⠀
‘Đất rừng phương Nam’ đã trở thành cổ tích
Vùng dữ trữ sinh quyển thiên nhiên đã biến dạng từng ngày, cảnh vật thiên nhiên và con người mà tôi thấy tận mắt vào năm 1977 không còn nữa.
Bài viết của Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường.
Năm 1954 khi hoà bình tái lập, tôi mới lên tám, cả xã chỉ có một lớp ba tiểu học là cao nhất. Tôi theo học lớp này. Giáo viên là một thầy giáo miền Nam tập kết, người vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Rất nhiều khi thầy say sưa kể cho chúng tôi nghe về vùng quê của thầy. Ở đó không có đê như vùng đồng bằng sông Hồng quê tôi, nông dân sống cùng sông nước. Vài tháng, mùa nước nổi, con người lênh đênh trên thuyền. Nước lũ từ sông Cửu Long tràn về mang theo toàn phù sa và tôm cá. Người dân gieo sạ lúa rồi chờ thu hoạch, không phải lo phân tro chăm bón. Quờ vợt, thả câu xuống nước là có ngay tôm cá đặt nướng trên rơm rạ.
Chúng tôi há hốc mồm ra nghe. Thấy quá lạ lẫm. Thấy quê mình sao mà vất thế!
Khi lớn lên, tôi say sưa đọc Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi. Khung cảnh không khác gì những điều được nghe từ thầy khi xưa, nhưng đẹp hơn vì đã qua bút pháp của nhà văn. Con người và thiên nhiên quyện với nhau làm một, tạo thành hệ sinh thái khác biệt. Tôi mong có ngày được đặt chân tới nơi lạ lẫm đó.
Vào đầu năm 1977, hơn một năm rưỡi sau ngày thống nhất đất nước, tôi được cơ quan phân công đi tiếp thu tài liệu đo đạc, bản đồ do chế độ cũ thiết lập ở các tỉnh phía Nam. Công việc chủ yếu ở Đà Lạt và Sài Gòn, nhưng tôi nhất quyết nghỉ vài ba ngày, tự đi xe đò xuống vùng miền Tây lạ lẫm. Lúc đó đi lại còn khó khăn lắm, xăng dầu thì hiếm, sông thì bị ngăn, chợ thì bị nghẽn, nhưng tôi quyết đi tới tận cùng những nơi mình định. Từ Sài Gòn tới Mỹ Tho, qua Cần Thơ, xuống Cà Mau, rồi đi tiếp tới tận Năm Căn – Đất Mũi. Từ đó, tôi lại đi ngược lên rừng U Minh, tới Đồng Tháp Mười, rồi quay lại Sài Gòn. Một mình đi giữa rừng U Minh, mặt đất khô nhưng lấy cây gậy ấn mạnh một chút là thấy ngay bùn phía dưới. Nói chuyện với con người, đối diện với thiên nhiên, tôi nhận ra một hệ sinh thái gắn con người với thiên nhiên vẫn còn nguyên vẹn.
Rồi suốt một thời kỳ tiếp theo, những chính sách mà Nhà nước gắng sức làm cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, tôi chỉ biết từ báo chí. Khi thì xẻ đê biển để phát triển tôm – lúa; khi thì tìm cách thoát lũ ra biển phía Tây; khi thì đắp đê bao để hình thành vùng lúa 3 vụ; khi thì cải tạo khu dân cư bằng bao đê ngăn lũ; khi thì phát triển nhiệt điện; khi lại phát triển nuôi trồng thủy sản để tăng thu nhập; khi thì phải đưa đầu tư vào để công nghiệp hóa, khi thì UNESCO công nhận nơi này hay nơi kia là vùng dự trữ sinh quyển…
Vùng miền Tây biến động rất nhiều. Hệ sinh thái xưa chuyển đổi dần theo thời gian với nhiều kiểu tư duy quản lý khác lạ.
Tôi dõi theo miền Tây, có nơi dân muốn chuyển sang nuôi trồng thủy sản nhưng không được vì quy hoạch ở đây cứ phải trồng lúa. Nhiều khu dân cư được chuyển lên vùng cao hơn có đê bao ngăn lũ nhưng lại xa đồng ruộng. Người quen sống theo kiểu xưa, gắn với thiên nhiên thì nay được sống ở nơi an toàn hơn cũng lại không thuận tiện. Người dân vùng rừng U Minh được Ban quản lý khoán rừng nhưng phải trả địa tô quá cao, lao động hết sức mà không lại. Rừng đặc dụng này cũng đã vài ba lần bị cháy. Phát triển muôi trồng thủy sản quá mạnh làm người dân tự phát phá rừng phòng hộ ven biển, sử dụng nước ngầm quá độ làm nước cạn kiệt dần. Người dân vùng trồng lúa ba vụ cũng không được sung sướng vì lợi nhuận quá thấp. Tệ nạn khai thác cát quá độ mà cát lại ít về do quá nhiều thủy điện của các nước trên thượng nguồn ngăn lại. Sụt lở đất, sạt lở bờ sông đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi…
Các tỉnh ở miền Tây thực ra cũng đã và đang tự tìm “lối thoát” cho mình. Hai tỉnh Tiền Giang và Long An phía trên sông Tiền đã tự quyết định phát triển theo kiểu công nghiệp hóa như các tỉnh miền Đông. Kiên Giang lại lựa chọn phát triển du lịch gắn với lợi thế của đảo ngọc Phú Quốc. An Giang thì cần mẫn đi theo phát triển nông nghiệp quy mô lớn với những cánh đồng mẫu lớn và sự hợp tác của tập đoàn Lộc Trời. Đồng Tháp thì đang chuyển sang cây ăn trái chất lượng cao để xuất khẩu. Nhiều tỉnh khác còn đang ngần ngại, không biết tìm cách nào để tiếp tục đi lên.
Vào cuối tháng 9 năm ngoái, Chính phủ đã đưa ra chủ trương quy hoạch phát triển bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long trong hoàn cảnh chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Rất nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia từ các tổ chức trong nước và quốc tế đã có báo cáo đóng góp cho vùng.
Tôi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thuê làm chuyên gia phụ trách chính trong đề xuất phương pháp quy hoạch và quản lý phát triển cho đồng bằng sông Cửu Long. Tôi đã nghiên cứu kỹ hiện trạng, đi thực tế trên vùng, đọc những trang tài liệu xen lẫn với những ký ức xưa. Vùng dữ trữ sinh quyển thiên nhiên đã biến dạng từng ngày, cảnh vật thiên nhiên và con người mà tôi thấy tận mắt vào năm 1977 không còn nữa.
“Đất rừng phương Nam” của tôi đã trở thành cổ tích!
Một vùng nắng gió mà lại quy hoạch đưa nhiệt điện vào chứ không để phát triển năng lượng tái tạo. Con người tự bươn chải, xoay xở mà không ai chỉ cho họ biết tác động xấu trong tương lai gần còn mạnh hơn cả biến đổi khí hậu. Quy hoạch với tầm nhìn ngắn hạn, cục bộ mang theo giải pháp đê bao của đồng bằng sông Hồng đang áp đặt lên đây. Mặt lũ ngày càng cao do vùng lũ bị thu hẹp, địa bàn sẽ bị ngập nặng hơn, rồi lại phải làm đê bao. Gần 5.000 cây số đê bao đã được xây ở vùng này. Với đà này, đê bao sẽ dài thêm bao nhiêu nữa?
Mức nước ngầm hạ thấp dần do sử dụng quá độ, khai thác cát sông quá mức làm biến đổi hệ sinh thái ngập nước. Sụt lún đất, sạt lở bờ sông là một nguy cơ lớn đang diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn. Người dân lo sợ.
Báo cáo của tôi đã rất được hoan nghênh tại Hội nghị này. Nhiều báo lớn đã đăng tải nguyên văn, sản xuất thành phim tài liệu. Thông điệp chính của tôi là: Hệ sinh thái sông nước là điều kiện tạo ra sự phát triển bền vững của miền Tây phải được đặt lên ưu tiên đầu; phải bảo vệ được sinh quyển thiên nhiên; thách thức biến đổi khí hậu phải chuyển thành cơ hội.
Đến hôm nay, tôi biết, nhân dân miền Tây Nam Bộ vẫn đang chờ đợi một quy hoạch phát triển bền vững với tầm nhìn thực sự dài hạn. Đó là cách duy nhất để bảo vệ và phát triển tương lai.
Tôi cảm nhận rằng, chúng ta đang có lỗi rất lớn với nhân dân vùng đất này.
Theo VNEXPRESS
Tags: Tây Nam Bộ, Phát triển bền vững