Đừng nhân danh phát triển để làm bẩn đất nước

Lòng tham lam, thói hoang phí của những băng nhóm lợi ích đã bóp nghẹt từng giọt nước, đã làm nhiễm độc, đã nhũng lạm hút vét những dòng sông.

Nhận thức sự có mặt của nước và đất trong mạch chảy cảm xúc, sinh dưỡng tình yêu quê hương là một trong những dấu hiệu trưởng thành của con người. Trong những thời khắc mà con người lớn lên với giai điệu của hạt mưa rơi trên đất đồng, mái nhà; lắng nghe dòng sông nước lớn vỗ bờ, con kênh nước ròng rút qua mương rạch; tiếng nước luôn là thứ âm nhạc trinh nguyên của sự sống dân tộc hát cùng biết bao thế hệ con người, hát cùng nước mắt lúc cười, lúc khóc của những đứa con đất mặn.

Bà nội tôi có hai đứa cháu trai. Lúc còn minh mẫn, bà kêu tôi lại nói: “Bà chỉ có hai cái mái vú và bộ ván gõ, hai cái mái vú phần bây, còn bộ ván cho thằng Đực”. Người quê tôi gọi cái lu lớn có hai cái núm vú dùng để chứa nước mưa là mái vú; mái vú làm từ các lò gốm ở Bình Dương – Lái Thiêu và phải chở bằng ghe chài tổ chảng mới về được tới quê tôi. Thời ông bà tôi, ngày xỏ đòn, giăng võng gánh mái vú về nhà là ngày giết gà mần vịt cúng tạ ơn trên; tới thời tôi, ngày mùng 3 tết hàng năm, má tôi cắt miếng giấy tiền vàng mã hình trái bầu để dán lên mọi vật dụng quan trọng trong nhà, nhưng má dặn liền miệng là phải dán lên mái vú trước, cho mái vú ăn tết trước những vật dụng khác. Có lần tôi hỏi sao mái vú được coi trọng như vậy, má tôi nói: “Đầu thai xứ này, không có nước uống sống được sao mà dựng cửa với nhà”.

Thời nay tục mùng 3 ăn tết nhà không còn mấy gia đình gìn giữ. Nhưng hình ảnh trái bầu giấy bằng tiền vàng mã dán trên cột nhà, trên lu nước, trên tủ, kệ… vẫn sâu đậm ước mơ về sự thụ thai và sinh sản của cải và những giá trị tinh thần tốt lành – an mạnh của người miền Nam.

Gò Công quê tôi là miệt nước mặn. Trong hơn nửa năm mùa khô, tất cả sự sống của người quê đều trông chờ vào những lu chứa nước mưa hứng từ mùa trước. Nước ngọt với người quê tôi dù là một giọt hay cả ao hồ đều mang hình ảnh một bào thai bảo bọc sự sống; và chỉ những đứa con của đất mặn mới cảm nhận được rằng: trước khi tin Trời – Phật – Chúa thì từng giọt nước ngọt là hoá thân của đấng sáng thế. Với người quê tôi, nước chảy suốt ký ức bền lòng truyền đời nên nước và hồn nước được người chân quê tri ân đến từng hớp, từng giọt.

Chỉ ai là con của đất mặn mới biết công việc đầu đời của một đứa trẻ lên năm lên mười là gánh nước; đòn gánh nhỏ, thùng nước nhỏ nhưng những đứa bé gái, bé trai đã đưa đôi vai nhỏ ra nhận trách nhiệm trước nước về việc nuôi dưỡng sự sống gia đình, chòm xóm…

Những dự báo về thảm hoạ trái đất nóng dần lên, một phần các tỉnh miền Nam chìm dưới mực nước biển đã đánh thức trong tôi cả nỗi lo âu lẫn những kỷ niệm sâu khô về nước. Tôi nhớ cảnh ruộng rẫy, bưng biền… mênh mông nước mặn, nước lợ nhưng người người lại đói nước ngọt. Tôi không dám chắc là đói nước ngọt da diết hơn đói cơm, nhưng cứ nhớ những người mẹ, người chị quảy thùng nước đi hàng chục cây số dưới cái nắng cháy da, rách chân để đến ao làng xa, xa lắm, tìm nước ngọt. Cả ngày trời họ chỉ gánh được hai thùng nước với những miếng lá chuối để trên mặt nước vì lo nước bị xóc dằn rơi vãi trên đường về. Người quê tôi quý từng giọt nước ngọt, ngay cả việc từ thiện quan trọng nhất của đình, chùa, nhà thờ hoặc nhà có của là mỗi năm vào cuối mùa khô mở hồ chứa nước mưa phát chẩn cho các gia đình nghèo vài đôi nước.

Những đứa con của đất mặn luôn yêu và ý thức về tình yêu tổ quốc qua hình ảnh từng giọt nước; đất nước chính là một giọt nước lớn cùng với những giọt nước nhỏ để uống, để nấu cơm, làm ruộng… tạo nên cặp đôi thành tố liên kết những mạch cảm xúc chân thành và mạnh mẽ về ý thức tổ quốc – dân tộc. Khi hiểu về cặp đôi nước này, trong thầm kín tôi hướng về hai cái mái vú của bà tôi. Tôi nhớ lời dặn dò của bà rằng: “Bây dù giàu nứt vách hay nghèo cạp đất thì cũng phải trọng nước. Bây chắc không biết nước trong hai cái mái vú dù uống trong năm hay để qua mùa đều có hồn; bây uống cái hồn nước để bây biết thương cha thương mẹ, thương đất, thương người, thương cây thương cỏ. Nếu bây thành kẻ bề thế bỏ quên nước, buôn bán đổi chác, bây hãy mở nắp mái vú, bây sẽ nghe nước trong mái vú khóc than. Tao không nói gạt gì bây, với quân phụ nước tao không nói tới, còn với người có bụng trọng nước mà lỡ lầm, nước cứ hành đau đớn như vú đàn bà căng sữa vì mất con vậy”.

Những Hồng Hà, Thu Bồn, Đồng Nai, Cửu Long… từng cánh tay nước lúc này trong tình trạng suy kiệt đang cố vói lên kêu cứu. Lòng tham lam, thói hoang phí của những băng nhóm lợi ích đã bóp nghẹt từng giọt nước, đã làm nhiễm độc, đã nhũng lạm hút vét những dòng sông. Thông điệp về một giọt nước nhỏ và tình yêu nước lớn không bao giờ rời giá trị một bài học: đất nước không rộng lớn, dân số trung bình, đừng nhân danh sự phát triển mà hoang phí nước, không thể mưu cầu sự giàu có bằng mọi giá để khai thác cạn kiệt tài nguyên, vô độ tiêu xài đất và nước, con người và nguyên khí dân tộc. Đất nước trải dài theo biển, bao thế hệ người Việt từ quá khứ đến tương lai đều sinh thành từ đất mặn; những đứa con đất mặn ngày ngày đều mở tầm mắt thẳng về hướng đông. Biển bình minh thật gần, trong những đôi mắt đong đầy đại dương, Hoàng Sa, Trường Sa cùng những hải đảo của tổ quốc luôn long lanh như những giọt nước ngọt; đôi mắt của cả dân tộc chính là những đầu nguồn nước thiêng nghiêm khắc, lẫm liệt trước sóng dữ và mọi tham vọng xâm đoạt. Trong những ngày tháng này, dẫu tiếng sấm từ mây đen gầm lên hoặc rì rền giọng đe doạ, những đứa con đất mặn vẫn mạnh mẽ mở ngực hứng từng giọt nước, hồn nước. Đây những đứa con đất mặn với tình yêu tinh khiết nhận được từ nước! Đây hoa nước lộng lẫy và thiêng liêng!

Theo TRẦN TIẾN DŨNG / SÀI GÒN TIẾP THỊ

Tags: ,