Cuộc xâm lược và diệt chủng nhân danh khoa học của Đế quốc Anh ở châu Úc

Đối với những thổ dân châu Úc và bộ tộc Maoris ở New Zealand, đoàn thám hiểm của Cook là sự khởi đầu cho một thảm họa mà họ không bao giờ khắc phục được. Một số phận còn thê thảm hơn đã giáng xuống những người bản địa của đảo Tasmania. Sau khi đã tồn tại 10.000 năm trong sự cô lập tuyệt đối, họ đã hoàn toàn bị xóa sổ cho đến người đàn ông, đàn bà và trẻ em cuối cùng.

Cuộc xâm lược và diệt chủng nhân danh khoa học của Đế quốc Anh ở Australia

Trích từ sách “Sapiens: Lược sử loài người” của tác giả Yuval Noah Harari.

Mặt trời và Trái đất cách nhau bao xa? Đó là câu hỏi kích thích trí tò mò của nhiều nhà thiên văn thời cận đại, đặc biệt là sau khi Copernicus đã cho rằng Mặt trời, chứ không phải Trái đất, nằm ở trung tâm của vũ trụ. Một số nhà thiên văn học và toán học đã cố gắng để tính toán khoảng cách này, nhưng những phương pháp của họ cho ra các kết quả rất khác biệt. Một phương pháp đo đạc tin cậy cuối cùng được đưa ra vào giữa thế kỷ 18. Cứ vài năm, quỹ đạo Sao Kim lại cắt ngang qua khoảng không giữa Mặt trời và Trái đất. Chỉ cần sự khác biệt rất nhỏ trong góc nhìn của người quan sát sẽ thấy thời gian của hiện tượng cắt ngang là khác nhau khi nhìn từ những điểm cách xa nhau trên bề mặt Trái đất. Nếu có thể đồng thời quan sát cùng một lần di chuyển cắt ngang này từ những lục địa khác nhau, chỉ cần dùng lượng giác cơ bản là tính được khoảng cách chính xác giữa chúng ta và Mặt trời.

Các nhà thiên văn học dự đoán rằng những lần cắt ngang tiếp theo của Sao Kim sẽ xảy ra vào năm 1761 và năm 1769. Vì vậy, những đoàn thám hiểm đã từ châu Âu tỏa đi khắp thế giới để quan sát hiện tượng này từ càng nhiều điểm cách xa nhau càng tốt. Năm 1761, các nhà khoa học đã quan sát hiện tượng cắt ngang của Sao Kim từ Siberia, Bắc Mỹ, Madagascar và Nam Phi. Khi năm 1769 đến gần, cộng đồng khoa học châu Âu đã hết sức nỗ lực để gửi các nhà khoa học đi thật xa như tới miền Bắc Canada, và California (lúc đó còn là một vùng đất hoang dã). Hội khoa học Hoàng gia London về Cải thiện Kiến thức Tự nhiên đã kết luận rằng như thế vẫn chưa đủ. Để có được những kết quả chính xác nhất, bắt buộc phải gửi một nhà thiên văn học đến tận Tây Nam Thái Bình Dương.

Hội khoa học Hoàng gia đã quyết định cử một nhà thiên văn học xuất sắc, Charles Green đến Tahiti mà không quản công sức hay tiền bạc. Nhưng khi đã tài trợ cho một chuyến thám hiểm tốn kém như vậy, thật vô nghĩa nếu chỉ sử dụng nó để làm một việc duy nhất là quan sát thiên văn. Do đó, đồng hành với Charles Green là một đội tám nhà khoa học khác, từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu, đứng đầu là hai nhà thực vật học Joseph Banks và Daniel Solander. Nhóm nghiên cứu cũng gồm các họa sĩ có nhiệm vụ vẽ lại những vùng đất, các loài thực vật, động vật và những tộc người mới, mà họ chắc chắn sẽ bắt gặp. Được trang bị những thiết bị khoa học tân tiến nhất mà các ngân hàng và Hội khoa học Hoàng gia có thể mua được, đoàn thám hiểm đã lên đường dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng James Cook, một nhà hàng hải lão luyện đồng thời là một nhà địa lý học và dân tộc học tài năng.

Đoàn thám hiểm rời Anh năm 1768, quan sát hiện tượng cắt ngang của Sao Kim từ Tahiti vào năm 1769, thảm dò một số quần đảo ở Thái Bình Dương, đến thăm Australia và New Zealand, và trở về Anh vào năm 1771. Chuyến đi mang về một lượng rất lớn dữ liệu thiên văn, địa lý, khí tượng, thực vật, động vật và nhân học. Những khám phá này đã đóng góp rất lớn vào một số ngành học, thổi bùng óc tưởng tượng của người châu Âu trước những câu chuyện kỳ diệu của vùng Nam Thái Bình Dương, và truyền cảm hứng cho những thế hệ các nhà tự nhiên học và thiên văn học tương lai.

[…]

Tuy nhiên, chuyến thám hiểm của Cook đã đem lại một kết quả khác, kém tốt đẹp hơn nhiều. Cook không chỉ là một nhà hàng hải và địa lý lão luyện, mà còn là một sĩ quan hải quân. Hội khoa học Hoàng gia đã tài trợ phần lớn chi phí của chuyến thám hiểm, nhưng con tàu lại được Hải quân Hoàng gia cấp cho. Họ cũng phái một đoàn gồm 85 thủy thủ và lính thủy đánh bộ với khí tài đầy đủ, trang bị pháo binh, súng trường, thuốc súng và những loại vũ khí khác cho con tàu. Phần lớn những thông tin thu thập được trong chuyến thám hiểm, đặc biệt là những dữ liệu về thiên văn, địa lý, khí tượng và nhân học – rõ ràng đã đem lại nhiều giá trị về mặt chính trị và quân sự. Việc tìm ra một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh scurvy cũng góp phần rất lớn vào sự kiểm soát của Anh đối với những vùng biển trên thế giới, và vào năng lực gửi quân đội sang những khu vực ở bên kia thế giới. Cook đã tuyên bố chủ quyền cho Anh ở rất nhiều quần đảo và vùng đất do ông “tìm ra,” đáng chú ý nhất là châu Úc. Chuyến thám hiểm của Cook đã đặt nền móng cho sự chiếm đóng của Anh ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương; cho sự chinh phục châu Úc, Tasmania, và New Zealand; cho sự định cư của hàng triệu người châu Âu trên những thuộc địa mới; và cho sự hủy diệt văn hoá bản địa và hầu hết dân cư bản địa.

Trong thế kỷ tiếp theo chuyến thám hiểm này, hầu hết những vùng đất màu mỡ nhất của châu Úc và New Zealand đã bị những người định cư từ châu Âu tước khỏi tay những cư dân trước đây. Dân số cư dân bản địa giảm đến 90%, và những người sống sót đã phải chịu một chế độ đàn áp chủng tộc hà khắc. Đối với những thổ dân châu Úc và bộ tộc Maoris ở New Zealand, đoàn thám hiểm của Cook là sự khởi đầu cho một thảm họa mà họ không bao giờ khắc phục được.

Một số phận còn thê thảm hơn đã giáng xuống những người bản địa của đảo Tasmania. Sau khi đã tồn tại 10.000 năm trong sự cô lập tuyệt đối, họ đã hoàn toàn bị xóa sổ cho đến người đàn ông, đàn bà và trẻ em cuối cùng, chỉ trong vòng một thế kỷ kể từ khi đoàn thám hiểm của Cook đến đây. Những người định cư châu Ấu ban đầu đưa họ ra khỏi những khu vực giàu có nhất của hòn đảo, và sau đó, vẫn còn thèm muốn cả những vùng hoang dã còn lại, đã săn lùng, giết hại họ một cách có hệ thống. Một số ít người sống sót đã bị lùa vào trại tập trung để cải đạo, nơi những người truyền giáo, dù đầu óc đẩy những thiện ý nhưng đặc biệt không chút cởi mở, đã cố gắng truyền giáo cho họ để họ sống theo lối sống hiện đại. Những người Tasmania sống sót đã được dạy đọc và viết, theo đạo Ki-tô và học những “kĩ năng sản xuất” như dệt may và trồng trọt. Nhưng họ đã từ chối học. Họ trở nên u buồn hơn, thôi không sinh con, không còn quan tâm đến cuộc sống nữa, và cuối cùng đã chọn con đường duy nhất để thoát khỏi thế giới hiện đại của khoa học và tiến bộ – cái chết.

Chao ôi, khoa học và sự tiến bộ vẫn còn theo đuổi họ sang tận thế giới bên kia. Thi thể của những người Tasmania cuối cùng đã bị những nhà nhân học và người phụ trách bảo tàng thu giữ nhân danh khoa học. Chúng đã bị mổ xẻ, cân đo, và phân tích để phục vụ cho nghiên cứu. Những chiếc sọ và bộ xương sau đó được trưng bày trong những viện bảo tàng và những bộ sưu tập nhân chủng học. Chỉ đến năm 1976, viện bảo tàng Tasmania mới từ bỏ và cho chôn cất hài cốt của bà Truganini, người bản địa Tasmania cuối cùng, đã chết từ 100 năm trước đó. Hội phẫu thuật Hoàng gia Anh đã giữ những mẫu da và tóc của bà cho đến năm 2002.

Có phải hải trình của Cook là một chuyến thám hiểm khoa học được lực lượng quân sự hộ tống, hay là đó là một đoàn thám hiểm quân sự với vài nhà khoa học đi theo? Câu hỏi đó giống như việc hỏi bình xăng của bạn đẩy một nửa, hay vơi một nửa. Cả hai đều đúng. Cách mạng Khoa học và chủ nghĩa đế quốc hiện đại là không thể tách rời. Những người như Thuyền trưởng James Cook và nhà thực vật học Joseph Banks đều khó có thể tách khoa học khỏi đế quốc. Người phụ nữ kém may mắn Truganini cũng vậy.

S.T

Tags: , , , ,