Đông Nam Á cần làm gì khi lợi thế dân số vàng biến mất?

Người lao động trong khu vực hoàn toàn chưa chuẩn bị đủ tài chính cho việc về hưu, và tỷ lệ phụ thuộc tăng cao sẽ gây ra nhiều hậu quả lớn lên nền kinh tế khu vực.

Yếu tố nhân khẩu học lý tưởng giúp kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng mạnh suốt từ thập niên 1990 đến nay đang dần mất đi.

Vấn đề dân số già tại nhiều nước tồi tệ hơn những nước khác. Trong khi Indonesia và Philippines vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng cao dựa vào lực lượng lao động trẻ; lực lượng lao động tại Thái Lan và Việt Nam trong khi đó lại đang ngày một già đi, còn Malaysia đang trở thành một xã hội của người già.

Người lao động trong khu vực hoàn toàn chưa chuẩn bị đủ tài chính cho việc về hưu, và tỷ lệ phụ thuộc tăng cao sẽ gây ra nhiều hậu quả lớn lên nền kinh tế khu vực.

Bộ phận nghiên cứu của Financial Times đã thực hiện khảo sát đối với khoảng 5.000 cư dân thành thị tuổi từ 18 trở lên, kết quả phân tích cho thấy những người lao động chưa hề chuẩn bị sẵn sàng cho việc nghỉ hưu.

Phần lớn những cư dân thành thị tham gia trả lời phỏng vấn cho biết họ sẽ vẫn phải tiếp tục làm việc ngay cả khi đã qua tuổi nghỉ hưu. Dù nằm trong nhóm năm nền kinh tế giàu có tại Đông Nam Á, tỷ lệ người Malaysia tin vào điều này cao nhất, lên đến trên 65,1%.

Nhiều người về hưu khác tại Đông Nam Á cũng lo sợ tương tự. Financial Times thực hiện khảo sát đối với nhiều người về hưu, kết quả phần lớn trong số họ vẫn còn đang tiếp tục làm việc để tự nuôi sống bản thân. Ngay cả tại Malaysia nơi tỷ lệ người già làm việc thấp nhất, việc đàn ông và phụ nữ lớn tuổi làm phục vụ bàn vẫn là điều khá phổ biến.

Kết quả một cuộc khảo sát khác cho thấy tại một số nước, đến gần nửa số người trả lời cho biết họ không có điều kiện tiếp cận với các quỹ hưu trí hay hỗ trợ, tiền tiết kiệm của họ cũng không có nhiều.

Trong nhóm những người Malaysia không thể có lương hưu hay được hưởng chế độ hỗ trợ nào, khoảng 31,7% người trả lời cho biết họ có số tiền tiết kiệm khoảng 24USD hoặc thậm chí thấp hơn. Trong số những người Thái Lan không có tiền hưu trí, 34,8% cho biết họ có số tiền tiết kiệm ít hơn 31USD.

Theo tính toán của Liên hợp quốc (UN), độ tuổi trung bình tại Đông Nam Á hiện khoảng 29 tuổi. Thế nhưng sở dĩ con số này thấp như vậy là bởi vì hơn nửa dân số Indonesia hiện dưới 29 tuổi, trong khi đó, độ tuổi trung bình tại Philippines là 24,5 tuổi.

Tỷ lệ phụ thuộc (tỷ lệ những người không đi làm tính trên tổng số người trong lực lượng lao động) đang giảm bởi ngày một nhiều người trẻ tuổi tham gia vào lực lượng lao động. Tỷ lệ phụ thuộc thấp cho thấy lực lượng lao động đang phải nuôi tỷ lệ nhỏ những người phụ thuộc (bao gồm người quá trẻ để làm việc hoặc quá già để tiếp tục làm việc).

Cấu trúc tuổi như vậy có thể giúp cho kinh tế tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, không phải nước Đông Nam Á nào cũng còn giữ được cấu trúc nhân khẩu học “vàng” kiểu như vậy. Tỷ lệ phụ thuộc tại Việt Nam và Thái Lan đang ngày một tăng cao. Độ tuổi trung bình ở Thái Lan hiện nay là 38, cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.

Tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Thái Lan nhiều khả năng sẽ chịu nhiều tác động tồi tệ bởi yếu tố nhân khẩu học, vấn đề dân số già đang ngày một trở nên cấp bách. Không giống Singapore, Thái Lan đối diện với rủi ro dân số già trước khi giàu.

Theo định nghĩa của UN, một xã hội có thể coi như đã bị già hóa khi từ 7 đến 14% dân số trên tuổi 60.

Tỷ lệ dân số già tại Malaysia có thể đang giảm nhưng tốc độ giảm đã chậm lại. Nếu không có lực lượng lao động nhập cư lớn, hiện chiếm đến 18% tổng lực lượng lao động, tỷ lệ phụ thuộc tại Malaysia hẳn đã tăng cao.

Nhóm nước với tỷ lệ dân số già cao đối diện với triển vọng kinh tế u ám, nếu người lao động không có đủ khả năng tài chính để sống trong khi tuổi thọ ngày một tăng lên, họ trở thành gánh nặng của xã hội.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), tuổi thọ của người Malaysia đã tăng từ 60 tuổi vào năm 1960 lên 78 tuổi vào năm 2015. Tại Thái Lan, con số này đã tăng từ 57 lên 79 tuổi trong cùng thời gian trên, trong khi đó tại Việt Nam, tuổi thọ tăng từ 63 lên 81.

Các nhà hoạch định chính sách tại Đông Nam Á đang cố gắng thực hiện những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng lực lượng lao động sụt giảm mạnh. Malaysia đã nâng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 vào năm 2012 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục nâng nó lên mức 65. Chính phủ Malaysia cũng đang cố gắng tăng tỷ lệ sinh bằng cách đưa ra chế độ hỗ trợ chăm sóc nuôi con nhỏ, chính sách mà chính phủ Singapore đã áp dụng từ cách đây 16 năm.

Tại Thái Lan, chính phủ Thái Lan cũng nâng tuổi nghỉ hưu lên 60, ở Việt Nam, tuổi nghỉ hưu cũng đang được chính phủ cân nhắc điều chỉnh.

Nếu không hành động nhanh, kinh tế Đông Nam Á hẳn sẽ “gặp khó” với dân số già.

Theo TRUNG MẾN / BIZLIVE

Tags: , , , , ,