Cuộc đối đầu lịch sử của bộ đội tên lửa Việt Nam với B-52 Mỹ

Với chiến dịch Linebacker II, lần đầu tiên Chính phủ Mỹ tung một lực lượng không quân khổng lồ, lấy B-52 làm lực lượng đột kích chủ yếu, dùng hệ thống máy móc điện tử hiện đại với tham vọng giành thắng lợi áp đảo chỉ trong vài ngày.

Tác giả: Ths. Nguyễn Thị Cẩm Phương, Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

“Siêu pháo đài bay” B-52 xuất trận

Máy bay B-52. B-52 (boeing B-52 Stratofortress) là máy bay ném bom chiến lược của Mỹ do hãng Boeing sản xuất từ năm 1952 đến năm 1962 với tổng số 744 chiếc gồm 8 loại B-52A, B-52B, B-52C, B-52D, B-52 E, B-52F, B-52G, B-52H. Đặc tính kỹ thuật của B-52 gồm 8 động cơ, chiều dài 48,5 m; sải cánh 56,42 m; chiều cao 12,4 m; tốc độ lớn nhất 1.000 km/h; tầm bay tối đa 15.000 km; chở được trên dưới 100 quả bom với trọng lượng tối đa 27.200 kg. Tổng cộng trọng lượng của máy bay khi cất cánh lên đến 221 tấn và bay liên tục 16 giờ mới phải tiếp nhiên liệu. Vì vậy, B-52 còn được gọi với các tên: “Pháo đài bay khổng lồ”, “Siêu pháo đài bay” (cách gọi của Mỹ), “con ngáo ộp” (cách gọi của ta).
.

Từ năm 1945, không quân Mỹ đã lên kế hoạch yêu cầu chế tạo một loại máy bay ném bom chiến lược mới với bản tiêu chuẩn tính năng kỹ thuật rất cao. Đầu năm 1946, không quân Mỹ công bố việc mời thầu. Hãng Boeing trúng thầu và ký hợp đồng để chế tạo một mô hình mẫu kích thước thật của chiếc máy bay mới XB-52 để thực hiện các giải pháp kỹ thuật và thử nghiệm ban đầu. Qua nhiều năm, nhiều phiên bản và nhiều lần thay đổi, hoàn thiện, đến năm 1952, ba chiếc B-52A đầu tiên được sản xuất nhưng chỉ được để bay thử nghiệm. Phiên bản hoạt động đầu tiên là kiểu B-52B bay lần đầu vào tháng 12 năm 1954. Các loại B-52 liên tục được cải tiến các tính năng kỹ thuật và xác lập những kỷ lục mới về tốc độ bay, về thời gian bay liên tục không cần tiếp nhiên liệu.

Năm 1963, Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Hoa Kỳ có lực lượng cao điểm nhất với 650 chiếc B-52 hoạt động trong 42 phi đội tại 38 căn cứ. Để đến đánh Việt Nam, B-52 xuất phát từ đảo Guam trên Thái Bình Dương cách Việt Nam 9.000 km và sân bay Utapao của Thái Lan.

Ngày 18/6/1965, lần đầu tiên quân đội Mỹ sử dụng 30 máy bay B-52 cất cánh từ đảo Guam đến ném bom rải thảm xuống vùng dân cư Bến Cát ở tây bắc Sài Gòn. Từ đó, B-52 thường xuyên được sử dụng đi yểm trợ các cuộc hành quân của quân Mỹ trên chiến trường miền Nam, gây tội ác, gieo đau thương cho nhân dân Việt Nam. Ngày 12/4/1966, Mỹ đã dùng máy bay B-52 ném bom đèo Mụ Giạ ở biên giới Việt Nam – Lào và sau đó là ở Vĩnh Linh, Quảng Bình …ở miền Bắc Việt Nam. Trong chiến dịch Khe Sanh năm 1968, cường độ xuất kích của B-52 đã lên đến 1.800 lần chiếc/tháng. Việc dùng B-52 trên chiến trường miền Nam từ năm 1965 đến năm 1972 là quá trình tập dượt, thủ nghiệm, cải tiến hệ thống chỉ huy dẫn đường, hệ thống gây nhiễu, đánh phá mục tiêu. Chính vì vậy, khi quyết định đưa máy bay chiến lược B-52 ra đánh phá Hà Nội, Hải Phòng thì Lầu năm góc tin rằng những siêu pháo đài bay này đã trở thành bất khả xâm phạm và đòn tập kích này sẽ là đòn quyết định buộc Hà Nội phải đầu hàng.

Bộ đội Phòng không – Không quân với nhiệm vụ đánh B-52

Ngay sau khi Mỹ đưa máy bay B-52 vào chiến trường miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho bộ đội phòng không – không quân: Phải chuẩn bị cách đánh trả B-52, dù trong tình huống nào cũng phải đánh thắng B-52 nếu chúng đánh ra miền Bắc, nhất là Hà Nội, Hải Phòng. Người cũng đã nhận định: Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Ở Việt Nam nhất định Mỹ sẽ thua nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội.

Sáng ngày 19/7/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm quân chủng Phòng không – Không quân. Đồng chí Đặng Tính (Bí thư Đảng ủy) và đồng chí Phùng Thế Tài (Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân) đưa Người tới thăm Đại đội 1 pháo cao xạ thuộc Trung đoàn 234. Tại đây, Người đã nói: “Giặc Mỹ đang leo thang ở miền Bắc, còn ở miền Nam chúng đang tăng thêm quân, thêm súng. Phải nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, có quyết tâm thì làm gì cũng được. Phải khẳng định rằng: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đánh là nhất định thắng.” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr 465, 467).

Hành trình tìm diệt B-52.

Trong phương án đánh B-52, quân chủng Phòng quân – Không quân được giao nhiệm vụ nòng cốt, trong đó binh chủng tên lửa được xác định là chủ lực.

Từ tháng 4/1966, Trung đoàn tên lửa phòng không 238 với 4 Tiểu đoàn 81, 82, 83, 84 trong đội hình chiến đấu ở khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng nhận nhiệm vụ hành quân vào Quảng Bình, Vĩnh Linh đối mặt trực tiếp với B-52 để tìm cách đánh B-52. Bộ đội tên lửa hiểu rõ nhiệm vụ nặng nề “phải vào tận hang để bắt cọp”, quyết tâm bắn rơi bằng được B-52. Cuộc hành quân của các tiểu đoàn tên lửa gồm tất cả các khí tài, đạn pháo to lớn, cồng kềnh vượt qua những chặng đường dài gập ghềnh bom đạn, vượt sông, vượt núi nên đến đầu năm 1967 mới vào tới Vĩnh Linh. Tuy nhiên, cả 4 Tiểu đoàn đều bị tổn thất lớn cả về khí tài và người bởi máy bay địch bắn phá ngày đêm. Tiểu đoàn 84, cánh quân đầu tiên vượt sông Gianh vào tới Vĩnh Linh vào tháng 8 năm 1967, nhưng xe, pháo bị bom đánh dọc đường bị hư hỏng nặng. Khi đến vị trí tập kết, vừa xây dựng xong trận địa ở Phủ Định, chưa kịp phóng đạn đã bị tên lửa của địch đánh trúng, khí tài hỏng hoàn toàn sau hai ngày bị máy bay địch đánh phá với tần suất hàng trăm lần mỗi ngày. Tiểu đoàn 84 phải quay ra Hà Nội nhận lại khí tài mới. Địch muốn chặn đứng không cho tên lửa ta vào Vĩnh Linh để tiếp cận với B-52. Trận địa tên lửa mới xây dựng của tiểu đoàn 83 Cổ Kiềng cũng bị bắn phá dữ dội. Khí tài phải trang bị lại.

Vì vậy, việc 4 Tiểu đoàn tên lửa với các loại khí tài đồ sộ trụ lại được trên đất lửa Vĩnh Linh là một kỳ tích, là sự hy sinh, chịu đựng gian khổ và tinh thần quyết tâm chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân Vĩnh Linh. Mỗi tiểu đoàn tên lửa gồm hàng trăm chiếc xe với những bệ phóng cồng kềnh, có xe dài hơn 10 m vượt qua bao dèo dốc, bao trận ném bom, bắn phá trên đường đi. Đến chiến trường, trụ lại trên chiến trường ác liệt ngày đêm bị bắn phá để nhận diện B-52, bắn rơi B-52. Mỗi trận địa tên lửa gồm các hầm cho xe chỉ huy, giàn ra đa, bệ phóng … Để có thể ngụy trang bảo vệ các trận địa tên lửa cồng kềnh trước các phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ là cực kỳ khó khăn, gian khổ. Chỉ một sơ suất nhỏ bị phát hiện (cỏ ngụy trang bị úa, vết xe còn in dấu trên nền đất bùn…) là trận địa bị dội bom, tên lửa bắn từ máy bay xuống, bị đạn pháo kích từ ngoài biển vào. Sau mỗi trận đánh, trận địa bị lộ lại phải di chuyển vị trí. Vượt qua những khó khăn về thời tiết nắng lửa, mưa nguồn của miền Trung, vượt qua bom đạn, được sự trợ giúp đắc lực của nhân dân, các trận địa tên lửa được xây dựng trong thời gian kỷ lục chỉ tính theo tuần. Có trận địa hoàn thành trong 3 ngày đêm với cường độ 24/24. Đó là trận địa T5 của tiểu đoàn 84 hoàn thành ngày 10/9/1967 với sự tham gia của công nhân nông trường Quyết Thắng. Như vậy, hành trình đến với trận đánh thắng B-52 phải trải qua các cửa ải: Hành quân được đến nơi; Xây dựng được trận địa; Giữ gìn được lực lượng; Bảo đảm được khí tài; Tìm được mục tiêu; Phóng được đạn.

Một kỳ tích nữa thuộc về những đôi mắt vạch nhiễu tìm ra B-52 trong vô vàn các loại nhiễu trên bầu trời xung quanh B-52. Khi đưa máy bay ra ném bom miềm Bắc, không quân Mỹ đều dùng máy bay EB.66 là loại máy bay trinh sát điện tử, được ví như một “nhà máy điện tử di động” trên không với 16 loại máy điện tử. Chỉ với khoảng 3 đến 5 chiếc EB.66 đã có thể gây nhiễu trắng hầu hết các màn hình ra đa của ta. Còn B-52 có đến 17 loại máy điện tử tinh vi hơn, hiện đại hơn. Ngoài ra, mỗi B-52 còn có 2 máy gây nhiễu tiêu cực, mỗi máy chứa 450 bó nhiễu, mỗi bó có hàng vạn sợi kim loại. Khi được tung ra, nó sẽ phủ kín cả đội hình B-52 trong một thời gian nhất định. Các màn hình ra đa của ta trắng xóa nhiễu, không thể nhận ra dấu tích của B-52.

Sau nửa năm đối đầu với B-52, nhiều quả tên lửa được phóng lên mục tiêu từ tháng 3/1967 nhưng phải đến 17 giờ 05 phút ngày 17/9/1967, chiếc B-52 đầu tiên mới bị bắn rơi bởi Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238, binh chủng Phòng không – Không quân. Như vậy, sau hơn hai năm hoành hành ở Việt Nam (từ 18/6/1965), siêu pháo đài bay đã bị hạ bởi tên lửa SAM 2 do Liên Xô chế tạo và được bộ đội Việt Nam sử dụng. Chiến công đó là sự đền đáp sau bao gian khổ, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ bộ đội tên lửa và nhân dân Vĩnh Linh. Đó là chiến thắng vô cùng quan trọng, giải tỏa nỗi lo lắng về khả năng bắn rơi B-52 khi chúng tấn công miền Bắc, mở ra khả năng chiến thắng siêu pháo đài bay B-52 của không lực Hoa Kỳ.

Từ thực tiễn trên chiến trường, từ kinh nghiệm bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên trên bầu trời Vĩnh Linh năm 1967, cuốn sách đỏ, tài liệu “Cách đánh B-52” được xây dựng và liên tục bổ sung qua các trận đánh B-52 ở tuyến hành lang đường Trường Sơn năm 1969 – 1970, trên đỉnh Trường Sơn năm 1971, chiến dịch Trị – Thiên năm 1972. Vào tháng 10 năm 1972, tập tài liệu “Cách đánh B-52” được hoàn thành, trở thành tài liệu tập huấn cho các đơn vị tên lửa được Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân tổ chức tại trận địa của sư đoàn 361 bảo vệ Hà Nội từ ngày 30/10 đến 2/11/1972. Những kinh nghiệm, những tình huống đánh B-52 của các đơn vị được trao đổi, phân tích kỹ lưỡng sau đó được đưa vào tài liệu phổ biến đến các đơn vị tên lửa. Các đơn vị luyện tập cách đánh B-52 theo tài liệu và theo kinh nghiệm, theo địa hình thực tế của từng trận địa. Vì vậy, mỗi đơn vị lại có cách đánh khác nhau và đều đạt hiệu quả cao nhất trong trận đánh quyết định 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972.

Tập tài liệu quý giá đó được xây dựng từ khi trung đoàn tên lửa 238 tiến vào đất lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh. Trải qua các trận đánh ác liệt ở Vĩnh Linh năm 1967, ở Khe Sanh năm 1968, trên đỉnh Trường Sơn năm 1971, phía nam sông Bến Hải năm 1972. Biết bao chiến sĩ đã hy sinh, biết bao trận địa tên lửa phải xây dựng lại mới chiến thắng được siêu pháo đài bay B-52 mà quân đội Mỹ tin rằng bất khả xâm phạm.

Chiến dịch Linebacker

Ngày 13/12/1972, Hội nghị Pari về Việt Nam bị bế tắc. Mỹ tuyên bố đình chỉ vô thời hạn và Kitxinhgiơ (Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ) hối thúc Nichxơn (Tổng thống Mỹ) dùng B-52 ném bom miền Bắc Việt Nam như kế hoạch đã chuẩn bị trước. Ngày 14/12/1972, Nichxơn phê chuẩn kế hoạch tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác ở miền Bắc lấy tên là chiến dịch Linebacker II từ 19 giờ ngày 18/12/1972.

Tính trung bình mỗi chiếc B-52 đi ném bom Bắc Việt Nam, không quân Mỹ phải huy động thêm 7 máy bay các loại đi theo để phục vụ, bảo vệ và phối hợp tác chiến (KC135 tiếp dầu, EB66 gây nhiễu, F111 đi trước bắn phá sân bay, F4 đi hộ tống hai bên, F4-E chặn kích máy bay Míc 21, F105-G khống chế các trận địa tên lửa…). Như vậy, mỗi đợt ném bom có khoảng gần 100 lượt B-52 thì cũng có khoảng 400 đến 500 máy bay Mỹ hoạt động trên bầu trời miền Bắc. Hàng trăm máy bay các loại cùng hoạt động trên một vùng trời hẹp trong đêm tối, cách căn cứ hàng trăm, hàng nghìn km nhưng không có sự va chạm nào, chứng tỏ hệ thống chỉ huy hiện đại, tinh vi của không quân Mỹ. Chính vì vậy, chính phủ Mỹ rất tự tin với con át chủ bài B-52 cho đòn quyết định trên chiến trường Việt Nam.

Với chiến dịch Linebacker II, lần đầu tiên Chính phủ Mỹ tung một lực lượng không quân khổng lồ, lấy B-52 làm lực lượng đột kích chủ yếu, dùng hệ thống máy móc điện tử hiện đại với tham vọng giành thắng lợi áp đảo chỉ trong vài ngày.

Trận đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội, 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972.

19 giờ 40 phút ngày 18/12/1972, những tốp máy bay B-52 đầu tiên có máy bay F4 yểm hộ đã thâm nhập bầu trời Hà Nội. Suốt từ đó đến 5 giờ 30 phút sáng 19/12, 90 lần máy bay B-52 và 295 lần máy bay chiến thuật đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Hà Nội đã phải hứng chịu 3 đợt tấn công từ hướng Tây Bắc đánh vào sân bay Nội Bài, Gia Lâm, Kép, Hòa Lạc và Đài Phát thanh Mễ Trì. Một cuộc chiến tranh ác liệt ngay trên bầu trời Thủ đô Hà Nội bắt đầu. Cả nước hướng về Hà Nội. Cả thế giới dõi theo chiến sự ác liệt ở Hà Nội. Liệu Hà Nội có bị san phẳng bởi hàng vạn tấn bom, có bị trở về thời kỳ đồ đá như tuyên bố của chính quyền Mỹ?

Rạng sáng 19/12, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam bị ném bom, tuy nhiên, đài chỉ ngừng phát sóng 9 phút. Chúng ta đã chủ động chuẩn bị trước để đối phó với những tình huống xấu. Âm mưu ném bom vào đài hòng cắt đứt hệ thống thông tin từ Hà Nội ra thế giới của Mỹ đã thất bại.

20 giờ 13 phút ngày 18/12, sau khoảng 30 phút hoành hành trên bầu trời Hà Nội, chiếc máy bay B-52G với phù hiệu “Nắm đấm thép và tia chớp” đã bốc cháy trên bầu trời và rơi tại chỗ ở cánh đồng Chuôn thuộc xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đó là chiếc B-52 đầu tiên bị bắn cháy và rơi tại chỗ ngay trong ngày đầu tiên không quân Mỹ tấn công Hà Nội. Chiến công đó là của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261, Sư đoàn 361 đóng tại trận địa Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội với Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng và Chính trị viên Vũ Văn Dương cùng kíp chiến đấu Dương Văn Thuận, Nguyễn Văn Linh, Lê Xuân Tư, Nguyễn Văn Độ. Trong đêm đầu tiên đánh trả cuộc tập kích bằng siêu pháo đài bay B-52, 64 quả tên lửa được phóng lên bầu trời, hạ được 3 máy bay B-52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ (Điện Biên Phủ trên không, Hồi ký của Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007). Chiến thắng vang dội của bộ đội tên lửa ngay trong đêm đầu tiên trên bầu trời Hà Nội đã trở thành sức mạnh tinh thần cổ vũ, động viên quân và dân ta vững tin chiến đấu.

Có được chiến thắng oanh liệt đó là nhờ sự tiên đoán chính xác diễn biến tình hình chiến sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tìm cách tiêu diệt B-52 của bộ đội tên lửa, tình thần sẵn sàng chiến đấu cao, đoàn kết hiệp đồng của toàn Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam. Ngay trong lần đầu B-52 đánh ra Hà Nội, chúng ta không bị bất ngờ. 19 giờ 10 phút, các chiến sĩ ra đa đại đội 16 và 45 đoàn ra đa Ba Bể đóng trên đất Nghệ An đã bắt được mục tiêu B-52 dưới màn nhiễu dầy đặc để có thông báo chính xác B-52 đang vào Hà Nội với cấp chỉ huy trước 30 phút. Đó là khoảng thời gian vô cùng quý báu để các đơn vị vào vị trí chiến đấu. 19 giờ 30 phút ngày 18/12/1972, tiếng còi báo động vang lên giữa lòng Thủ đô, trước khi trận đánh bắt đầu 10 phút.

Quân và dân Hà Nội kiên cường chiến đấu. Hàng vạn gia đình chấp hành lệnh sơ tán khỏi thành phố về nông thôn. Bảo vệ thành phố có dân quân, tự vệ của tất cả các cơ quan, đoàn thể, nhà máy xí nghiệp cùng phối hợp với bộ đội chủ lực sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu. Những đơn vị, cá nhân tiêu biểu với sự sáng tạo, mưu trí, dũng cảm vượt qua mọi thử thách để lập công đã xuất hiện. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn chỉ còn 2 quả đạn tên lửa trên bệ phóng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261 Nguyễn Văn Phiệt đã động viên bộ đội: “Hồi kháng chiến chống thực dân Pháp bộ đội ta có câu “một viên đạn là một quân thù”, bây giờ ta cũng thực hiện câu nói đó, một quả tên lửa diệt một B-52”. Ngay trong trận chiến đấu sau đó, lúc 5 giờ 9 phút ngày 21/12, khi bắt được mục tiêu, Tiểu đoàn đã phóng một quả đạn và diệt một B-52. Sau đó, quả đạn cuối cùng được phóng lên đã hạ tiếp một máy bay B-52 rơi xuống chợ Thá, Núi Đôi. Như vậy, chỉ trong vòng 2 phút với hai quả tên lửa, Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261 đã liên tiếp bắn rơi hai máy bay B-52, có một chiếc rơi tại chỗ, thực hiện xuất sắc khẩu hiệu của mình đề ra “một quả đạn tên lửa diệt một B-52”. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt, sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Kiên, kíp chiến đấu: Thi, Lịch, Đài trở thành kíp chiến đấu nổi tiếng của bộ đội tên lửa thời đó.

Đêm 27/12, Không quân Việt Nam lần đầu tiên hạ được B-52 trên bầu trời. Vào lúc 22 giờ 20 phút, phi công Phạm Tuân lái máy bay Mic 21 cất cánh từ sân bay Yên Bái đã dũng cảm, mưu trí vượt qua máy bay yểm trợ F4 tiếp cận mục tiêu B-52 bắn 2 quả tên lửa hạ một B-52 và trở về an toàn. Lúc 21 giờ 40 phút, phi công Vũ Xuân Thiều lái Mic 21 cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy, Thanh Hóa đã bắn hạ một B-52 nhưng anh đã anh dũng hy sinh khi tiếp cận quá gần máy bay địch. Đó là những con người quả cảm vì nước quên thân, là tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Từ đêm 18 đến hết ngày 29/12/1972, Mỹ đã điều động hơn 700 lần chiếc máy bay B-52 và gần 2000 lần chiếc máy bay chiến thuật như F4, F111, F105… Cũng trong 12 ngày đêm đó, Mỹ đã chuốc thất bại nặng nề với 81 chiếc máy bay bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52. Ngày cao điểm nhất là đêm 26/12/1972 với 8 máy bay B-52 bị bắn rơi. Đêm 27/12, B-52 rơi tại chỗ xuống phố Hoàng Hoa Thám, giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Đó là chiến công của tiểu đoàn 72, sư đoàn 361. Tính tỷ lệ tổn thất thất là gần 18% trong tổng số máy bay B-52 của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Đây là tổn thất mà Mỹ không chịu đựng nổi nên Tổng thống Mỹ Nichxơn đã buộc phải tuyên bố ngừng cuộc tấn công và trở lại bàn họp Hội nghị Pari vô điều kiện.

Trong phương án tác chiến, dự kiến chính xác những đường bay B-52 đánh vào những mục tiêu quan trọng như thủ đô Hà Nội, cảng Hải Phòng là vấn đề chủ yếu của nghệ thuật tác chiến phòng không. Bởi từ đó mới có phương án bố trí lực lượng phòng không, không quân hợp lý, hợp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng. Tên lửa tập trung đánh B-52. Không quân có nhiệm vụ đánh địch từ xa, đánh vỡ đội hình của B-52 và máy bay chiến thuật đi hộ tống B-52 để tạo điều kiện cho tên lửa dễ phát hiện được mục tiêu trong nhiễu. Pháo cao xạ các cỡ và ra đa cùng hỏa lực của dân quân tự vệ tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh máy bay địch từ cao xuống thấp, từ xa đến gần, đánh địch ở mọi độ cao để hỗ trợ, chi viện, bảo vệ các sân bay, các trận địa tên lửa, ra đa, các trận địa pháo phòng không, các mục tiêu quân sự, dân sự. Thực tế chiến đấu cuối năm 1972 đã ghi dấu kết quả tác chiến mưu lược, trí tuệ của các lực lượng phòng không, không quân Việt Nam.

Để có được chiến thắng lịch sử vẻ vang ấy, quân và dân ta, đặc biệt là Quân chủng Phòng không – Không quân đã phải tốn bao mồ hôi và xương máu, qua nhiều năm chuẩn bị từng bước, xây dựng từng phương án chiến đấu với trí tuệ tập thể của Bộ Tổng tư lệnh, cán bộ chỉ huy các đơn vị, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, các kíp chiến đấu. Họ thực sự là những thế hệ vàng, xứng đáng được Tổ quốc lưu danh bởi họ đã lập nên một kỳ tích khi sử dụng tên lửa SAM 2 cổ lỗ để bắn rơi hàng loạt pháo đài bay B-52. Việt Nam là nơi đầu tiên mà máy bay B-52 bị bắn rơi và bị rơi nhiều nhất trong suốt thời gian tồn tại của loại máy bay ném bom hiện đại và tối tân nhất của không lực Hoa Kỳ.

Chiến thắng oanh liệt 12 ngày đêm trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, được mệnh danh là trận Điện Biên Phủ trên không đã bẻ gẫy nấc thang chiến tranh cao nhất của Mỹ đối với miền Bắc Việt Nam, đánh bại âm mưu “thương lượng trên thế mạnh” và buộc Mỹ phải ký vào bản Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

Theo BAOTANGLICHSU.VN

Tags: , , , ,