Dòng tranh Shunga và trí tưởng tượng hoa tình của người Nhật Bản

Shunga 春画 hay xuân hoạ, là những bức tranh về “xuân tình” hay nghệ thuật hoa tình (erotic) của Nhật Bản, tương đương với xuân cung hoạ của Trung Quốc. Nguồn gốc thể loại shunga khởi đầu với tác phẩm của Moronobu (khoảng 1660) và gắn liền với thời kì đầu của loại tranh mộc bản Phù thế hoạ (Ukiyo-e).

Hokushai (1760-1849), Giấc mơ của vợ người ngư dân, 1814.

Đầu tiên, shunga được xuất bản như những chỉ dẫn cho giới kĩ nữ. Nhưng với đà phát triển thịnh vượng, các kĩ viện mở ngày càng nhiều ở Edo (nay là Tokyo) cùng những thay đổi trong đẳng cấp Nhật Bản khi giới thương gia ngày càng giàu có hơn, và họ dẫn đầu một phong cách sống hưởng lạc, vì vậy tranh shunga đã đạt được một chiều hướng mới hơn. Các cửa tiệm trong “quận đèn đỏ” ở Edo, gọi là Yoshiwara, bày bán tranh và sách shunga làm quà lưu niệm hoặc để chỉ dẫn cho khách làng chơi. Shunga cũng được xem như của hồi môn cho các cặp vợ chồng mới cưới để họ dùng như sách chỉ nam giáo dục về hạnh phúc chăn gối.

Với cuộc cách tân kĩ thuật in tranh mộc bản đa sắc vào năm 1765—trước đó tranh mộc bản được tô màu bằng tay hoặc được in với một bảng màu hạn chế—từ đây, thể loại shunga đã đi vào một giai đoạn mới vừa về mặt thẩm mĩ vừa về thương mại. Sự hưng thịnh này kéo dài thêm một thế kỉ nữa và kết thúc vào đầu thời Minh Trị (1868-1912) khi Nhật Bản mở cửa ra với phương Tây. Trong thời kì Minh Trị, chỉ có vài hoạ sĩ chuyên vẽ shunga và chủ yếu chịu ảnh hưởng nghệ thuật phương Tây.

Kitagawa Utamaro (1750-1806), Trong chăn, 1800.

Một số hoạ sĩ quan trọng vẽ tranh shunga: Moronobu, Harunobu, Koryusai, Utamaro, Kiyonaga, Shuncho, Hokusai, Shigenobu, Eisen, Eizan, Kuniyoshi, Kunisada, Kyosai.

Trong các họa sĩ này, Kitagawa Utamaro (1753-1806) là người có công phục hưng loại tranh Phù thế (Ukiyo-e). Ngoài những đề tài thiên nhiên, côn trùng,… ông nổi tiếng về thể loại mĩ nhân hoạ (bijinga) với một phong cách hết sức đặc thù. Những phụ nữ đẹp đầy nhục cảm trong tranh của ông đươc coi là mẫu mực tuyệt vời nhất và gợi cảm nhất của thể loại tranh Phù thế. Ông cũng thành công trong việc nắm bắt những khía cạnh tinh tế về cá tính và tâm trạng của phụ nữ thuộc mọi tầng lớp, tuổi tác, và trong mọi hoàn cảnh. Nhiều tác phẩm của Utamaro miêu tả đời sống của các kĩ nữ ở quận đèn đỏ Yoshiwara, vì vậy, ông được xem là “hoạ sĩ của lầu xanh”.

Kitagawa Utamaro (1750-1806), Trên thuyền, 1795

Từ giữa thế kỉ 19, tác phẩm của Utamaro đã sang tới châu Âu và rất được ưa chuộng, đặc biệt ở Pháp. Tranh ông đã ảnh hưởng tới hoạ phái Ấn tượng ở châu Âu, đặc biệt trong cách ông diễn tả những góc nhìn cục bộ và nhấn mạnh vào những điểm sáng và tối. Sự nghiệp sáng tác của Utamaro để lại hơn 2.000 mộc bản, cùng với nhiều hoạ phẩm cũng như nhiều sách minh hoạ, đặc biệt là hơn 30 hoạ tập shunga. Utamaro là hoạ sĩ duy nhất đương thời đạt được tiếng tăm vang dội, rồi được cả thế giới biết đến, và được coi là một trong những hoạ sĩ Phù thế tiêu biểu và vĩ đại nhất.

Dưới đây sẽ lần lượt giới thiệu một số tranh shunga tiêu biểu của Kitagawa Utamaro, và dưới mỗi bức sẽ có vài hàng chú thích và nhận xét.

Kitagawa Utamaro (1750-1806), Trong mùng, 1800

Cảnh thú vị về một gia đình được miêu tả qua lớp vải the của cái mùng. Người chồng đang làm chuyện đó với vợ trong khi cô đang cho đứa nhỏ nhất bú. Còn đứa lớn đang hờn dỗi vùng vằng đòi ra khỏi với bố mẹ. Để ý bàn tay nhỏ của em bé đang véo vào vú bên kia của mẹ.

Kitagawa Utamaro (1750-1806), Cái đầu lân, từ loạt tranh nhan đề ‘Ehon takara gura’, 1805.

Cặp tình nhân đang làm tình cuồng nhiệt dưới tấm mền phủ màu lục gắn vào với cái đầu lân to tướng. Điểm hài hước nằm ở chi tiết ánh mắt của cái đầu lân đang quan sát!

Kitagawa Utamaro (1750-1806), Sát thủ ninja, từ hoạ tập ‘Ehon takara gura’, 1805.

Một ninja đang rọi chiếc đèn vào một cặp đang làm tình, với chi tiết ngộ nghĩnh về hai con chuột nhắt.

Kitagawa Utamaro (1750-1806), Đàn ông Tây Dương với kĩ nữ, 1800

Một người phương Tây (có lẽ Bồ Đào Nha hay Pháp) đang giao hợp với một kĩ nữ. Nhìn chi tiết hoa văn Baroque trên bộ phận sinh dục người đàn ông!

Kitagawa Utamaro (1750-1806), Đồng luyến ái, 1803.

Cậu bé được miêu tả ở đây là chú tiểu (chigo), sẵn sàng phục vụ các hoà thượng, họ vốn không bị dị nghị khi là những hành giả cuồng nhiệt đối với cái gọi là “Thanh xuân đạo”. Thường những miêu tả giữa nam với nam trong shunga Nhật thì đóng vai chủ động là người đàn ông lớn tuổi hơn. Còn đối tác thụ động luôn là một cậu bé đến tuổi dậy thì hoặc trước tuổi dậy thì hoặc một thiếu niên chưa cạo tóc phía trên trán (dấu hiệu chưa trưởng thành). Những quan hệ giữa nam với nam, trong tầng lớp samurai và trong tu viện giữa hoà thượng với thị tăng trẻ tuổi, là một hiện tượng bình thường ở Nhật Bản thời Mạc phủ Tokugawa, cũng như việc mại dâm giữa những kép tuồng kabuki trẻ đóng vai nữ.

Kitagawa Utamaro (1750-1806), Cưỡng hiếp, trong hoạ tập ‘Ehon hana fubuki’, 1802.

Khu vườn là bối cảnh cho hai người đàn ông dùng vũ lực cưỡng hiếp một phụ nữ đang khiếp sợ. Trong khi người chồng bị kiềm chế nằm bẹp dưới họ. Trên lưng của một trong hai kẻ tấn công xăm hình một bộ xương đang chơi đàn tam.

5 bức shunga của Utamaro dưới đây rút từ hoạ tập ‘Negai no itoguchi’ (Đầu mối của dục vọng), 1799.

>> Dòng tranh Xuân cung họa – đỉnh cao của nghệ thuật sắc tình Trung Hoa
>> Thẹn thùng xem tranh Bùi Xuân Phái minh họa thơ Hồ Xuân Hương
.

Theo TRIÊU NHAN / TINH HOA GỐM VIỆT

Tags: , , , ,