Cựu quan chức Ukraina nói về cuộc chiến ủy nhiệm chống Nga của phương Tây

Olga Sukharevskaya – cựu quan chức ngoại giao Ukraina, có bài viết về điều mà bà gọi là quá trình phương Tây xây dựng kế hoạch sử dụng Ukraina để phát động cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga. Theo bà Olga, đây là một chiến lược được lên kế hoạch một cách tỉ mỉ và dài lâu.

Cựu quan chức Ukraina nói về cuộc chiến ủy nhiệm chống Nga của phương Tây

Sau đây là bản lược dịch bài viết của bà Olga Sukharevskaya.

Kể từ khi Nga bắt đầu “chiến dịch tấn công quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraina cách đây một năm, Ukraina đã nhận được hàng tỷ USD từ phương Tây. Mỹ và phương Tây ý thức rằng nếu thiếu nguồn viện trợ này, xung đột quân sự ở Ukraina đã kết thúc từ lâu.

Hàng tỷ USD viện trợ

Quá trình phương Tây bơm tiền và vũ khí vào Ukraina đã bắt đầu cách đây 8 năm, vào năm 2014, sau chính biến Maidan ở Kiev. Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), trong thời kỳ từ năm 2014 đến 2017, riêng Mỹ đã cung cấp cho Ukraina 658 triệu USD viện trợ kỹ thuật. Vào tháng 3/2022, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraina đã cán mốc 2 tỷ USD.

Trước khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt”, nguồn cung vũ khí cho Kiev được gọi là mang tính “phòng thủ” và “phi sát thương”. Thí dụ, vào năm 2016, Litva cung cấp cho Ukraina khoảng 150 tấn đạn dược (chủ yếu là đạn cỡ 5,45x39mm), 60 súng máy hạng nặng KPV và 86 khẩu súng máy hạng nặng DShK. Năm 2017, Litva cung cấp cho Ukraina 2 triệu euro vũ khí, bao gồm: 7.000 súng tiểu liên AK, 80 súng máy, vài chục khẩu súng cối và súng chống tăng. Kể từ năm 2018, Mỹ cung cấp cho Ukraina các tên lửa chống tăng vác vai Javelin AAWS-M.

Tuy nhiên, trọng tâm viện trợ là vào năm ngoái (2022). Vào đầu tháng 10/2022, cam kết viện trợ của phương Tây cho Ukraina lên tới 126 tỷ USD. Trong khi đó, GDP danh nghĩa của Ukraina chỉ có 130 tỷ USD. Theo Viện Kinh tế thế giới Kiel, nguồn cung quân sự và viện trợ tài chính trực tiếp, nhằm bù lại thâm hụt ngân sách của Ukraina do chi tiêu quân sự tăng, đã lên tới khoảng 93 tỷ USD. Các con số cho thấy 3/4 viện trợ của phương Tây cho Ukraina là dành cho hoạt động tác chiến.

Viện Kiel cho biết thêm, Mỹ có cam kết lớn nhất trong hỗ trợ cho Ukraina tính đến tháng 10/2022. Mức cam kết này lên tới 45% (tương đương 55 tỷ USD), với 2/3 trong số đó là viện trợ quân sự. Kế đó là Liên minh châu Âu (EU), với 48 tỷ USD viện trợ. Trong số này, các thể chế của EU đóng góp 19,2 tỷ, số còn lại do các nước cá lẻ cung cấp. Ba Lan chi đậm nhất – 7,6 tỷ USD, bao gồm 4,5 tỷ USD giúp đỡ người tị nạn. Kế đó là Anh (7,4 tỷ USD), Đức (6,7 tỷ USD), Canada (3,2 tỷ USD), Séc (1,8 tỷ USD) và Na Uy (1,6 tỷ USD). Cuối cùng, thêm 4,9 tỷ USD được các thể chế quốc tế (như Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, Ngân hàng Thế giới) phân bổ.

Những người bạn tích cực nhất của Ukraina là Estonia (với khoản viện trợ lên tới 1,51% GDP của nước này, Latvia (1,29%), Ba Lan (1,28%), Litva (0,83%) và Séc (0,74%). Nhìn tổng thể, EU phân bổ 0,28% GDP, còn Mỹ phân bổ 0,26%.

Nhanh hơn, lớn hơn, xa hơn

Theo hãng tin Bloomberg, kể từ đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga, các nước phương Tây đã trao cho Kiev trên 4.000 chiếc xe thiết giáp, xe tăng, máy bay cánh cố định, máy bay trực thăng và thiết bị không người lái (UAV), pháo, và các hệ thống vũ khí khác.

Nhưng đấy không phải là tất cả. Tổng thống Ukraina Zelensky gần đây đi thăm các nước Tây Âu để tìm kiếm thêm vũ khí. Đức cuối cùng đã đồng ý chuyển cho Ukraina 143-145 xe tăng từ tháng 3 đến tháng 5. Số xe tăng này bao gồm: 17 chiếc Leopard 2A6, 24 chiếc Leopard 2A4, 30 chiếc Leopard 1A5, 14 chiếc Challenger 2, 30 chiếc PT-91, và 30 chiếc T-72.

Số 31 chiếc xe tăng M1 Abrams được Mỹ quyên góp cho Ukraina đã được hoãn cho tới cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Đến cuối mùa hè tới, Đức dự kiến chuyển giao 20-25 chiếc 1A5/A5DK. Hầu hết xe tăng Leopard 1 (124 chiếc) sẽ được bàn giao vào năm 2024. Như vậy là tổng cộng 249 chiếc được cung cấp cho Ukraina.

Hiện người ta cũng đang tích cực thảo luận việc cung cấp cho Kiev các tên lửa có tầm bắn lên tới 550km. Theo Times, đây có thể là tên lửa săn hạm Harpoon với tầm bắn 240km và tên lửa hành trình Storm Shadow có khả năng đánh trúng mục tiêu ở cự ly trên 550km. Hơn nữa, Kiev cũng muốn sở hữu tên lửa đạn đạo ATACMS của Washington, có tầm bắn 310km và UAV MQ-1C Gray Eagle được trang bị tên lửa AGM-114 Hellfire.

Máy bay quân sự cũng nằm trong chương trình nghị sự viện trợ. Cả Hà Lan và Ba Lan nói rằng họ sẽ chuyển các chiến đấu cơ F-16 Block 70/72 Viper cho Lực lượng vũ trang Ukraina nếu có sự phối hợp trong NATO. Trong một cuộc họp với Tổng thống Zelensky, Thủ tướng Anh Sunak yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace xác định loại máy bay nào London có thể trao cho Ukraina, đồng thời ông bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ huấn luyện phi công Ukraina. Quân đội Anh sau đó gợi ý các phương tiện khác để bảo vệ không phận Ukraina, bao gồm tên lửa tầm xa và UAV.

Đối với máy bay tiêm kích, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock bình luận rằng “chúng tôi chưa hề thảo luận về vấn đề này”. Tuy nhiên, Berlin ban đầu cũng từ chối cung cấp xe tăng cho Kiev, nên họ hoàn toàn có thể lật lại chính sách về tiêm kích.

Thực tế khắc nghiệt

Tháng 11/2022, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, ước tính rằng Ukraina đã mất ít nhất 100.000 quân nhân trong cuộc xung đột với Nga. Sau đó, do sức ép từ những người ủng hộ Kiev, bà Leyen đã xóa bỏ các bình luận của mình.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về Vấn đề giải giáp, Izumi Nakamitsu, cho biết ít nhất 7.100 dân thường đã thiệt mạng trong quá trình giao tranh giữa đôi bên kể từ tháng 2/2022. Nakamitsu nói: “Con số thực sự có lẽ cao hơn nhiều”. Tư lệnh lực lượng quốc phòng Na Uy Eirik Kristoffersen ước tính con số thương vong dân thường ở Ukraina là 30.000 người.

Tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào ngày 24/1, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu như sau: “Chúng ta (EU) đang phát động một cuộc chiến chống lại Nga, chứ không phải chống lại lẫn nhau”. Bà Baerbock sau đó đã rút lại tuyên bố này.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhấn mạnh: “Nếu ông Putin giành thế áp đảo, điều đó sẽ đồng nghĩa với thất bại cho không chỉ Ukraina mà còn cho tất cả chúng ta“. Còn Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thậm chí đi xa tới mức tuyên bố rằng việc đánh bại Nga là “ý nghĩa cuộc đời của người Ba Lan và người châu Âu”.

Nhiều chính trị gia châu Âu được cho là nói lên sự thật sau khi đã nghỉ hưu. Cựu Thủ tướng Đức Merkel và cựu Tổng thống Pháp Hollande tiết lộ rằng các Thỏa thuận hòa bình Minsk 2014 và 2015 được ký chỉ để nhằm vũ trang cho Ukraina và giúp nước này có thêm thời gian hòa hoãn trước khi bước vào cuộc đối đầu quân sự đầy đủ với Nga.

Theo VOV / RT

Tags: , ,