Đạo Phật: Chết không phải là hết

Ai cũng phải chết, biết vậy để sống cho tốt. Và, đừng có cố kêu gào người ta sống tốt lên, hãy về nhắc nhở mình thường xuyên điều đó, thực làm được điều đó thì người khác sẽ tốt lên…

Đời người, ai cũng chết, nghĩa là ai cũng sẽ một lần xả báo thân tứ đại để vân du theo nghiệp lực mà mình đã tác tạo đời này, đời khác.

Và chết, cứ nghĩ là tắt thở rồi thôi, người nào cũng giống nhau cả. Ai dè, không phải thế, có người muốn chết không được, vì nghĩ sống khổ quá, chết quách cho xong; có người bằng mọi cách để sống, nhưng mà đâu có được, vô thường gọi tên bằng hơi thở ra, không vào được nữa!

Chết, đâu có dễ, và cũng thật không quá khó, nếu cố chết. Nhưng, chắc chắn không phải là hết. Bởi, sẽ còn lại, đôi khi là nước mắt dai dẳng, ít ra trong lòng người thân, thương. Còn cả tiếng cười đắc chí, mở cờ trong bụng, của người cừu oán, của những phe kia, hoặc của vây cánh (phe mình) mà người chết là con chốt, là chìa khóa – nếu còn sống thì cả bộ sậu có thể ăn không ngon, ngủ không yên, vì người sống không biết… ngậm miệng, nếu có biến.

Chết, đôi khi còn cả tiếng xì xầm bàn luận và bình loạn, có khi ngàn năm còn mổ xẻ. Biết, nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng lắm khi cái ác mà người chết gây ra quá lớn thì dẫu chết cũng chưa tận, trong nỗi đau đã khoét sâu trong lòng người sống, khiến số đông không cam lòng. Và, chỉ có thể là “tận nghĩa” giữa cuộc tiễn đưa vắng bóng người, hoặc thậm chí chẳng yên thân, có khi lâu ngày, nơi mả mồ còn bị đào xới, rẻ khinh.

Thực ra, đó cũng là bức tranh nhân quả tất yếu phải có, chi phối theo nghiệp mà người đó tác tạo giữa Ta-bà thị phi này, làm sao tránh được. Nhưng, với người con Phật, sống giữa thị phi biển đời, cũng không nên xáo trộn theo những cách hành xử của số đông, dẫu mang danh phận gì. Và tất nhiên, không nên cổ xúy cho một cách hành xử có chất chứa bạo động, dẫu được mặc vào chiếc áo chánh nghĩa đi nữa.

Vì sao người con Phật không làm vậy? Vì hiểu rõ, định luật nhân quả công bằng, sẽ chuyển vận người đó trôi lăn vào đúng vòng xoáy tử sanh, ác nghiệp đã gây để họ chịu, chịu như thế nào thì mình không mảy may can dự vào. Mà thực ra, có muốn dự phần vào (trong vai quan tòa, đa phần theo cảm tính, muốn xử họ chịu nặng hơn) cũng không thể được. Ngược lại, vì cái muốn này, vô tình làm mình bất ổn, bất an, không còn vững chãi, thậm chí đánh mất từ bi, lu mờ tuệ giác.

Giữ mình không cuồng điên giữa hận thù, cừu oán… vốn là việc không dễ, nhất là khi trong sâu thẳm lòng người, tham sân si còn đó. Nhưng, nhớ Phật, tự nhắc mình bằng một tiếng chuông tỉnh thức, với tâm niệm hỷ xả, có nghĩa là không mang hay gánh những trái phải cuộc đời vào lòng cũng là cách đưa mình về vị trí cân bằng, không chênh chao, nghiêng ngả dẫu đọc, nghe, thấy được điều gì đó… trong biển dư luận khen chê ở đời.

Nếu có lỡ nghĩ chi đó lệch lạc, có đứng về bên nào đó… thì cũng nhẹ nhàng rút ra, về nhà lạy Phật, cho con trở lại nương nơi tự tánh, bình an mà thở nhẹ, mỉm cười.

Ai cũng phải chết, biết vậy để sống cho tốt. Và, đừng có cố kêu gào người ta sống tốt lên, hãy về nhắc nhở mình thường xuyên điều đó, thực làm được điều đó thì người khác sẽ tốt lên bằng cách “tâm truyền tâm” – con đường này có lẽ lâu hơn, nhưng sẽ thấm hơn là “miệng truyền tai”. Nguy hiểm hơn, nếu điều mình nói chỉ là lời ai đó nói (kể cả Phật) cũng như mình chưa làm, hay thực bụng không làm như miệng nói thì khi đó, chỉ là “lời nói gió bay”, lắm khi phản cảm, phản tác dụng.

Theo GIÁC NGỘ ONLINE

Tags: , ,