Để dạy thật, học thật: Phải xóa bỏ bệnh ‘ngụy thành tích’ trong giáo dục

Muốn dạy thật, học thật phải xóa bỏ được bệnh thành tích trong giáo dục. Chúng ta nói nhiều, lên án nhiều bệnh thành tích, cũng đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng “ngụy thành tích” đã trở thành căn bệnh trầm kha không phải nói bỏ là có thể bỏ được.

Để dạy thật, học thật: Phải xóa bỏ bệnh ‘ngụy thành tích’ trong giáo dục

Tác giả: Ngọc Huyền, giáo viên ở Bình Thuận.

Trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/5 vừa qua về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành giáo dục, Thủ tướng Chính phủ có nêu yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật” là một nhiệm vụ trọng tâm, cần phải làm ngay của ngành giáo dục hiện nay. Chắc chắn tới đây, yêu cầu này sẽ trở thành tiêu điểm của ngành giáo dục, nỗ lực, quyết tâm để phấn đấu đạt được.

Tuy nhiên, làm thế nào để việc dạy thật, thi thật đạt hiệu quả (đương nhiên là hiệu quả thật) chứ không phải kiểu thật luôn được hiện diện trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua, các bảng báo cáo tổng kết, các bảng thành tích cá nhân từ trước tới nay (nhưng thực tế diễn ra vẫn như cũ) lại chẳng hề đơn giản.

Ở đây, tôi chỉ đề cập 2 yếu tố: Dạy thật và học thật. Bởi vì, khi đã dạy thật, học thật thì sản phẩm giáo dục tạo ra chắc chắn sẽ có chất lượng. Đó chính là mảnh đất màu mỡ cho nhân tài thật xuất hiện.

Hiểu thế nào là dạy thật, học thật?

Dạy thật là dạy đúng, dạy đủ những kiến thức cần cung cấp cho học sinh để đạt mục tiêu bài học. Người dạy phải tận tâm, hỗ trợ nhiệt tình, giải đáp kịp thời những thắc mắc của người học để các em lĩnh hội được kiến thức. Dạy thật cũng là đánh giá thật chất lượng giờ học, chất lượng học sinh.

Học thật là học để hiểu biết, để làm, để khẳng định mình. Học thật là học vì sự đam mê chứ không phải kiểu học để lấy điểm số cao, không phải học để thi là xong nhiệm vụ như cách học của nhiều học sinh.

Có thể khẳng định ngay rằng, trong ngành giáo dục hiện nay, việc dạy thật, học thật đang có vấn đề. Có thể nói, giáo viên chưa được dạy thật, còn học sinh vẫn chưa học thật.

Vậy những nguyên nhân nào dẫn đến việc giáo viên không dạy thật còn học sinh không học thật?

Thứ nhất, căn bệnh ngụy thành tích trong giáo dục buộc giáo viên đã không dạy thật thì làm sao học sinh có thể học thật?

Học thật ngỡ chỉ là yêu cầu về phía người học nhưng thực tế lại phụ thuộc rất lớn vào thầy cô. Bởi, không ít giáo viên đã dạy cho học sinh cách “học giả”, đó là kiểu học đối phó để minh chứng cho một phương pháp dạy học hay, một mô hình dạy học tốt, một giờ dạy hoàn hảo…

Những tiết học dự giờ cấp huyện, cấp tỉnh được tập đi tập lại hằng tuần, thậm chí hằng tháng. Ai cũng biết là tiết dạy diễn nhưng gần như mặc nhiên dạy dự giờ phải thế, và những tiết dạy giả cứ nghiễm nhiên tồn tại đã trở nên bình thường.

Không riêng những tiết dự giờ chuyên đề, những tiết dạy thi để chọn giáo viên giỏi người ta cũng thi nhau “mớm bài”, “gà bài”. Không còn là thành tích của riêng giáo viên mà là thành tích của nhà trường nên có sự góp sức của cả một tập thể.

Ngoài tiết dạy, những chỉ tiêu cao ngất ngưởng được áp xuống. Chỉ tiêu lên lớp thẳng, chỉ tiêu học sinh khá giỏi, chỉ tiêu phổ cập giáo dục, chỉ tiêu tốt nghiệp, hiệu quả đào tạo, các giải phong trào mũi nhọn…

Để đạt được những chỉ tiêu cao thế, giáo viên không thể dạy thật mà là kiểu dạy để học sinh đạt chỉ tiêu như việc mớm đề kiểm tra, coi kiểm tra dễ, cho đề cương ôn tập sát sườn (kiểu đề kiểm tra cái gì thì học sinh chỉ cần học mỗi nội dung đó mà thôi).

Từ khi có quy định điểm tổng kết được tham gia tính điểm tốt nghiệp 12, không ít trường trung học phổ thông đã “mở rào” để xảy ra hiện tượng cho điểm dễ dãi. Vậy là, lực học thật và điểm số chẳng ăn nhập gì với nhau, dẫn đến chất lượng ảo.

Thứ hai, chương trình nặng nề, một hệ thống kiến thức hàn lâm, xa rời thực tế. Học sinh khó có thể học vì đam mê, học để hiểu, để làm, để khẳng định mình mà chủ yếu học lấy điểm, học để thi.

Thế mới có chuyện khi học thì học ca này ca kia, học cả ngày, học trắng đêm, học thuộc lòng theo kiểu học vẹt, lấy kiến thức của người khác làm của mình và khi thi xong là hết học (gom sách vở lại như vừa quẳng đi một gánh nợ).

Thứ ba, đời sống giáo viên còn khó khăn, nhiều thầy cô giáo lấy việc dạy thêm làm nguồn thu chính.

Điều này dẫn đến việc dạy không thật và học sinh học không thật. Có giáo viên “ém” kiến thức trên lớp để hút học sinh về lớp học thêm. Có thầy cô đã dùng thủ thuật như “mớm” đề kiểm tra, đề thi. Học sinh cần điểm, cần danh hiệu nên không thể bỏ học thêm.

Thứ tư, cách tuyên dương, khen thưởng, ban danh hiệu cho giáo viên, cho nhà trường trong ngành giáo dục hiện có vấn đề khi cấp trên thường chỉ căn cứ vào vài tiết dạy, danh hiệu học sinh đạt được trong các cuộc thi nên thường nảy sinh việc giáo viên, nhà trường không dám đánh giá chất lượng thật của học sinh.

Xóa bỏ bệnh “ngụy thành tích”

Muốn dạy thật, học thật phải xóa bỏ được bệnh thành tích trong giáo dục. Chúng ta nói nhiều, lên án nhiều bệnh thành tích, cũng đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng “ngụy thành tích” đã trở thành căn bệnh trầm kha không phải nói bỏ là có thể bỏ được.

Thứ nhất, bệnh “ngụy thành tích” không chỉ nằm ở mình giáo viên. Bởi thế, khi nói xóa bỏ bệnh thành tích, chúng ta thường tập trung vào giáo viên, vào nhà trường mà quên mất rằng nhiều ban ngành liên quan đã buộc giáo viên, nhà trường sinh ra bệnh thành tích.

Ví dụ, nếu để học sinh ở lại lớp nhiều sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu phổ cập đúng độ tuổi. Nhà trường không đạt về phổ cập, cả xã, phường ấy sẽ không đạt. Mà xã phường không đạt thì huyện, thị, quận ấy cũng sẽ không đạt chỉ tiêu phổ cập… Khi cấp trên không đạt chỉ tiêu đương nhiên sẽ gõ đầu cấp dưới.

Hay như việc, trường A có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học thấp sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ chung của cả tỉnh. Hoặc trường có nhiều học sinh đoạt giải cao quốc gia, thậm chí quốc tế thì cả tỉnh sẽ nở mày nở mặt như cách nói của một số người… Bởi thế, tung hô và mưa danh hiệu, quyền lợi được rót về.

Vì thế, muốn xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục cần bắt đầu từ trên rồi mới đến giáo viên và nhà trường.

Thứ hai, nâng cao vị thế của người thầy chính là nâng cao đời sống cho họ. Khi giáo viên chưa sống được bằng lương họ sẽ phải dạy thêm để duy trì cuộc sống và nhiều hệ lụy sinh ra từ đây.

Thứ ba, chương trình giáo dục phải vừa sức, phải thực tế để học sinh học và hành. Giảm áp lực thi cử, việc trọng bằng cấp, giảm bớt các hội thi, các phong trào thi đua. Không căn cứ vào các chỉ tiêu đạt được của học sinh để đánh giá giáo viên.

Thứ tư, trao quyền thực sự cho giáo viên trong giảng dạy, chỉ nên kiểm tra và quản lý chất lượng đầu ra là đủ.

Chỉ khi không còn áp lực về thành tích thi đua, về thi cử thì lúc đó giáo viên sẽ được dạy thật và học sinh sẽ được học thật.

Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM 

Tags: