Điều chỉnh chiến lược của EU với Mỹ, Nga, Trung và hàm ý với Việt Nam

EU đang phải đối mặt với không chỉ một môi trường khu vực và toàn cầu ngày càng bất ổn, mà còn phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng cũng như mối đe dọa với những hậu quả tiềm tàng. Những sự thay đổi đột ngột về điều kiện kinh tế – chính trị đã ảnh hưởng đến sự ổn định của Liên minh châu Âu (EU), đòi hỏi liên minh này phải có những điều chỉnh trong chính sách đối nội và đối ngoại. Đối với thế giới đương đại, EU có vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị – kinh tế – an ninh quốc tế, sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại của EU sẽ có những ảnh hưởng đến các mối quan hệ nước lớn trên toàn cầu và ít nhiều sẽ có những tác động đến Việt Nam.

Điều chỉnh chiến lược của EU với Mỹ, Nga, Trung và hàm ý với Việt Nam

Bối cảnh quốc tế hiện tại

Thế giới đang phải đối mặt với một thời kỳ có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Xung đột Nga – Ukraina nổ ra trong bối cảnh đại dịch COVID chưa được kiểm soát hoàn toàn cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt Mỹ – Trung Quốc đã giáng một đòn nặng nề vào sự ổn định của toàn thế giới nói chung và EU nói riêng.

Xung đột Nga – Ukraina

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraina đã làm thay đổi mạnh mẽ trật tự và các mối quan hệ quốc tế kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Sự kiện này đẩy quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây vốn đã căng thẳng từ trước đó sang trạng thái đối đầu nghiêm trọng hơn, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ Nga – Trung phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Cuộc chiến đã gây ra một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là thị trường năng lượng và thực phẩm. Trước tháng 2/2022, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+, cùng với sự hạn chế về vốn của nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ, cũng như một số gián đoạn tạm thời ở các khu vực sản xuất dầu khác đã gây ra sự thiếu hụt về nguồn cung, đẩy giá năng lượng tăng đột biến từ cửa cuối năm 2021. Xung đột ở Ukraina nổ ra đã làm trầm trọng thêm tình trạng siết chặt nguồn cung khiến giá năng lượng tăng cao bất thường. Thị trường hàng hóa thực phẩm cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ, giá thực phẩm đã tăng 14,1% vào tháng 1 năm 2023 so với một năm trước đó[1]. Cuộc chiến đã làm tăng thêm áp lực lạm phát gia tăng ở khu vực đồng Euro trong quá trình hồi phục sau đại dịch COVID-19 và đẩy giá tiêu dùng lên cao. Lạm phát chung ở khu vực đồng Euro từ mức khoảng 2% vào mùa hè năm 2021 đã tăng vọt lên hai chữ số vào cuối năm 2022 ở nhiều quốc gia.

Cạnh tranh Mỹ – Trung và sự xích lại gần nhau giữa Nga với Trung Quốc

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraina thu hút sự chú ý trong một năm qua khiến cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu Mỹ – Trung Quốc dường như đã bớt căng thẳng. Trên thực tế, cuộc đấu giữa hai quốc gia vẫn đang diễn ra và hiện tại đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, nổi bật là lĩnh vực công nghệ, quân sự.

Chính quyền Biden vẫn duy trì các mức thuế do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt, đồng thời gia tăng các hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ và dữ liệu của Mỹ. Cạnh tranh Mỹ – Trung về thương mại và công nghệ có thể quyết định quốc gia nào sẽ lãnh đạo thế giới trong tương lai. Mỹ đang ban hành những lệnh cấm nghiêm ngặt và ngày càng mở rộng đối với chất bán dẫn cùng các hàng hóa khác của Trung Quốc, nhằm làm chậm sự phát triển của nước này trong lĩnh vực công nghệ. Tháng 11/2022, chính quyền Biden đã phê duyệt lệnh cấm thiết bị viễn thông từ Huawei và ZTE của Trung Quốc vì cho rằng họ gây ra “rủi ro không thể chấp nhận được” đối với an ninh quốc gia Mỹ. Gần đây, chính phủ Mỹ đã thông qua lệnh cấm đối với việc sử dụng Tiktok trên các thiết bị của chính phủ liên bang vì lo ngại rủi ro lộ dữ liệu an ninh quốc gia, Tiktok cũng đã phải đối mặt với một phiên điều trần với Quốc Hội Mỹ. Tờ Politico tháng 4 này cho biết, chính quyền Biden sẽ chuẩn bị công bố những “biện pháp chưa từng có” nhằm ngăn chặn đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc, ngăn cản đà phát triển công nghệ và quân sự của Bắc Kinh.

Vũ khí đã trở thành một điểm căng thẳng khác trong quan hệ Mỹ – Trung. Theo hãng tư vấn kiểm soát rủi ro toàn cầu – Control Risks, “cạnh tranh và đối đầu giữa hai cường quốc đang chuyển từ lĩnh vực thương mại, công nghệ sang lĩnh vực quân sự, đồng thời mối quan hệ Mỹ – Trung là rủi ro địa chính trị lớn nhất trong năm 2023”[3]. Mỹ đang bắt đầu công nhận Trung Quốc là một đối thủ quân sự và kinh tế ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng. Bộ Quốc Phòng Mỹ đang đề xuất tăng ngân sách cho việc phát triển vũ khí siêu thanh sau nhiều cảnh báo rằng Trung Quốc đang giành ưu thế trong lĩnh vực đó. Tháng 10/2022, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm vũ khí siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ về sự phát triển đáng kinh ngạc của họ trong lĩnh vực phát triển vũ khí. Sự thành công của cuộc thử nghiệm đã tạo ra thách thức cho Mỹ trong việc chế tạo các loại vũ khí thế hệ tiếp theo tối tân hơn. Theo Vox, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã phân bổ hơn 6 tỷ đô la cho nghiên cứu, phát triển siêu thanh vào năm 2023, tăng từ 3,2 tỷ đô la vào năm 2021 và dự kiến chi thêm 15 tỷ USD đến năm 2027 để tăng cường khả năng của mình[4]. Trung Quốc đặt mục tiêu hiện đại hóa các lực lượng vũ trang vào năm 2035 và trở thành một cường quốc quân sự đẳng cấp thế giới vào năm 2049. Trung Quốc cũng đang tăng cường phát triển ngành công nghiệp đóng tàu chiến của mình, số lượng tàu chiến của Trung Quốc hiện tại đã vượt qua Mỹ. Lyle Morris, thành viên cao cấp về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết “Trung Quốc đã tìm cách chống lại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong nhiều thập kỷ”. Mỹ cùng Trung Quốc đã cùng nhau bước vào cuộc đua phát triển vũ khí nguy hiểm nhất.

Mỹ và Trung Quốc cũng đang tranh cãi về các vấn đề quốc tế khác. Washington đang rất lo ngại về việc Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho Nga trong cuộc chiến với Ukraina và nguy cơ xảy ra xung đột với Đài Loan. Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng liên tục đưa ra cảnh báo rằng “Đài Loan là lành răn đỏ” mà Mỹ không được phép vượt qua. Mỹ đang cố gắng tăng cường các mối quan hệ đồng minh chiến lược xung quanh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm bao vây và gia tăng áp lực an ninh đến Trung Quốc, chẳng hạn như việc củng cố quan hệ hợp tác với Nhật Bản, Philippines,… đồng thời thúc đẩy vai trò và vị trí cao hơn QUAD và AUKUS trong cấu trúc an ninh khu vực. Ngược lại, Trung Quốc cũng đẩy mạnh xây dựng sáng kiến Vành đai và Con đường để mở rộng thêm các căn cứ ở nước ngoài, phục vụ mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của mình.

Tại cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11/2022, cả hai lãnh đạo đã bày tỏ mong muốn ngăn quan hệ song phương xấu đi. Tuy nhiên thực tế cả hai nước đều không có sự tin tưởng nhau và có những toan tính đối riêng với vị thế của mình trong trật tự quan hệ quốc tế.

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã nói rằng Châu Âu cần phải nhìn nhận rõ ràng vị trí của mình trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Cả hai đều có vị trí quan trọng trong lợi ích chiến lược của EU. EU muốn hợp sức cùng Mỹ trong vấn đề an ninh song cũng muốn duy trì hợp tác với Trung Quốc trong kinh tế, cũng như các lĩnh vực còn nhiều dư địa khác. Điều này tạo ra thách thức cho EU trong việc cân bằng quan hệ giữa hai cường quốc.

Đại dịch COVID-19

Mặc dù đã được kiểm soát ở phần lớn các nước, đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Đại dịch đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và dễ bị tổn thương hiện có, chẳng hạn như nghèo đói, xung đột, di cư.

Đại dịch, chiến tranh và những tác động của chúng đối với bối cảnh địa chính trị đã phơi bày tính dễ tổn thương của EU và có khả năng làm thay đổi quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong tương lai của tổ chức. Thứ nhất, trước xung đột, khí đốt nhập khẩu từ Nga đóng một vai trò quan trọng trong năng lượng tiêu thụ của EU, nhất là Đức và Ý, những nền kinh tế lớn nhất của khu vực. Điều này khiến EU đặc biệt dễ bị tổn thương trước việc cắt giảm nguồn cung từ Nga cũng như sự tăng giá năng lượng. Thứ hai, EU là một nền kinh tế có độ mở cao và đặc biệt hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tỷ lệ giá trị ngoại thương chia cho GDP của khu vực vào khoảng 54%, cao hơn nhiều so với các khu vực hoặc quốc gia khác như Trung Quốc (38%) hoặc Mỹ (26%)[5]. Điều này làm cho nền kinh tế EU dễ bị tổn thương hơn trước những gián đoạn trên thị trường toàn cầu, hay nói cách khác, các cú sốc trên thị trường toàn cầu đang ảnh hưởng tới EU nhiều hơn so với các nền kinh tế khác.

Điều chỉnh chiến lược của EU đối với Mỹ, Nga và Trung Quốc

Sự thay đổi đột ngột về điều kiện kinh tế – chính trị đã ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực này, đòi hỏi Liên minh châu Âu phải có những điều chỉnh trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại. Mục đích cốt lõi trong chính sách an ninh và đối ngoại của EU vẫn là “hình thành, mở rộng, phát triển và tìm kiếm lợi ích của Liên minh trên toàn thế giới; đồng thời thúc đẩy các vấn đề về dân chủ, nhà nước pháp quyền, các vấn đề nhân đạo, quyền con người, bình đẳng, tự do và phù hợp các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc trên toàn thế giới”. Tuy nhiên, EU đã có những điều chỉnh cụ thể trong chiến lược tiếp cận các đối tượng khác nhau có ảnh hưởng quan trọng đến lợi ích chính trị – kinh tế – an ninh của mình.

Đối với Mỹ

EU và Mỹ có mối quan hệ và sự gắn kết đặc biệt về lịch sử cũng như chính trị, kinh tế và quốc phòng – an ninh. Quan hệ ngoại giao EU – Mỹ là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới. EU và Mỹ là những cường quốc kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới, GDP lần lượt chiếm 42.4% và 30.7% GDP danh nghĩa toàn cầu[6], cùng nhau chiếm 1/3 thương mại hàng hóa, dịch vụ toàn cầu[7]. Mối quan hệ này đóng vai trò quan trọng đối với cả hai bên và cả trong quan hệ chính trị quốc tế. Tuy nhiên, mối quan hệ tưởng chừng “hoàn chỉnh nhất thế giới”[8] cũng tồn tại những toan tính riêng, thậm chí còn xảy ra xung đột lợi ích trên một số lĩnh vực. Do đó, EU đã có những điều chỉnh về cách tiếp cận của khối này đối với Mỹ để đảm bảo lợi ích của mình nhưng vẫn giữ mối quan hệ hòa hảo với Mỹ. Cuộc xung đột Nga – Ukraina đã thúc đẩy mối quan hệ Mỹ – EU quay trở lại thời kỳ nồng ấm và gắn kết, bất kể là chính sách đáp trả Nga hay trong quan hệ hợp tác song phương.

Mỹ – EU có mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương lớn nhất thế giới. Mặc dù Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU năm 2020, nhưng khi tính đến hợp tác về thương mại dịch vụ và đầu tư, Mỹ vấn là đối tác kinh tế lớn nhất của EU.[9] Tổng số vốn đầu tư của Mỹ vào EU cao gấp 4 lần so với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào Mỹ cũng gấp khoảng 10 lần đầu tư của EU vào Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại.[10] Tuy nhiên, hợp tác thương mại giữa EU và Mỹ cũng có những căng thẳng. Đạo luật Giảm lạm phát IRA của chính quyền Biden nhằm ủng hộ ngành sản xuất công nghệ thân thiện với khí hậu tại Mỹ đã làm bùng lên những lo lắng ở châu Âu. EU cảnh báo rằng chính sách “sản xuất tại Mỹ” cùng các khoản trợ cấp từ đạo luật sẽ gây tổn hại cho ngành năng lượng và ô tô của châu Âu. 27 quốc gia EU lo lắng rằng các công ty của họ sẽ bị cắt khỏi các khoản tín dụng thuế của Mỹ, đồng thời cho rằng khoản trợ cấp 370 tỷ USD của Mỹ là không bình đẳng[11]. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia thành viên EU cho rằng, EU đang phải chịu thiệt trong quan hệ thương mại năng lượng với Mỹ vì Mỹ bán khí đốt cho châu Âu với giá cao trong khi khối này đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung do chấm dứt quan hệ hợp tác với Nga. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho rằng EU không nên “ngây thơ” nữa vì chính phủ Mỹ luôn đặt lợi ích của họ lên trên hết[12].

Tại cuộc gặp mặt giữa Tổng Thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen ngày 10/3/2023, hai bên đã thảo luận để cùng nhau giải quyết những rạn nứt trong hợp tác song phương, hướng đến đoàn kết trong phản ứng đối với cuộc xung đột ở Ukraina. Cả hai bên đã cam kết cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, thúc đẩy nền kinh tế năng lượng sạch toàn cầu và xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng sạch linh hoạt, an toàn, đa dạng. Trong đó trọng tâm là Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ cùng Kế hoạch Công nghiệp Thỏa thuận Xanh của EU. Trước đó, ngày 25/3/2022, Mỹ và Ủy ban Châu Âu cũng đã công bố quan hệ đối tác mới và một thỏa thuận cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm nhanh chóng giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh của châu Âu. Châu Âu đã tăng cường nhập khẩu khí LNG từ Mỹ để thay thế việc cắt đứt nguồn cung năng lượng từ Nga. Năm 2022, xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu tăng 141% so với một năm trước. Châu Âu trở thành điểm đến chính cho xuất khẩu LNG của Mỹ năm 2022, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.[13]

Trước chiến tranh, có sự khác biệt rõ ràng giữa hai đồng minh bên bờ Đại Tây Dương trong cách tiếp cận đối với Nga. Đức vẫn kiên trì hợp tác năng lượng với Nga bất chấp sự phản đối của Mỹ, đặc biệt là đối với dự án “Dòng chảy Phương Bắc II”. Pháp cũng tìm cách tái hòa nhập Nga vào cấu trúc an ninh châu Âu. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã chấm dứt sự khác biệt đó, dẫn đến sự xuất hiện một cách tiếp cận chung của Brussels và Washinton.

Hợp tác an ninh vốn được xem là “hòn đá tảng” trong quan hệ Mỹ – EU cũng đã có những chuyển biến tích cực sau một thời gian dài ngưng trệ. Sự hẫu thuẫn của Mỹ trong an ninh – quốc phòng đã giúp EU củng cố và đảm bảo môi trường an ninh của mình trước mối đe dọa mang tên “Nga”. Ngay sau khi xung đột nổ ra, các đồng minh đã kích hoạt các kế hoạch phòng thủ của NATO và triển khai hơn 40.000 binh sĩ, cùng với các tài sản quan trọng của không quân, hải quân ở các quốc gia đồng minh. NATO đã nhanh chóng thành lập bốn nhóm chiến đấu đa quốc gia mới ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia, bên cạnh các nhóm chiến đấu hiện có ở Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan nhằm mục đích tăng cường hơn nữa an ninh cho phía Đông châu Âu. Hội nghị thượng đỉnh Madrid tháng 6/2022 đã tăng cường thêm các nhóm phòng thủ, chiến đấu ở phía đông và tăng số lượng lực lượng sẵn sàng cao lên hơn 300.000 quân.[14] Sự phối hợp trong triển khai các biện pháp an ninh của Mỹ và NATO tại Đông Âu đã cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của mối liên kết an ninh chặt chẽ giữa hai đồng minh ở hai bờ Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, nhiều nước thành viên EU đã nhận ra được việc đặt quá nhiều niềm tin vào “chiếc ô an ninh” do Mỹ đứng đầu dẫn đến việc Liên minh này có cách tiếp cận rời rạc trong vẫn đề phòng thủ chung. Trong khi EU tập trung nguồn lực để hỗ trợ Ukraina trong cuộc chiến với Nga, liên minh này đã gia tăng sự lệ thuộc an ninh vào NATO, mà đứng đầu là Mỹ. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin đã nhận định rằng cuộc chiến tại Ukraina cho thấy châu Âu đang quá phụ thuộc vào Mỹ trong việc đảm bảo an ninh của chính mình. Do vậy, các quốc gia thành viên đang nỗ lực để nâng cao sức mạnh quân đội của mình và tăng cường an ninh chung của toàn Liên minh. Nội dung chiến lược đến năm 2025 của EU đã đề cập đến vấn đề củng cố khả năng hành động tự chủ, nhằm đối phó với các mối đe dọa, thách thức an ninh toàn cầu. EU dự định chi khoảng 70 tỷ Euro cho chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên giai đoạn 2022-2025[15] và tăng thêm nữa vào năm 2030 nhằm thúc đẩy sự tự chủ chiến lược của toàn khối. La bàn chiến lược – kế hoạch hành động đầy tham vọng nhằm tăng cường chính sách an ninh, quốc phòng của EU vào năm 2030 đã được Hội đồng Châu Âu phê chuẩn vào tháng 3/2022. Kế hoạch này nêu rõ EU sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược như NATO, Liên Hợp Quốc và các đối tác khu vực như tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE, ASEAN, Liên minh châu Phi AU. Đồng thời phát triển quan hệ đối tác song phương chiến lược như Mỹ, Canada, Na Uy, Anh, Nhật Bản và các quốc gia khác…

Một vấn đề lớn khác đối với EU là mặc dù có lợi ích chiến lược từ Mỹ, EU cũng có nhiều lợi ích kinh tế với Trung Quốc. Các quốc gia thành viên nói riêng và toàn khối nói chung đều không muốn liên quan đến vòng xoáy cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc đồng thời tìm cách cân bằng giữa hai cường quốc này. Trong khi chính quyền Biden đã báo hiệu rằng họ muốn làm việc với EU trong việc đối phó với Trung Quốc, Ông Borrel cho rằng Châu Âu vẫn có lợi ích lâu dài để hợp tác với Trung Quốc và không thể hiện sự sẵn sàng cho lời đề nghị của Washington.

Đối với Nga

Quan hệ EU – Nga xấu đi từ sau khủng hoảng Krym năm 2014. Kể từ đó, EU đã bắt đầu áp đặt một số lệnh trừng phạt lên Nga, mối quan hệ thương mại giữa hai bên cũng có sự suy giảm. Tuy nhiên tính đến trước năm 2022, EU vẫn cố tìm cách cân bằng giữa một bên là ủng hộ xây dựng dân chủ và nhân quyền ở Ukraina, bên còn lại là ổn định quan hệ tổng thể với Nga. Chính sách láng giềng châu Âu của EU năm 2015 đã nhấn mạnh rằng quan hệ giữa EU và Nga đã xấu đi nghiêm trọng, nhưng đồng thời các quốc gia thành viên cũng bày tỏ hy vọng về sự một hợp tác “trong điều kiện cho phép”. Trong “Chiến lược toàn cầu về chính sách đối ngoại và an ninh của EU năm 2016”, EU đã đề cập mong Nga tôn trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tác xây dựng trật tự an ninh châu Âu, đồng thời sẽ sẵn sàng hợp tác với Nga nếu hai bên cùng hướng đến những lợi ích chung.[16]

Cuộc xung đột Nga – Ukraina đã phá vỡ trật tự an ninh châu Âu hậu Chiến tranh lạnh, làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa Nga và EU. Trong ba thập kỷ vừa qua, nền tảng của mối quan hệ EU-Nga là sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và năng lượng. Giờ đây, khi Nga đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình, ổn định ở châu Âu, tất cả các lĩnh vực quan hệ đã được an ninh hóa. Chính phủ các thành viên EU ngay từ đầu đã coi hành động của Nga là vi phạm pháp luật quốc tế, trở thành một thách thức đối với toàn bộ liên minh. Do đó, EU đã phản ứng nhanh chóng với sự đoàn kết và quyết tâm đáng chú ý trong việc trừng phạt Nga. Tính đến nay 10 gói trừng phạt toàn diện đã được EU thông qua, gói trừng phạt thứ 11 cũng đang được cân nhắc. Các quốc gia thành viên đang cắt đứt tất cả các mối quan hệ kinh tế với Nga.

Đầu tiên, EU tuyên bố ngăn chặn dự trữ ngoại hối do họ nắm dữ của Nga bằng cách loại trừ các ngân hàng chủ chốt của Nga ra khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu – SWIFT và cấm đầu tư vào các dự án do Quỹ đầu tư trực tiếp Nga tài trợ. Việc cung cấp tiền giấy bằng đồng Euro cho Nga cũng bị cấm. Tính đến nay, 1473 cá nhân và 207 thực thể trong đó có tổng thống Nga Putin, các quan chức cấp cao và tổ chức doanh nghiệp ở Nga đã bị EU đóng băng tài sản, hạn chế đi lại cũng như cấm giao dịch tài chính. Chính sách quyết liệt nhất mà EU đáp trả lại hành động của Nga chính là sự cắt đứt quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. EU đã cấm xuất khẩu các công nghệ lọc dầu sang Nga, cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với tất cả dầu thô, than và các sản phẩm dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga. Bên cạnh đó, để hạn chế thu nhập mà Nga kiếm được từ việc xuất khẩu dầu cho các nước thứ ba, EU cùng với G7 đã áp dụng mức giá trần dầu đối với các sản phẩm dầu từ Nga. Ngoài ra, EU đã ngừng coi Nga là quốc gia tối huệ quốc trong khuôn khổ WTO và cấm các hoạt động xuất nhập khẩu thương mại, dịch vụ cũng như đầu tư với Nga.

Dù vậy, vẫn có sự khác biệt quan điểm trong nội khối EU về mối lo ngại chung là Nga này. Hầu hết các quốc gia ở phía Bắc và Đông của EU coi sự gây hấn của điện Kremlin là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của họ. Trong khi các quốc gia phía Tây và phía Nam của Liên minh ít lo ngại về sự “xâm lược quân sự” của Nga, họ lo lắng nhiều hơn về tác động của cuộc chiến đến tình trạng khan hiếm năng lượng, lương thực cũng như sự gia tăng của lạm phát. Các cú sốc bất đối xứng khiến các bộ phận khác nhau của EU chịu ảnh hưởng khác nhau, tạo nên thách thức đối với toàn bộ Liên minh về sự thống nhất trong việc đưa ra các giải pháp. Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là một ví dụ về sự bất cân xứng này. Một số quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga, một số khác thì không. Trong khi đó, ngay sau khi cuộc xung đột nổ ra, Ủy ban Châu Âu đã cảnh báo về những hậu quả tiêu cực của việc Putin sử dụng xuất khẩu năng lượng như một vũ khí địa chính trị.

Trước cuộc chiến, Nga là nhà cung cấp năng lượng quan trọng của EU. Tổng năng lượng nhập khẩu của châu Âu từ Nga chiếm ¼ mức tiêu thụ năng lượng của lục địa già, chỉ đứng sau sản lượng mà EU tự sản xuất được. Năm 2021, khoảng 40% khí đốt, 42% lượng dầu, 50% than đá nhập khẩu của châu Âu là đến từ Nga.[17] Các lệnh trừng phạt lẫn nhau giữa EU và Nga đã chấm dứt mối quan hệ 50 năm hợp tác năng lượng cùng có lợi của đôi bên.

Để nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, ngày 08/3/2022, EU đã công bố kế hoạch RePowerEU nhằm chấm dứt tất cả việc nhập khẩu năng lượng của Nga đến năm 2030. Kế hoạch này có ý nghĩa không chỉ đối với chính sách đối nội mà còn cả chính sách đối ngoại của EU. Ba cách để cắt giảm sự phụ thuộc của EU vào năng lượng của Nga là đa dạng nguồn cung cấp, sử dụng năng lượng hiệu quả và tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo. Về mặt đa dạng hóa nguồn cung, EU đã chuyển hướng tăng cường mua LNG từ các nhà cung cấp khác như Mỹ, Qatar, Na Uy, các nhà sản xuất ở châu Phi và khu vực khác. Các nhà lãnh đạo EU cũng nêu rõ rằng cần tránh chỉ thay thế sự phụ thuộc này bằng một sự phụ thuộc khác.

Đối với Trung Quốc

Chủ tịch Ủy ban EU Ursula Von Der Leyen nhận định mối quan hệ giữa EU với Trung Quốc là một trong những mối quan hệ phức tạp và quan trọng nhất trên thế giới. Cách EU quản lý nó sẽ là một yếu tố quyết định cho sự thịnh vượng kinh tế cũng như an ninh quốc gia trong tương lai của EU[19]. Trước khi cuộc xung đột ở Ukraina nổ ra, EU tìm cách cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh hai quốc gia này cạnh tranh gay gắt với nhau. Trong những năm gần đây, cách tiếp cận của EU đối với Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các yếu tố kinh tế. Tuy nhiên, căng thẳng chính trị bên ngoài, cũng như sự nổi lên của Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh kinh tế, đã khiến EU đánh giá lại cách tiếp cận của mình đối với nước này. Hiện tại, mối quan hệ hợp tác kinh tế, quan điểm của Trung Quốc đối với cuộc xung đột ở Ukraina và vấn đề Đài Loan là những yếu tố chính chi phối quan hệ EU – Trung Quốc.

Trung Quốc và EU có quan hệ hợp tác kinh mạnh mẽ, đặc biệt là về thương mại. Trung Quốc hiện tại là đối tác thương mại lớn nhất của EU – là nguồn nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của EU.[20] Trung Quốc chiếm 9% hàng hóa xuất khẩu, 20% hàng hóa nhập khẩu của liên minh[21]. Tổng giá trị thương mại song phương giữa EU và Trung Quốc đạt 850 tỷ Euro năm 2022. Tuy nhiên, EU phải chịu thâm hụt thương mại lên đến 400 tỷ Euro, tương đương với 2.3% GDP của toàn khối. Các nhà lãnh đạo EU cho rằng họ cần thúc đẩy việc cân bằng lại mối quan hệ này để đảm bảo sự thịnh vượng của toàn khối.

EU có mục tiêu đạt được trạng thái “Trung hòa carbon” Net-zero vào năm 2050 theo Hiệp định Paris năm 2015 và luôn cố gắng thực hiện các biện pháp để đạt được các mục tiêu về khí hậu. Khủng hoảng năng lượng đã thúc đẩy EU đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh này. Cuối tháng 3/2023, EU đã đưa ra Đạo luật Công nghiệp Net-Zero với mục tiêu có thể sản xuất ít nhất 40% công nghệ sạch mà họ cần cho quá trình chuyển đổi xanh, bao gồm công nghệ về năng lượng mặt trời, năng lượng gió trên mặt đất và ngoài khơi, pin, công nghệ lưới điện cùng các nguồn năng lượng tái tạo khác. Nhưng để đạt được mục tiêu này, EU cần sự độc lập và đa dạng hơn khi nói đến các yếu tố đầu vào của ngành công nghiệp này. EU đang dựa vào một nhà cung cấp duy nhất là Trung Quốc, với sự phụ thuộc 98% nguồn cung đất hiếm, 93% magie và 97% Lithium[22]. 80% pin mặt trời EU sử dụng được nhập khẩu từ Trung Quốc[23]. Do đó, EU đã đưa ra Đạo luật Nguyên liệu Thô Quan trọng để giúp đa dạng hóa và đảm bảo nguồn cung an toàn, bền vững cho sự thịnh vượng của Liên minh châu Âu. Đạo luật nhấn mạnh EU sẽ tìm kiếm quan hệ đối tác cùng có lợi với các thị trường mới nổi cũng như các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là trong khuôn khổ chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu” để đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu các nguyên liệu thô quan trọng của Liên minh.

Để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt và tăng cường an ninh kinh tế, EU đã đưa ra những công cụ mới nhằm củng cố các biện pháp phòng vệ thương mại của mình. Ngày 28/3/2022, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đã nhất trí xây dựng công cụ chống ép buộc[24]. Công cụ này nhằm ngăn chặn các nước thứ ba (bao gồm Trung Quốc) nhằm vào EU và các quốc gia thành viên thông qua ép buộc kinh tế bằng các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại hoặc đầu tư.

Ngày 16/04/2023, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã phát biểu tại cuộc họp giữa các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhóm các nước G7 rằng “Trung Quốc là đối tác, đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh và là đối tượng thù địch của chúng tôi, việc EU nghiêng về mối quan hệ nào trong ba mối quan hệ nói trên sẽ được quyết định bởi hành vi của Trung Quốc”[25].

Cuộc xung đột Nga – Trung làm gia tăng lo ngại về nguy cơ sử dụng vũ lực để tước bỏ lãnh thổ khỏi một quốc gia hoặc giải quyết các mẫu thuẫn quan hệ. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần thiết để đưa Đài Loan về quyền kiểm soát. EU và Mỹ vô cùng lo ngại việc Trung Quốc có thể áp dụng phương pháp tương tự đối với Đài Loan trong tương lai như Nga. Những cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc xung quanh Đài Loan nhằm phản ứng lại việc bà Thái Anh Văn “quá cảnh” ở Mỹ, đã làm Mỹ cùng EU gia tăng sự lo lắng ấy. Mặc dù EU tuyên bố lập trường công nhận “Một Trung Quốc”, tuy nhiên liên minh này cũng kêu gọi giữ nguyên hiện trạng và tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Ông Josep Borrell cho rằng “Đài Loan có vai trò quan trọng đối với kinh tế, thương mại và công nghệ của châu Âu, đặc biệt là trong việc sản xuất các chất bán dẫn tiên tiến nhất. Đài Loan rõ ràng là một phần của vành đai địa chiến lược của chúng tôi để đảm bảo hòa bình và tự do hàng hải tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.” Tuy nhiên, phát ngôn mới đây của tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng EU không nên là “tín đồ” của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan đã làm lộ ra những sự bất đồng quan điểm trong nội bộ EU về vấn đề này. Ông Bruno Lete, một thành viên từ Quỹ Marshall ở Brussels đã chia sẻ với hãng thông tấn DW (Đức) rằng, “trên thực tế, chính sách Trung Quốc của châu Âu đang đi theo hướng của Mỹ, EU đơn giản là quá phụ thuộc vào Mỹ và Mỹ thì quan tâm quá nhiều đến Trung Quốc”.[26]

Mối quan hệ Nga – Trung đã trở nên thân thiết vượt bậc trong những năm gần đây dưới sự xúc tác của nhân tố Mỹ. Hai quốc gia đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” vào cuối năm 2022. Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình cuối tháng 3/2023 vừa qua càng khẳng định thêm mối quan hệ khăng khít này, đồng thời được đánh giá là sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước. Sự nồng ấm của quan hệ Nga – Trung khiến EU và Mỹ lo lắng về viễn cảnh Trung Quốc sẽ tài trợ cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraina. Đối với vấn đề này, Trung Quốc thể hiện quan điểm trung lập bằng việc không công khai ủng hộ hành động của Nga nhưng cũng không lên án kế hoạch quân sự này. Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây trong đó có EU cho rằng Trung Quốc đã có sự “ủng hộ ngầm” cho Nga thông qua sự tăng cường hợp tác kinh tế. Một loạt nhà lãnh đạo châu Âu gần đây đã đến thăm Bắc Kinh đều nhắc đến mong muốn Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận với cuộc chiến. EU kêu gọi rằng Trung Quốc cần sử dụng ảnh hưởng để gây sức ép với Nga, còn Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc phản đối việc áp đặt trừng phạt, và sẽ thúc đẩy hòa bình theo cách riêng của mình. Cả ông Borrell và bà Ursula Von Der Leyen đều cho biết rằng mối quan hệ trong tương lai giữa EU và Trung Quốc phụ thuộc vào cách nước này tương tác với cuộc xung đột Nga – Ukraina.

Nội bộ EU vẫn có sự chia rẽ về cách tiếp cận Trung Quốc. Đối với một số quốc gia, sự đổ vỡ trong mối quan hệ hợp tác năng lượng với Nga như là một câu chuyện cảnh báo và ngụ ý sự cần thiết phải hạn chế sự phụ thuộc của các quốc gia này vào Trung Quốc như môt điểm đến xuất khẩu. Một số khác cho rằng Trung Quốc có thể đảm nhận vai trò chính trị toàn cầu với trách nhiệm lớn hơn, bao gồm cả vai trò trung gian trong giải quyết xung đột Nga – Ukraina. Cuối cùng, một số quốc gia nói Trung Quốc là một đối tác kinh tế không thể thiếu mà nếu không có thì EU sẽ không thể tiếp tục các hoạt động kinh tế. Bà Ursula Von Der Leyen đã đưa ra định hướng của mình trước khi lên đường đến Bắc Kinh về quan hệ EU – Trung Quốc trong tương lai là “ cần giảm thiểu rủi ro, chứ không phải tách rời”. Về cơ bản, tất cả các quốc gia thành viên đang theo đuổi cái mà họ cho là chính sách thực dụng đối với Trung Quốc, coi nước này vừa là đối thủ vừa là đối tác.

Hàm ý đối với Việt Nam

Năm 2022 đã chứng nhiều bước chuyển đổi lớn trong quan hệ quốc tế cũng như sự thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu. Cuộc chiến kéo dài ở Ukraina sẽ là một rủi ro đáng kể, có thể dẫn đến chi phí lương thực và năng lượng cao hơn trong thời gian sắp tới. Một nền kinh toàn cầu suy yếu, các điều kiện tài chính – tiền tệ thắt chặt hơn được dự đoán sẽ là một lực cản đối với tăng trưởng tại EU. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các chính sách tương lai của EU về kinh tế và hội nhập quốc tế.

Liên minh châu Âu EU có vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị – kinh tế – an ninh toàn cầu, sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại của EU sẽ có những ảnh hưởng đến các mối quan hệ nước lớn trên toàn cầu và ít nhiều sẽ có những tác động đến Việt Nam. EU là một đối tác quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam có quan hệ hợp tác phát triển ở cả cấp độ liên minh cũng như với các nước thành viên. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ năm, thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, nhà đầu tư lớn thứ năm tại Việt Nam và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại hàng đầu cho Việt Nam. Còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Cách tiếp cận mới của EU đối với các vấn đề quốc tế, các quốc gia khác sẽ có những ảnh hưởng đến Việt Nam theo các cách khác nhau mà Việt Nam cần phải chủ động đón đầu để có những đối sách phản ứng phù hợp, có lợi cho đất nước.

Chẳng hạn, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Von der Leyen đã nêu rõ chiến lược giảm rủi ro trong chính sách tiếp cận nền kinh tế Trung Quốc, rằng EU sẽ tập trung vào các hiệp định thương mại tự do sẵn có hoặc chưa có như hiệp định với Việt Nam, Mexico, Chile, Úc, Ấn Độ, New Zealand… để tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kỹ thuật số, cũng như công nghệ sạch. Và EU sẽ tăng cường đầu từ vào cơ sở hạ tầng trong khu vực hoặc xa hơn thông qua chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu – Global Gateway” nhằm phục hồi chuỗi cung ứng và đa dạng hóa thương mại của EU. Điều này mở ra cho Việt Nam một cơ hội về sự tăng cường hợp tác sâu rộng hơn trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư đến phát triển năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng.

Từ đây, Việt Nam cần tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do EVFTA để thúc đẩy hơn nữa hoạt động ngoại thương giữa hai bên, nhất là việc xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường EU. Trong bối cảnh EU phải chịu thâm hụt thương mại lên tới 400 tỷ Euro với Trung Quốc, EU đang tìm cách để giảm bớt sự mất cân bằng này, mà một cách hiệu quả, nhanh chóng nhất chính là giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc và thay thế bằng một thị trường khác. Việt Nam có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng như giá cả tương tự các các sản phẩm từ Trung Quốc, các sản phẩm của Việt Nam có thể thành “sản phẩm thay thế” đối với thị trường EU trong trường hợp này. Hơn nữa, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU đã có hiệu lực càng thuận lợi cho các sản phẩm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về giá tốt hơn so với Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh ở Ukraina gây ra đã thúc giục EU đẩy nhanh việc thiết kế và thực hiện các chính sách về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng có chung mục tiêu trung hòa Carbon năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng như quyết tâm thực hiện các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu. EU hiện là đối tác đi đầu với những cam kết, hành động mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu và chuyển đổi xanh trên thế giới. Việt Nam có thế mạnh về điện gió, điện mặt trời, do đó, Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác với EU trong lĩnh vực này, bằng việc đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, đào tạo cũng như chuyển đổi mô hình phát triển hướng đến một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Việt Nam cũng nên xúc tiến các thành viên của EU phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), để tăng cường các liên kết, cơ hội đầu tư hợp tác giữa hai bên. Hiện có 12/27 nước thành viên EU đã phê chuẩn Hiệp định này.

Một trong những nội dung của sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” là EU chú trọng tăng cường kết nối giữa châu Âu với thế giới, thúc đẩy đầu tư vào kết cấu hạ tầng bên ngoài EU nhằm tạo ra các mạng lưới chuyên chở bền vững, thông minh và an toàn trong tất cả các phương thức vận tải, đồng thời bảo đảm an ninh cho chuỗi cung ứng và phát triển năng lực sản xuất địa phương. Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) cũng có cùng chí hướng về xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả trong nội khối ASEAN. EU đã từng tuyên bố sẽ hỗ trợ để phát triển hạ tầng sản xuất ở ASEAN, thúc đẩy các nước này gia tăng vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, Việt Nam có thể thu hút sự hỗ trợ từ dự án “cửa ngõ toàn cầu” đến sự phát triển hạ tầng chuỗi cung ứng ở Việt Nam thông qua thúc đẩy hợp tác giữa EU và ASEAN dựa trên sự hợp tác giữa hai dự án. Sự phát triển hạ tầng chuỗi cung ứng ở ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Cuối cùng, có thể nhìn thấy được, EU là một liên minh bao gồm nhiều quốc gia thành viên. Do đó, chính sách đối ngoại chung của toàn khối đôi khi không đại diện hết cho quan điểm và lợi ích của tất cả các nước thành viên. Chính vì vậy, khi tiếp cận thị trường EU, Việt Nam không chỉ nên tiếp cận từ cấp độ liên minh, mà còn phải chú trọng đến quan hệ hợp tác với các nước thành viên dựa trên thế mạnh, đặc điểm riêng của nước đó. Việt Nam cần phát huy sự hài hòa để thu được nhiều thành quả nhất có thể dựa trên nguyên tắc hợp tác đôi bên cùng có lợi. Việc phát triển quan hệ với một đối tác đặc biệt gồm 27 thành viên như EU không chỉ phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam mà còn giúp Việt Nam cân bằng quan hệ với các nước lớn.

———————-

Tài liệu tham khảo:

[1] Oscar Arce, Gerrit Koester and Christiane Nickel (2023), One year since Russia’s invasion of Ukraine – the effects on euro area inflation, European Central Bank, https://www.ecb.europa.eu/press/blog/date/2023/html/ecb.blog20230224~3b75362af3.en.html
[2] Oscar Arce, Gerrit Koester and Christiane Nickel (2023), One year since Russia’s invasion of Ukraine – the effects on euro area inflation, European Central Bank, https://www.ecb.europa.eu/press/blog/date/2023/html/ecb.blog20230224~3b75362af3.en.html
[3] Strategic Risk, “US-China trade war is top geopolitical risk for 2023”, https://www.strategic-risk-europe.com/home/us-china-trade-war-is-top-geopolitical-risk-for-2023/1443070.article#:~:text=US-China%20conflict%20remains%20very%20unlikely%20in%202023%2C%20but,to%20be%20ready%20for%20when%20a%20crisis%20comes.
[4] Ellen Loanes (2023), America’s hypersonic arms race with China, explained, VOX, https://www.vox.com/world-politics/2023/3/25/23656256/americas-hypersonic-arms-race-china-russia-missiles
[5] See Arce, O., Koester, G. and Pierluigi, B. (2022), “Challenges for global monetary policy in an environment of high inflation: the case of the euro area”, ICE: Revista De Economía, No 929, pp. 115-130. http://www.revistasice.com/index.php/ICE/article/view/7531/7589
[6] StatisticsTimes, “Comparing United States and European Union by Economy”. https://statisticstimes.com/economy/united-states-vs-eu-economy.php
[7] European Commission, “EU trade relations with the United States”, https://policy.trade.ec.europa.eu/eu-trade-relationships-country-and-region/countries-and-regions/united-states_en
[8] The White House, “Fact Sheet on the United States’ Relationship with the European Union: An Enduring Partnership”, https://obamawhitehouse.archives.gov/the-press-office/2010/11/20/fact-sheet-united-states-relationship-with-european-union-enduring-partn
[9] European Commission, “EU trade relations with the United States”, https://policy.trade.ec.europa.eu/eu-trade-relationships-country-and-region/countries-and-regions/united-states_en
[10] European Commission, “EU trade relations with the United States”, https://policy.trade.ec.europa.eu/eu-trade-relationships-country-and-region/countries-and-regions/united-states_en
[11] Leigh Thomas (2023), Explainer: Why the U.S. Inflation Reduction Act has Europe up in arms, Reuters, https://www.reuters.com/markets/why-us-inflation-reduction-act-has-europe-up-arms-2022-12-05/
[12] Lâm Phương, Thế Hiệp (2023), Châu Âu trên bàn cờ địa chính trị của Mỹ, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, http://m.tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/chau-au-tren-ban-co-dia-chinh-tri-cua-my-20122.html
[13] Victoria Zaretskaya (2023), Europe was the main destination for U.S. LNG exports in 2022, U.S. Energy Information Administration, https://www.eia.gov/todayinenergy/detail.php?id=55920
[14] North Atlantic Treaty Organization, “NATO’s response to Russia’s invasion of Ukraine”, https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_192648.htm
[15] Lâm Phương, Thế Hiệp (2023), Châu Âu trên bàn cờ địa chính trị của Mỹ, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, http://m.tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/chau-au-tren-ban-co-dia-chinh-tri-cua-my-20122.html
[16] Meister, Stefan, (2022) A Paradigm Shift: EU-Russia Relations After the War in Ukraine, Carnegie Europe, https://carnegieeurope.eu/2022/11/29/paradigm-shift-eu-russia-relations-after-war-in-ukraine-pub-88476
[17] Douglas Broom (2022), What is the EU doing to end its reliance on Russian energy?, World Economic Forum, https://www.weforum.org/agenda/2022/04/europe-russia-energy-alternatives/
[18] Gavin Maguire (2022), Column: U.S. LNG exports both a lifeline and a drain for Europe in 2023, Reuters, https://www.reuters.com/business/energy/us-lng-exports-both-lifeline-drain-europe-2023-maguire-2022-12-20/
[19] European Commission, “Speech by President von der Leyen on EU-China relations to the Mercator Institute for China Studies and the European Policy Centre”, https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/speech_23_2063
[20] Global Times (2023), EU sees China a key trading partner, The Manila Times, https://www.manilatimes.net/2023/04/19/business/foreign-business/eu-sees-china-a-key-trading-partner/1887685
[21] European Commission, “Speech by President von der Leyen on EU-China relations to the Mercator Institute for China Studies and the European Policy Centre”, https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/speech_23_2063
[22] European Commission, “Speech by President von der Leyen on EU-China relations to the Mercator Institute for China Studies and the European Policy Centre”, https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/speech_23_2063
[23] Hà Linh (2023), Những khía cạnh kinh tế EU muốn ‘tái cân bằng’ với Trung Quốc, Báo Tin Tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-khia-canh-kinh-te-eu-muon-tai-can-bang-voi-trung-quoc-20230405155223691.htm
[24] Thùy Dương (2023), Vũ khí mới của EU trong xung đột thương mại với Trung Quốc, Báo Tin Tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/the-gioi/vu-khi-moi-cua-eu-trong-xung-dot-thuong-mai-voi-trung-quoc-20230330112852748.htm
[25] Humeyra Pamuk and Sakura Murakami (2023), China relationship will be determined by Beijing’s behaviour, EU policy chief says, Reuters, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/g7-discuss-common-concerted-approach-china-us-official-says-2023-04-16/
[26] Ella Joyner (2023), EU and China: Is Taiwan really Europe’s problem?, DW, https://www.dw.com/en/eu-and-china-is-taiwan-really-europes-problem/a-65283824

Theo THI THI / NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC

Tags: , ,