Điện Biên Phủ trên không: Những mảnh ghép từ hai phía

Những chiếc B-52 vì sao bị bắn rơi? Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy đầy đủ trong sự đánh giá của những người trong cuộc ở cả hai phía.

Điện Biên Phủ trên không: Những mảnh ghép từ hai phía

Người Mỹ nói về thất bại

5 năm sau trận thua trên bầu trời Hà Nội, Đại úy phi công B-52 của Mỹ là Drenkowski viết bài đăng trên tạp chí US Airforce phân tích về nguyên nhân thua cuộc của người Mỹ.

Viên phi công này nêu lên nhiều vấn đề nhưng theo anh ta có 3 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thất bại là quá trình oanh tạc nhỏ giọt từng đợt, thiếu yếu tố bất ngờ và thiếu sự linh hoạt trong chiến thuật.

Drenkowsky cho rằng trong chiến dịch Linerbacker II, Không quân Mỹ đã tiến hành đánh phá các mục tiêu thành các đợt cách nhau đến hàng giờ liền. Điều đó giúp cho hệ thống phòng thủ của đối phương có thời gian hồi phục để đối phó với đợt sau. Khi đã sửa chữa sai lầm bằng cách dùng 5 đợt B-52 đồng thời từ nhiều hướng vào ném bom thì số thiệt hại máy bay mới giảm.

Ở điểm này có lẽ Drenkowsky nhầm lẫn hoặc cố ý nói như vậy để tăng sức thuyết phục cho luận điểm của mình. Bởi vì sau khi ngừng 36 giờ với lý do nghỉ Giáng sinh (thực tế là để điều chỉnh chiến thuật), đêm 26/12, Không quân Mỹ đã tập trung 105 B-52 đánh cả Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên từ nhiều hướng nhưng lại mất 6 B-52 với 4 chiếc rơi tại chỗ. Rõ ràng thiệt hại không hề giảm khi tăng tần suất ném bom như Drenkowsky nói.

Về yếu tố bất ngờ, Drenkowsky nói các tốp B-52 không giữ được yếu tố này khi mà mọi chiếc B-52 đều phải bay vào và bay ra theo đường bay của chiếc đầu tiên ở cùng 1 độ cao và tốc độ. Viên phi công viết: “ Mỗi đêm, khi chiếc B-52 đầu tiên bay qua thì các trắc thủ đối phương có thể biết chính xác chiếc B-52 tiếp theo sẽ bay tới vị trí nào. Lẽ ra phải nghĩ đến các đợt oanh tạc ở tầm thấp để gây yếu tố bất ngờ. Ít nhất cũng phải cho máy bay B-52 bay ở nhiều độ cao và tốc độ khác nhau”.

Kết hợp với yếu tố này là yếu tố linh hoạt trong chiến thuật. Drenkowsky phân tích tiếp: “Chiến thuật không thay đổi kịp với những thay đổi của tình hình. Thí dụ, nếu một chiếc F-105 báo tin toàn bộ tên lửa SAM ở một khu vực đã bị tiêu diệt, tạo nên một “lỗ hổng” trong chu vi phòng thủ của SAM, các máy bay B-52 vẫn không được phép thay đổi đường bay để lợi dụng lỗ hổng này mà cứ phải bay vào mục tiêu theo đường bay đã định sẵn. Đêm đầu tiên, khi dải nhiễu đã bị gió thổi tạt đi, các phi công vẫn không được phép điều chỉnh đường bay vào mục tiêu trong khoảng từ 24 đến 32km để lợi dụng dải nhiễu này”.

Đúng như viên phi công Mỹ nói, Việt Nam không bị bất ngờ về cuộc tập kích của B-52 từ góc độ chiến lược tới chiến thuật. Ta đã dự đoán và chuẩn bị từ lâu cho trận đánh này. Về thời điểm chính xác mà Mỹ sẽ khai hỏa chiến dịch ta cũng nắm được qua tin tình báo và các nghiệp vụ kỹ thuật. Bởi thế ngay trong đêm đầu ta đã bắn rơi ngay 3 B-52.

Tuy nhiên về yếu tố linh hoạt chiến thuật thì luận điểm của Drenkowsky chưa thuyết phục lắm bởi vì ngay chính các nhà khoa học và chiến thuật gia của Không quân Mỹ cũng thấy rằng tập trung hàng trăm máy bay B-52 đánh phá một vùng trời chật hẹp ở Hà Nội nếu các máy bay B-52 cơ động thì rất dễ va chạm vào nhau gây tai nạn. Ngay chính khi bay trong đội hình ở độ cao và tốc độ ổn định mà B-52 còn phải bật rất nhiều đèn để tránh va quệt nên khả năng cơ động trên không để tránh đòn và tận dụng “lỗ hổng” là không khả thi.

Trong một cuốn sách xuất bản sau bài báo của Drenkowsky 2 năm, cuốn The Vietnam War của John T. Greenwood lại làm phong phú thêm các nguyên nhân thất bại của không quân Mỹ. Tác giả nhấn mạnh đến yếu tố gió như một thuận lợi cho Việt Nam: “Đêm đó (18/12), cũng như 2 đêm sau, gió từ hướng Tây Bắc thổi mạnh với tốc độ lên tới trên 100 dặm/h đã đẩy các máy bay B-52 bay nhanh vào thung lũng sông Hồng, nhưng cũng thổi bạt sợi nhiễu ra khỏi các hành lang trước khi các pháo đài bay kịp tới”.

Cùng với đó, Greenwood cũng nhấn mạnh rằng: “Hơn nữa, khi ra khỏi mục tiêu, các máy bay B-52 phải ngoặt trở lại bay ngược chiều gió mạnh 100 dặm/h nên tốc độ rút lui chậm lại quá nhiều và hướng gây nhiễu chị chệch, khiến cho radar của các trận địa tên lửa đất đối không lân cận có thể lọt qua những chỗ yếu trong màn nhiễu”.

Lời người thắng cuộc

Đối với Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Trong đó, riêng về mặt quân sự, ta chiến thắng vì căn bản đầu tiên là ta không bị bất ngờ mà ngược lại còn khiến kẻ địch bất ngờ vì những cố gắng và nỗ lực của ta.

Đối phó với B-52 có máy móc điện tử rất hiện đại, lực lượng phòng không của Việt Nam đã phát huy cao độ tinh thần sáng tạo của người sử dụng vũ khí. Ta đã liên tục cải tiến vũ khí, thay đổi chiến thuật cho phù hợp để đánh thắng những thủ đoạn mới của địch. Cho đến tháng 11/1972, các quy trình và kinh nghiệm đánh B-52 đã được phổ biến trong toàn bộ quân chủng phòng không và đặc biệt là binh chủng tên lửa. Nhờ đó bước vào chiến dịch những đơn vị chưa từng giáp mặt B-52 cũng đã bắn rơi được loại máy bay này.

Ngoài ra phải kể đến yếu tố thế bố trí lực lượng của ta. Cuốn sách Điện Biên Phủ trên không bản hùng ca bất tử của tác giả Nguyễn Phương Diện cho biết: Mạng radar trên toàn miền Bắc được điều chỉnh, bố trí theo cụm, kết hợp giữa máy cũ và máy mới, giữa các đài radar sóng mét, đề-xi-mét, xen-ti-mét, kết hợp giữa các đài radar với các trạm quan sát mắt, tạo thành trường radar khép kín, có khả năng chống nhiễu cao, có thể phát hiện tốt máy bay bay thấp, bay ở tầng trung và tầng cao, tạo thành thế trận vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, có chiều sâu.

Chiến thuật bố trí radar của ta được khái quát cụ thể: xa bù gần, sau bù trước, hai bên sườn bổ trợ chính diện. Một số đơn vị radar được đưa vào quân khu 4, vừa làm nhiệm vụ bảo đảm phục vụ các đơn vị bảo vệ giao thông vận chuyển, phục vụ tác chiến phòng không trong chiến dịch binh chủng hợp thành ở tuyến trước, đồng thời làm nhiệm vụ cảnh giới xa cho Hà Nội, kịp thời phát hiện B-52 từ hướng Tây Nam và Đông Nam vào đánh phá thủ đô.

Các đơn vị radar có kinh nghiệm phát hiện B-52 như Đại đội 45, Đại đội 16 được bố trí để thực hiện nhiệm vụ phát hiện B-52 từ bên sườn cánh sóng nhiễu của đội hình B-52. Đây cũng là một sơ hở, một “điểm yếu chết người” tiếp theo của địch mà chúng không hề hay biết. Khi B-52 bay từ Utapao qua Lào theo hướng Tây Nam xuống và từ Gu-am qua biển Đông theo hướng Đông Nam vào, thì khu vực bên sườn cánh sóng nhiễu của chúng có cường độ nhiễu rất nhẹ. Đại đội 45 và Đại đội 16 với giàn trắc thủ lão luyện đã điểm huyệt chúng bằng việc phát hiện sớm, chính xác để thông tin cho các lực lượng sẵn sàng tiêu diệt.

Cùng với radar, tên lửa cũng được bố trí thành vòng ngoài, vòng giữa và vòng trong nhằm tác chiến điện tử có hiệu quả khi địch gây nhiễu tổng hợp với cường độ lớn thì ta vẫn có thể bọc lót cho nhau. Trong chiến đấu, ta sử dụng phổ biến phương pháp bắn 3 điểm và phương pháp vượt trước nửa góc.

Với thế bố trí radar và tên lửa liên hoàn như vậy nên khi radar ở hướng trực diện không nhìn thấy B-52 thì radar bên sườn lại nhìn thấy và hướng dẫn được tên lửa đánh trúng mục tiêu. Điều đó cũng cho thấy rằng gió có làm bạt các sợi nhiễu nhưng không phải là yếu tố duy nhất giúp radar ta nhìn thấy B-52.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , ,