Điểm mặt những viên tướng khuynh đảo nền chính trị VNCH

Hầu hết các biến động chính trị lớn của chế độ Việt Nam Cộng hòa đều có sự nhúng tay của các tướng lĩnh cao cấp.

Điểm mặt những viên tướng khuynh đảo nền chính trị VNCH

Dương Văn Minh (1916-2001): Có biệt danh “Big Minh” vì vóc dáng cao lớn, ông trở thành Chủ Tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng Việt Nam sau đảo chính Ngô Đình Diệm. Nhưng hai tháng sau, tướng Nguyễn Khánh lật đổ chính phủ này, dù vẫn để ông làm giữ chức Chủ tịch Hội đồng kiêm Quốc trưởng. Thất thế, ông đi làm đại sứ tại Thái Lan từ cuối 1964 đến 1969. Năm 1971, ông ban đầu định tranh cử với Tổng thống Thiệu, nhưng sau đó rút tên. Ngày 28/4/1975, ông trở thành Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa và tuyên đọc lời đầu hàng ngày 30/4. Năm 1983, ông được cho phép sang Pháp sống. Cuối thập niên 1990, ông sang Mỹ và mất năm 2001 tại California.

Trần Văn Đôn (1917-1998): Nguyên là một cựu tướng lĩnh của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Trung tướng. Ông xuất thân từ trường Sĩ quan Trừ bị ở Pháp, sau đó được thụ huấn tiếp ở trường Võ bị của Quân đội thuộc địa Pháp mở ra ở miền Bắc Việt Nam. Ông còn là một cựu chính khách của Việt Nam Cộng hòa. Là một trong những nhân vật chủ chốt trong cuộc Đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 lật đổ chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông cũng là Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng của nền Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam (1967-1975).

Cao Văn Viên (1921-2008): Không ủng hộ cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm, Tướng Cao Văn Viên, với cương vị Tư lệnh Nhảy Dù, tham gia cuộc “chỉnh lý” hạ bệ tướng Dương Văn Minh đầu năm 1964. Ông giữ chức tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng Hòa từ 1965 đến 1975, và được thăng đại tướng năm 1967. Ngày 28/4/1975, ông cùng gia đình sang Mỹ. Sau này, ông viết hai cuốn sách về cuộc chiến trước khi qua đời tại Virginia năm 2008.

Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001): Được phong Thiếu tướng sau khi tham gia đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1963. Thăng Trung tướng năm 1965, ông trở thành Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia Việt Nam Cộng hòa thời kỳ 1965-1967. Năm 1967, ông được bầu làm tổng thống, tuyên bố thành lập nền Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam. Ông tiếp tục làm tổng thống cho đến năm 1975. Ống sống lưu vong tại Anh trước khi cư ngụ và mất ở Boston, Massachusetts năm 2001.

Nguyễn Chánh Thi (1923-2007): Nguyên là một cựu tướng lĩnh gốc Nhảy dù của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Trung tướng. Ông xuất thân từ một trường Võ bị Địa phương do Chính phủ Quốc gia trong Liên hiệp Pháp mở ra ở miền Đông Nam phần. Ông đã từng Tư lệnh một Binh chủng được xem là xuất sắc nhất và Tư lệnh một Quân đoàn giàu truyền thống nhất của Quân đội Nam Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Ông là người được tạp chí Times mệnh danh là “chuyên gia đảo chính”. Bởi vì ông là một sĩ quan quân đội dính líu đến nhiều cuộc đảo chính và phản đảo chính trong lịch sử tồn tại của Việt Nam Cộng hòa.

Nguyễn Hữu Có (1925-2012): Nguyên là một cựu tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Trung tướng.Ông cũng là một chính khách, từng giữ chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời là Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa (1965–1967). Ông từng là nhân vật quan trọng trong chính trường Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn các tướng lĩnh cầm quyền (1963-1967). Cuối tháng 4 năm 1975, ông tái ngũ với vai trò là người của Thành phần thứ ba để cùng với Tổng thống Dương Văn Minh tìm giải pháp cứu vãn Chế độ Việt Nam Cộng hòa. Giai đoạn sau 1975, ông được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là nhân sĩ tự do. Ông được xem như một biểu tượng của sự hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù sau chiến tranh.

Trần Thiện Khiêm (1925- ): Sau hai lần giải vây cho Tổng thống Ngô Đình Diệm trước âm mưu đảo chính, ông lại tham gia cuộc đảo chính thành công tháng 11 năm 1963. Ông được thăng trung tướng, nhưng năm 1964, ông giúp tướng Nguyễn Khánh đảo chính, hạ bệ tướng Dương Văn Minh. Ông được cử làm tổng trưởng quốc phòng và phong đại tướng. Trong giai đoạn ngắn, Sài Gòn chứng kiến chế độ “tam đầu chế” gồm tướng Khánh, Minh và Khiêm. Nhưng tháng 10/1964, cả ông Minh và Khiêm đều phải lưu vong. Ông Khiêm đi làm đại sứ tại Mỹ, rồi tại Đài Loan cho đến 1968. Năm 1969, ông trở thành thủ tướng và giữ chức này đến 1975. Tháng Tư năm đó, ông rời Sài Gòn cùng Tổng thống Thiệu và sau này sống tại Mỹ.

Nguyễn Khánh (1927-2013): Nhân vật then chốt trong giai đoạn sóng gió của miền Nam sau đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm. Có lúc Tướng Khánh đã giữ chức Quốc trưởng và Thủ tướng năm 1964, nhưng nhanh chóng bị lật đổ vào tháng Hai 1965. Lưu vong từ 1965, ông là nhà lãnh đạo quốc gia của Việt Nam Cộng hoà phải sống lưu vong lâu nhất. Ông sống ở Pháp từ 1966 rồi định cư tại Mỹ năm 1975.

Đỗ Cao Trí (1929-1971): Là thiếu tướng khi ông tham gia đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông được phong trung tướng sau đảo chính. Nhưng ông nhanh chóng bị nghi ngờ và đưa đi làm đại sứ tại Hàn Quốc. Sau trận Mậu Thân 1968, ông được triệu hồi, giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn III. Tháng Hai 1971, ông tử nạn khi đi trực thăng thị sát chiến trường Campuchia. Ông được truy phong đại tướng của Việt Nam Cộng Hòa.

Nguyễn Cao Kỳ, (1930-2011): Nguyên là một cựu tướng lĩnh Không quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Thiếu tướng. Ông từng là Thủ tướng trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (1965-1967) và Phó Tổng thống (1967-1971) của Việt Nam Cộng hòa. Từng là đồng minh rồi đối thủ của cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, từng được coi là người có tư tưởng chống Cộng trong thời kỳ trước 1975. Rồi sau đó, kể từ năm 2004, được coi là biểu tượng của sự hòa hợp hòa giải dân tộc. Ông là người nhận được nhiều mô tả và bình luận rất trái chiều từ nhiều phía.

S.T

Tags: