Điện ảnh: Hành trình gian nan để được công nhận là một loại hình nghệ thuật

Trong những năm tháng đầu tiên được ra đời, điện ảnh vốn không được công nhận là một loại hình nghệ thuật. Trong dòng chảy chủ lưu của nghệ thuật khi ấy, chỉ tồn tại 6 loại hình đó là: Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thơ ca và múa.

Điện ảnh: Hành trình gian nan để được công nhận là một loại hình nghệ thuật

Những nhà nghiên cứu khi ấy cho rằng, điện ảnh ra đời nhờ hai yếu tố đó là khoa học kỹ thuật và thị hiếu của khán giả. Chính vì vậy, nếu tính riêng sự phát triển của tính mỹ học nghệ thuật, điện ảnh không thể được xếp vào để trở thành một bộ môn nghệ thuật.

Tuy nhiên, bằng sự sáng tạo của những nhà làm phim và tính triết học của riêng bản thân điện ảnh đã buộc các nhà nghiên cứu xem xét điện ảnh ở một góc độ nghiêm túc như một loại hình nghệ thuật ngang tầm với những loại hình nghệ thuật truyền thống trước đó.

Từ đây, hai câu hỏi lớn được đặt ra:

– Thứ nhất: Tại sao sáu loại hình trước đó lại được công nhận là một loại hình nghệ thuật và được xếp vào dòng chảy chủ lưu của mỹ học nghệ thuật?

– Thứ hai: Điều gì đã khiến điện ảnh trở thành một loại hình nghệ thuật mới trong dòng chảy chủ lưu đó?

Để giải thích hai câu hỏi trên, tôi tiến hành nghiên cứu bản chất cốt lõi của tính mỹ học nghệ thuật và sự tác động qua lại của các loại hình nghệ thuật đối với điện ảnh.

Cái đẹp – hạt nhân cốt lõi của tính mỹ học nghệ thuật và các phạm trù mỹ học

Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của lịch sử loài người, cái đẹp gần như đã song hành cùng chúng ta và ngược lại con người cũng chưa từng ngừng tìm hiểu, lý giải về cái đẹp. “Cái đẹp” được tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, với các hình thức biểu hiện khác nhau, mà chủ yếu được chia thành 4 hình thức biểu hiện chính: cái đẹp tự trong tự nhiên, cái đẹp trong cuộc sống, cái đẹp trong hình mẫu con người, cái đẹp trong nghệ thuật.

Như vậy, “cái đẹp” không chỉ đơn thuần là một phạm trù thẩm mỹ, nó gắn liền với thiên nhiên, với xã hội và con người. Với mỗi dân tộc, mỗi thế hệ, thậm chí mỗi một giai đoạn lịch sử loại người, cái đẹp lại có một quan niệm khác nhau. Ví dụ như trong nghệ thuật điêu khắc cổ đại, người Hy Lạp đã đúc kết về cái đẹp trước hết là sự hài hòa, đăng đối, trật tự, là sự phối hợp nhịp nhàng giữa số lượng và chất lượng, là sự thuần khiết, trong sáng, mực thước cùng sự tiến bộ và hoàn thiện. Đối với những nhà mỹ học “duy tâm khách quan” như Platon và G. Hegel cho rằng, cái đẹp chính là sự thể hiện đầy đủ của ý niệm trong một sinh thể riêng lẻ. Chính vì vậy cái đẹp là biểu hiện cảm tính của ý niệm tuyệt đối trong nghệ thuật. Từ đó ta có thể thấy, cái đẹp trong tư duy cổ đại là một quần thể chặt chẽ và khép kín, từ đó tạo ra một thế giới độc lập nhưng vô cùng chặt chẽ và nhất quán về mặt thẩm mỹ. Nhưng hiện nay, những yếu tố này gần như đã bị thay thế hoàn toàn. Tư duy “tự do sáng tạo” đã phủ định lên trên “tư duy mô phỏng” và mở đường cho hàng loạt những nhận thức thẩm mỹ và cảm nhận trực giác khác nhau của mỗi con người về cái đẹp. Để củng cố cho lập luận này những nhà “duy tâm chủ quan” như D. Hume đã nhận định: “Cái đẹp không phải là phẩm chất tồn tại trong bản chất sự vật mà nó tồn tại chủ yếu trong tâm linh người quan sát nó”.

Nói như vậy không có nghĩa cái đẹp là thứ con người không thể nắm bắt được, và cũng không có một tư duy “cái đẹp” mới nào có thể biến những tư duy “cái đẹp” cũ trở thành xấu xí. Như đã nói ở trên, “cái đẹp” là một phần của lịch sử, nó biến đổi theo không gian và thời gian. Và khi mỹ học Marxist ra đời, ông đã nhận định cái chủ quan (cái đẹp) và cái khách quan (con người) đã thống nhất, hòa nhập trong mối quan hệ tác động biện chứng, từ đó khơi gợi nên một thái độ mỹ học tích cực.

Hoàng Ngọc Hiến và TS. Đỗ Văn Khang đã có một cuộc trao đổi đầy thú vị về các phạm trù mỹ học. GS. Hoàng Ngọc Hiến cho rằng tồn tại 4 phạm trù mỹ học bao gồm: cái đẹp, cái bi, cái hài, cái cao cả; còn TS. Đỗ Văn Khang đưa ra nhận định về 5 phạm trù mỹ học gồm có: cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài và cái trác tuyệt.

Thực tế số lượng các phạm trù mỹ học vốn không cố định trong lịch sử mỹ học, theo thời gian, chúng ta có thể bổ sung – thay thế một số những phạm trù khác nhau. Tuy nhiên, cho dù có bao nhiêu phạm trù được bổ sung – thay thế thì “cái đẹp” vẫn là phạm trù trung tâm, cái hạt nhân liên kết giữa tính thẩm mỹ của nghệ thuật và hiện thực.

Những “đứa con” đầu tiên của mỹ học nghệ thuật

Cho đến nay, những nhà nghiên cứu nghệ thuật vẫn còn tranh cãi khá nhiều về sáu loại hình nghệ thuật đầu tiên. Trong công trình nghiên cứu “Văn học dân gian và nghệ thuật tạo hình điện ảnh”, tiến sỹ Nguyễn Mạnh Lân và tiến sỹ Nguyễn Duy Hinh đã liệt kê ra sáu loại hình nghệ thuật là: Kiến trúc, hội họa, văn học, múa, âm nhạc và sân khấu. Tuy nhiên trong cuốn “Điện ảnh – nghệ thuật thứ bảy” của đạo diễn Cao Thụy lại chỉ ra sáu loại hình đó là: Kiến trúc, nghệ thuật tạo hình (bao gồm điêu khắc, hội họa, đồ họa, trang trí mỹ nghệ), văn học, múa, âm nhạc và sân khấu.

Việc nghiên cứu tính chất của những loại hình nghệ thuật này đã được bắt đầu từ thời cổ đại và vẫn còn được tranh cãi quyết liệt cho tới nay. Theo những tài liệu ghi lại các nghệ thuật thời cổ đại và trung đại dưới thời Hy Lạp và La Mã, ta thấy nghệ thuật được chia làm hai nhóm là nghệ thuật kỹ thuật và nghệ thuật thẩm mỹ. Vào thời trung cổ, những loại hình này lại được phân biệt với hai tên gọi khác là nghệ thuật tự do và nghệ thuật máy móc.

Không ít nhà nghiên cứu nghệ thuật cho rằng, nếu xét riêng về tính chất của từng loại hình nghệ thuật, ta có thể phân loại thành hai nhóm chính đó là:

– Nhóm có kích cỡ vật thể nhỏ dần, bao gồm: Kiến trúc, điêu khắc và hội họa.

– Nhóm có khả năng biểu hiện tăng dần, bao gồm: Âm nhạc, thơ ca và múa.

Việc phân loại này đã được Friedrich Hegel ủng hộ trong cuốn “Những bài giảng về Mỹ học” Sau này, theo một hướng nghiên cứu khác, Max Dessoir – nhà nghiên cứu nghệ thuật người Đức trong cuốn “Phân loại nghệ thuật” của mình đã chia thành:

– Nhóm nghệ thuật tĩnh: Kiến trúc, điêu khắc và hội họa.

– Nhóm nghệ thuật động: Âm nhạc, thơ ca và múa.

Lý giải cho sự tranh cãi này bắt nguồn từ yếu tố sự ra đời của các loại hình nghệ thuật là do nhu cầu của đời sống và hoạt động thực tiễn, mà ở đây đặc biệt chú trọng tới nhu cầu đời sống về mặt nội tâm và nhận thức của con người.

Tuy nhiên có một điều không thể phủ nhận rằng, thành tựu của những công trình nghiên cứu và sự tranh cãi nảy lửa giữa các nhà nghiên cứu nghệ thuật với nhau đã tạo nên một cái nhìn toàn cảnh đối với hệ thống nghệ thuật. Từ đó những loại hình được phân loại, sắp xếp và bổ sung vào những nhóm khác nhau nhằm hỗ trợ, tổng hòa và phát triển. Song để tìm tới cái gốc của 6 loại hình nghệ thuật chính thống, với cách phân loại của Friedrich Hegel và Max Dessoir đã loại bỏ nghệ thuật sân khấu ra khỏi dòng chảy chủ lưu của tính mỹ học nghệ thuật.

Sở dĩ, sân khấu vốn là loại hình nghệ thuật tổng hợp. Tuy có lịch sử lâu đời nhưng về bản chất sân khấu lại là sự kết hợp của các loại hình nghệ thuật khác nhau. Nếu đặt riêng sáu loại hình nghệ thuật được phần lớn những nhà nghiên cứu công nhận là: “Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thơ ca và múa” ra đứng riêng lẻ, chúng vẫn có khả năng tự mình sáng tạo và phát triển theo những hướng đi riêng. Còn sân khấu là tổng hòa của tất cả những loại hình nghệ thuật gốc và chỉ có ngôn ngữ đặc trưng mới là nét chấm phá riêng biệt.

Thông qua diễn viên, ngôn ngữ đặc trưng của sân khấu bao gồm: hành động hình thể, hành động tâm lý và hành động ngôn ngữ. Việc sử dụng, vay mượn của sân khấu đối với các loại hình nghệ thuật khác như sau: chất liệu tạo hình sân khấu từ kiến trúc và điêu khắc, chất liệu kịch bản hay ngôn ngữ từ thơ ca, chất liệu dàn cảnh từ hội họa, cuối cùng là chất liệu diễn xuất từ âm nhạc và múa.

Có thể thấy, tuy sân khấu không được một số nhà nghiên cứu công nhận để trở thành sáu loại hình nghệ thuật đầu tiên trong dòng chảy chủ lưu của mỹ học, nhưng nó vẫn có nét riêng biệt với ngôn ngữ đặc trưng riêng của mình. Còn khi sang tới điện ảnh, câu chuyện vay mượn chất liệu và tổng hợp tính mỹ học của những loại hình nghệ thuật đi trước còn lớn hơn như vậy.

Điện ảnh thuở sơ khai không được coi là nghệ thuật

Lược sử lịch sử điện ảnh thế giới, ta có thể thấy rằng điện ảnh được ra đời nhờ sự phát minh của khoa học kỹ thuật. Điều này có nghĩa, điện ảnh sẽ không ra đời nếu những lý thuyết về quang học, hóa học và vật lý không tồn tại hay nếu không có sự góp mặt của nhiếp ảnh. Đây chính là yếu tố khác biệt đầu tiên của điện ảnh với sáu loại hình nghệ thuật truyền thống đi trước nó: không thể tự ra đời và phát triển.

Nhiếp ảnh được ra đời với nhu cầu thu giữ, lưu trữ một hình ảnh và khoảnh khắc. Chiếc máy ảnh đầu tiên được ra đời vào năm 1826 được Nielfs và Louis Daguerre nghiên cứu và hoàn thiện. Đến năm 1839 do việc xin bằng sáng chế gặp trục trặc, thêm vào đó sự phát triển của khoa học kỹ thuật trên toàn thế giới đã cho ra đời hàng loạt những công trình nghiên cứu về máy ảnh khác nhau. Chính vì vậy chính phủ Pháp đã tuyên bố “máy chụp ảnh” là món quà miền phí cho toàn thế giới.

Tuy nhiên, sự ra đời của điện ảnh lại bắt nguồn từ một nghiên cứu dáng chạy của loài ngựa khi cựu thống đốc bang Cali lúc bấy giờ là Lelan Stanford, đã yêu cầu nhà nhiếp ảnh gia Eadweard Muybridge chụp một loạt tấm hình của những con ngựa đang chạy. Bằng cách này, người ta nhận thấy việc ghi lại hình ảnh liên tiếp có thể tái hiện lại sự chuyển động bằng cách chiếu ra những hình ảnh nối tiếp nhau. Từ đây, nhu cầu thu lại hình ảnh chuyển động ra đời.

Loạt ảnh Con ngựa đang chạy của Eadweard Muybridge

Trải qua thêm vài năm nữa, anh em nhà Lumiere tại Pháp đã sáng chế ra camera của riêng họ và tổ chức một buổi chiếu phim công cộng đầu tiên tại tòa nhà Grand Café ở Paris. Trước đó Dickson – một nhân viên của Thomas Edison cũng đã sáng chế ra máy quay 35mm. Tuy nhiên Edison đã cho rằng đây chỉ là trò chơi thích thú ngắn ngủi, chỉ đáp ứng khả năng tiêu khiển của cộng đồng với mục đích kiếm tiền nên ông đã bỏ qua nó.

Thomas Edison đã có ý đúng, khi ngay sau đó, những bộ phim đầu tiên được ra đời của những hãng phim như “Pathé” hay “Gaumont” được sản xuất ra nhằm thỏa mãn nhu cầu của người xem bình dân. Lượng khách hàng tiêu thụ những sản phẩm điện ảnh này hầu hết là đến từ các hội chợ phiên, nơi mà những chủ gánh hát tham gia hoạt động kinh doanh của mình. Với mục đích ban đầu là chèn một số phim vào những chương trình biểu diễn truyền thống như sân khấu hay múa nhằm tăng thêm tính giải trí cho khán giả, những bộ phim vào thời kỳ này thường có nội dung đơn giản và khá ngắn. Tuy những bộ phim lúc này đã có nội dung hơn trong sự sáng tạo, được kết hợp nhiều với những pha kỹ xảo và phương thức tạo hình. Song nhìn chung, với sự vay mượn quá nhiều từ các tư liệu của những loại hình nghệ thuật đi trước, đi kèm với sự phát triển không mang tính độc lập mà còn dựa dẫm vào khoa học công nghệ; cùng với đó là mục đích hướng tới của điện ảnh đó là thỏa mãn “thị hiếu” của khán giả cho nên những bộ phim trong thời kỳ này chỉ dừng lại ở việc tái hiện thế giới thực hoặc một thế giới giả tưởng (như cách mà đạo diễn George Melies đã làm) thông qua một chuỗi hình ảnh mà không đi vào việc tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi nghệ thuật, đã khiến điện ảnh vào thời kỳ này chỉ đơn thuần là một phương thức giải trí cầu kỳ và sáng tạo.

Bộ phim A trip to the Moon (1902, đạo diễn George Melies).

Điện ảnh trở thành một loại hình nghệ thuật mới trong dòng chảy chủ lưu của mỹ học nghệ thuật

Một trong những nét tính cách đặc trưng của nền điện ảnh sơ khai đó là vấn đề điểm nhìn. Điện ảnh ban đầu vốn được xây dựng trên nhu cầu thu lại hình ảnh chuyển động, với sự trợ giúp của máy quay. Điều này đồng nghĩa với việc, khán giả vốn là những người tiếp nhận hình ảnh của bộ phim sẽ trở thành đối tượng tiếp nhận hình ảnh thu được từ máy quay. Để làm rõ luận điểm này, ta lấy những bộ phim của đạo diễn George Melies làm ví dụ. Mặc dù G.Melies đã có nhiều sự đột phá, sáng tạo trong việc sử dụng các kỹ xảo và các phương thức tạo hình song những cảnh quay còn được thực hiện theo nguyên tắc cố định – tức là không có sự di chuyển của máy quay. Máy quay được đặt cố định, cột chặt lại ở một điểm để thu lại chuỗi hình ảnh cử động, từ đó khán giả (những người tiếp nhận chuỗi hình ảnh thụ động trở thành điểm nhìn của máy quay) cũng bị cột chặt vào đúng vị trí của chiếc máy quay trong quá trình hoạt động. Việc này khiến điện ảnh thuở sơ khai ban đầu giống như sân khấu như khán giả chỉ có một điểm nhìn duy nhất.

Tuy nhiên, trong tác phẩm “Intolerence” (1916), đạo diễn David Wark Griffith đã cột chiếc máy quay vào giỏ của khinh khí cầu tạo nên một sự chuyển động cho máy quay. Nếu như ban đầu, với việc chiếc máy quay được cột cố định tại một điểm để thu hình ảnh và phát trên không gian hai chiều thì giờ đây, chiếc máy quay đã được chuyển động và thu về những hình ảnh chuyển động trong không gian ba chiều. Một việc mà không một loại hình nghệ thuật nào trong dòng chảy chủ lưu trước đó làm được. Khán giả giờ đây đã khám phá ra những góc nhìn mới của sự vận động, mà ở đây là máy quay. Từ đó phá vỡ đi rào cản của không gian và thời gian của bản chất nghệ thuật tĩnh và nghệ thuật động mà Max Dessoir đã phân loại trước đó. Từ đây các nhà làm phim đã bắt đầu biết đặt câu hỏi và tìm câu trả lời cho bản chất của điện ảnh. Việc này đã khiến cho điện ảnh trở nên “biết tư duy” khi mang tính thể nghiệm của riêng mình để hướng tới một tư duy thẩm mỹ mang tính mỹ học.

Người đầu tiên sử dụng cụm từ “Nghệ thuật thứ bảy” là nhà nghiên cứu văn học và nghệ thuật người Pháp Ricciotto Canudo khi xuất bản công trình nghiên cứu “Tuyên ngôn của bảy nghệ thuật” năm 1923. Ricciotto Canudo đã thừa hưởng cơ sở lý luận của những người đi trước, từ đó chia thành từng tính chất cho 2 nhóm loại hình nghệ thuật ban đầu. Với nhóm nghệ thuật tĩnh như kiến trúc – điêu khắc – hội họa là nghệ thuật không gian, nghệ thuật tĩnh và nghệ thuật tạo hình. Với nhóm nghệ thuật động như âm nhạc – thơ ca – múa là nghệ thuật thời gian, nghệ thuật động và nghệ thuật tiết tấu.

“…Ngày nay, vòng chuyển động của mỹ học khép lại đầy kiêu hãnh trong một tổng thể các nghệ thuật mang tên Điện ảnh…Nếu chúng ta coi hình oval như hình ảnh tượng trưng cho mỹ học, vòng chuyển động gãy khúc ở hai cực, thì nghệ thuật hay mọi nghệ thuật được thể hiện theo chiều ngang trên giấy…”, Ricciotto Canudo viết trong cuốn sách của mình.

Điều này đã cho chúng ta thấy rõ hai luận điểm để khẳng định điện ảnh đã trở thành một loại hình nghệ thuật:

– Điện ảnh là sự tổng hòa của những loại hình nghệ thuật đi trước. Trong sự phát triển của mình, điện ảnh đã thâu tóm những “tài nguyên dự trữ” của cả không gian và thời gian

– Không chỉ dừng lại ở việc tổng hòa, điện ảnh còn có khả năng tư duy mà không hề sao chép. Thông qua đạo diễn và những nhà làm phim, sự vay mượn các loại hình nghệ thuật đi trước kết hợp cùng khoa học công nghệ đã tạo ra nét duy mỹ riêng của điện ảnh.

Chính từ đây, những nhà nghiên cứu và lý luận phê bình đã cởi trói cho sự phụ thuộc của điện ảnh vào khoa học công nghệ. Để từ đó chính thức công nhận điện ảnh trở thành một loại hình nghệ thuật mới trong dòng chảy chủ lưu của mỹ học nghệ thuật.

Lời kết

Với khả năng “tự tư duy” về tính thể nghiệm của riêng mình, điện ảnh đã tự mình tìm ra con đường riêng trong mỹ học. Điện ảnh đã phát triển trong cuộc đấu tranh với những mâu thuẫn và định kiến để dần giành được chỗ đứng của mình trong mỹ học nghệ thuật. Từ đó mở rộng ra những vấn đề liên quan trong việc nghiên cứu lý thuyết điện ảnh và triết học điện ảnh sau này.

————————–

Tài liệu tham khảo:

– “Vận dụng phạm trù cái đẹp của mỹ học vào thực tiễn cuộc sống”, thạc sỹ Lê Phương Anh Võ.
– “Văn học nghệ thuật và chức năng” của Tiến sỹ Lâm Quang Vinh, xuất bản năm 2017.
– “Triết học điện ảnh và cuộc khám phá những bề sâu của Nghệ thuật thứ bảy” của tác giác Thomas E. Wartenberg, biên dịch bởi Đào Lê Na đăng trên tạp chí Văn hóa và Du lịch số 24, tháng 7- 2015.
– “Điện ảnh – nghệ thuật thứ bảy” của đạo diễn Cao Thuy, xuất bản năm 2004.
– “Nghệ thuật điện ảnh” của David Bordwell và Kristin Thompson, xuất bản năm 2013.
– “Lịch sử điện ảnh thế giới – dẫn luận, tập 1” của David Bordwell và Kristin Thompson, xuất bản năm 2013.
– “Văn học dân gian và nghệ thuật tạo hình điện ảnh” của tiến sỹ Nguyễn Mạnh Lân và tiến sỹ Nguyễn Duy Hinh, xuất bản năm 2002.

Theo VIỆT ANH PHẠM / SPIDERUM.COM

Tags: , ,