân.

Cùng với trợ cấp rất lớn, Chính phủ Singapore còn thực hiện một loạt chính sách tài chính đa dạng nhằm giúp việc học đại học dễ tiếp cận đối với bất kỳ ai muốn học, giảm thiểu rào cản, giảm bớt lo lắng về tài chính để người học tập trung vào phát huy tối đa tiềm năng, có một cuộc sống không quá lo chuyện “cơm áo gạo tiền” trong suốt thời gian học đại học.

Cấp nhiều học bổng cho sinh viên xuất sắc

Singapore có vô số học bổng khác nhau dành cho bậc đại học, có thể gộp thành các loại chính.

Một là, học bổng do chính phủ cấp, điển hình như Học bổng chính phủ Singapore; Học bổng tổng thống; Học bổng của Ủy ban dịch vụ công; Học bổng khu vực công; Học bổng Lý Quang Diệu,…

Hai là, học bổng do các trường đại học cấp, điển hình như Học bổng của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) trao cho những sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và hoạt động ngoại khóa, bao trọn gói học phí, trợ cấp sinh hoạt. Học bổng của Đại học Công nghệ Nam Dương (NTU) cấp cho những sinh viên đạt thành tích cao, bao trọn gói học phí và sinh hoạt phí. Học bổng của Đại học Quản trị Singapore (SMU) cấp cho những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc và phẩm chất lãnh đạo. Học bổng của Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD) cấp cho những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc và có tiềm năng lớn về thiết kế và công nghệ. Ngoài ra, còn có học bổng của các tổ chức và tập đoàn tư nhân, dạng học bổng này thường gắn với một số ngành, nghề hoặc lĩnh vực học tập xác định.

Có được học bổng loại này là con đường “khó, khổ” nhưng danh giá, hứa hẹn tương lai rộng mở, tươi sáng và chỉ dành cho những sinh viên xuất sắc nhất.

Chẳng hạn, các học bổng do chính phủ cấp tài trợ trọn gói cho những sinh viên xuất sắc nhất theo học chương trình đại học tại Singapore hoặc nước ngoài. Hàng năm, các sinh viên phải cạnh tranh rất khốc liệt để được cấp học bổng, căn cứ chủ yếu vào thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa và khả năng lãnh đạo.

Sau khi tốt nghiệp, họ phải làm việc cho bộ máy công quyền trong một thời gian xác định tùy theo thời gian học và được hưởng mức lương tốt. Họ gia nhập đội ngũ công chức hành chính, bộ phận tinh hoa nhất trong đội ngũ công chức Singapore, đảm nhiệm việc xây dựng và thực thi chính sách quốc gia, tư vấn, tham mưu cho chính khách, họ được thử thách, rèn luyện, bồi dưỡng để trở thành những lãnh đạo hàng đầu trong nền công vụ.

Những người giỏi nhất có thể trở thành thứ trưởng, thậm chí có thể là bộ trưởng nếu là nghị sĩ quốc hội. Năm 2009, có tới 16 trên 20 thứ trưởng Singapore là người từng nhận học bổng do chính phủ cấp là minh chứng sinh động về hiệu quả của con đường học bổng.

Hỗ trợ tài chính cho sinh viên nghèo

Sinh viên thuộc hộ thu nhập thấp, trung bình có thể đăng ký xin hỗ trợ tài chính từ chính phủ, từ nhà trường. Số tiền thường không lớn, không kèm theo điều kiện ràng buộc, hỗ trợ theo từng năm, việc đăng ký dễ dàng, nhanh chóng, sinh viên đăng nhập vào tài khoản của mình và chỉ vài cú nhấp chuột là xong.

Vấn đề đáng quan tâm nhất là phải cung cấp minh chứng về thu nhập của các thành viên trong gia đình, chẳng hạn như tờ khai nộp thuế,… Theo quy định của Bộ Giáo dục Singapore, sinh viên thuộc hộ có thu nhập bình quân hằng tháng từ 690 tới không vượt quá 2.250 SGD đáp ứng điều kiện để đăng ký xin hỗ trợ.

Bản thân các trường đại học cũng có chế độ trợ cấp riêng, chẳng hạn, Đại học Quốc gia Singapore có chế độ trợ cấp toàn bộ học phí dành cho sinh viên thuộc hộ có thu nhập bình quân đầu người một tháng không vượt quá 1000 SGD được thực hiện từ tháng 8 năm 2022. Với những sinh viên đại học toàn thời gian thuộc hộ có thu nhập bình quân đầu người một tháng không vượt quá 690 SGD còn được hỗ trợ sinh hoạt phí suốt thời gian lưu trú trong khuôn viên trường.

Cho vay ưu đãi với lãi suất thấp thời hạn trả dài

Đây là kênh tài chính được đa số sinh viên sử dụng vì nhiều người đáp ứng được điều kiện, không đòi hỏi phải xuất sắc nhất mới được cấp học bổng hay phải thuộc hộ “nghèo” mới đủ điều kiện xin hỗ trợ tài chính.

Sinh viên có thể vay từ Chương trình cho vay của chính phủ hay vay từ các ngân hàng, các tổ chức tài chính. Chương trình cho vay của chính phủ chỉ dành cho đối tượng sinh viên là công dân Singapore và thường trú nhân, gồm hai khoản vay chính là vay học phí và vay sinh hoạt phí, chỉ khi sinh viên tốt nghiệp thì các khoản vay này mới tính tính lãi và bắt đầu phải trả dần.

Vay học phí có thể vay mức vay tối đa là 90% số học phí, khoản vay này không tính lãi trong quá trình học, chỉ tính lãi khi sinh viên tốt nghiệp, thời hạn trả tối đa 20 năm.

Vay sinh hoạt phí: Dành cho những sinh viên đã vay hết hạn mức ở khoản vay học phí và có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 2.700 SGD trở xuống, mức vay tối đa là 3.600 SGD mỗi năm. Đối với những sinh viên thuộc hộ có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ $950 SGD trở xuống thì được miễn lãi. Đối với sinh viên thuộc hộ có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 951 đến 2.700 SGD thì được miễn lãi trong quá trình học, chỉ tính lãi từ khi sinh viên tốt nghiệp. Thời hạn trả tối đa đối với khoản vay sinh hoạt phí có tính lãi là 20 năm, đối với khoản vay sinh hoạt phí không tính lãi thì thời hạn trả tối đa là 5 năm.

Sinh viên cũng có thể vay từ các ngân hàng và tổ chức tài chính với lãi suất thấp hơn so với các khoản vay cá nhân thông thường và hầu hết chỉ phải trả dần khi sinh viên tốt nghiệp.

Như vậy, dù với mức học phí cao ngất ngưởng, sinh hoạt phí đắt đỏ nhưng nhờ có trợ cấp hào phóng của chính phủ cùng với vô số học bổng dành cho những sinh viên xuất sắc, chính sách hỗ trợ tài chính cho những sinh viên nghèo, chính sách cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, thời hạn trả dài của chính phủ,… giúp cho giáo dục đại học của Singapore trở nên dễ tiếp cận bất kể tình trạng tài chính.

Sinh viên nghèo không bị bỏ rơi, vẫn có thể tới giảng đường đại học. Sinh viên xuất sắc được hưởng điều kiện tốt nhất để phát huy hết tài năng, sở trường,… Các trường đại học thì có nguồn lực tài chính dồi dào để trả lương cao thu hút các giảng viên giỏi để nâng cao chất lượng, danh tiếng của trường vượt lên trong cuộc đua tranh khốc liệt ngày càng khốc liệt hiện nay, để cấp học bổng cho sinh viên xuất sắc, hỗ trợ tài chính cho sinh viên nghèo.

Chính sách trợ cấp học phí bạo tay của chính phủ còn tạo thuận lợi cho các trường đại học trong thu hút sinh viên quốc tế đến học trong khi các doanh nghiệp/tổ chức Singapore có được nguồn nhân lực trình độ cao.

Như vậy, việc chính phủ Singapore bỏ ra số tiền lớn là hoàn toàn xứng đáng, rất đáng đồng tiền bát gạo. Điều này cũng giúp lý giải tại sao học phí đại học của Singapore dù cao ngất ngưởng nhưng tỷ lệ học đại học ở Singapore lên tới hơn 93% năm 2020; tại sao giáo dục đại học Singapore được xem trọng và luôn đạt thứ hạng cao trên bảng xếp hạng thế giới; tại sao ngày càng có nhiều sinh viên quốc tế đến Singapore học, trong đó có không ít sinh viên Việt Nam.

Một điểm đáng lưu ý là các chính sách rất bài bản, hệ thống, thấu tình đạt lý như vậy còn khiến sinh viên và nhà trường đều phải nỗ lực hết mình.

Cả sinh viên xuất sắc và sinh viên nghèo đều không dám lơ là việc học mà buộc phải học hành chăm chỉ, học đến nơi đến chốn bởi lẽ với sinh viên xuất sắc là để lấy học bổng và giữ học bổng, với sinh viên nghèo để ra trường có công việc tốt lương cao để trả nợ,…

Các trường đại học cũng không dám lơ là việc dạy mà phải tích cực tìm kiếm, tuyển chọn nhiều giảng viên giỏi để nâng cao chất lượng tương xứng với mức học phí cao ngất ngưởng và tạo danh tiếng tốt.

Singapore quả không hổ danh là “bậc thầy” về hoạch định và thực thi chính sách hiệu lực, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục đại học.

Sở dĩ Singapore luôn có được thể chế, chính sách tốt, thực thi hiệu lực hiệu quả là nhờ vào đội ngũ 300 công chức hành chính tinh hoa được quản lý với hệ thống riêng, phân bố ở các bộ, đó là các thứ trưởng, vụ trưởng có sứ mệnh dẫn dắt nền công vụ Singapore, tư vấn, tham mưu cho chính khách, xây dựng và lãnh đạo việc thực thi hiệu lực, hiệu quả chính sách quốc gia.

Với Việt Nam, chất lượng nguồn nhân lực kém là một trong những nút thắt lớn nhất cho sự phát triển. Nền kinh tế dựa trên lao động giá rẻ sẽ không bao giờ cất cánh, thậm chí chỉ loay hoay mãi ở đáy của chuỗi giá trị, nơi người lao động chân tay chỉ cặm cụi làm thuê, làm mướn.

Hơn bao giờ hết, đây là lúc cần “cởi trói”, tạo cú hích về tài chính, sự đột phá về cơ chế chính sách để tạo đà cho giáo dục đại học Việt Nam cất cánh, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng đưa đất nước vượt bẫy thu nhập trung bình thành công, trở thành nước phát triển vào năm 2045 như Đảng và Nhà nước ta đề ra.

Đây là bài toán lớn rất phức tạp với nhiều thách thức gai góc trong khi thời gian còn lại không nhiều, đòi hỏi sự sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng, bản lĩnh, sự quyết đoán của người lãnh đạo, nếu cứ chần chừ “vừa đi vừa dừng” chỉ khiến chúng ta tiếp tục bị tụt lại phía sau và việc bắt kịp lại càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Đây chính là thử thách nghiệt ngã giới hoạch định chính sách Việt Nam có hoàn thành sứ mệnh chấn hưng giáo dục đại học nước nhà mà lịch sử giao phó hay không?

Theo VIETNAMNET

Tags: ,