Hà Nội – một đô thị trăn trở giữa quá khứ và tương lai

Như nhiều thành phố cổ kính khác trên thế giới, tôi nhìn thấy “sự ưu tư” của Nàng – Hà Nội theo cách gọi yêu thương của tôi – giữa tham vọng bảo tồn di sản và yêu cầu phát triển đô thị.

Tác giả: Martin Rama, chuyên gia kinh tế làm việc tại Ngân hàng Thế giới.

Hà Nội sở hữu vô số kiến trúc tuyệt vời, từ đền, chùa truyền thống, những biệt thự kiểu Pháp sang trọng cho đến những tòa nhà nghiêm trang kiểu Xô-viết. Sẽ thật đáng tiếc cho thành phố, và cho toàn thế giới, nếu khối di sản này mất đi hoặc hư hại.

Nhưng bảo tồn cá tính độc đáo của Hà Nội không nên bị nhầm lẫn với việc biến “cô ấy” thành bảo tàng. Cách tiếp cận này sẽ có ý nghĩa đối với một phố cổ nhỏ như Hội An, nhưng sẽ là sai lầm với một đô thị có mật độ tập trung lớn.

Các quần thể đô thị lớn là một trong những động lực quan trọng nhất của phát triển kinh tế. Đóng băng chúng để trở thành một hình ảnh của quá khứ sẽ làm chậm lại quá trình Việt Nam tiến tới thịnh vượng. Đối với người Hà Nội, sống trong một viện bảo tàng đô thị có thể là điều tốt đẹp, những sẽ là ngược lại nếu phải đánh đổi điều đó với cơ hội cải thiện nhà ở, công việc lương cao hơn hay thời gian đi làm ngắn hơn.

Các quần thể đô thị lớn như Hà Nội thu hút con người, việc làm và dịch vụ. Chúng cũng thu hút nhân tài và khuyến khích trao đổi ý tưởng. Một bảo tàng đô thị dù đẹp đến đâu cũng không thể thực hiện được những chức năng quan trọng này. Nó có thể mang lại khách du lịch và tạo ra kinh doanh tốt cho các khách sạn và nhà hàng, giống như Hội An. Nhưng nó không thể đẩy đất nước lên một trình độ phát triển cao hơn.

Là chuyên gia kinh tế, tôi biết Hà Nội cần trở thành thành phố toàn cầu, có cơ sở hạ tầng đô thị tuyệt vời, kết nối với thế giới. Nhưng là một người thật lòng yêu Nàng, tôi tin tưởng rằng tất cả những điều này có thể được thực hiện mà không cần hy sinh cá tính gắn liền với “cô ấy”.

Tôi đề xuất bốn phương án nhằm dung hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Sử dụng thuật ngữ kinh tế đô thị, tôi sẽ gọi bốn cách này là “phân vùng”, “mục đích sử dụng đất”, “quy chế” và “khuyến khích”.

Phân vùng là công cụ mà các nhà quy hoạch đô thị sử dụng để xác định loại tòa nhà nào được cấp phép ở các khu vực khác nhau của thành phố. Nó xác định độ cao của một công trình xây dựng trong một khu vực cụ thể và khoảng cách cần thiết giữa nó với các toà nhà khác, hoặc với các không gian công cộng.

Để phát triển, một thành phố cần tăng cường mật độ. Các tòa nhà cao hơn cho phép chứa nhiều người hơn trong một khu vực nhỏ hơn. Với cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp, mật độ lớn hơn làm tăng phạm vi công việc có sẵn trong một khoảng cách ngắn và giảm thời gian di chuyển để đi làm. Nhưng mật độ nên được kiểm soát ở những khu vực đặc biệt nhất của Hà Nội.

Những tòa nhà cao tầng tiếp tục nổi lên trong khu phố cổ, thậm chí còn nhiều tòa nhà cao hơn ở khu phố Pháp. Hậu quả của việc vi phạm độ cao đã gây ra sự không nhất quán, phá hỏng bầu không khí của những khu vực lân cận. Đề xuất đầu tiên của tôi là thi hành nghiêm chỉnh quy định về chiều cao công trình tại các khu vực trọng điểm của Hà Nội. Các tòa nhà cao tầng cũng nên tránh ở cạnh các địa danh đô thị như những ngôi chùa yên tĩnh và những mặt hồ thân thương.

Xác định mục đích sử dụng đất là loại hoạt động có thể được thực hiện trong một khu vực cụ thể. Hà Nội là thành phố sôi động khác thường bởi các khu nhà ở và không gian kinh doanh đứng liền nhau. Theo cách thức cổ xưa của người châu Á, các hoạt động này xếp chồng lên nhau, vì người dân thành phố thường có cửa hàng ở tầng trệt và phòng ngủ ở tầng trên của căn nhà.

Ngược lại, các thành phố áp dụng phân khu sử dụng đất theo mục đích tách biệt có xu hướng trở nên “chết chóc” vào buổi tối, khi mọi người trở về nhà. Phân khu sử dụng đất theo mục đích phổ biến ở các thành phố của Mỹ, và hiện ngày càng thấy rõ hơn tại một số khu vực mới ở Hà Nội. Được xây dựng bởi các nhà phát triển lớn, khu vực này trông gọn gàng hơn Hà Nội cũ, nhưng thường tẻ nhạt hơn nhiều.

Do đó, gợi ý thứ hai của tôi là việc pha trộn mục đích sử dụng đất vẫn nên trở thành tiêu chuẩn ở các khu phố đặc biệt nhất của Hà Nội. Và nó cũng nên duy trì những quy tắc liên quan đến vỉa hè, nơi các quán ăn nên tiếp tục được phép hoạt động trong giờ ăn, đặc biệt là buổi tối.

Quy chế đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối các quyết định của hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp, để họ cùng nhau hướng đến một thành phố tốt đẹp hơn. Quy chế đô thị đóng vai trò của một nhạc trưởng, đảm bảo nhiều nhạc cụ chơi cùng lúc sẽ mang lại giai điệu hài hòa chứ không phải một bản hợp âm chối tai.

Một số quy chế nên nhằm khuyến khích sự hài hòa, bằng cách thúc đẩy yếu tố mà các kiến trúc sư gọi là “ngôn ngữ mẫu mực”. Hiện tại, ở một số khu vực của Hà Nội, các nhà đầu tư được yêu cầu xây dựng theo “phong cách Pháp”, nhưng chỉ đạo này có thể được mở rộng để bao gồm thêm các yếu tố đặc biệt khác của thành phố, chẳng hạn như những khu vườn trên ban công. Những chỉ đạo cũng nên áp dụng cho chính quyền đô thị; ví dụ, nên cấm mở rộng đường phố khi cái giá phải trả là những vỉa hè đầy sức sống dưới tán cây.

Cuối cùng, các khuyến khích là cần thiết để gắn kết lợi ích của các hộ gia đình và doanh nghiệp với lợi ích chung của xã hội. Ví dụ, việc bảo tồn một biệt thự Pháp là tốt cho thành phố nhưng lại gây tốn kém cho chủ sở hữu. Chủ sở hữu bất động sản cũng sẽ phải đối mặt với một khoản chi phí nếu họ được yêu cầu thường xuyên sơn lại tường nhà bằng màu vàng đặc trưng của Hà Nội, hoặc biến ban công thành những khu vườn đô thị nhỏ.

Nguồn ngân sách có thể được sử dụng để bù đắp những chi phí này. Ví dụ, chính quyền có thể đảm nhận việc sơn tường bằng màu vàng Hà Nội đặc trưng. Hoặc họ có thể trao thưởng bằng tiền mặt cho những hộ gia đình làm đẹp ban công theo phong cách thực sự Hà Nội.

Việc thiết kế các biện pháp khuyến khích thích hợp sẽ có nhiều thách thức hơn các lệnh cấm phá dỡ. Về mặt này, quy định về quyền sử dụng đất sẽ là một công cụ pháp lý quan trọng cần xem xét. Quyền sử dụng đất cần bắt buộc chủ sở hữu bất động sản bảo quản một số khía cạnh quan trọng của nó (chẳng hạn như mặt tiền), với nghĩa vụ sẽ được chuyển giao cho bất kỳ chủ sở hữu tương lai nào. Đổi lại chủ sở hữu tài sản sẽ nhận được tiền bồi thường, chẳng hạn dưới hình thức miễn giảm thuế.

Khi đưa ra bốn đề xuất này, tôi chỉ muốn khẳng định rằng đặc điểm tuyệt vời của Hà Nội có thể được bảo tồn ngay cả khi “cô ấy” trở thành một đô thị thịnh vượng hiện đại, mà không nhất định phải biến thành viện bảo tàng.

Theo VNEXPRESS 

Tags: , , ,