David Hume – nhà triết học của thời đại Khai Sáng Anh Quốc

David Hume (1711 – 1776) là người được cuốn tự điển bách khoa về triết học của Stanford (Stanford Encyclopedia of Philisophy) đánh giá là triết gia viết bằng tiếng Anh quan trọng nhất trong lịch sử thế giới.

David Hume – nhà triết học của thời đại Khai Sáng Anh Quốc

Triết gia người Scotland này có thể tự hào rằng những lời khen tặng đó không có gì là quá đáng khi người ta đã tổ chức một loạt những cuộc hội thảo về ông không những tại Anh và Mỹ mà còn cả ở Áo, Cộng Hòa Czech, Nga, Phần Lan và Brazil nữa.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Hume được coi trọng như vậy khi nhìn vào ảnh hưởng của ông đối với hàng loạt những ngành học như tri thức học (epistemology), chính trị học, kinh tế, lịch sử, thẩm mỹ (aesthetics) và cả thần học nữa. Cùng với John Locke, George Berkeley và một vài người khác ông được coi như là sáng lập ra trường phái thực nghiệm của Anh (British Empiricism).

Căn bản của triết học ông dựa trên một sự hoài nghi sâu đậm về khả năng của lý trí trong việc đạt đến kiến thức mà không qua thực nghiệm. Mở đầu với cuốn A Treatise on Human Nature xuất bản năm 1739 khi ông mới 28 tuổi, Hume tìm cách sáng lập ra một môn “khoa học nhân văn” hoàn toàn tự nhiên dựa trên cơ sở tâm lý của bản tính con người. Ðối nghịch hẳn với trường phái duy lý (rationalists) mà đại biểu là Descartes, ông kết luận rằng “dục vọng” chứ không phải “lý trí là động năng tác động hành vi của con người.” Hume lý luận rằng lý trí một mình “không thể nào là một động lực cho bất kỳ một hành động nào của ý chí.” Dục vọng, chẳng hạn “không nổi lên từ lý trí” tuy rằng nó có thể được “lèo lái bởi lý trí.” Lý trí tuy không là nguyên nhân tạo ra dục vọng, nhưng nó giúp cho người ta hiểu và hướng dẫn các đam mê của chúng ta.

Ông biện luận chống lại sự hiện hữu của những khái niệm bẩm sinh (innate ideas), nói rằng người ta chỉ có thể có được kiến thức của những gì họ trực tiếp cảm nhận hoặc trải qua kinh nghiệm. Ông chia nhận thức (perception) của người ta thành hai phần: “ấn tượng” (impressions) có tính cách mạnh và tích cực là hậu quả do các giác quan tiếp xúc trực tiếp và “ý tưởng” (ideas) mờ nhạt hơn hệ quả lấy từ những ấn tượng đó. Ông cho rằng người ta hành động theo những quy luật không phải bẩm sinh mà phát xuất từ truyền thống. Ông bác bỏ luận điểm của Descartes về một cái “ngã” (self) siêu hình mà nói rằng con người thật sự không có một nhận thức bẩm sinh về cái “ngã” mà chỉ biết một tập thể những cảm giác liên kết với cái ngã đó mà thôi.

Có lẽ một trong những đóng góp quan trọng nhất của Hume là trong lãnh vực đạo đức học. Cùng với Thomas Hobbes, ông là người sáng lập ra lý thuyết gọi là tương thích (compatibilist) hòa hợp các khái niệm tự do và định mệnh. Luận đề của lý thuyết này là tìm cách hòa hợp khái niệm con người có tự do để quyết định số phận của mình trong lúc sống và là một thành phần của một vũ trụ mà mọi chuyện được quyết định một cách máy móc theo các quy luật của vật lý.

Hume biện luận rằng sự mâu thuẫn giữa tự do và định mệnh chỉ là hậu quả của việc dụng từ không được chính xác. Hume định nghĩa các khái niệm “cần thiết” (necessity) và “tự do” (liberty) như sau:

Cần thiết (necessity): là “hoạt động đồng nhất, quan sát được của tự nhiên trong đó các vật thể tương tự luôn luôn đi liền với nhau.”

Và Tự do (liberty): là “khả năng hành động hay không hành động tùy theo quyết định của ý chí.”

Hume sau đó lý luận rằng nếu theo các định nghĩa này của ông thì không những hai khái niệm kia tương thích mà tự do còn đòi hỏi cần thiết. Vì nếu hành động của ta không đạt được sự cần thiết theo nghĩa của ông thì chúng sẽ “chẳng có bao nhiêu quan hệ với mục tiêu, khuynh hướng và hoàn cảnh.” Nhưng nếu hành động của chúng ta không có liên hệ gì với ý chí thì thật sự “hành động của chúng ta lại chẳng bao giờ có tự do bởi vì như vậy chúng chỉ là hậu quả của ngẫu nhiên; vốn được mọi người công nhận là không thể có hiện hữu.”

Hume sau đó biện luận rằng để có thể được coi như là có trách nhiệm về đạo đức, cần thiết là hành động của ta phải được phát xuất từ một nguyên nhân nào đó: “Hành động tự nó có tính cách tạm thời và mau tan biến; và khi chúng không phát xuất từ một nguyên nhân nào đó từ trong tính tình và bản chất của người thực hiện chúng, chúng không thể nào làm vinh dự cho người đó nếu chúng là tốt; và cũng không làm ô nhục nếu chúng là xấu.” Ông cũng đưa ra quan điểm rằng việc phát xuất ra các tiêu chuẩn đạo đức dựa trên cơ sở của các cảm tính chứ không từ những nguyên lý đạo đức trừu tượng. Lý luận này của ông đã ảnh hưởng nhiều đến những trường phái đạo đức hiện đại sau này. Trên phương diện thần học, Hume đã đi trước thuyết tiến hóa khi lý luận chống lại lý luận cần có một tạo hóa mới có thể tạo ra được những sinh vật trong cuốn Dialogues Concerning Natural Religion (1779).

Kant ca ngợi Hume là đã đánh thức ông dậy từ “giấc ngủ giáo điều”; và Hume cũng ảnh hưởng rất nhiều đến những triết gia về sau đặc biệt là các trường phái thực dụng, Auguste Comte, William James và toàn bộ môn tri thức học. Hume cũng có ảnh hưởng nhiều đến những người cùng thời. Adam Smith công nhận là Hume đã ảnh hưởng nhiều đến ông về kinh tế và chính trị. Trên phương diện văn học Hume là người sáng lập ra thể loại tiểu luận (essay) trong văn học Anh.

Trên phương diện đời sống, Hume viết “thành tựu lớn nhất của triết học và nghệ thuật” là nó “tinh lọc bản tính” ta và “chỉ ra cho chúng ta những gì chúng ta phải cố gắng đạt được bằng cách thường xuyên hướng ý tưởng vào chúng và bằng cách tạo ra những thói quen.” Và những dòng chữ cuối cùng ông viết trước khi chết là: “Tôi thấy cái chết đang từ từ đến gần không có một chút lo lắng hay hối tiếc gì”.

S.T

Tags: ,