Hình tượng rắn trong huyền thoại và văn học

Về mặt biểu tượng, rắn là một hình ảnh phức tạp. Hiện nay, trong văn hóa dân gian nhiều nước, rắn biểu trưng cho sự độc hại, gian hiểm.

Hình tượng rắn trong huyền thoại và văn học

Tiếng Việt có những thành ngữ : nọc độc, khẩu phật tâm xà. Nhưng trước các hiệu thuốc tây, bảng hiệu y khoa, ta lại thấy hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy, nó có tác dụng cứu chữa bệnh tật, nhắc đến một câu đồng dao trong trò chơi dân gian Việt Nam : rồng rắn đi đâu / xin thuốc cho con …

Và một số tín ngưỡng, như Ấn độ giáo, ngày nay còn thờ rắn, thần linh Naga.

Rắn không những là một biểu tượng phức tạp, mà còn tượng trưng cho các động lực tương phản : tử sinh, âm dương, thiện ác …

Chúng ta khó bề sưu khảo tường tận về biểu tượng rắn qua các nền văn minh khác nhau, chỉ lưu ý rằng đề tài không đơn giản.

*

Ca dao ta có câu :

Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu

Đây là một câu ca dao lạc hậu, quy thân phận con người vào một định luật thiên nhiên ; kỳ thật, nó chỉ là một câu vớ vẩn, mang tính cách tự hào và miệt thị giai cấp mù quáng, có ý đối lập rồng, biểu tượng cao quý cho tầng lớp giàu sang, với liu điu là loài rắn tầm thường, những phận người nghèo khó, tối tăm. Thật ra rồng và rắn cùng một nguồn gốc, thậm chí rồng là hậu thân của rắn. Ngay trong Thánh kinh Ki tô giáo, con rắn hiện thân cho cám dỗ, tội lỗi cũng là hậu duệ của rồng bị Chúa Trời trừng phạt, phải lê tấm thân bò sát và xấu xí.

Trong công trình biên khảo kinh điển : Cội rễ lịch sử của truyện truyền kỳ, Vladimir Propp đã dành một chương dài cho vai trò Rồng. Dịch giả từ tiếng Nga sang tiếng Pháp ghi chú : ” Rồng (dragon) dịch từ chữ zmei là giống đực của từ zméia có nghĩa là Rắn (serpent). Từ giống đực chỉ dùng để cho nhân vật kỳ ảo trong cổ tích và huyền thoại. Có thể dịch từ này thành Rồng hay Rắn ” 1.

Trong tiếng Việt Nam, nhà ngữ học Nguyễn Tài Cẩn, trên mặt báo Diễn Đàn, tết Canh thìn 2000, đã có bài vô cùng uyên bác, chứng minh rằng thời tiền sử, từ Rồng và Rắn có thể có chung nguồn gốc là từ / mahing / ở vùng Thà Vựng ngày nay. Anh còn nhắc lại rằng : ” tác phẩm nghệ thuật ở các đền chùa Lý Trần lại cho phép nghĩ rằng ta cũng vốn có cả một tên gọi Rồng Rắn theo kiểu rồng / mahing / ở vùng Thà Vựng ” 2.

Điều này hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung, chuyên gia về mỹ thuật, trong một tham luận năm 1970 đã nhắc lại : con Rồng thời Lý khác con Rồng Trung quốc, nó có hình dạng Rắn, “ có nhiều đường lượn. Hình loại rồng này phải có lịch sử của nó, có thể xuất hiện trước đời Lý nhiều… Nay ta gọi là Rồng, nhưng xưa chưa hẳn đã gọi là Rồng, mà có thể là một loại “ rồng rắn ”, trẻ con ta thường có trò chơi “ rồng rắn ” 3

Ngày nay, những khám phá về dân tộc học, huyền thoại học đã đẩy kiến thức và suy luận chúng ta đi xa hơn : hình ảnh Rồng Tiên là một sản phẩm văn học xuất hiện khá muộn màng trong tư duy dân tộc, ít nhiều do ảnh hưởng Trung Quốc và Đạo giáo. Ngay chữ ‘tiên’ cũng mới xuất hiện từ đời Hán, trước đó là những ‘chân nhân’. Vật tổ của các dân tộc Việt: Kinh hay Thượng, là Chim và Rắn. Hình tượng Chim thường gặp ở huyền thoại các dân tộc anh em miền núi, hình tượng Rắn thường gặp ở truyện cổ các vùng đồng bằng gần sông gần nước. Địa danh Ngã Ba Xà, hợp lưu giữa sông Cầu và sông Đuống, nhắc đến tín ngưỡng thờ Rắn (Xà), thờ Thánh Tam Giang là thần Rắn, có nơi được nhân cách hoá thành anh em Trương Hống, Trương Hát, cai quản khúc sông từ Ngã Ba Xà đến Ngã Ba Phượng Nhãn. Học giả Phan Ngọc viết rất rõ về vấn đề này và cho biết dọc sông Cầu có đến 300 xã thờ Thánh Tam Giang. 4

Các học giả Trần Từ (Từ Chi) và Bạch Đình cho biết thêm, trong truyện cổ Mường thường có nhân vật Khú ưa xuất hiện dưới dạng rắn nước, với đặc điểm : bao giờ cũng có mào đỏ trên đầu giống như gà trống. Điều này xác nhận một tư liệu của Lê văn Lan và Trần Minh Hiên trước đây :

Trong ngôn ngữ và khái niệm người Khmu, có một con vật gọi là prư dồng. Đó là một con vật hình rắn, có mào như mào gà, có vảy và có chân. Trong ngôn ngữ và ý niệm Thái, “ prư dồng ” tương đương với “ tu luông ” là một con vật có vảy và có bờm như ngựa. Những con vật quái đản này không có quan hệ gì về dòng họ với những người đang sống, nhưng lại có vai trò như một thứ thần chịu trách nhiệm về nắng mưa như một thứ “ ma nước ” và những con vật quái đản này cũng thường được hiểu như khái niệm thuồng luồng của người Việt … Từ Quỳnh Nhai đến Mường la, trên sông Đà có khoảng 20 cái thác thì có 20 nơi thờ thuồng luồng như thế ; thường cúng bằng gà, lợn ” 5.

Thuồng luồng là rắn nước, sách Lĩnh Nam Chích Quái ghi là Giao Long, và kể rằng vua Hùng đã dạy dân chúng ” lấy mực xăm vào mình hình (Lạc) Long Quân, theo dạng thuỷ quái ” để tránh nạn thuồng luồng bách hại. Nhưng đây có thể là lối giải thích thực dụng của Nho giáo. Có thể người Văn Lang thời đó xăm mình theo dạng rắn vì là thuỷ tổ của mình. Dĩ nhiên là điều này không loại trừ điều kia.

*

Trong văn học, câu chuyện Giao Long kể trên có lẽ là xưa nhất, bên cạnh chuyện Lạc Long Quân diệt Ngư Xà. ” Ngư Xà dài hơn năm mươi trượng, chân nhiều như chân rết, biến hoá vạn trạng, linh dị khôn lường… (có khi) hoá thành gà trắng gáy trên đỉnh núi ” (Truyện Ngư Tinh). Ngư Xà ăn thịt người, gây bão tố làm hại thuyền nhân, cuối cùng bị Long Quân giết.

Dân gian thường kể chuyện Thần thuồng luồng bắt cóc phụ nữ, hay đòi phải hy sinh nhân mạng. Nguyễn Dữ, thời Mạc, trong Truyền kỳ mạn lục kể chuyện thần Thuồng Luồng ở một đền thờ tại quận Hồng Châu, Hải Dương, bị kiện vì tội bắt cóc Trịnh Thị, bị Long Vương trị tội, phạt lưu xứ : ” giữa ban ngày, không mây mà mưa, nước sông đầy, rồi có một con rắn dài mười trượng, vẩy biếc mào đỏ nổi trên mặt nước mà đi lên mạn Bắc, đàng sau có hằng trăm con rắn nhỏ đi theo, đền từ đấy không linh thiêng nữa “. Đền thờ Rắn ấy, sách gọi là ‘’dâm từ’’. Chúng ta lưu ý đến mào đỏ như trong cổ tích.

Người ta thường kể chuyện Rắn báo oán, nhân vụ án Nguyễn Trãi. Thật ra đây là truyện Tàu, chuyện Ngô Trân đời Tống và chuyện Phương Chính Học đời Nguyên, do một số nho sĩ thời Lê mô phỏng để giải thích, mờ xoá tấn thảm kịch chính trị thời đó. Một mặt nó xuyên tạc lịch sử, mặt khác hạ thấp tư cách Nguyễn Thị Lộ, và trầm trọng hơn nữa, phản ánh thành kiến với phụ nữ, đồng hoá phụ nữ với tai hoạ. Dĩ nhiên là sai trái.

Một con rắn lừng danh là Chằn Tinh trong truyện Thạch Sanh, truyện nôm bằng thơ. Chằn Tinh là một con rắn tu luyện nhiều năm, dữ tợn và biến hoá vô cùng ; vua bắt dân phải lập miếu thờ, hằng năm phải hy sinh một người con trai cho nó ăn thịt. Năm ấy Lý Thông bị chỉ định hy sinh, bèn gạt người anh em kết nghĩa là Thạch Sanh đi thế mạng. Thạch Sanh đương đầu với Chằn :

Giở ra cơm nắm toan ăn,
Hay đâu gió thổi ầm ầm rung cây.
Lại thêm gầm rú ghê thay,
Trông ra thấy một vật nay dị kỳ.
Thạch Sanh chẳng biết vật chi,
Trắng đen, xanh đỏ, hoe hoe cả mình,
Hung hăng giơ vuốt, nhăn nanh,
Phòng toan làm giữ như hình mọi khi.
Thạch Sanh hoá phép tức thì,
Búa rìu liền phóng một khi yêu xà.
Mắng rằng “ mày giống tà ma,
Hại người ta chẳng dung tha mày nào ! ”
Xà tinh liền nhảy xốc vào,
Thạch Sanh liền lấy thần đao chém liền.
Ai rằng rắn có phép tiên,
Hoá ra lửa cháy bốn bên đỏ ngòm.
Thạch Sanh hoá nước mưa tuôn,
Tự nhiên lửa tắt kinh hồn xà tinh.
Lại e yêu nghiệt tàng hình
Trốn đi nơi khác, ắt mình uổng công.
Bủa vây lưới sắt bịt bùng,
Nguyên hình rắn phải đùng đùng hoá ngay.
Chàng dùng dao báu chém rày
Rõ ràng con rắn vừa tày một gian.

(một gian : một gian nhà).

Truyện cổ dân gian, với những tình tiết na ná như Thạch Sanh, được lưu truyền nhiều nơi khắp thế giới. Riêng ở Việt Nam, các địa phương có những thoại khác nhau. Đặc biệt đồng bào Cao Bằng xem địa phương mình là gốc gác của truyện, căn cứ vào câu mở đầu “ ngày xưa ở quận Cao Bình ”, và ở Hoà An, Cao Bằng có hang, tương truyền là nơi Thạch Sanh chém Chằn Tinh và nhiều đền thờ Thạch Sanh ở các làng xã. Giả thuyết khác cho rằng truyện Thạch Sanh chém Chằn gốc Khờ-me.

Chuyện Thạch Sanh được đưa lên sân khấu : năm 1962, Dũng Hiệp phóng tác thành Tuồng cổ Dũng Sĩ Gốc Đa, đồng thời truyện cũng chuyển thành kịch bản cải lương, có năm được trình diễn ở rạp Maubert tại Paris, vào cuối thập kỷ 1960.

Trên sân khấu dân gian, còn có tuồng hát bội Thanh xà Bạch xà được quần chúng miền Nam ham thích. Một chuyện tình cảm động : hai con rắn tu hành đắc đạo, thành đôi gái đẹp, yêu thương và lấy chung một người chồng. Sau đó, tình duyên trắc trở, người chồng lâm trọng bệnh, Bạch xà phải hiện nguyên hình làm rắn, trèo non lặn biển tìm thuốc trường sinh cứu chồng. Một chuyện tình huyền ảo, lãng mạn, xoá bỏ thành kiến về loài rắn.

Trong ca dao hình ảnh rắn thân thuộc với tuổi thơ là bài đồng dao trong trò chơi Rồng Rắn, được giới khảo cứu xem là xưa, có thể ra đời từ thời Lý Trần. Tùy địa phương, có nhiều thoại khác nhau, như ở quê tôi, miền Trung :

– Rồng rắn đi đâu ?
Xin thuốc cho con
Con lên mấy ?
Con lên một
Chưa ngon (…)
(…)
– Cho xin chút lửa
Lửa tắt
Cho xin nước mắt
Nước mắt chua
Con xin càng cua
Càng cua kẹp
Cho xin chiếc nẹp
Nẹp gãy…

Suốt đời tôi bị ám ảnh bởi mấy câu đồng dao : sao lời hát cho trẻ con lại có những câu thảm thiết đến thế : cho xin chút lửa, lửa tắt. Cho xin nước mắt : nước mắt chua … Những câu thơ u uất của cả một kiếp người, trước cuộc đời phi lý và vô vọng. Và những câu thơ thật hay.

Cuối cùng, vùng Bình Trị Thiên có câu ca dao, như lời chồng mắng vợ :

Con rắn không chưng (chân) nó lượn năm rừng bảy rú
Con gà không vú nó nuôi đặng chín mười con
Anh tưởng em má phấn môi son
Ai ngờ má mỏng môi mòn thế ni… !

Mắng vợ là chuyện dũng cảm, trần gian hiếm có. Mắng vợ bằng những lời lẽ chì chiết ‘thế ni’ quả là cổ kim hãn hữu !.

Con Rắn không chưng…/.

————————————————-

Chú thích:

1 V. Propp, Les racines historiques du conte merveilleux, tr 283, Gallimard, 1983, Paris
2 Nguyễn Tài Cẩn, Về tên gọi con rồng của người Việt, báo Diễn Đàn, Paris, số 94, tháng 3/2000, tr. 19
3 Nguyễn đỗ Cung, Bàn về mỹ thuật Việt Nam, tr.117, Viện mỹ thuật, 1993, Hà Nội,
4 Phan Ngọc, Thử xét văn hoá, văn học bằng ngôn ngữ học, tr 61-128, nxb Thanh Niên, 2000,Hà Nội, 2000,
5 Hùng Vương dựng nước, nhiều tác giả, Cuốn III, tr.241_242, nxb Khoa học xã hội, 1973, Hà Nội,

Theo ĐẶNG TIẾN / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN)

Tags: , ,