Điều cần biết về Nguồn lợi thiên nhiên và Vốn thiên nhiên

Thiên nhiên luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống, song sự phát triển của loài người lại đang khiến thiên nhiên bị phá hủy hơn bao giờ hết. Nghịch lý này khiến nguồn sống của con người bị đe dọa và tương lai của nhân loại trở nên thiếu bền vững.

Điều cần biết về Nguồn lợi thiên nhiên và Vốn thiên nhiên

Bài viết phân tích vấn đề dưới góc độ kinh tế học môi trường dưới đây sẽ giúp làm sáng tỏ nhiều điều.

Khái niệm

Khái niệm Vốn thiên nhiên chỉ những nguồn tài nguyên hữu sinh, vô sinh cung cấp nguyên liệu phục vụ nền kinh tế nhân loại hoặc cung cấp những dịch vụ duy trì các chu trình địa-hóa-sinh và sự sống.

Vốn thiên nhiên là các nguồn cung tài nguyên hoặc các dịch vụ có nguồn gốc từ thiên nhiên. Rừng, các mỏ khoáng sản, nguồn lợi thủy sản và đất đai màu mỡ là một số ví dụ về nguồn vốn thiên nhiên. Khả năng lọc không khí và làm sạch nước cũng là hai trong số nhiều dịch vụ sinh thái bắt nguồn từ thiên nhiên.

Nguồn lợi thiên nhiên là lợi suất hàng năm từ những nguồn tài nguyên thiên nhiên như gỗ, quặng, thủy sản và thực vật tương ứng với các nguồn vốn đề cập ở trên. Điểm giới hạn bền vững bị vượt qua khi nguồn lợi thiên nhiên bị sử dụng hết, khiến nguồn vốn thiên nhiên bị giảm năng suất trong khi cần được duy trì để đảm bảo tiếp tục cung cấp lợi suất tự nhiên tương đương trong tương lai.

Nguồn lợi thiên nhiên không đơn thuần là tài nguyên

Tài nguyên thiên nhiên không là nguồn lợi duy nhất do hệ sinh thái cung cấp. Hệ sinh thái còn rất nhiều chức năng khác.

Chẳng hạn, rừng không đơn giản chỉ cung cấp gỗ mà còn có tác dụng chống xói mòn đất, hấp thụ nước mưa và góp phần kiểm soát lũ. Rừng cũng là môi trường sống của nhiều loài động, thực vật. Những loài động thực vật này có thể là nguồn thức ăn hoặc thuốc chữa bệnh cho những loài khác. Rừng hấp thụ nguồn khí thải tự nhiên từ những sinh vật sống khác, chuyển hóa thành oxi, đồng thời lọc các-bon khỏi không khí, tác động đến vi khí hậu của khu vực. Rừng là nhân tố quan trong trọng chu trình tạo nước cũng như đem lại sự hài hòa thẩm mỹ và niềm hứng khởi về mặt tinh thần. Hệ sinh thái rừng còn có chức năng duy trì sự sống cho môi trường rừng và các sinh vật sống trong nó.

Các chức năng của hệ sinh thái là hình thái khác của nguồn lợi thiên nhiên bắt nguồn từ chính nguồn vốn thiên nhiên thuộc hệ sinh thái rừng – nơi cung cấp gỗ cho các mục đích kinh tế. Các chức năng của hệ sinh thái mang lại giá trị đặc thù như vậy cho con người được gọi là các Dịch vụ sinh thái.

Các dịch vụ từ vốn thiên nhiên

Có bốn loại hình dịch vụ được cung cấp bởi vốn thiên nhiên, mỗi loại cần được xem xét về mức độ quan trọng:

  • Dịch vụ dự trữ: cung cấp các nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất (gỗ, thủy sản, …)
  • Dịch vụ điều hòa: điều hòa các quy trình của hệ sinh thái như phân hủy chất thải hữu cơ, làm sạch không khí…
  • Dịch vụ văn hóa: cung cấp những lợi ích về mặt tinh thần, thẩm mỹ, tâm lý hay giải trí …
  • Dịch vụ hỗ trợ: điều chỉnh những quá trình cần thiết cho toàn bộ các chức năng sinh thái khác.

Khai thác tài nguyên hủy hoại các chức năng sinh thái

Phân biệt các chức năng của tài nguyên và dịch vụ trong cùng một hệ sinh thái là một điểm quan trọng giúp hiểu rõ mối quan hệ giữa quy mô tự nhiên của nền kinh tế và khả năng hỗ trợ cuộc sống của hệ sinh thái.

Cùng một hệ sinh thái sẽ đem lại các nguồn lợi thiên nhiên bao gồm cả các nguồn tài nguyên và những dịch vụ sinh thái. Tuy nhiên, thông thường chỉ có hoạt động khai thác tài nguyên, vốn mang lại khối lượng nguyên vật liệu lớn, mới được tính đến trong lý thuyết kinh tế và thực tiễn. Từ cùng một khu rừng, gỗ sẽ có giá cả thị trường nhất định nhưng khả năng kiểm soát xói mòn hay điều hòa khí hậu thì không.

Kết cục, đa số chính sách chỉ tập trung vào sản xuất gỗ hơn là toàn bộ nguồn lợi thiên nhiên do các dịch vụ sinh thái mang lại. Đó là những tổn thất nghiêm trọng và sâu rộng hơn trong dịch vụ sinh thái so với việc tài nguyên bị rút ruột, vốn đã là một mối đe dọa lớn đối với sự sống trên hành tinh.

Vốn thiên nhiên có thể mất đi khi vốn tài chính phát triển

Nguồn lợi thiên nhiên hoặc các dịch vụ đa dạng từ cùng một hệ sinh thái đều có những mức độ nhạy cảm khác nhau đối với sự can thiệp từ bên ngoài. Khi rừng bị mất đi một khối lượng gỗ nào đó thì các dịch vụ sinh thái như khả năng giữ nước và sự đa dạng sinh học của môi trường sống sẽ bị ảnh hưởng theo các mức độ khác nhau.

Có trường hợp sự xâm hại vượt qua ngưỡng giới hạn khiến một hay nhiều dịch vụ sinh thái của rừng không thể tự phục hồi thậm chí trong khi vẫn tiếp tục bị khai thác. Khi giới hạn bền vững bị vượt qua ở một mức độ nào đó, giá gỗ trên thị trường không biểu hiện hết được những tổn thất của các dịch vụ sinh thái. Cả nguồn vốn và nguồn lợi thiên nhiên mà các dịch vụ sinh thái mang lại có thể bị tàn phá khi các nguồn lực tài chính tiếp tục phát triển, thậm chí chỉ trong một thời gian ngắn.

Phá hủy các dịch vụ sinh thái là phá hủy sự bền vững

Giới hạn bền vững của một dịch vụ sinh thái bị phá vỡ khi mức độ khai thác tài nguyên khiến nguồn vốn thiên nhiên giảm khả năng cung cấp một nguồn lợi thiên nhiên tương tự trong tương lai như đã từng mang lại trong quá khứ.

Bất kể quá trình trao đổi diễn ra với tiền bạc hay nguồn vốn thiên nhiên, khi tỉ lệ khai thác vượt quá khả năng phục hồi, lượng tài nguyên sẵn có cũng sẽ giảm dần về số không khiến tính bền vững bị phá hủy.

Tư duy về giới hạn bền vững buộc chúng ta tập trung nhiều hơn vào các dịch vụ sinh thái và nguồn lợi thiên nhiên mà chúng đem lại, ít nhất là ngang bằng sự quan tâm dành cho bản thân các nguồn tài nguyên.

Bởi nguồn vốn thiên nhiên bị loại ra khỏi các lý thuyết cũng như thực tiễn kinh tế, những nguồn hỗ trợ quan trọng của nguồn lợi thiên nhiên, vốn rất cần thiết cho sự phát triển bền vững, thường bị coi là không có giá trị trên thị trường và thường chịu lãng quên.

Cạnh tranh vốn thiên nhiên

Các chu trình trao đổi năng lượng và dinh dưỡng giữa những yếu tố hữu sinh và vô sinh của hành tinh đã tạo cho trái đất của chúng ta một khả năng độc đáo nhằm hỗ trợ những hình thái sống phức tạp. Mọi sự sống trên trái đất phụ thuộc vào nguồn năng lượng mặt trời và việc trao đổi vốn thiên nhiên trong những quy trình duy trì sự sống.

Khi loài người tiến hóa, sinh sôi trên khắp địa cầu và nâng cao mức tiêu thụ nguyên vật liệu thông qua cải tiến công nghệ, con người bắt đầu cạnh tranh với các loài và các chu trình tự nhiên khác trong việc chiếm hữu nguồn vốn thiên nhiên có hạn. Thành công của loài người trong cuộc cạnh tranh này đã dẫn con người đến chỗ đánh bại thế giới tự nhiên mà con người vẫn phụ thuộc.

Tư duy về giới hạn bền vững sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự cân bằng cần thiết giữa mức tiêu dùng các nguồn vốn thiên nhiên của con người và việc sử dụng phần tài nguyên hạn chế còn lại của chính thiên nhiên.

Nguồn vốn thiên nhiên nào là thiết yếu?

Việc sử dụng nguồn vốn thiên nhiên để sản xuất ra các hàng hóa và dịch vụ là thiết yếu đối với sự tồn tại và phồn vinh của loài người. Vì vậy, khai thác một vài nguồn vốn thiên nhiên cũng là một phần trong tổng thể hoạt động kinh tế. Câu hỏi sống còn đặt ra là: “Bao nhiêu nguồn vốn thiên nhiên cần được bảo vệ để nguồn lợi thiên nhiên về cả hàng hóa và dịch vụ không bị suy giảm?”. Hay nói khác: “Nguồn vốn thiên nhiên là thiết yếu đối với đời sống con người ở những khía cạnh nào và số lượng bao nhiêu?”. Đây cũng là một cách khác để tiếp cận vấn đề giới hạn bền vững.

Điều gì khiến chức năng hoặc dịch vụ sinh thái quan trọng?

Có ba đặc điểm chính làm cho các chức năng hoặc dịch vụ sinh thái có tầm quan trọng rất lớn:

  • Tính không thể thay thế: Không dịch vụ hoặc chức năng khác, tự nhiên hay nhân tạo, có thể thay thế những dịch vụ và chức năng hiện tại (chẳng hạn như chức năng bảo vệ bức xạ mặt trời hay khả năng điều hòa khí hậu …)
  • Tính không thể phục hồi: nghĩa là nếu bị phá hủy ở một mức độ nào đó, nó sẽ không thể phục hồi như nguyên trạng (mất cân bằng đa dạng sinh học, chất thải độc hại …)
  • Nguy cơ cao: những tổn thất của hệ sinh thái tiềm tàng một nguy cơ lớn đối với sự phồn vinh của loài người (khí hậu đã có những biến động chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại…)

Theo THIENNHIEN.NET

Tags: ,