⠀
Hé mở về cuộc chinh phạt đất Lào của vua Lê Thánh Tông
Mọi chú tâm của họ Lê đều dồn vào lực lượng lớn Lão Qua. Tuy nhiên, phải mất chín năm sau khi thắng Chiêm, Lê Thánh Tông mới tổ chức lực lượng đủ để đánh Lào.
Trích “Tây Tiến” – Tạ Chí Đại Trường
[…] Những trận đánh phía tây lúc đầu, theo lời sử quan thì vẫn có vẻ thắng thế nhưng thật ra kết quả không mấy khả quan. Trận 1467, tướng Khuất Đả báo thắng trận nhưng chỉ thấy quân Lào đã lẩn tránh trước, để nhóm tù trưởng nhỏ ở lại hàng phục. Trận đánh ở vùng Lai Châu tháng Ba năm đó chỉ huy động thổ binh. Khuất Đả cũng bị thua ở đông bắc. Quyển Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên nằm trong cung đình đủ cho Thánh Tông biết chuyện xưa mà tiếp tục đánh đòn quyết định về phía Chiêm Thành trước khi lại quay sang tây. Cho nên sau trận thắng ở Chà Bàn, dù “uy danh chấn động khắp chốn… các nước phiên thuộc ở phía tây kẻ trước người sau đều lật đật tranh nhau đến cống”, Thánh Tông vẫn tổ chức đánh Ai Lao.
Toàn thư có lúc dùng liên tiếp ba chữ Ai Lao, Bồn Man, Lão Qua nhưng thật ra Lê chỉ động tới nhóm lớn Lão Qua (cũng là Ai Lao) có thủ đô “thành Lão Qua”, và nhóm nhỏ Bồn Man. Tên Bồn Man không thấy ở Từ hải, chỉ vì đó là của Việt đặt ra theo dấu vết các chum đá để lại. Các thủ lãnh ở đấy thường mang họ Cầm tiếp cận với Việt, nhiều và thường xuyên cho nên có thể quan dân Việt đã thấy những cái chum đá sâu vào bên trong địa vực đó, và đặt tên là “người Man (ở vùng có) chậu, chum” – vùng Cánh Đồng Chum ngày nay, là “Mọi Chum” nếu dựa theo cách kêu tên thời gần đây. Và cũng nên lưu ý rằng lần đầu tiên, giữa năm 1434 xuất hiện tên gần với Bồn Man là Mường (mang) Bồn (tên gọi bình dân như Phan Huy Chú ghi nhận), nhưng đến giữa năm 1438 thì có tên đầy đủ là Tồn Bồn Man. Có thể hiểu đó là “người Man (ở vùng có) chum (xưa, cũ) còn lại”. Chắc là theo lệnh của Thánh Tông rút gọn tên người Man năm 1472, Tồn Bồn Man trở thành Bồn Man từ đó. Sử quan Nguyễn phân biệt Lão Quà Gia/Nam Chưởng và Vạn Tượng, “khi xưa là nước Ai Lao”, nhưng họ cũng biết có sự tranh chiến giữa hai khu vực này, đến “cuối đời Lê” Ai Lao mới đổi tên là Vạn Tượng, đúng với chuyện ở sử Lào thời vua P’ot’isarat (1520-1547). Mọi chú tâm của họ Lê đều dồn vào lực lượng lớn Lão Qua. Tuy nhiên, phải mất chín năm sau khi thắng Chiêm, Lê Thánh Tông mới tổ chức lực lượng đủ để đánh Lào.
Tầm mức quan trọng của trận chiến 1479 này, tỏ rõ với các tờ chiếu ra quân cũng đủ dài dòng, lớn lối như khi kể tội Chiêm. Có lẽ ban đầu Thánh Tông đã phân vân về việc chọn đích là Bồn Man hay Lão Qua. Hạ chiếu đánh Lão Qua tháng 9âl. 1478, không có chi tiết. Thế rồi lại định đánh Bồn Man, khu vực yếu trước (tháng 6âl. 1479). Lúc này thì đạo lý thánh hiền đã thâm nhập triều chính Đông Đô nên “chính nghĩa” chinh phạt đã cho là thuộc phía Lê: “(Cầm Công) hủy hoại tóc da chỉ vì đắm mê cửa Phật…” Chủ Bồn Man lại còn mắc thêm nhiều tội: “Bầy gian ác Lệ Khai thì dung túng chở che, người thổ tù Hàn Triệu lại giam giữ không thả. Thích tên bán nước Đức Lân mà kết làm phụ tử, ghét người tích trữ Lang Tủng thì giết cả vợ con…” Vậy là Cầm Công không những tính chuyện khuếch trương thế lực quanh vùng mà còn nuôi dưỡng những kẻ chống đối bên trong của Lê chạy trốn ra ngoài (“phường thích khách vô loài” nào đó và “tên bán nước” Đức Lân), chắc đúng vào sự kiện rối loạn nội bộ lớn mà Lê phân trần với Minh năm 1480: vì có 13 người ở Đông Đô chạy trốn sang biên giới, nên sai đầu mục sang đòi lại. Và tội nặng nhất là chống đối đại diện triều đình (Chế sứ Nguyễn Tử Nghi “vài mươi bọn”), giết hơn hai chục người (quân Vương Văn Đán).
Tuy nhiên ngay tháng sau lại có lệnh chuẩn bị đánh Lão Qua. Tội được kể ra, nhắc mâu thuẫn từ thời tổ tông: Đánh úp ngay lúc Lê còn phải chống Minh, giúp nhóm thổ tù tây bắc Việt chống đối triều đình (1441 “giúp kẻ gian dấy binh đánh chiếm”, 1448 “Tư không” Đèo Mạnh Vượng, con Đèo Cát Hãn, bị giết). Đương thời thì “cướp châu Lang Chánh… quấy phủ An Tây… ăn lấn như tằm” vùng Sầm Thượng, Sầm Hạ, nghĩa là đe dọa, lấn cướp phía tây Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu ngày nay. Lão Qua lại là lực lượng đứng sau lưng Bồn Man chống đối, vốn có các thành phần nội địa và nội bộ Lê khá nguy hiểm như đã nói. Thánh Tông không chịu vua Lào gọi ông mình là anh, gọi cha mình là cháu, chắc là từ lời ghi trong văn thư trao đổi nào đó – nghĩa là không chịu Lào đặt ở tư thế quốc gia ngang hàng với Lê. Thế thì chỉ có đánh nhau thôi!
Hai lệnh ra quân gần nhau quá khiến ta tưởng chỉ do một dự tính. Tuy nhiên nhìn kỹ, thấy toán quân được chỉ định (Lê Thọ Vực…) đi đánh Bồn Man, đang tập hợp (tháng 8 mới đến hạn kỳ) thì tháng 7 lại thêm chiếu đánh Lão Qua tiếp theo. Thế là phải gồm làm một, những người được chỉ định trước đó để ra quân đánh Bồn Man nay đánh luôn Lão Qua, ngay cuối tháng 7. Có vẻ là người ta nhận thấy việc đánh Bồn Man và Lão Qua không thể tách rời nhau, muốn đánh Lão Qua phải qua đất Bồn Man, đánh Bồn Man xong không thể không tiến đến đất Lão Qua. Cho nên kế hoạch hành quân đánh Bồn Man cũng dùng cho Lão Qua luôn. Vai trò Lão Qua quan trọng hơn nên để dành cho vua thân chinh, tuy rằng ông vua chỉ loanh quanh ở vùng đồng bằng!
Tuy vẫn có toan tính đề phòng Bồn Man đánh tập hậu, nhưng vấn đề chỉ thực sự nghiêm trọng hơn khi quân đi sâu vào đất Lào không thể bảo đảm an ninh phía sau, tin thắng trận đưa về bị Bồn Man ngăn chặn. Cho nên đầu năm 1480 Thánh Tông lại sai Lê Niệm cầm quân thêm với chủ đích đánh riêng Bồn Man.
Tuy nói rằng có năm đạo quân với những thay đổi nhỏ khi thực thi, nhưng ta thấy đúng là có ba hướng tiến chính. Mũi chính của Chinh tây đại tướng quân Lê Thọ Vực, người bắt Trà Toàn 8 năm trước, chắc là theo thung lũng sông Cả vào thẳng Cánh Đồng Chum (tình Xiêng Khoảng ngày nay) tràn ngập một tiền đồn giặc do “tên cháu hiếu của Bồn Man” chống giữ, rồi tiến chiếm “xứ hiểm yếu” Trấn Ninh (Bồn Man) để xông thẳng vào quân Lão Qua. Trịnh Công Lộ đánh ép từ phía sông Đà sang, có vẻ là theo đường Mường Thanh/ Điện Biên Phủ ngày sau. Chức Chinh di của ông phò mã này với số lượng 2.000 quân, cho thấy đối tượng tập kích thấp hơn của Lê Thọ Vực. Và ở giữa là hai cánh quân nhỏ từ phía Nghệ An, Thanh Hóa đi lên, “chận đường giặc chạy”, “đánh chỗ sơ hở”. Toan tính của Lê Thánh Tông rõ ràng dựa vào ưu thế đông quân: “Nó như ong đàn kiến lũ, cố giữ thì được bên nọ núng đàng kia; nó tựa hươu chạy quạ kinh, đánh lại thì thế đã chia lực đã yếu”. Quân Lê chiếm Luang Prabang/Mang Long/Chiềng Vang, bắt/giết Tuyên úy sứ (chức Minh phong) Đạo Ban/P’aya Sai Tiakap’at (1438-1479) và hai người con (D.G.E. Hall, A History of South-East Asia, tr. 238-239; Sử quan Nguyễn, Liệt truyện…, tập 2, tr. 603). Quân dừng lại ở sông Trường Sa/Kim Sa. Tên sông được người nay chú là Irrawaddy e rằng không phải, vì kinh đô Ava của Thượng Miến đương thời nằm ngay trên sông đó. Trường/Kim Sa chắc là sông Saluen hợp với lời sử Việt “giáp biên giới phía nam nước Miến Điện”. Cũng không phải là Mekong vì quân đã vượt qua Luang Prabang. Sử quan Nguyễn đã ghi là sông Khung, Toàn thư gọi là sông Tiết La, nơi Đoàn Nhữ Hài (1335) biết “trại nó ở sát sông lớn Tiết La” nên toan tính “sau khi thắng trận bắt được tù binh theo dòng xuôi xuống, đi qua Chân Lạp và các nước phiên khác… diễu võ giương oai…”
Chiến thắng làm chấn động cả một vùng. Vũ Quỳnh vừa thi đỗ (1478), chứng kiến chiến dịch, tha hồ khen vua: “Đánh Sơn Man mà uy thanh vang dội phương Bắc, đánh Bồn Man mà đất đai mở rộng phía tây”. Sử quan nói tướng Việt “nhận được thư của nước Miến Điện, thắng trận trở về” nhưng ta biết rằng hẳn Miến phải điều binh ra biên giới để cản. Vua Minh nghe đồn quân Việt toan tính lấn sang đất “Bát Bách Tức Phụ” ở Vân Nam nên đưa thư sang khiển trách. Có lẽ tiếng đồn đó là do việc Thánh Tông sai quân tiếp viện Lê Thọ Vực, dò hỏi kết quả chiến dịch của các hướng hành quân, và các viên quan khâm sai, tuần tiễu này đã mang chiếu chỉ đến tận “ngã ba sông miền thượng lưu thuộc đất Lão Qua”, nghĩa là quân Lê không xa biên giới với Minh là mấy – chắc là để đuổi theo người con út của Đạo Ban là Phạ Nhã Trại đang trốn ở nước Bát Bách ấy. Cũng chắc Tène Kham mà sử Lào cho là đã chống đánh và đuổi Việt ra khỏi đất nước, là Phạ Nhã Trại vì vua Minh đã phong ông làm tuyên úy, có nghĩa là tiếp quyền cha cai quản đất Lào, vua Việt không thể trái mệnh được (Quốc sử quán Nguyễn, Liệt truyện, “Nam Chưởng”). Tuy nhiên Lê đã làm lực lượng kình địch lớn ở phía tây mình yếu đi một thời gian để có thể thu xếp trong thế mạnh với các phiên thần nơi biên giới.
Tất nhiên sự tùng phục của những người này vốn có giới hạn. Thánh Tông sai Lê Niệm đánh tan Bồn Man, không chấp nhận Cầm Công, nhưng rồi phải cử người liên hệ, chịu cho Cầm Đông cai quản. Sử quan nhân tiện nhắc chuyện tiếp: “Sau Cầm Đông lại làm phản”. Thật dễ hiểu bởi vì Cầm Đông chỉ làm chức tuyên úy cho có lệ, còn bên dưới là “quan lại (Lê) trấn giữ các huyện để cai trị”. Lê Thánh Tông đã đặt cơ sở bành trướng sâu vào phía tây đất Việt khiến cho khi nước yếu thế vẫn có bộ phận Ai Lao đến xin thần phục: năm 1510, Cục Mông xin nộp cống mà Uy Mục Đế không nhận giao thiệp chỉ vì “vừa mới lấy được nước” – mới lên ngôi, còn đang phải lo đối phó nội bộ. Năm 1515, Tương Dực bắt các trấn nạp thuyền gỗ để đi đánh Ai Lao nhưng việc đó không xảy ra vì năm sau ông bị Trịnh Duy Sản giết. Có rối loạn ở Đông Đô, Trịnh Tuy, một tập đoàn chống đối, đóng quân tận “đầu nguồn Thanh Hóa” (1534) để Mạc Đăng Dung phải mang quân đánh dẹp. Lúc này thì P’ot’isarat đã lấn quyền Nam Chưởng, kinh đô Ai Lao nằm ở Vạn Tượng, khuất nẻo hơn với Đại Việt. Cho nên khi sử quan nói Nguyễn Kim phò Lê Ninh ở xứ Lào (1529) được vua là Xạ Đẩu (P’ot’isarat) cho lấy Sầm Nứa làm căn cứ, thì chỉ là một cách nói “phải phép” của người thất thế chứ Vạn Tượng không thể với tay quyền uy được tới vùng đất Lê Thánh Tông từng sai quân chà đi quét lại nhiều lần này. Tuy nhiên thế phải nhờ cậy cũng khiến Trịnh Lê lo liên kết với Vạn Tượng. Có điều người mà sử quan Việt cho là Xạ Đẩu được lấy con nuôi Trịnh Kiểm (1564), con vua Lê (1571) không phải vẫn là P’ot’isarat mà chắc là Sett’at’irat (+1571), người lo chống giữ sự tràn lấn của Miến Điện.
Quân “Trung hưng” về chiếm lại vùng căn cứ cội gốc cũ, lần này đã trung châu hóa nhiều hơn nhưng bản chất “vùng cao” vẫu còn đó với một tập đoàn Lào Thái (Trịnh Kiểm) khác nắm thực quyền Đông Kinh, và mãi về sau con cháu hai tập đoàn vùng cao này vẫn chọn chiến trường trên đất phía tây: vùng Trấn Ninh của Lê Thánh Tông chiến thắng cũ là bãi tranh chấp quyết định của Lê Duy Mật và Trịnh Doanh, Trịnh Sâm. Mặt khác, khởi đầu cũng từ thời Trung hưng, một chi nhánh Mường đi về phía nam lập xứ Đàng Trong, rồi chính họ, đến thế kỷ 19 lại tiếp tục công trình của Lê Thánh Tông, bành trướng rộng lớn hơn, gặp tập đoàn Thái Xiêm La cũng đang lấn sang phía đông, sau lúc nhờ cậy nhau khi thất thế lại gây tranh chấp giành phần đất đệm của các tập đoàn yếu chen vào giữa.
Tháng Giêng 2004
Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
Tags: Lào, Lê Thánh Tông, Nhà Hậu Lê