⠀
Dẫn nhập về sự sụp đổ của tư bản ngày nay
Cách mạng là gì? Chúng ta từng nghĩ rằng mình biết câu trả lời cho câu hỏi này. Cách mạng là sự giành lấy quyền lực của các lực lượng quần chúng, nhằm biến đổi tận gốc bản chất của hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế trong quốc gia nơi cuộc cách mạng diễn ra, thường theo một giấc mơ viễn tưởng về một xã hội công bằng.
Tác giả: David Rolfe Graeber, nhà nhân học, nhà hoạt động xã hội và tác giả người Mỹ nổi tiếng với tư tưởng cấp tiến, phê phán sâu sắc chủ nghĩa tư bản và các thiết chế quyền lực hiện đại. Ông là giáo sư tại Trường Kinh tế London (LSE) và từng giảng dạy tại Đại học Yale trước khi rời đi do không được gia hạn hợp đồng – một sự kiện được cho là liên quan đến các hoạt động chính trị của ông.
Ngày nay, chúng ta sống trong một thời đại mà, nếu có những đội quân nổi dậy tràn vào một thành phố, hoặc có cuộc nổi dậy quy mô lớn lật đổ một tên độc tài, thì điều đó cũng chưa chắc được coi là cách mạng; và khi sự biến đổi xã hội sâu sắc thật sự xảy ra – như với sự trỗi dậy của phong trào vị nữ chẳng hạn – thì nó lại mang một hình thức hoàn toàn khác. Không phải là giấc mơ cách mạng không còn tồn tại. Nhưng những nhà cách mạng hiện đại hiếm khi tin rằng họ có thể biến những giấc mơ đó thành hiện thực bằng cách chiếm ngục Bastille.
Vào những thời điểm như vậy, thường thì ta nên quay lại với lịch sử mà ta đã biết và tự hỏi: Liệu các cuộc cách mạng có từng thực sự diễn ra như cách chúng ta vẫn nghĩ? Với tôi, người đặt câu hỏi này một cách hiệu quả nhất là nhà sử học thế giới vĩ đại Immanuel Wallerstein. Ông lập luận rằng trong khoảng 250 năm qua, các cuộc cách mạng chủ yếu là những sự chuyển biến toàn cầu về nhận thức chính trị phổ quát.
Ngay từ thời Cách mạng Pháp, Wallerstein chỉ ra rằng đã tồn tại một thị trường thế giới duy nhất, và ngày càng có một hệ thống chính trị toàn cầu duy nhất, bị chi phối bởi các đế chế thuộc địa khổng lồ. Vì thế, việc tấn công ngục Bastille ở Paris hoàn toàn có thể tạo ra tác động đến Đan Mạch, hoặc thậm chí là Ai Cập, sâu sắc không kém gì ở chính nước Pháp – trong một số trường hợp, thậm chí còn sâu sắc hơn. Do đó, ông gọi đây là “cuộc cách mạng thế giới năm 1789,” tiếp theo là “cuộc cách mạng thế giới năm 1848,” khi cách mạng bùng nổ gần như đồng thời ở năm mươi quốc gia, từ Wallachia đến Brazil. Dù không nhà cách mạng giành được chính quyền, nhưng sau đó, những thể chế được truyền cảm hứng từ Cách mạng Pháp – đặc biệt là hệ thống giáo dục tiểu học phổ cập – đã được thiết lập gần như ở khắp mọi nơi. Tương tự, Cách mạng Nga năm 1917 là một cuộc cách mạng thế giới, cuối cùng chịu trách nhiệm cho cả Thỏa ước Mới và các nhà nước phúc lợi ở châu Âu, cũng như cho chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Cuộc cách mạng cuối cùng trong chuỗi này là cuộc cách mạng thế giới năm 1968 – giống như năm 1848, nó bùng nổ gần như ở khắp nơi, từ Trung Quốc đến Mexico, không giành được chính quyền ở đâu, nhưng vẫn thay đổi mọi thứ. Đây là một cuộc cách mạng chống lại bộ máy quan liêu nhà nước, và cuộc cách mạng này cũng khẳng định sự không thể tách rời giữa giải phóng cá nhân và chính trị, với di sản lâu dài nhất có lẽ là sự ra đời của phong trào vị nữ hiện đại.
Do đó, cách mạng là những hiện tượng mang tính toàn cầu. Nhưng còn có điều hơn thế nữa. Thứ mà các cuộc cách mạng thật sự làm được là biến đổi những giả định cơ bản về bản chất thực của chính trị. Sau một cuộc cách mạng, những ý tưởng từng bị xem là điên rồ, ngoài lề, nhanh chóng trở thành chủ đề quen thuộc trong các cuộc tranh luận. Trước Cách mạng Pháp, những ý tưởng như “nên đón nhận thay đổi,” “chính sách của chính phủ là cách đúng đắn để quản lý các thay đổi đó,” và “quyền lực của chính phủ đến từ một thực thể gọi là ‘nhân dân’” từng bị coi là những điều nhảm nhí của bọn mị dân hoặc, trong trường hợp tốt nhất, là chuyện của vài trí thức tự do ngồi tranh luận trong quán cà phê. Nhưng chỉ một thế hệ sau đó, ngay cả những thẩm phán, linh mục, và hiệu trưởng bảo thủ nhất cũng phải ít nhất là nói cho có về những ý tưởng đó. Và chẳng mấy chốc, chúng ta đã đến tình trạng như hiện nay: cần phải liệt kê chúng ra thì người ta mới để ý rằng chúng đang tồn tại. Chúng đã trở thành lẽ thường, nền tảng của mọi cuộc thảo luận chính trị.
Cho đến năm 1968, hầu hết các cuộc cách mạng thế giới thật ra chỉ đưa ra những cải tiến thực tiễn: mở rộng quyền bầu cử, giáo dục tiểu học phổ cập, nhà nước phúc lợi. Cuộc cách mạng thế giới năm 1968 thì ngược lại – dù nó mang hình thức ở Trung Quốc là cuộc nổi dậy của sinh viên và cán bộ trẻ ủng hộ lời kêu gọi Cách mạng Văn hóa của Mao; hay ở Berkeley và New York, nơi nó là sự liên minh giữa sinh viên, những người bỏ học, và các nhà phản văn hóa; hay ở Paris, nơi nó là liên minh giữa sinh viên và công nhân – đó là một cuộc nổi loạn chống lại bộ máy quan liêu, sự đồng hóa, hay bất kỳ điều gì trói buộc trí tưởng tượng của con người, một dự án cách mạng hóa không chỉ đời sống chính trị hay kinh tế, mà toàn bộ mọi khía cạnh của sự tồn tại con người. Vì thế, trong phần lớn trường hợp, những người nổi dậy thậm chí không cố gắng chiếm lấy bộ máy nhà nước; họ coi chính bộ máy đó là vấn đề.
Ngày nay, người ta có xu hướng cho rằng các phong trào xã hội cuối những năm sáu mươi là một thất bại đáng xấu hổ. Quan điểm này cũng có thể được biện hộ. Quả thật, trong lĩnh vực chính trị, những người được hưởng lợi ngay lập tức từ sự thay đổi phổ quát trong nhận thức chính trị – việc ưu tiên các lý tưởng về tự do cá nhân, trí tưởng tượng và khát vọng; sự ghét bỏ bộ máy quan liêu; và sự nghi ngờ về vai trò của chính phủ – lại là phe cánh Hữu. Trên hết, các phong trào của những năm sáu mươi đã tạo điều kiện cho sự hồi sinh hàng loạt của các học thuyết thị trường tự do, vốn phần lớn đã bị bỏ rơi từ thế kỷ 19. Không phải ngẫu nhiên mà thế hệ từng tham gia Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc khi còn là thiếu niên, lại chính là những người ở độ tuổi bốn mươi đã lãnh đạo quá trình đưa chủ nghĩa tư bản vào đất nước. Từ những năm tám mươi, “tự do” đã trở thành “thị trường,” và “thị trường” lại được xem như đồng nghĩa với chủ nghĩa tư bản. Những nghịch lý thì vô tận. Trong khi hệ tư tưởng thị trường tự do mới tự tô vẽ mình như một sự bác bỏ bộ máy quan liêu, thì thực tế, nó đã tạo ra hệ thống hành chính đầu tiên hoạt động ở quy mô toàn cầu, với vô vàn lớp lớp bộ máy công và tư: IMF, Ngân hàng Thế giới, WTO, các tổ chức thương mại, định chế tài chính, tập đoàn xuyên quốc gia, NGO. Chính hệ thống này đã áp đặt học thuyết thị trường tự do, và mở cửa thế giới cho nạn cướp bóc tài chính, dưới sự giám sát chặt chẽ của Mỹ. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi nỗ lực đầu tiên nhằm tái tạo một phong trào cách mạng toàn cầu – Phong trào Công Lý Toàn Cầu lên đến đỉnh điểm trong khoảng từ 1998 đến 2003 – thực chất là một cuộc nổi loạn chống lại chính bộ máy quan liêu toàn cầu đó.
Trạm dừng tương lai
Nhìn lại, tôi nghĩ rằng các nhà sử học sau này sẽ kết luận rằng di sản của cuộc cách mạng những năm sáu mươi thực chất sâu sắc hơn chúng ta tưởng, và rằng chiến thắng của các thị trường tư bản cùng với các cơ quan quản lý và cưỡng chế toàn cầu của chúng – dường như mang tính bước ngoặt và vĩnh viễn sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 – thực chất lại nông cạn hơn nhiều.
Tôi sẽ lấy một ví dụ hiển nhiên. Người ta thường nghe rằng các cuộc biểu tình phản chiến vào cuối thập niên sáu mươi và đầu bảy mươi cuối cùng là thất bại, vì chúng không thực sự đẩy nhanh việc Mỹ rút khỏi Đông Dương. Nhưng sau đó, những người điều hành chính sách đối ngoại của Mỹ trở nên vô cùng lo ngại về khả năng đối mặt với các cuộc bất ổn tương tự từ quần chúng – và thậm chí còn lo hơn về sự bất ổn trong chính quân đội, vốn thực sự đang rệu rã vào đầu những năm bảy mươi – đến mức họ đã không đưa quân đội Mỹ tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột trên bộ lớn nào trong gần ba mươi năm. Phải đến vụ khủng bố 11/9, một cuộc tấn công khiến hàng ngàn dân thường thiệt mạng ngay trên đất Mỹ, thì cái gọi là “hội chứng Việt Nam” mới thực sự bị vượt qua – và ngay cả khi đó, các nhà hoạch định chiến tranh đã cố gắng gần như ám ảnh để bảo đảm rằng các cuộc chiến sẽ không thể bị phản đối một cách hiệu quả. Tuyên truyền xuất hiện liên tục, truyền thông được lôi kéo vào cuộc, các chuyên gia đưa ra tính toán chính xác về số lượng tử sĩ (tức họ tính số lượng lính Mỹ chết mà dân chúng có thể cam chịu trước khi biểu tình), và các quy tắc giao chiến được viết cẩn thận để giữ con số đó ở mức thấp.
Vấn đề là, vì những quy tắc đó nhằm giảm thương vong cho binh sĩ Mỹ, nên đã khiến hàng ngàn phụ nữ, trẻ em và người già trở thành “thiệt hại phụ”. Điều này có nghĩa là ở Iraq và Afghanistan, sự căm thù mãnh liệt đối với lực lượng chiếm đóng gần như chắc chắn sẽ khiến Mỹ không thể đạt được mục tiêu quân sự. Và điều đáng kinh ngạc là các nhà hoạch định chiến tranh dường như biết điều này. Nhưng không sao cả. Đối với họ, ngăn chặn sự phản đối hiệu quả trong nước còn quan trọng hơn cả việc giành chiến thắng trong chiến tranh. Cứ như thể quân đội Mỹ ở Iraq cuối cùng đã bị đánh bại bởi hồn ma của Abbie Hoffman (*Abbie Hoffman là thành viên của bộ bảy Chicago, tức bảy người hoạt động phản chiến đã bị chính phủ Mỹ xét xử vì hoạt động biểu tình vào năm 1968).
Rõ ràng, một phong trào phản chiến vào những năm sáu mươi mà đến năm 2012 vẫn còn trói tay các nhà hoạch định quân sự Mỹ thì khó mà gọi là thất bại được. Nhưng điều này lại đặt ra một câu hỏi thú vị: Điều gì sẽ xảy ra khi việc tạo ra cảm giác thất bại – rằng hành động chính trị chống lại hệ thống là hoàn toàn vô ích – trở thành mục tiêu chính của những người nắm quyền?
Liệu có thể rằng cách tiếp cận chủ động ngăn chặn các phong trào xã hội – tức việc thiết kế các cuộc chiến tranh và các hội nghị thương mại theo cách mà việc ngăn cản sự phản kháng hiệu quả được ưu tiên hơn cả thành công của cuộc chiến hay hội nghị đó – phản ánh một nguyên tắc rộng lớn hơn hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu những người đang điều hành hệ thống hiện nay, phần lớn là những người từng chứng kiến sự bất ổn của thập niên sáu mươi khi còn trẻ và dễ bị ảnh hưởng – có ý thức hay vô thức (mà tôi nghi là ý thức nhiều hơn) – ám ảnh bởi viễn cảnh các phong trào cách mạng xã hội một lần nữa thách thức lẽ thường đang thống trị?
Tôi lần đầu tiên nghĩ đến điều này khi tham gia biểu tình chống IMF ở Washington D.C. vào năm 2002. Đến sau vụ 11/9, chúng tôi khá ít người và thiếu hiệu quả, lực lượng cảnh sát thì áp đảo. Không ai có cảm giác rằng chúng tôi có thể thành công trong việc ngăn chặn hội nghị. Hầu hết chúng tôi rời đi với tâm trạng hơi chán nản. Mãi vài ngày sau, khi tôi nói chuyện với một người có bạn bè tham dự hội nghị, tôi mới biết là chúng tôi thực sự đã khiến hội nghị bị đình trệ: cảnh sát đã áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt đến mức hủy bỏ một nửa sự kiện, khiến phần lớn các cuộc họp thực tế phải diễn ra trực tuyến. Nói cách khác, chính phủ đã quyết định rằng việc khiến người biểu tình ra về với cảm giác thất bại còn quan trọng hơn cả việc hội nghị IMF diễn ra. Khi nghĩ lại kỹ hơn, tôi thấy là họ đã gán cho người biểu tình một tầm quan trọng phi thường.
Điều này lý giải được nhiều điều. Trên thế giới, ba mươi năm qua được gọi là kỷ nguyên của chủ nghĩa tân tự do – một thời đại thống trị bởi sự hồi sinh của học thuyết thế kỷ mười chín vốn đã bị bỏ rơi từ lâu, cho rằng thị trường tự do và tự do con người về cơ bản là một. Chủ nghĩa tân tự do luôn chứa đựng một nghịch lý trung tâm. Nó tuyên bố rằng các mệnh lệnh kinh tế phải được ưu tiên hàng đầu. Chính trị chỉ đơn thuần là tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển bằng cách để “phép màu của thị trường” làm việc của nó. Mọi hy vọng và ước mơ khác – về bình đẳng, an ninh – đều phải hy sinh vì mục tiêu hàng đầu là năng suất kinh tế. Nhưng hiệu suất kinh tế toàn cầu trong ba mươi năm qua lại khá tầm thường. Ngoại trừ một vài trường hợp ngoạn mục (đặc biệt là Trung Quốc, vốn phần lớn phớt lờ các khuyến nghị của chủ nghĩa tân tự do), tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với thời kỳ của chủ nghĩa tư bản do nhà nước chỉ đạo, hướng đến phúc lợi xã hội của những năm năm mươi, sáu mươi và thậm chí bảy mươi. Theo chính tiêu chuẩn của mình, dự án này đã là một thất bại thảm hại ngay cả trước cuộc khủng hoảng năm 2008.
Nhưng nếu chúng ta ngừng tin lời các nhà lãnh đạo thế giới và thay vào đó coi chủ nghĩa tân tự do như một dự án chính trị, thì nó lại vô cùng hiệu quả. Các chính trị gia, CEO, quan chức thương mại, v.v… – những người thường xuyên họp mặt ở các hội nghị thượng đỉnh như Davos hay G20 – có thể đã thất bại thảm hại trong việc tạo ra một nền kinh tế tư bản toàn cầu đáp ứng nhu cầu của phần lớn dân số thế giới (chứ chưa nói đến việc tạo ra hy vọng, hạnh phúc, an ninh hay ý nghĩa), nhưng họ lại thành công rực rỡ trong việc thuyết phục thế giới rằng chủ nghĩa tư bản – và không chỉ là chủ nghĩa tư bản, mà chính là phiên bản tài chính hóa, bán phong kiến mà chúng ta đang có – là hệ thống kinh tế khả thi duy nhất. Nghĩ kỹ thì đây là một thành tựu đáng kinh ngạc.
Họ đã làm điều đó như thế nào? Cách tiếp cận chủ động ngăn chặn các phong trào xã hội rõ ràng là một phần trong đó; dù làm gì đi nữa thì không để cho bất kỳ lựa chọn thay thế nào, hay bất kỳ ai đưa ra đề xuất lựa chọn đó, trông có vẻ thành công. Điều này giúp giải thích cho khoản đầu tư gần như không tưởng vào các “hệ thống an ninh” dưới mọi hình thức: việc Hoa Kỳ – không có đối thủ lớn nào – vẫn chi tiêu cho quân sự và tình báo nhiều hơn cả thời Chiến tranh Lạnh, cùng với sự phát triển choáng ngợp của các cơ quan an ninh tư nhân, cơ quan tình báo, cảnh sát vũ trang, vệ sĩ và lính đánh thuê. Rồi còn có các cơ quan tuyên truyền, bao gồm cả một ngành công nghiệp truyền thông khổng lồ vốn không tồn tại trước thập niên sáu mươi, ca ngợi lực lượng cảnh sát. Phần lớn các hệ thống này không trực tiếp tấn công những người bất đồng chính kiến, mà góp phần tạo ra một bầu không khí sợ hãi, tạo nên chủ nghĩa dân tộc mù quáng và cả sự bất an trong cuộc sống, tạo nên sự tuyệt vọng khiến bất kỳ ý nghĩ nào về việc thay đổi thế giới trở thành điều viển vông. Tuy nhiên, những hệ thống an ninh này cũng vô cùng tốn kém. Một số nhà kinh tế ước tính rằng một phần tư dân số Mỹ hiện đang làm “lao động canh gác” dưới hình thức này hay hình thức khác – bảo vệ tài sản, giám sát công việc hoặc bằng cách nào đó kiểm soát những người Mỹ khác. Về mặt kinh tế, phần lớn hệ thống kỷ luật này là gánh nặng vô ích.
Trên thực tế, hầu hết các “đổi mới” kinh tế trong ba mươi năm qua lại có ý nghĩa chính trị hơn là kinh tế. Việc xóa bỏ việc làm trọn đời để thay bằng hợp đồng bấp bênh không thực sự tạo ra một lực lượng lao động hiệu quả hơn, nhưng lại cực kỳ hiệu quả trong việc phá vỡ công đoàn và phi chính trị hóa người lao động. Điều tương tự cũng xảy ra với việc không ngừng tăng thời gian làm việc. Không ai có thời gian cho hoạt động chính trị nếu họ làm việc 60 giờ mỗi tuần.
Dường như mỗi khi có hai lựa chọn – một là khiến chủ nghĩa tư bản trông có vẻ như là hệ thống kinh tế duy nhất khả thi, và hai là thực sự hành động để làm cho chủ nghĩa tư bản trở thành hệ thống kinh tế khả thi hơn – thì chủ nghĩa tân tự do luôn chọn cái đầu tiên. Hậu quả là một chiến dịch không ngừng chống lại trí tưởng tượng của con người. Hay nói chính xác hơn: trí tưởng tượng, khát vọng, sự sáng tạo cá nhân – tất cả những thứ từng được giải phóng trong cuộc cách mạng thế giới vĩ đại gần nhất – nay bị giới hạn nghiêm ngặt trong lĩnh vực tiêu dùng, hoặc có thể là trong các thực tại ảo trên Internet. Trong mọi lĩnh vực khác, chúng bị loại bỏ triệt để. Chúng ta đang nói về việc sát hại những giấc mơ, áp đặt một hệ thống tuyệt vọng, được thiết kế để dập tắt bất kỳ cảm giác nào về một tương lai thay thế. Tuy nhiên, chính vì đã đặt gần như toàn bộ nỗ lực vào một giỏ chính trị duy nhất, nên giờ đây chúng ta đang chứng kiến một tình cảnh kỳ quặc: hệ thống tư bản đang sụp đổ ngay trước mắt, đúng vào lúc mà mọi người cuối cùng đã đi đến kết luận rằng không còn hệ thống nào khác là khả thi.
Tìm hướng giải quyết, làm chậm lại
Thông thường, khi bạn thách thức quan niệm phổ biến – rằng hệ thống kinh tế và chính trị hiện tại là lựa chọn duy nhất có thể – phản ứng đầu tiên bạn nhận được thường là yêu cầu phải trình bày một bản thiết kế chi tiết cho một hệ thống thay thế, chi tiết đến mức bao gồm cả cách hệ thống tài chính sẽ hoạt động, nguồn năng lượng sẽ đến từ đâu, và cả chính sách xử lý nước thải sẽ ra sao. Sau đó, bạn sẽ được yêu cầu đưa ra một kế hoạch cụ thể để làm sao đưa hệ thống đó thành hiện thực. Xét về mặt lịch sử thì điều này thật nực cười. Từ khi nào mà sự thay đổi xã hội lại diễn ra theo đúng một bản thiết kế có sẵn? Đâu phải có một nhóm người có tầm nhìn ở Florence thời Phục Hưng ngồi xuống nghĩ ra cái gọi là “chủ nghĩa tư bản,” rồi hình dung ra chi tiết cách sàn chứng khoán và nhà máy sẽ vận hành, sau đó lập kế hoạch biến ý tưởng đó thành hiện thực. Thực tế, ý tưởng này ngớ ngẩn đến mức chúng ta phải tự hỏi: tại sao chúng ta lại từng nghĩ rằng sự thay đổi xảy ra theo cách đó?
Điều này không có nghĩa là những tầm nhìn không tưởng là sai. Hay rằng những bản thiết kế là vô ích. Chúng chỉ cần được đặt đúng chỗ. Nhà lý thuyết Michael Albert đã xây dựng một kế hoạch chi tiết về cách một nền kinh tế hiện đại có thể vận hành mà không cần tiền, dựa trên nền dân chủ và sự tham gia của mọi người. Tôi nghĩ đó là một thành tựu quan trọng – không phải vì tôi tin rằng mô hình đó có thể được áp dụng nguyên vẹn, mà vì nó khiến cho người ta không thể nói rằng điều đó là không thể tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, những mô hình như vậy chỉ là bài tập tư duy. Chúng ta không thể thật sự hình dung được những vấn đề sẽ phát sinh khi bắt đầu xây dựng một xã hội tự do. Những gì hiện giờ có vẻ như sẽ là những vấn đề nan giải nhất, có thể lại chẳng là vấn đề gì; còn những điều chưa từng nghĩ đến có thể lại cực kỳ khó khăn. Có vô vàn những yếu tố không thể lường trước.
Yếu tố rõ ràng nhất là công nghệ. Đây là lý do tại sao thật vô lý khi tưởng tượng rằng những nhà hoạt động ở nước Ý thời Phục Hưng có thể nghĩ ra mô hình sàn chứng khoán và nhà máy – mọi thứ đã xảy ra dựa trên những công nghệ mà họ không thể nào đoán trước được, và một phần những công nghệ đó chỉ xuất hiện vì xã hội bắt đầu đi theo hướng đó. Điều này cũng có thể lý giải tại sao nhiều tầm nhìn hấp dẫn về xã hội vô chính phủ lại đến từ các nhà văn khoa học viễn tưởng (như Ursula K. Le Guin, Starhawk, Kim Stanley Robinson). Trong tiểu thuyết, ít nhất người viết cũng thừa nhận rằng yếu tố công nghệ chỉ là phỏng đoán.
Bản thân tôi thì ít quan tâm đến việc quyết định xem hệ thống kinh tế nào nên tồn tại trong một xã hội tự do, mà quan tâm hơn đến việc tạo ra phương tiện để người dân có thể tự mình đưa ra quyết định đó. Một cuộc cách mạng trong lẽ thường sẽ trông như thế nào? Tôi không biết, nhưng tôi có thể nghĩ đến vô số niềm tin phổ biến hiện nay mà chắc chắn cần phải bị thách thức nếu chúng ta muốn tạo ra một xã hội tự do thực sự. Tôi đã từng bàn khá chi tiết về một trong số đó – bản chất của tiền và nợ – trong một cuốn sách gần đây. Tôi thậm chí còn gợi ý về một “năm tha nợ,” một sự xóa bỏ nợ toàn diện, một phần để nhấn mạnh rằng tiền thực chất chỉ là sản phẩm của con người, là một tập hợp các lời hứa, mà theo bản chất thì luôn có thể thương lượng lại.
Thứ còn lại sẽ là loại công việc chỉ con người mới có thể làm: những hình thức lao động chăm sóc và giúp đỡ, vốn là trung tâm của cuộc khủng hoảng đã dẫn đến phong trào Occupy Wall Street ngay từ đầu. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta ngừng hành xử như thể hình thức lao động nguyên thủy là làm việc trong dây chuyền sản xuất, hay ngoài cánh đồng lúa mì, xưởng luyện kim, hoặc thậm chí là trong văn phòng, và thay vào đó bắt đầu từ vai trò của một người mẹ, một giáo viên, hay một người chăm sóc? Có lẽ chúng ta sẽ phải đi đến kết luận rằng công việc thực sự của cuộc sống con người không phải là đóng góp vào cái gọi là “nền kinh tế” (một khái niệm mà 300 năm trước còn chưa tồn tại), mà là việc chúng ta đều, và luôn luôn, là những dự án được tạo ra cùng nhau. Tương tự, khái niệm lao động cũng cần được thương lượng lại. Việc tuân theo kỷ luật lao động – bị giám sát, bị kiểm soát, hay thậm chí là tự kiểm soát trong trường hợp người lao động tự do đầy tham vọng – không khiến con người trở nên tốt đẹp hơn. Trên thực tế, trong nhiều khía cạnh quan trọng, nó có thể khiến con người trở nên tệ hơn. Trải qua điều đó là một bất hạnh, mà trong một số trường hợp thì có thể là cần thiết. Nhưng chỉ khi chúng ta từ bỏ ý tưởng rằng lao động tự thân là điều tốt đẹp, thì chúng ta mới có thể bắt đầu hỏi: điều gì là tốt đẹp trong lao động? Câu trả lời rất rõ ràng. Lao động là tốt đẹp nếu nó giúp đỡ người khác. Việc định nghĩa lại năng suất sẽ giúp ta dễ dàng hình dung lại bản chất thực sự của công việc, vì nó cũng sẽ khiến cho công nghệ được định hướng ít hơn vào việc tạo ra thêm sản phẩm tiêu dùng và lực lượng lao động tuân kỷ luật, và nhiều hơn vào việc loại bỏ những hình thức lao động đó hoàn toàn.
Hiện nay, có lẽ nhu cầu cấp bách nhất là làm chậm lại cỗ máy năng suất. Nghe có vẻ lạ – phản xạ đầu tiên của chúng ta trước mọi cuộc khủng hoảng là cho rằng giải pháp là làm việc nhiều hơn nữa, dù thực ra, chính kiểu phản ứng này mới là vấn đề – nhưng nếu bạn nhìn vào tình hình chung của thế giới, thì kết luận là rõ ràng. Chúng ta dường như đang đối mặt với hai vấn đề không thể giải quyết. Một mặt, chúng ta đã chứng kiến một chuỗi khủng hoảng nợ toàn cầu kéo dài không dứt, ngày càng nghiêm trọng kể từ những năm 70, đến mức tổng gánh nặng nợ – từ cấp quốc gia, thành phố, doanh nghiệp cho đến cá nhân – rõ ràng là không thể duy trì. Mặt khác, chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng sinh thái, một quá trình biến đổi khí hậu tăng tốc đang đe dọa khiến cả hành tinh rơi vào hạn hán, lũ lụt, hỗn loạn, đói kém và chiến tranh. Hai vấn đề này có vẻ không liên quan. Nhưng thực chất, chúng là một. Nợ là gì, nếu không phải là lời hứa về năng suất trong tương lai? Nói rằng mức nợ toàn cầu đang tiếp tục tăng chỉ đơn giản là một cách khác để nói rằng, với tư cách là một tập thể, con người đang hứa với nhau sẽ tạo ra nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn trong tương lai so với hiện tại. Nhưng ngay cả mức hiện tại cũng đã không thể chịu đựng nổi. Chính mức đó đang hủy hoại hành tinh với tốc độ ngày càng nhanh.
Ngay cả những người đang vận hành hệ thống cũng bắt đầu miễn cưỡng thừa nhận rằng một hình thức xóa nợ diện rộng nào đó – một kiểu “năm tha nợ” – là điều không thể tránh khỏi. Cuộc đấu tranh chính trị thực sự sẽ xoay quanh việc nó sẽ diễn ra theo hình thức nào. Vậy, chẳng phải giải pháp rõ ràng là giải quyết cả hai vấn đề cùng lúc sao? Tại sao không xóa nợ trên quy mô toàn cầu, càng rộng càng tốt, sau đó là cắt giảm mạnh thời gian làm việc: ví dụ một ngày làm 4 tiếng, hoặc một kỳ nghỉ 5 tháng mỗi năm? Điều này không chỉ có thể cứu lấy hành tinh, mà còn (vì đâu phải ai cũng sẽ ngồi chơi không trong khoảng thời gian rảnh đó) bắt đầu thay đổi cách chúng ta hiểu về công việc tạo ra giá trị.
Phong trào Occupy chắc chắn đã đúng khi không đưa ra các yêu sách, nhưng nếu tôi phải đưa ra một yêu cầu, thì đó sẽ là điều này. Rốt cuộc, đây sẽ là một đòn tấn công vào ý thức hệ thống trị ngay tại những điểm mạnh nhất của nó. Đạo đức về nợ và đạo đức về lao động là hai công cụ tư tưởng mạnh mẽ nhất mà những người điều hành hệ thống hiện tại đang nắm trong tay. Đó là lý do họ bám lấy nó, ngay cả khi nó đang hủy hoại mọi thứ khác. Và cũng chính vì thế, việc xóa nợ sẽ là yêu sách cách mạng hoàn hảo.
Tất cả điều này có thể vẫn còn rất xa vời. Hiện tại, hành tinh này có vẻ đang chuẩn bị bước vào một chuỗi thảm họa chưa từng có tiền lệ, hơn là một cuộc chuyển đổi đạo đức và chính trị sâu rộng sẽ mở đường cho một thế giới mới. Nhưng nếu chúng ta muốn có bất kỳ cơ hội nào để tránh những thảm họa đó, chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ quen thuộc của mình. Và như các sự kiện năm 2011 đã cho thấy, thời đại của các cuộc cách mạng vẫn chưa kết thúc. Trí tưởng tượng của con người vẫn cứng đầu không chịu chết. Và ngay khi có một số lượng đủ lớn người cùng lúc gỡ bỏ những xiềng xích đang trói buộc trí tưởng tượng tập thể ấy, thì ngay cả những niềm tin sâu sắc nhất về điều gì là có thể hay không về mặt chính trị cũng đã từng sụp đổ chỉ sau một đêm.
Theo VNMARXIST.COM
Tags: Tư bản