Đại dịch trong quá khứ và hiện tại: Những điểm trùng hợp

“Căn bệnh này ập đến với mọi người ở khắp các xứ sở, nhưng đặc biệt là ở tầng lớp trung lưu trở xuống, hiếm khi xảy đến với tầng lớp cao quý. Nó kinh hoàng đến độ đứa con không dám đến thăm bậc sinh thành sắp qua đời – và ngược lại, mà phải lẩn trốn vì sợ bị lây nhiễm, như thể đó là bệnh hủi hay là loài rắn độc”.

Tác giả: Martin Parker & Eleanor Russell.

Nguồn: How pandemics past and present fuel the rise of large companies; The Conversation.

Lược dịch: Anh Thư.

Vào giữa thế kỷ 14, bắt nguồn từ Trung Á, những người lính và đoàn thuyền buôn đã mang bệnh dịch hạch – căn bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis lưu hành ở bọ chét ký sinh trên chuột gây ra – đến các cảng khắp Biển Đen. Hoạt động giao thương, buôn bán sầm uất của Địa Trung Hải là điều kiện lý tưởng để bệnh dịch lây lan nhanh chóng trên các tàu buôn đến Ý và sau đó qua châu Âu. Từ đây, dịch hạch – Cái chết Đen đã giết chết một phần ba đến một nửa dân số của châu Âu và vùng Cận Đông. Kéo theo đó là một nền kinh tế khủng hoảng tan hoang, chính sách cấm vận và thù địch lẫn nhau. Với một phần ba lực lượng lao động đã chết, không ai thu hoạch mùa màng và các cộng đồng tan rã.

Trải nghiệm đau thương về Cái chết Đen – căn bệnh đã giết chết khoảng 80% những người mắc phải nó – thôi thúc nhiều người phải cầm viết để bộc bạch nỗi hoang mang của mình. Tại thành phố Aberdeen, John xứ Fordun –nhà biên niên sử người Scotland, đã ghi lại:

“Căn bệnh này ập đến với mọi người ở khắp các xứ sở, nhưng đặc biệt là ở tầng lớp trung lưu trở xuống, hiếm khi xảy đến với tầng lớp cao quý. Nó kinh hoàng đến độ đứa con không dám đến thăm bậc sinh thành sắp qua đời – và ngược lại, mà phải lẩn trốn vì sợ bị lây nhiễm, như thể đó là bệnh hủi hay là loài rắn độc”.

Những dòng này vẫn đúng kể cả khi được viết vào ngày hôm nay.

Mặc dù tỷ lệ tử vong do COVID-19 gây ra thấp hơn nhiều so với Cái chết Đen nhưng nền kinh tế vẫn suy thoái nghiêm trọng do tính chất toàn cầu hóa, hội nhập cao của nền kinh tế hiện đại.

Chúng tôi muốn theo dõi cách các doanh nghiệp vận hành trong những thập kỷ sau Cái chết Đen và xem xét các xu hướng xuất hiện trong bối cảnh hậu dịch bệnh.

Một hệ quả ít được chú ý của Cái chết Đen là sự trỗi dậy của các doanh nghiệp giàu có và mối liên kết giữa doanh nghiệp với chính phủ. Đương nhiên chúng tôi không cho rằng tất cả những bước ngoặt trong giai đoạn 1350-1500 đều do Cái chết Đen, nhưng chắc chắn bệnh dịch này là một trong số nhiều yếu tố đã dẫn đến sự ra đời của các hình thức hoạt động doanh nghiệp mới. Mặc dù Cái chết Đen gây ra tổn thất ngắn hạn cho các công ty lớn nhất châu Âu, nhưng về lâu dài, nó giúp họ tập trung tài sản, giành được thị phần lớn hơn và gia tăng tầm ảnh hưởng với các chính phủ.

Khá khó để đưa ra những so sánh chính xác khi nền kinh tế giữa thế kỷ 14 khác xa quy mô, tốc độ và tính liên kết của thị trường hiện đại, nhưng chúng ta chắc chắn có thể nhận thấy sự tương đồng với cách mà Cái chết Đen củng cố quyền lực của nhà nước và đẩy nhanh quá trình thống trị các thị trường trọng điểm của một số ít các công ty lớn, về lâu dài.

Thời cơ của các doanh nghiệp lớn

Một phần ba dân số châu Âu mất đi, dẫn đến việc tái phân phối của cải cho những người còn sống sót. Tuy nhiên, về lâu dài, mọi người đã đối phó với việc này bằng cách giữ tiền trong nội bộ gia đình. Cụ thể, các doanh nghiệp giàu có di chúc lại cho con cháu để tài sản không bị phân chia sau khi qua đời, khác với xu hướng trước đây là để lại một phần ba tài sản cho tổ chức từ thiện.

Đồng thời, sự suy tàn của chế độ phong kiến và sự trỗi dậy của nền kinh tế làm công ăn lương theo nhu cầu với điều kiện lao động tốt hơn cho nông dân đã mang lại lợi ích cho giới tinh hoa thành thị. Nhận lương bằng tiền mặt, thay vì hiện vật như trước đây, đồng nghĩa với việc nông dân có nhiều tiền hơn để chi tiêu trong thị trấn.

Sự tập trung của cải này đã thúc đẩy đáng kể một xu hướng đã có từ trước: các doanh nghiệp kết hợp buôn bán với sản xuất hàng hóa. Ví dụ, các thương gia giàu có của Ý bắt đầu mở các xưởng sản xuất lụa và vải thay vì nhập khẩu từ châu Á và Byzantium như trước đây.

Những doanh nghiệp này có lợi thế đặc biệt để ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động đột ngột do Cái chết Đen gây ra: Không giống như những người thợ dệt độc lập – những người thiếu vốn, và không giống như quý tộc – những người chỉ có đất đai là của cải, các doanh nghiệp thành thị có thể sử dụng vốn lưu động của mình để đầu tư vào công nghệ mới, bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động bằng máy móc.

Ở miền Nam nước Đức, một trong những khu vực thương mại hóa nhất châu Âu vào cuối thế kỷ 14 và 15, các công ty như Welse (sau này điều hành Venezuela như một thuộc địa tư nhân) đã kết hợp trồng lanh với sở hữu những khung dệt nơi công nhân biến sợi lanh thành vải lanh, và họ cũng bán cả vải lanh ra thị trường. Xu hướng của thời kỳ hậu Cái chết Đen thế kỷ 14 và 15 là tập trung các nguồn lực – vốn, kỹ năng và cơ sở hạ tầng – vào tay một số lượng ít ỏi các công ty lớn.

Thời đại Amazon

Quay trở lại bối cảnh hiện tại, có thể thấy một số điểm tương đồng rõ ràng. COVID-19 đã cung cấp cho một số công ty những cơ hội lớn. Tại nhiều quốc gia, toàn bộ hệ sinh thái gồm các nhà hàng, quán rượu, cửa hiệu nhỏ đã đột ngột đóng cửa. Thị trường thực phẩm, bán lẻ nói chung và giải trí đã chuyển sang trực tuyến. Các chuỗi siêu thị đã đảm nhiệm vai trò cung cấp thực phẩm thay cho những nhà hàng.

Kẻ hưởng lợi nhất là những gã khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến – chẳng hạn như Amazon, công ty điều hành dịch vụ độc quyền “Prime Pantry” ở Mỹ, Ấn Độ và nhiều nước châu Âu. Giờ đây, nhiều không gian bán lẻ “không thiết yếu” đã buộc phải đóng cửa và Amazon, eBay, Argos, Screwfix lập tức lấp vào chỗ trống đó. Hoạt động mua sắm trực tuyến gia tăng chóng mặt và các nhà phân tích bán lẻ đang tự hỏi liệu đây có phải là bước ngoặt quyết định để chuyển đổi số, là bậc thang để các tập đoàn lớn vươn cao hơn hay không.

Trong khi đợi bưu phẩm giao đến, chúng ta chìm đắm vào ngành công nghiệp giải trí trực tuyến – một lĩnh vực mà các tập đoàn lớn như Netflix, Amazon Prime (lại là Amazon), Disney… đã chi phối từ lâu. Những gã khổng lồ trực tuyến khác như Google (sở hữu YouTube), Facebook (sở hữu Instagram) và Twitter thì cung cấp những nền khác nhau để thống trị lưu lượng truy cập trực tuyến.

Mắt xích cuối cùng trong chuỗi chính là những công ty giao hàng: UPS, FedEx, Amazon Logistics (một lần nữa), cũng như lĩnh vực giao hàng thực phẩm như Just Eat và Deliveroo. Thông qua các mô hình kinh doanh khác nhau, nền tảng của họ cũng đang thống trị những trào lưu sản phẩm mới. Đó có thể là chiếc TV Amazon Fire mới tinh mang nhãn hiệu Toshiba mà bạn đang xem, hay chiếc bánh pizza nhân nhồi từ Pizza Hut (công ty con của Yum! Brands – tập đoàn sở hữu KFC, Taco Bell…) mà bạn đang thưởng thức.

Một bước ngoặt khác dẫn đến sự thống trị của các công ty là việc chuyển từ giao dịch tiền mặt sang các dịch vụ thanh toán không tiếp xúc. Visa và Mastercard vẫn chiếm thị phần lớn nhất, nhưng khối lượng giao dịch của Apple Pay, PayPal và Amazon Pay (vẫn là Amazon) vẫn tăng lên.

Doanh nghiệp nhỏ đã thực sự lãnh một cú đấm quyết định khi COVID-19 hay Cái chết Đen bùng phát, và các công ty lớn đã nhân cơ hội giành lấy thị phần. Ngay cả những người làm việc tại nhà cũng đang trao đổi trên Skype (thuộc sở hữu của Microsoft), Zoom và BlueJeans, cũng như sử dụng các ứng dụng email và chiếc laptop do một số ít tổ chức toàn cầu sản xuất.

Nhưng đây không phải là toàn bộ câu chuyện. Một xu hướng lớn khác trong bối cảnh đại dịch là quyền lực của nhà nước cũng tăng lên.

Ảnh hưởng chính trị

Cái chết Đen thúc đẩy xu hướng quản lý tập trung, tăng thuế, và cũng khiến chính phủ phụ thuộc vào các công ty lớn hơn.

Ở Anh, giá trị đất đai ngày càng giảm và doanh thu sụt giảm đã khiến vương triều – chủ đất lớn nhất của đất nước – cố gắng giới hạn mức lương ở mức trước bệnh dịch theo Điều lệ Người lao động 1351, và áp thuế bổ sung lên dân chúng. Trước đây, chính quyền dự kiến sẽ chỉ đánh thuế đối với các chi phí bất thường như chiến tranh. Nhưng khoản thuế tăng lên vì bệnh dịch đã tạo tiền lệ lớn để chính quyền can thiệp sâu hơn vào nền kinh tế.

Từ đó, nhà vua ngày càng có sức ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người dân. Trong các đợt bùng phát dịch hạch sau đó, cứ sao 20 năm một lần hoặc lâu hơn, chính quyền bắt đầu hạn chế di chuyển thông qua lệnh giới nghiêm, lệnh cấm đi lại và cách ly. Đây là hệ quả một phần của quá trình tập trung quyền lực nhà nước và sự thay thế cơ chế phân bổ quyền lực theo khu vực trước đây bằng cơ chế quan liêu tập trung.

Các thương gia cũng tạo ra ảnh hưởng chính trị bằng cách mua đất bởi giá đất đã giảm mạnh sau Cái chết Đen. Nhờ sở hữu đất đai, các thương gia đã bước vào tầng lớp quý tộc, gả con cái của họ cho con của các lãnh chúa đang thiếu tiền. Với địa vị mới này, và với sự giúp đỡ của những người có ảnh hưởng trong chính quyền, họ đã giành được quyền đại diện trong nghị viện.

Gia tăng quyền lực nhà nước

Kể từ những năm 1970 trở về sau, giới trí thức thường cho rằng nhà nước không còn quá quan trọng và thường khuyên “giảm bớt vai trò của nhà nước”. Năm 2016, trong số 100 tổ chức kinh tế lớn nhất, có 31 quốc gia và 69 công ty. Walmart lớn hơn nền kinh tế Tây Ban Nha, Toyota thì lớn hơn nền kinh tế Ấn Độ.

Trên toàn cầu, vận tải, viễn thông, nha sĩ, nhãn khoa, bưu điện và nhiều dịch vụ khác từng là độc quyền của nhà nước, giờ đây do các công ty thu lợi nhuận điều hành. Những ngành công nghiệp quốc hữu hóa, hoặc thuộc sở hữu nhà nước cần quy luật thị trường để trở nên hiện đại và hoạt động hiệu quả hơn.

Nhưng nhờ coronavirus, quyền lực của nhà nước đã quay lại như một cơn sóng thần. Hệ thống y tế quốc gia đã phải giải quyết vấn đề vô gia cư, trợ cấp thu nhập cơ bản cho hàng triệu người và bảo lãnh cho vay hoặc thanh toán trực tiếp cho một loạt các doanh nghiệp. Việc cân bằng ngân sách trở thành vấn đề mang tính sống còn khi toàn bộ ngành công nghiệp hiện đang phụ thuộc vào các gói cứu trợ.

Bên cạnh đó, quyền tự do cá nhân cũng bị hạn chế nhất có thể. Quyền tự chủ của cá nhân là trung tâm của các ý tưởng tân tự do. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các nước trên thế giới đã hạn chế quyền di chuyển của đại đa số người dân, điều cảnh sát và lực lượng vũ trang đến ngăn chặn tụ tập đông người. Một vị vua thời trung cổ hẳn sẽ rất ấn tượng với những luật lệ này.

Nhà nước triển khai các quy định một cách quyền lực nhất mà chúng ta từng chứng kiến kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, và vẫn được công chúng ủng hộ nhiệt liệt.

Sự phản kháng của người dân

Trở lại với Cái chết Đen, việc các thương gia và doanh nghiệp lớn ngày càng giàu thêm và có tầm ảnh hưởng lớn, đã làm trầm trọng thêm sự căm ghét vốn có dành cho thương nghiệp.

Bước sang khoảng thế kỷ 14 – 15, các công ty lớn giành được nhiều thị phần hơn, sự thù địch trong lòng dân chúng và giới trí thức ngày càng tăng. Vào thế kỷ 15, ngân hàng hoàng gia và giáo hoàng đã gần như nắm được nền thương mại và tài chính, nhờ vào một số ít các công ty đang nắm giữ độc quyền hoặc gần như độc quyền các mặt hàng chính của châu Âu – chẳng hạn như bạc, đồng và thủy ngân – lẫn những mặt hàng nhập khẩu từ châu Á và châu Mỹ, đặc biệt là gia vị.

Martin Luther cảm thấy giận dữ trước cách Giáo hội Công giáo sử dụng công ty độc quyền để thu tiền như vậy. Năm 1524, Luther tuyên bố rằng nền thương mại nên vì lợi ích chung (của người Đức) và các thương gia không nên lấy giá quá cao. Cùng với các nhà văn Tin Lành khác, chẳng hạn như chẳng hạn như Philip Melancthon và Ulrich von Hutten, Luther đã kêu gọi cải cách tôn giáo bằng cách khơi gợi lên sự căm ghét nền thương nghiệp vốn có trong người dân, chỉ trích tầm ảnh hưởng của chính phủ trong nền kinh tế – bởi nó làm tăng thêm bất công tài chính.

Nhà xã hội học Max Weber từng liên hệ đạo Tin Lành với sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản và tư tưởng kinh tế hiện đại, nhưng thực chất các nhà văn Tin Lành ban đầu đã phản đối các công ty độc quyền và việc thương mại hóa mọi mặt đời sống, dựa trên sự căm ghét nền thương nghiệp vốn đã ăn sâu từ Cái chết Đen. Cuộc kêu gọi cải cách tôn giáo nổi tiếng này cuối cùng đã dẫn đến sự kiện ly giáo của Tin Lành và sự biến đổi của châu Âu.

Liệu doanh nghiệp nhỏ có tốt hơn?

Vào thế kỷ 21, chúng ta đã quen với ý tưởng các công ty tư bản tạo ra sự tập trung của cải. Cho dù đó là các nhà tư bản công nghiệp thời Victoria, những nhà đại tư bản của Hoa Kỳ hay các tỷ phú thời Internet, thì sự bất bình đẳng do kinh doanh tạo ra và ảnh hưởng của nó đối với chính phủ đã định hình nên những cuộc tranh cãi về thương mại kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Đối với các nhà phê bình, những doanh nghiệp lớn thường là kẻ vô tâm, một con quái vật đè bẹp những người bình thường trong guồng máy của nó hoặc bòn rút sức lực của người lao động một cách tàn nhẫn.

Như chúng ta đã thấy, những cuộc tranh cãi giữa các doanh nghiệp nhỏ địa phương và những người ủng hộ các tập đoàn và quyền lực của nhà nước đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước. Những người theo chủ nghĩa cấp tiến đã lên án cái cách mà “những cỗ máy satan xấu xa” đang tàn phá vùng nông thôn bình yên và sản sinh ra những con người không hơn gì phụ kiện cho máy móc. Quan niệm rằng những nô lệ làm công ăn lượng đang dần thay thế cho người thợ thủ công lương thiện là điều phổ biến đối với cả những nhà phê bình hoài cổ và đối với những nhà phê bình tiến bộ theo chủ nghĩa tư bản sơ khai.

Nhưng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã đến và đặt ra câu hỏi rằng việc phân chia nhị nguyên – nhỏ là tốt, lớn là xấu – liệu có đúng hay không? Để ứng phó với dịch bệnh, nhà nước phải có cách thức tổ chức quy mô lớn, và những nước thành công nhất là những nước đã áp dụng các hình thức giám sát và kiểm soát can thiệp chặt chẽ nhất. Ngay cả những người cổ vũ hăng hái cho các chiến dịch kể trên cũng phải thừa nhận rằng các doanh nghiệp xã hội nhỏ không thể xây dựng được một bệnh viện lớn chỉ trong vài tuần.

Và mặc dù có rất nhiều tấm gương về các doanh nghiệp địa phương tham gia giao thực phẩm và hỗ trợ lẫn nhau, nhưng người dân của những nước công nghiệp hóa phần lớn vẫn sống nhờ các chuỗi siêu thị lớn với các hoạt động phân phối phức tạp.

Hậu coronavirus?

Về lâu dài, Cái chết Đen đã giúp củng cố quyền lực của các doanh nghiệp lớn và nhà nước. Quá trình tương tự đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn nhiều trong thời gian phong tỏa do coronavirus.

Nhưng chúng ta nên thận trọng với những bài học lịch sử. Lịch sử không bao giờ thực sự lặp lại chính nó. Hoàn cảnh của mỗi thời điểm là duy nhất và sẽ không khôn ngoan nếu coi “bài học” của lịch sử như thể đó là một loạt các thí nghiệm chứng minh những quy luật chung nhất định. Và COVID-19 sẽ không giết chết một phần ba dân số, vì vậy, mặc dù ảnh hưởng của nó rất sâu sắc, nhưng nó sẽ không gây ra tình trạng thiếu lao động tương tự. Nếu có, nó chỉ củng cố quyền lực của các nhà tuyển dụng.

Sự khác biệt cơ bản nhất là coronavirus xuất hiện ở giữa một cuộc khủng hoảng khác, đó là biến đổi khí hậu. Một nguy cơ lớn thực sự đó là chính sách thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại sẽ lấn át nỗ lực giảm lượng khí thải carbon. Đó là kịch bản ác mộng, trong đó COVID-19 chỉ là chương mở đầu của một thứ còn tồi tệ hơn nhiều.

Nhưng khả năng huy động nguồn lực con người và tiền bạc mà chính phủ các nước và các tập đoàn lớn trong thời gian đại dịch đã cho thấy rằng họ có thể định hình lại bản thân và thế giới một cách nhanh chóng nếu họ muốn. Điều này giúp chúng ta lạc quan hơn khi nghĩ đến việc cùng chung tay tái thiết hoạt động sản xuất năng lượng, vận tải, hệ thống thực phẩm và những thứ khác một cách bền vững hơn.

Cái chết Đen và COVID-19 dường như đã củng cố quyền lực của doanh nghiệp lớn và nhà nước. Đó là điều thú vị cần lưu ý. Nhưng câu hỏi lớn nhất là, liệu họ có thể dành nguồn lực khổng lồ của mình để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu sắp tới hay không?

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: , ,