Công nghệ quân sự Mỹ giúp quân đội Nga mạnh lên như thế nào?

Kể cả khi sở hữu công nghệ quân sự đứng đầu thế giới, thì quân đội Nga vẫn luôn khát khao có được các công nghệ vũ khí từ kẻ thù số một của mình.

Trong quá khứ, Liên Xô (sau này là Nga) đã rất nhiều lần tiếp cận với các công nghệ quân sự Mỹ bằng cách này hay cách khác, và từ chính các công nghệ này Moskva đã có thể hoàn thiện nhiều loại vũ khí của mình trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Cụ thể, Liên Xô bắt đầu tiếp cận với công nghệ quân sự Mỹ là từ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 nhờ vào Hiệp ước Lend-Lease. Khi đó Mỹ và các nước đồng minh đã cung cấp cho Liên Xô hàng nghìn thiết bị chiến đấu, phương tiện chiến tranh, các nhà khoa học Liên Xô đã tận dụng tối đa những gì họ có thể làm được từ cơ hội “ngàn năm có một” này.

Tuy nhiên, thời điểm Liên Xô thực sự chú ý và quyết tâm thu thập các loại vũ khí, khí tài chiến tranh của Mỹ và đồng minh phục vụ quá trình nghiên cứu phương án đối phó và hoàn thiện công nghệ quân sự trong nước phải tính từ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Trong cuộc chiến trên, quân chí nguyện Trung Quốc, Quân đội Triều Tiên và một phần lực lượng không quân Liên Xô đã đối đầu trực tiếp với Mỹ và liên quân.

Chiến trường Triều Tiên chính là nơi Liên Xô thu giữ, khám phá được nhiều công nghệ quân sự được Mỹ trang bị trên xe tăng M46 Patton, phương tiện chiến đấu hiện đại được trang bị cho Quân đội Mỹ từ năm 1949. Ngoài ra, phía Liên Xô cũng thu giữ và khám phá nhiều công nghệ tối tân nhất của Mỹ, trong đó có phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu cánh quạt F-51D Mustang.

Một mốc đáng chú ý khác là trong thời gian này là tại cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan (Trung Quốc). Trong một trận không chiến, máy bay chiến đấu Mig-17 của Trung Quốc đã trúng một tên lửa AIM-9 Sidewinder phóng đi từ máy bay F-86 Sabre. May mắn là tên lửa không phát nổ và đạn tên lửa AIM-9 đã được chuyển cho phía Liên Xô.

Chính từ mẫu tên lửa AIM-9 thu được, Liên Xô đã phát triển thành công dòng tên lửa không đối không tầm ngắn đầu tiên sử dụng đầu dò ảnh nhiệt K-13 Atoll vài năm sau đó. Đây là loại vũ khí giúp cân bằng ưu thế tác chiến trên không của Liên Xô với Mỹ và đồng minh thời điểm đó.

Nếu chiến tranh Triều Tiên giúp Liên Xô có những hiểu biết ban đầu về nhiều dòng vũ khí, trang bị quân sự phương Tây, thì Việt Nam là nơi giúp Moscow nắm vững và thu được nhiều công nghệ quân sự đáng giá.

Một trong những vũ khí, trang bị quân sự đáng chú ý ở Việt Nam thời điểm đó là máy bay chiến đấu Northrop F-5E. Loại máy bay chiến đấu này được không quân hàng chục quốc gia trên thế giới trang bị ở thời điểm đó.

Với các mẫu F-5E phía Việt Nam chuyển giao, Liên Xô đã có cơ hội cho chúng thử nghiệm với máy bay chiến đấu Mig-21BIS và MiG-23. Những kinh nghiệm và công nghệ thu thập được sau đó được áp dụng trên phiên bản nâng cấp MiG-23MLD và MiG-29 sau này.

Không chỉ có F-5E, Liên Xô còn có cơ hội tiếp cận máy bay huấn luyện-cường kích hạng nhẹ A-37 Dragonfly; máy bay trực thăng Chinook CH-47A, UH-1 Iroquois. Cuối những năm 1970, những phương tiện chiến tranh này được phát hiện có mặt tại căn cứ không quân Chkalovsky, Viện nghiên cứu Công nghệ hàng không Astrakhan, Liên Xô.

Một cuộc chiến tranh khác giúp Liên Xô tiếp cận được công nghệ tên lửa tiên tiến của Mỹ là Chiến tranh Afghanistan, khi vào giữa những năm 1980, Mỹ cung cấp các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Stinger cho các phần tử thánh chiến tại Afghanistan. CIA đã cung cấp ít nhất 500 đạn tên lửa và 250 thiết bị phóng tên lửa Stinger cho nhiều nhóm thánh chiến khác nhau.

MANPADS ban đầu gây thiệt hại nặng cho lực lượng quân sự Liên Xô đồn trú tại Afghanistan do tính bất ngờ. Chính điều này đã khiến Liên Xô phải cử các đơn vị tinh nhuệ của Tình báo quân đội (GRU) tìm kiếm, thu giữ các tổ hợp tên lửa Stinger để nghiên cứu phương án đối phó.

Sau khi thu giữ được nhiều tổ hợp tên lửa Stinger, các chuyên gia Liên Xô đã phát triển nhiều công nghệ đối phó và quy định chiến đấu với máy bay quân sự hoạt động ở Afghanistan. Các biện pháp này hiệu quả tới mức, tới những năm cuối chiến tranh, tỷ lệ thiệt hại của máy bay quân sự Liên Xô trong chiến đấu đã giảm xuống mức tương đương với thời điểm tổ hợp Stinger chưa được chuyển tới Afghanistan.

Sang tận đầu thế kỷ 21, các cuộc chiến do Mỹ trực tiếp hay gián tiếp tạo nên nhằm chống lại Nga (sau khi Liên Xô tan rã) cũng vô tình khiến các công nghệ vũ khí của Washington lọt vào tay Moskva. Mà điển hình như Chiến tranh Nam Ossetia 2008, với việc có ít nhất 5 xe bóc thép Humvee của Quân đội Gruzia lọt vào tay quân đội Nga, đó là còn chưa kể đến hàng ngàn vũ khí bộ binh khác.

Tuy nhiên, thất bại đau đớn nhất của Mỹ vẫn là việc họ để lọt công nghệ tên lửa hành trình Tomahawk vào tay Nga trong cuộc chiến ở Syria. Các tên lửa Tomahawk còn nguyên vẹn Nga thu thập được trong cuộc không kích của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria ngày 14/4/2018 là “món quà vô giá”. Tên lửa Tomahawk thu giữ tại Syria được cho là phiên bản mới nhất – Block IV đã nhanh chóng được chuyển về Nga để nghiên cứu.

Tập đoàn Công nghệ điện tử-vô tuyến Nga, (KRET), Vladimir Mikheev khẳng định, những công nghệ thu được từ các mẫu tên lửa hành trình hiện đại Mỹ và liên quân sử dụng tại Syria sẽ được sử dụng để tăng cường năng lực tác chiến điện tử của Quân đội Nga.

Với việc tên lửa Tomahawk rơi vào tay Nga, trong tương lai gần Mỹ chắc chắn sẽ có động thái thay đổi thiết kế, đặc biệt là hệ thống điện tử áp dụng trên dòng tên lửa hành trình vốn được coi là “sứ giả chiến tranh” này. Tuy nhiên, đây là công việc tốn kém và mất nhiều năm thực hiện với hàng ngàn tên lửa Tomahawk đang được Quân đội Mỹ bảo quản và niêm cất.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , ,