Điểm danh 11 loài linh trưởng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam

Theo các số liệu của Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), linh trưởng ở Việt Nam đang bị đe dọa ở tình trạng đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đó, số loài được linh trưởng ở Việt Nam xếp ở mức Cực kỳ nguy cấp toàn cầu (CR – Critically Endangered) đã tăng lên từ 7 loài năm 2008 lên 11 loài năm 2015. Việc có nhiều loài nguy cấp đã làm cho Việt Nam trở thành tâm điểm về đa dạng linh trưởng cũng như các mối đe dọa mà các loài này đang gặp phải chủ yếu là săn bắn và mất sinh cảnh.

11 loài ở Việt Nam đang trên bờ vực tuyệt chủng, theo số liệu năm 2015, bao gồm:

1. Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus)

Số lượng: < 70 cá thể

Ngày 2 tháng 6 năm 2003 , tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương , lần đầu tiên trên thế giới một con voọc Cát Bà đã sinh được một voọc con khỏe mạnh. Cặp voọc bố mẹ được lực lượng kiểm lâm Cát Bà cứu thoát từ tay thợ săn năm 1998 và 2000 sau đó đưa về nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng.

Loài linh trưởng này đang phải đối mặt với việc mất môi trường sinh sống từ các mối đe doạ lớn nhất là: nạn săn bắt trộm, việc phá rừng làm đất trồng trọt và sự phát triển du lịch ồ ạt tại đảo Cát Bà.

2. Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri)

Số lượng: < 200 cá thể

Voọc mông trằng còn được gọi là voọc quần đùi trắng, được phân bố tại 18 điểm tách biệt nhau thuộc các tỉnh Ninh Bình , Hà Nam , Hòa Bình và Thanh Hóa .

Tại Việt Nam, voọc mông trắng được tập trung bảo tồn ở hai nơi: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và Vườn Quốc gia Cúc Phương .

3. Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus)

Số lượng: < 200 cá thể

Voọc mũi hếch còn gọi là cà đác, có bản địa là khu rừng tre nứa tại các tỉnh Tuyên Quang , Bắc Kạn , Thái Nguyên , Hà Giang và Quảng Ninh . Đây là những thửa rừng cận nhiệt đới dưới cao độ 1.500 m với nhiệt độ mát mẻ.

Vì bị đe dọa nghiêm ngặt cà đác được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam .

4. Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea)

Số lượng: < 1,500 cá thể

Chà vá chân xám sinh sống ở khu vực trung Trường Sơn của Việt Nam trên địa bàn năm tỉnh Quảng Nam , Quảng Ngãi , Bình Định , Kon Tum và Gia Lai . Tổng số lượng của quần thể này ước khoảng 600-700 con.

Tháng 7/ 2007 , WWF và Tổ chức Bảo tồn Quốc tế đã giám sát ít nhất 116 con tại miền trung Việt Nam , làm tăng cơ hội sống sót của chúng.

Cả ba loại chà vá nói chung (chân xám, chân nâu và chân đen) có thân lông xám với vết lông trắng ở mông. Lông vai và tay màu đen. Lông trên đầu màu xám nhưng có một vành đen phía trên trán. Chúng có vành râu quai nón màu trắng trong khi phía cổ thì lông màu dà, hung đỏ. Mắt chúng hơi xếch. Tay chà vá dài hơn chân. Đuôi dài, sắc lông trắng.

Khác biệt giữa ba loại chà vá là lông từ mông trở xuống. Chà vá chân xám, như tên đặt cho chúng, có cặp chân xám. Hai cánh tay cũng xám.

5. Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus)

Số lượng: chưa rõ

Còn được gọi là chà vá chân đỏ, sống ở khu vực bắc Trường Sơn của Việt Nam (địa bàn gồm từ Nghệ An xuống Kontum ) và nước Lào.

Khi có biến, chà vá chân đỏ thường rút lui lặng lẽ nhưng nếu bị bắt gặp bất chợt chúng có thể kêu hú inh ỏi, leo trèo nháo nhác làm náo động cả một thửa rừng.

Thường thì chúng ngồi gần như bất động ăn lá cây và bắt chấy cho nhau nên đoàn thủy thủ trên một chiếc tàu Âu châu cập bến Đà Nẵng năm 1819 đã ghi rằng trong một buổi sáng, họ bắn được hơn 100 con chà vá chân đỏ.

6. Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes)

Số lượng: chưa rõ

Chà vá chân đen sinh sống ở khu vực Nam Trường Sơn của Việt Nam ( Cao nguyên Lâm Viên ) và miền núi Campuchia lân cận. Không như những loài khỉ khác, khi có biến chúng trở thành bất động nên dễ bị săn bắt.

7. Vượn Cao Vít (Nomascus nasutus)

Số lượng: khoảng 130 cá thể

Vượn Cao Vít mới được phát hiện trở lại vào năm 2002 ở huyện Trùng Khánh , tỉnh Cao Bằng thuộc miền Bắc Việt Nam , sau khi được quan sát lần cuối cùng vào những năm 1960. Vượn đen Đông Bắc là loài linh trưởng hiếm nhất và bị đe dọa nhất trên thế giới.

Đây là kết quả của tình trạng phá rừng trong khu vực sinh sống của chúng cũng như các hoạt động xâm thực và săn bắt trái phép.

8. Vượn đen tuyền Tây Bắc (Nomascus concolor)

Số lượng: < 60 cá thể ở Việt Nam

9. Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys)

Số lượng: < 300 đàn

Một quần thể 455 con vượn đen má trắng gồm nhiều đàn nhỏ đã được phát hiện năm 2011 tại Vườn quốc gia Pù Mát , tỉnh Nghệ An , Việt Nam , gần biên giới với Lào. Quần thể này nằm cách xa khu dân cư và chiếm 2/3 số lượng vượn đen má trắng tại Việt Nam. Tính đến năm 2011, số lượng vượn má trắng đã giảm hơn 80% trong 45 năm.

10. Vượn đen má trắng siki (Nomascus siki)

Số lượng: chưa rõ

11. Khỉ đuôi dài Côn Đảo (Macaca fascicularis condorensis)

Số lượng: < 2,000 cá thể

Tập trung ở vùng Côn Đảo , Phú Quốc và Cần Giờ (ở đảo khỉ).

Chúng thường sống thành đàn, ít khi gặp một con. Đàn có cấu trúc nhiều đực, nhiều cái, trung bình 2,5 con cái 1 con đực. Chúng sống thành đàn từ 10-100 con. Con đực đầu đàn thường ít đánh dấu khu vực như các loài khỉ khác.

Các con non thường đùa nghịch với nhau trong đàn. Chúng thường đùa với nhau trong vòng hai năm. Con đực thường đùa với con đực, con cái thường đùa với con cái.

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: , , ,