⠀
Bao giờ người ta mới thôi mù quáng xây nhà theo ý ‘thầy phong thủy’?
Thiết kế mặt bằng của Phương bị chủ nhà yêu cầu sửa sau khi hỏi ý kiến thầy phong thủy. Chị đòi thay đổi lại hoàn toàn vì cho rằng như vậy mới hợp với tuổi của chị và sẽ mang lại tài lộc.
Tác giả: Trình Phương Quân, kiến trúc sư.
Phương chỉ cho tôi: các góc cạnh không cần thiết trên “phương án mới’’ tạo ra các khu vực khó sử dụng và lãng phí không gian, hành lang hẹp lại chỉ đủ một người đi, cửa sổ nhỏ và thấp, khiến ngôi nhà trở nên tối tăm và thiếu thông gió. Cách bố trí này không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều vấn đề kỹ thuật và an toàn phòng cháy chữa cháy cho ngôi nhà.
Nhìn vào mặt bằng được chú thích nguệch ngoạc chữ viết tay, tôi cũng lắc đầu. Phương nói sẽ vẫn phải sửa, “mình không làm thì chủ nhà thuê người khác”.
Phong thủy bắt nguồn từ nền văn minh Á Đông cổ đại hàng nghìn năm trước. Ban đầu, con người chọn đất xây nhà ở nơi cao ráo để tránh lũ lụt và thú dữ. Họ quan sát địa hình, mặt nước, mặt trời và thiên văn học để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến không gian sống và chọn vị trí, hướng nhà phù hợp. Qua thời gian, phong thủy phát triển thành một hệ thống phức tạp với nhiều trường phái khác nhau. Phong thủy không chỉ là một phần của kiến trúc hay quy hoạch mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa và đời sống của người Á Đông ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Việt Nam, Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia…
Khi nghiên cứu về Vật lý kiến trúc về thiết kế thụ động (passive design), tôi nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa phong thủy và khoa học, đặc biệt trong thông gió, chiếu sáng tự nhiên và tâm lý học. Phong thủy dựa trên triết lý dân gian, còn kiến trúc hiện đại dựa trên khoa học và kỹ thuật, nhưng cả hai đều hướng tới mục tiêu tạo ra môi trường sống tốt nhất. Sự kết hợp này không chỉ tăng giá trị thẩm mỹ và tinh thần cho ngôi nhà mà còn tối ưu hóa tính bền vững và hiệu quả sử dụng.
Như câu “lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”, nhà hướng Nam được coi là lựa chọn tối ưu trong phong thủy Việt Nam. Hướng Nam hoặc Đông Nam giúp đón ánh sáng và gió mát, giúp ngôi nhà luôn thoáng mát, dễ chịu; khác với hướng Tây bị ảnh hưởng bởi nắng gắt.
Bố trí cửa chính và cửa sổ không thẳng hàng nhau là một nguyên tắc quan trọng trong phong thủy để duy trì luồng khí tự nhiên, tránh tình trạng khí quẩn và các vấn đề về độ ẩm. Tương tự, theo khoa học, cửa sổ và cửa chính nên được đặt ở vị trí không đối diện nhau để tạo luồng không khí thông thoáng khắp ngôi nhà. Ông bà ta cũng có kinh nghiệm “trước cau sau chuối” để giữ không gian thoáng đãng và chắn gió cho ngôi nhà. Gương không nên đặt đối diện giường ngủ, giúp duy trì không gian yên tĩnh, giường tránh đặt dưới xà ngang để tránh cảm giác đè nén, tạo sự an tâm khi ngủ theo tâm lý học hiện đại.
Người Hong Kong tin rằng tòa nhà chọc trời chặn đường bay của rồng sẽ tạo ra hung khí. Để hóa giải, nhiều cao ốc chừa khoảng trống gọi là “long môn” để rồng bay qua. Thực tế, lỗ hổng này giúp ánh sáng chiếu vào và hòa hợp với không gian xung quanh.
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng tại châu Á trong thế kỷ 20 đi kèm với sự phát triển quan trọng về thang máy và vật liệu xây dựng mới như bê-tông và thép thay thế cho gỗ, gạch, và rơm, đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn về nhà ở. Những khái niệm xây dựng hiện đại từ phương Tây bắt đầu xuất hiện, mà tôi tin rằng những người theo phong thủy cổ đại của Á Đông chưa từng biết hoặc đề cập đến trong phong thủy truyền thống như nhà vệ sinh, thang máy, tủ lạnh, cửa kính… Các chủ đầu tư dần nhận ra rằng, việc xây dựng các căn hộ cao tầng sẽ tạo ra nhiều căn quay về hướng mát, đón gió, ở tầng cao thoáng đãng. Tuy nhiên, điều này lại làm cho những căn hộ quay về nhiều hướng khác và những căn ở tầng thấp khó bán.
Chính vì vậy, họ bắt đầu tìm kiếm và khai thác lại những truyền thống từ quá khứ để tìm giải pháp “tâm linh” cho việc tiếp thị và bán hàng. Phong thủy bát trạch (Bát trạch Minh Cảnh) đã trở thành lựa chọn cho các chủ đầu tư. Phong thủy bát trạch dựa trên năm sinh của gia chủ, sử dụng bát quái để phối hợp các hướng nhà và đánh giá các vận mệnh, từ đó đưa ra những khuyết điểm và lợi thế của căn nhà đối với người ở trong đó.
Trước sự cổ vũ của giới bất động sản ở Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc và Singapore, phong thủy bát trạch bỗng trở thành một phái phong thủy nổi tiếng và phổ biến hơn bao giờ hết chỉ trong vài chục năm ngắn ngủi. Xu hướng này sau đó lan sang Việt Nam và hình thành một thị trường xem nhà, xem hướng phong thủy sôi động.
Theo đó, mỗi khi có sự thay đổi chủ nhà, căn nhà cần điều chỉnh, thay đổi vị trí cửa, và bố trí nội thất để phù hợp với “tuổi” của chủ nhà mới. Tôi nhận thấy, việc xem tuổi và xem hướng phần nào củng cố niềm tin và tăng tính cá nhân hóa cho không gian ở của mỗi gia chủ ở một mức độ nào đó, điều mà văn hóa phương Tây cũng hết sức đề cao. Cá nhân hóa hay Personalization là quá trình điều chỉnh các yếu tố để phù hợp với cá nhân hoặc nhóm người cụ thể, nhằm cải thiện trải nghiệm và hiệu quả trong một lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên, việc áp dụng một cách mù quáng phương pháp trên có thể dẫn đến những thiết kế phi khoa học và vô tình làm cho chính không gian sống của gia chủ trở nên ngột ngạt, bí bức và bất tiện hơn.
Trong thế giới hiện đại, áp dụng phong thủy vào kiến trúc không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa mà còn mang lại lợi ích thực tiễn, tạo ra các không gian sống hài hòa, bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, việc này cần có sự cân nhắc và hiểu biết đúng đắn, tránh xa các mê tín dị đoan và thiết kế không khoa học. Phong thủy dựa trên các nguyên lý khoa học và vật lý kiến trúc, giúp con người có cuộc sống tiện nghi, an toàn và hợp lý hơn.
Một người làm phong thủy hay kiến trúc sư giỏi là người có thể mang lại năng lượng tích cực dựa trên bằng chứng khoa học và kết hợp với văn hóa phong tục Á Đông, mang đến may mắn cho gia chủ, không gây tâm lý bất an. Dù căn nhà có được bố trí hợp tuổi hợp hướng như thế nào, nếu gây bất tiện hoặc bí bức cho gia chủ, sẽ không mang lại tổ ấm đúng nghĩa và thoải mái cho chủ nhân.
Theo VNEXPRESS
Tags: Phong thủy, Mê tín