Công nghệ số và nguy cơ làm biến dạng các giá trị văn hóa

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã mở ra một cuộc “cách mạng” làm thay đổi cả về lượng và chất của nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Tuy nhiên, bên các ý nghĩa tích cực, sự ứng dụng công nghệ “số hóa” tràn lan không kiểm soát được cũng đem tới không ít nguy cơ có thể làm biến chất, làm biến dạng nhiều giá trị văn hóa vốn vẫn tồn tại trong cuộc sống như là các chuẩn mực để phát triển con người và duy trì các mối quan hệ xã hội…

Công nghệ số và nguy cơ làm biến dạng các giá trị văn hóa

Thế giới nằm trên mười ngón tay bạn”, câu nói cửa miệng của nhà tỷ phú Bill Gates đã nói lên sức mạnh khuynh đảo thế giới của nền công nghệ số suốt 20 năm qua. Nói riêng về các mối liên hệ xã hội, sự bùng nổ những ứng dụng kỹ thuật mới trong kỷ nguyên số, biến công nghệ thông tin trở thành một “lãnh địa” có sức thu hút, lan tỏa lớn, đang dần thay thế những phương tiện giao tiếp, truyền thông khác. Sự xóa nhòa khoảng cách về thời gian và không gian giúp con người có thể kết nối, trò chuyện dù cách xa cả nửa vòng trái đất, có thể tiếp nhận mọi kênh thông tin trên toàn thế giới, tham gia điều hành một dự án từ xa mà chẳng cần ra khỏi nhà, hay ngồi một chỗ mà mua được mọi hàng hóa, thậm chí tổ chức cả những cuộc họp liên lục địa… Không thể khước từ những tiện ích kỳ diệu này nên số lượng người sử dụng thiết bị số ngày càng tăng chóng mặt. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến năm 2012, số người sử dụng internet ở Việt Nam đã đạt tới con số hơn 32 triệu người, chiếm khoảng 35% số dân cả nước, trong đó bao gồm cả những người dùng mạng máy tính và sử dụng thuê bao di động, trong khi tỷ lệ trung bình trên thế giới chỉ là 33%. Song cũng chính sự gia tăng ồ ạt về số lượng này đã kéo theo sự lệ thuộc vào công nghệ mỗi lúc một lớn hơn, về cả cường độ và mức độ sử dụng.

Ban đầu, con người tìm cách tiếp cận và xâm nhập thế giới công nghệ, nhưng dần dần, công nghệ lại chi phối mạnh mẽ cuộc sống con người. Thay vì cuối tuần cùng tụ tập bạn bè ở một quán cà-phê quen thuộc, người ta chọn cách trò chuyện qua mạng với những phần mềm chát video yahoo hay skype. Thay vì sau bữa cơm chiều, cả gia đình cùng dành ít phút để quây quần trò chuyện, bàn bạc về các công việc trong ngày hoặc của ngày hôm sau, thì mỗi người lại nhanh nhanh chóng chóng buông bát thật nhanh để trở về với thế giới công nghệ của riêng mình. Hoặc thay vì gặp một, hai người tâm giao để sẻ chia nỗi niềm, thì người ta tìm cách dốc bầu tâm sự trên blog, face book với cộng đồng mạng… Với các tiện ích như thế, tưởng chừng internet đưa con người đến gần nhau hơn, nhưng kỳ thực, nó lại làm mất đi sự sâu lắng, chân thật của cảm xúc. Những tưởng khi trên giảng đường, chiếc máy chiếu, có slide, sẽ làm cho bài giảng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn, nhưng kỳ thực đã khiến tình trạng đọc – chép vô hồn trong người học trở nên phổ biến. Trên bục giảng, thầy chỉ bật laptop và đọc bản giáo án điện tử được “bê” nguyên xi từ giờ học của lớp này sang lớp khác. Còn trò cũng chẳng buồn hỏi hay tranh luận, chỉ chăm chăm chép những dòng chữ khô cứng trên slide. Rồi những cặp bố mẹ trẻ cũng không còn dành nhiều thời gian để kể chuyện, giao lưu cùng con trước khi đi ngủ nữa, bởi từ hát ru đến đọc truyện đã có iphone, ipad đảm nhận… Rõ ràng, công nghệ số đang số hóa mọi lĩnh vực của đời sống và “số hóa” cả chính cảm xúc vốn rất đơn lẻ của mỗi người. Giờ đây, liệu còn mấy ai được khóc vì xúc động khi nhận được một lá thư tay chứa chan tình cảm, mấy ai còn mừng khi được cầm tấm thiệp làm bằng tay của một người bạn phương xa? Cuộc sống chung quanh chỉ “rặt” những bức email, những tấm thiệp điện tử, những món quà xanh đỏ nhấp nháy được thiết kế sẵn… Thế giới ảo đã làm thay quá nhiều việc của thế giới thực, để rồi khiến chính những người mê mải trong đó tự nhiên lạc lõng, cô đơn khi đối diện thực tại. Không hiếm người bỗng gượng gạo khi gặp lại người quen, cũng không ít người thậm chí còn chẳng biết nói gì ngoài vài câu xã giao nhạt nhẽo khi ngồi cùng một người bạn thân thiết…

Vậy là con người đã sáng tạo ra công nghệ, nhưng công nghệ ấy lại có khả năng giam cầm chính họ. Và chính sự bị động, phụ thuộc thái quá này là một nguyên nhân khiến con người dần dà đánh mất mình, thiếu chủ động trong giao tiếp, làm lỏng lẻo các mối quan hệ và đem đến nhiều nguy cơ làm xô lệch nhiều nền tảng văn hóa trong xã hội. Ðể rồi với một số người, thước đo đẳng cấp của cá nhân đôi khi không còn là phẩm chất hay sự cống hiến công sức cho gia đình, cho cộng đồng nữa mà phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như anh ta hay cô ta có xài “dế xịn”, có sở hữu đồ công nghệ “hàng hiệu” hay không? Rồi con trẻ, vốn thường không thể chấp nhận việc làm tổn thương một sinh vật sống nào, nhưng với công nghệ số, có đứa trẻ lại tỏ ra vô cùng hào hứng và say mê những trò game bạo lực đẫm máu. Thanh niên, người lớn thì mải mê chạy theo những “mối tình ảo” cùng “người ảo” trên mạng mà quên ăn, quên ngủ, quên cả trách nhiệm với gia đình, xã hội. Và những đường dây mại dâm online dưới nhiều hình thức trá hình đã ra đời và tồn tại từ internet. Bên cạnh đó, còn phải kể tới sự ra đời và hoành hành của vô số trang mạng chỉ dành cho cờ bạc và các “web sex”, “web đen” tha hồ tận dụng lợi thế siêu liên kết của công nghệ số để đầu độc nhận thức, lối sống của một bộ phận công chúng… Có thể nói không quá lời rằng, một trong những nguyên nhân đưa tới những vụ giết người man rợ, nạn bạo lực học đường, tỷ lệ sống thử tỷ lệ thuận với tỷ lệ nạo phá thai, hay những vụ ly hôn, tan cửa nát nhà vì ngoại tình, cờ bạc mỗi lúc một phổ biến… là do tác động tiêu cực từ “cuộc sống số”. Khi mà không gian và thời gian chỉ còn ý nghĩa tương đối, internet hoàn toàn có khả năng tác động để biến những suy nghĩ ảo thành thật, biến những hành động ảo thành hệ lụy thực, làm phai nhòa và cuốn trôi theo nhiều giá trị thật của cuộc sống. Và đó cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ “hòa tan văn hóa” trong tiến trình toàn cầu hóa qua công nghệ thông tin. Nói cách khác, với sức mạnh của chúng, internet cùng các thiết bị truyền dẫn có thể vượt qua, xóa bỏ các hàng rào văn hóa mà nếu không tỉnh táo, những giá trị văn hóa truyền thống chẳng những sẽ dần dà bị mai một, con người không có cơ hội được hội nhập, mà còn đứng trước nguy cơ bị đồng hóa bởi những nền văn hóa có tham vọng bành trướng toàn cầu.

Trước nguy cơ và thực trạng một bộ phận trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ đang tự biến mình thành nạn nhân của máy móc và kỹ thuật, đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để nâng cao ý thức và khả năng làm chủ công nghệ. Sự phát triển công nghệ là cần thiết và hữu ích, đó là một trong các thành tựu của văn minh nhân loại, vì thế, không thể đổ lỗi cho công nghệ mà phải tìm kiếm trách nhiệm ở chính những người sở hữu công nghệ. Công nghiệp số phát triển dựa trên tính năng coi trọng dân chủ hóa thông tin. Vì thế, để hạn chế sự phụ thuộc của con người vào công nghệ, các cơ quan chức năng không thể cấm đoán hay can thiệp bằng những biện pháp cưỡng chế mà phải có chiến lược định hướng một cách linh hoạt và mềm dẻo. Cẩn đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và có biện pháp xử lý mạnh tay, dứt khoát khi phát hiện các cá nhân, tổ chức lợi dụng internet để truyền bá thông tin độc hại, hay thu lời từ hoạt động mại dâm, cờ bạc, làm gia tăng tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ ở trong và ngoài nước để có biện pháp ngăn chặn sự xuất hiện của các loại “rác văn hóa” trên mạng.

Về phía người sử dụng công nghệ, nhất thiết cần phải tỉnh táo và làm chủ được quỹ thời gian của chính mình. Hãy biến công nghệ trở thành công cụ để phục vụ cuộc sống thay vì biến mình thành nô lệ của công nghệ. Muốn thế, bản thân những người trưởng thành cần phải làm gương cho con trẻ. Các bậc phụ huynh nên và cần thường xuyên giáo dục, nhắc nhở con cái về tác hại khi sử dụng công nghệ không lành mạnh, kiểm soát quỹ thời gian của con trẻ, giúp con hình thành nhận thức, sự hiểu biết và cách thức sử dụng công nghệ làm sao cho hợp lý. Ðứng trước “cơn bão” thông tin cập nhật và hối hả trong kỷ nguyên số, con người dễ dàng rơi vào tình trạng rối loạn về thứ tự ưu tiên cũng như mức độ tin cậy khi tiếp nhận; vì thế, bản thân mỗi người phải tăng cường khả năng nhận thức, tham khảo thông tin từ nhiều nguồn khác như nhà trường, gia đình, báo chí… Những người trẻ hôm nay là cư dân thường xuyên của hệ thống mạng, họ cần được hướng dẫn và khích lệ để biết chọn lựa giá trị sống và kỹ năng sử dụng một cách tích cực những thành tựu công nghệ. Ðồng thời, họ cũng cần chủ động, trực tiếp tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao lành mạnh, phù hợp để tăng cường khả năng giao tiếp, trau dồi tri thức, qua đó thoát khỏi tình trạng sống không có kế hoạch – một trong các căn nguyên dẫn tới ý muốn trốn mình rồi lạc lối trong thế giới ảo.

Thiết nghĩ, việc định hướng trong sử dụng công nghệ của giới trẻ không chỉ phụ thuộc phần nhiều vào nhận thức của chính bản thân họ, mà còn cần tới sự chung tay, đồng lòng, hiệp sức trong giáo dục nhận thức của tất cả các lĩnh vực xã hội, từ các cơ quan chức năng tới các đoàn thể, từ mỗi gia đình, nhà trường và xã hội…

Theo HỒNG TRANG / NHÂN DÂN ONLINE

 

Tags: , , , ,