Đánh du kích bằng tên lửa: Chiến thuật cực kỳ khó chịu của Ukraina

Chiến thuật du kích của quân Ukraina, bằng cách sử dụng vũ khí tấn công “bất đối xứng”, đã nhiều lần gây tổn thất nặng nề cho quân Nga. Tại sao họ lại thành công nhiều lần như vậy?

Chiến dịch “đại phản công” của quân đội Ukraina hiện đã vượt quá 100 ngày, ngoại trừ việc chiếm được hơn 10 ngôi làng nhỏ ở tiền tuyến, thì vẫn chưa đạt được kết quả lý tưởng. Đặc biệt so với nguồn lực đầu tư và tổn thất to lớn, kết quả hiện tại về cơ bản có thể nói là không tương xứng.

Nhưng so với kết quả mờ nhạt trên chiến trường chính, thì quân đội Ukraina đã đạt được hàng loạt kết quả trong việc tổ chức các hoạt động phản công “bất đối xứng”. Trong tháng 9/2023, các hoạt động như vậy của quân đội Ukraina đã đạt được một loạt kết quả, bao gồm phá hủy máy bay ném bom Tu-22M3, máy bay vận tải IL-76, hệ thống tên lửa phòng không S-300/400 và làm hư hại các tàu đổ bộ và tàu ngầm của Nga.

Lực lượng đặc biệt Ukraina thậm chí còn đổ bộ lên bán đảo Krym, mặc dù những hoạt động như vậy chỉ mang tính chất quấy rối, nhưng không thể bỏ qua ý nghĩa về mặt truyền thông của chúng.

Cần lưu ý rằng quân đội Ukraina đạt được những kết quả nêu trên không phải ở khu vực tiền phương, mà ở “khu vực hậu phương” của Nga, cách xa chiến tuyến từ 100-700 km; rất xa khu vực “hậu phương lớn”. Nếu chỉ là thỉnh thoảng xảy ra một trận “đánh trộm”, thì có thể coi là may mắn. Nhưng việc tập trung được những kết quả nói trên trong vòng một tháng, rõ ràng không phải là ngẫu nhiên.

Điều này cho thấy khả năng chiến đấu “bất đối xứng” có hệ thống và khả năng tấn công toàn diện nhằm vào các mục tiêu của Nga tromg chiều sâu của quân đội Ukraina đang được cải thiện nhanh chóng, đồng thời thành phần lực lượng tương ứng và chiến thuật có hệ thống, cũng đang nhanh chóng trưởng thành.

Ở đây chúng ta có thể tổng hợp, phân tích đại khái các loại vũ khí, chiến thuật mà quân đội Ukraina đang sử dụng để tổ chức các hoạt động như vậy, đồng thời phân tích các yếu tố chủ quan và khách quan đã khiến Quân đội Ukraina nhiều lần tấn công thành công quân đội Nga.

Trước hết, xét về loại vũ khí mà quân đội Ukraina sử dụng để tổ chức các cuộc tấn công như vậy, chúng có thể được chia thành hai loại chính. Loại thứ nhất là các loại UAV và tàu không người lái tự chế/sửa đổi. Những chiếc UAV cải tiến hiện nay của quân đội Ukraina đủ sức xâm nhập sâu vào quân đội Nga để thực hiện nhiệm vụ, hệ thống phòng thủ của quân đội Nga khó có thể đánh chặn 100%;

Tàu không người lái cảm tử trên biển là phương tiện quan trọng để quân đội Ukraina chống lại hải quân Nga. Tuy kết quả thực tế đạt được cho đến nay không nhiều, nhưng chúng đã tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của hải quân Nga và ít nhất chúng đã đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại hải quân Nga với vai trò quấy rối, khiến đối phương mệt mỏi.

Loại thứ hai là vũ khí tấn công tầm xa tự sản xuất/nhập khẩu. Quân đội Ukraina hiện có tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG tầm bắn từ 250 đến 300 km được Anh và Pháp hỗ trợ. Loại sản xuất trong nước là tên lửa chống hạm Neptune do Ukraina phát triển và sản xuất, có tầm bắn cũng có thể đạt tới 280 km, đủ để bao phủ một khu vực rộng lớn ở phía tây Biển Đen và đe dọa nhiều mục tiêu trên bán đảo Krym.

Khi tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ của Nga, chiến thuật mà quân đội Ukraina sử dụng cũng rất đáng chú ý. Trước hết, bản thân quân đội Ukraina thiếu khả năng tiến hành trinh sát các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, do đó hệ thống tình báo trinh sát của NATO, đóng vai trò chủ yếu ở khía cạnh này.

Cụ thể, khi quân đội Ukraina đưa ra yêu cầu, hoặc khi NATO phát hiện ra kẽ hở trong hệ thống phòng thủ của quân đội Nga, họ sẽ thông báo cho Ukraina những thông tin liên quan và sau đó quân đội Ukraina sẽ xây dựng kế hoạch tác chiến tương ứng. Quân đội Ukraina rất kỹ lưỡng và tỉ mỉ trong việc xây dựng kế hoạch tác chiến; đặc biệt về mặt xâm nhập.

Ví dụ, trong các cuộc tấn công gần đây vào máy bay ném bom và máy bay vận tải của Nga, UAV được quân đội Ukraina sử dụng khó có thể cất cánh từ lãnh thổ Ukraina, mà thay vào đó, với sự tham gia của những kẻ xâm nhập, chúng cất cánh từ một khu vực gần với căn cứ quân sự quân đội Nga. Kiểu tấn công từ bên trong này nhắm vào các căn cứ nằm sâu trong lãnh thổ nhưng phòng thủ kém của quân đội Nga, do đó dễ dàng đạt được kết quả đáng kể.

Trong các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu trên bán đảo Krym, rõ ràng quân đội Ukraina có thể được hỗ trợ bởi máy bay trinh sát từ các nước NATO hoạt động trên khu vực Biển Đen. Khi lựa chọn chiến thuật tác chiến cụ thể, quân đội Ukraina đã áp dụng các phương pháp tác chiến toàn diện.

Chẳng hạn, để tấn công các vị trí tên lửa phòng không S-300 của Nga, họ thường điều khiển UAV phóng đi trước để nghi binh các hệ thống phòng không này, sau đó phóng tên lửa chống hạm Neptune bay sát mặt đất tấn công đất liền. Đến nay chiến thuật này đã thành công 2 lần.

Ngay cả khi cuộc tấn công diễn ra, có UAV của Ukraina bay lượn gần mục tiêu để chụp ảnh, điều này cũng cho thấy sơ hở của hệ thống phòng không Nga. Đồng thời, quân đội Ukraina cũng đang sử dụng vũ khí tấn công tầm xa hạn chế trong tay, để thực hiện các cuộc tấn công “bão hòa” ở một mức độ nhất định.

Chẳng hạn, trong cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình mới đây vào xưởng đóng tàu quân sự Nga ở Sevastopol tại Krym, quân đội Ukraina đã điều 5 máy bay chiến đấu và phóng 10 tên lửa hành trình cùng một lúc. Con số 10 tên lửa có thể không quá nhiều đối với Mỹ và Nga, nhưng đối với quân đội Ukraina, việc phóng nhiều tên lửa như vậy trong một đợt là rất nhiều.

Kết quả, mặc dù quân đội Nga tuyên bố đã chặn được 7 tên lửa hành trình Storm Shadow, nhưng một số “cá vẫn lọt qua lưới”, trực tiếp gây hư hại cho một tàu đổ bộ và một tàu ngầm đang được sửa chữa, bảo dưỡng tại ụ tàu.

Tàu đổ bộ tuy là tàu cũ nhưng, nếu bị phá hủy cũng không đến thiệt hại quá lớn, nhưng tàu ngầm bị hư hại chính là tàu ngầm lớp Kilo Type 636.3, mới được đưa vào sử dụng năm 2014. Thiệt hại của chiếc tàu ngầm tối tân này có thể nói là một tổn thất lớn.

Việc quân đội Ukraina tiến hành cuộc đột kích như vậy và thành công cho thấy, quân cảng Sevastopol ở Krym không còn an toàn tuyệt đối nữa. Trước đây mối đe dọa của quân đội Ukraina đối với cảng chỉ giới hạn ở việc quấy rối bằng UAV và tàu tự sát. Giờ Ukraina sử dụng tên lửa, nếu không ngăn chặn được thì phải làm gì tiếp theo?

Từ góc độ tiềm lực của quân đội Nga, dù là vũ khí tấn công tầm xa hay các loại hệ thống phòng không khác nhau, họ đều có nhiều hơn quân đội Ukraina nhiều lần. Tuy nhiên, hiệu quả tấn công của vũ khí tầm xa của quân đội Nga không ấn tượng bằng quân đội Ukraina và thực sự kém hiệu quả trong việc phòng thủ trước cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Ukraina.

Hiệu quả tấn công của vũ khí tầm xa của quân đội Nga là không rõ ràng, một lý do rất thực tế là quân đội Ukraina không có nhiều mục tiêu có giá trị cao để Nga tấn công. Nhưng một thực tế khác cũng có thể liên quan đến khả năng tấn công tầm xa khả năng trinh sát và quan sát của quân đội Nga tương đối yếu.

Mấu chốt của đòn đánh là trinh sát phát hiện mục tiêu. Nếu mục tiêu có giá trị cao của đối phương hoàn toàn không bị phát hiện, thì làm sao có thể nói về hiệu quả của đòn đánh?

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến giữa Nga và Ukraina, có một thực tế là quân đội Nga chưa thể tạo ra mối đe dọa hiệu quả đối với các tuyến vận tải chính của quân đội Ukraina. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng, khả năng đánh chặn của quân đội Nga chỉ nằm trong cự ly gần.

Ví dụ, trên hướng Orekhiv ở mặt trận Zaporizhia, rõ ràng quân đội Ukraina tập trung các đơn vị trang bị hạng nặng, các cụm đang tập hợp và di chuyển, nhưng quân Nga chỉ có thể tạo ra mối đe dọa hiệu quả và tấn công vào các mục tiêu trong phạm vi 20 km.

Điều này đúng với các hoạt động tiền phương, nhưng còn các cuộc tấn công sâu mang tính chiến lược thì sao? Ít nhất chúng ta biết rằng tên lửa chống hạm Neptune của quân đội Ukraina vẫn đang được sản xuất và quân đội Nga rõ ràng đã không làm tốt việc tấn công các cơ sở sản xuất vũ khí như vậy. Như vậy, việc ngăn chặn quân đội Ukraina đột kích, khó khăn khách quan là có.

Vì vậy, nếu quân đội Nga thỉnh thoảng bị “đánh trộm” thì thực tế có thể chấp nhận được, nhưng vấn đề là họ đã nhiều lần chịu tổn thất về mặt này. Điều này ít nhất cho thấy bản thân quân đội Nga cũng có vấn đề và vấn đề lớn nhất của quân đội Nga dường như không nằm ở phần cứng vũ khí.

Cho đến nay, Quân đội Nga vẫn chưa thể tổ chức phòng ngự đối với quân đội Ukraina, đặc biệt là ở khu vực hậu phương, vốn thường cho rằng quân đội Ukraina không thể làm gì được. Bởi vì tâm lý lơ là nên phòng ngự đầy sơ hở, chỉ cần quân Ukraina nắm bắt sơ hở để tiến hành tấn công, thì luôn có thể đạt được kết quả.

Quân đội Ukraina đã thành công một lần và quân đội Nga đã cố gắng sửa chữa nó một lần nữa. Nhưng nếu quân đội Ukraina không thành công trong lối đánh du kích của họ như thế này, thì quân đội Nga đã không thể tự mình tìm ra vấn đề. Điều này thể hiện rõ qua sự tương phản về tính chủ động giữa hai bên.

Ví dụ, sau cuộc tấn công gần đây của quân đội Ukraina vào Sevastopol, quân đội Nga chắc chắn sẽ tăng cường phòng thủ, nhưng quân đội Ukraina lần sau sẽ chọn một hướng đi khác.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG / SINA

Tags: , ,