Đừng có đổ mọi thứ cho nền giáo dục

Nhiều phụ huynh nói chương trình quá nặng nên phải cho con đi học thêm, nhưng chính họ lại không chịu bớt thời gian lướt Facebook để kèm con học.

Đừng có đổ mọi thứ cho nền giáo dục

Nói về câu chuyện học thêm, thú thật, nhiều cha mẹ luôn đổ lỗi cho giáo dục, trong khi bản thân họ chẳng chịu bớt chút thời gian lướt Facebook, đi cà phê để dạy con học. Chuyện dạy con cũng chẳng có gì khó, chỉ cần phụ huynh cố gắng suy nghĩ theo tư duy của trẻ, cộng thêm một chút kiên nhẫn thì chẳng cần đến học thêm. Đừng đổ thừa khi bản thân chưa làm đúng trách nhiệm của một người cha, người mẹ.

Không cần trẻ phải có IQ xuất chúng, tôi tin 99,9% trẻ em đều có đủ IQ để học bình thường. Vấn đề chính yếu là ở cha mẹ. Đa phần cha mẹ thời nay thường phó mặc chuyện học hành của con cái cho nhà trường và các lớp dạy thêm với ba lý do chủ quan: không có thời gian, dạy con không chịu nghe và không có sự kiên nhẫn để dạy con.

Với ba lý do trên, có thể thấy, cha mẹ không được trang bị kiến thức nuôi dạy con đúng cách, hoặc họ thường dành thời gian cho việc riêng (làm việc, lướt mạng xã hội, đi cà phê, ăn nhậu…) nhưng vẫn sẵn sàng trả lời “không có thời gian cho con”.

Tôi có hai đứa con, đều không đi học thêm bao giờ. Thay vào đó, chính tôi là người cầm tay chỉ lối cho các con ngay từ những ngày đầu chập chững đến lớp. Và các con vẫn mang về những tấm bằng khen hàng năm. Chúng vẫn có ba tháng nghỉ hè trọn vẹn và các con tôi chắc chắn cũng chẳng phải là nhân vật xuất chúng gì. Vậy, chúng ta hãy tự vấn lại bản thân: liệu đổ lỗi hoàn toàn cho ngành giáo dục có hợp lý?

Tôi không nói chương trình học hiện nay quá nhẹ, và rõ ràng ngành giáo dục cũng đã thấy điều đó nên vẫn đang thay đổi từng ngày. Nhưng, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho ngành giáo dục trong khi phụ huynh lại đang có tâm lý phó mặc con cái cho nhà trường. Nhiều người nói chương trình lớp 1 quá nặng, bài vở nhiều nên phải cho con đi học thêm. Với tôi đó hoàn toàn là ngụy biện, các con tôi vẫn dư thời gian học và chơi bình thường đó thôi.

Hai con của tôi đều đã trải qua giai đoạn cấp tiểu học. Ngoại trừ chương trình toán lớp 4 có phần hơi nặng, còn lại các năm, con tôi đi học về là thoải mái vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi trước khi ngồi vào bàn học. Ngày nào cũng chỉ đến 19h là con tôi xong xuôi hết các việc. Vậy là các con có tiếng để chơi, chưa kể cuối tuần.

Đúng là cha mẹ dạy con chỉ là phụ, nhưng xin hỏi có bao nhiêu phần trăm cha mẹ chịu làm cái việc phụ ấy? “Không có kiến thức sư phạm” chỉ là một lý do để biện minh cho sự lười biếng của phụ huynh. Nếu cha mẹ muốn học hỏi cách dạy con “chuẩn sư phạm”, họ có thể lướt trên các trang mạng, có đầy thứ hữu ích để học hỏi thay vì lướt Facebook, TikTok.

Tôi ban đầu cũng không biết dạy con thế nào, nhưng chỉ cần 15 phút xem các bài viết trên mạng là tôi đã biết cách dạy con sao cho hiệu quả rồi. Việc chạy đua trong học tập đa phần phát sinh từ sự kỳ vọng và sĩ diện của cha mẹ mà ra. Đó là lý do có câu “con nhà người ta”. Có khi nào bạn tự hỏi vì sao hàng năm lại có cảnh phụ huynh chen chúc xếp hàng nộp hồ sơ để con được học trường điểm không? Đừng đổ lỗi mà hãy nhìn nhận.

Nói tóm lại, ngoài sức nặng của giáo trình, chính cha mẹ cũng có lỗi trong việc học của các con. Sự kỳ vọng và sĩ diện của họ đặt lên vai các con quá lớn nhưng chính họ lại không sẵn sàng đồng hành cùng con.

Theo LONG NGUYEN PHI / VNEXPRESS

Tags: , ,