Chuyện vua Gia Long trả thù nhà Tây Sơn qua lời kể giáo sĩ Pháp

“Tôi xin khởi sự với các việc về vua trẻ Tây Sơn. Trước hết người ta đã bắt vua đó mục kích một cảnh tượng đau lòng. Hài cốt của cha mẹ vua chết đã 10,12, năm nay, cùng hài cốt những người bà con gần của vua đều bị quật lên…”.

Trích dịch trong quyển: La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine của Giáo sĩ La Bissachère viết năm 1807, và do Charles Maybon trình bày, Edouard Champion, Paris, 1920, trang 118-121.Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – Sơn lăng Hoàng đế Quang Trung (tái bản lần thứ 1), Nhà xuất bản Thuận hóa Huế – 2015, từ tr.358 đến tr.361)

Chuyện vua Gia Long trả thù nhà Tây Sơn qua lời kể giáo sĩ Pháp

Lăng vua Gia Long ở Huế.

Gia Long về Nam Hà, nghỉ ngơi vài tháng, rồi lo việc xử tội những kẻ vua đã bắt được làm tù binh (Ngày Gia Long hành hình Tây Sơn là ngày Giáp tuất, tháng 11, năm Nhâm Tuất, tức là ngày 30/11/1802 – ND). Tôi (giáo sĩ Bissachère, bấy giờ còn ở Nghệ An; khi giáo sĩ viết sách là năm 1807, và ở Luân Đôn – ND) có sai một người vào triều để xin một đặc ân; người đó được vào sổ những kẻ có phép vào trong cung điện cùng ở trước mặt vua trong một tháng, và đã có mặt trong ngày xử. Người đó mục kích các việc xảy ra từ đầu đến cuối. Khi về, người đó kể lại cho tôi; nhưng đây tôi không thể thuật hết các chi tiết, vì nó quá độc dữ, tôi chỉ kể ra những gì tôi nhớ được và có tính cách cảm động hơn của câu chuyện người đó nói lại, và nay ở Nam-hà ai cũng biết.

“Tôi xin khởi sự với các việc về vua trẻ Tây Sơn (vua Quang Toản – ND). Trước hết người ta đã bắt vua đó mục kích một cảnh tượng đau lòng. Hài cốt của cha mẹ vua chết đã 10,12, năm nay, cùng hài cốt những người bà con gần của vua đều bị quật lên. Người ta sắp các xương của Quang Trung, cha vua đó, và các xương của mẹ vua – là những kẻ chết đã 10 năm nay như tôi vừa nói – rồi người ta theo lệ bề ngoài chém cổ để làm sỉ nhục, và nhất là để các xương đó không còn sinh phúc cho con cháu, theo tục mê tín của người trong xứ. Rồi tất cả xương được dồn vào trong một cái giỏ lớn để binh sĩ đều tiểu tiện vào. Xong, người ta nghiền xương thành bột, bỏ vào một giỏ khác đặt trước mặt vua trẻ Tây Sơn để làm cho vua đó đau khổ.

>> Mối hận của vua Gia Long với nhà Tây Sơn: Tấn bi kịch lịch sử
.

“Bấy giờ người ta dọn cho vua một bữa tiệc khá long trọng, chiếu theo tục trong xứ đối với những kẻ sắp bị tử hình. Em vua (Quang Thiểu – ND), can đảm hơn vua, thấy vua ăn thì trách; và bởi vì mâm người ta dọn đồ ăn bưng tới đó có những đặc điểm có ý tôn trọng chức vua, nên ông nói: “Nhà mình thiếu gì mâm, cần gì phải ăn mâm mướn”.

“Ăn xong, người ta nhét giẻ vào miệng vua và nhiều người khác để khỏi chửi mắng vua mới, đoạn trói chân tay vua vào bốn voi để cho voi xé. Một con voi đã kéo nát đùi và lòi gân vua ra, nhưng vua còn quay về cái giỏ chứa xương cha mẹ vua. Lý hình dùng một con dao, – dao này không có ở Âu châu, – để phanh các phần còn dính lại với nhau ra làm bốn phần, cọng với cái đùi đã xé ra nữa là năm. Người ta đem bêu các phần đó lên, ở đầu một cọc cao, tại năm chợ đông người hơn trong đô thành. Các cọc đó được canh giữ ngày đêm và người ta doạ phạt nặng những ai làm mất đi; nhưng phải để vậy cho thối ra hoặc cho quạ ăn.

“Còn về quan Thiếu phó (Trần Quang Diệu – ND), là kẻ được người trong gia đình cùng tất cả những kẻ quen thuộc yêu kính, quan đã làm một việc hiếu, trong ngày quan bị xử hay là ngày trước đó. Quan đã tâu được thấu đến vua rằng, mẹ quan già đã tám mươi tuổi, không thể nào làm hại cho xã tắc được nữa, nên xin vua tha chết cho bà, vì bà mang tội cũng là tại quan. Quan được như ý. Phần quan, chỉ bị chém thôi.”

“Quan có một cô gái mười lăm tuổi, đầy đủ các vẻ đẹp của một thiếu nữ. Khi cô thấy một con voi tiến về phía cô để rồi tung cô lên trời, cô thét một tiếng não ruột. Cô kêu mẹ, nói: “Mẹ ơi, cứu con với”. Mẹ cô, là vị nữ tướng, trả lời rằng: “Con đòi mẹ cứu làm sao, vì mẹ cũng không cứu được chính mình mẹ, và con nên chết đi với cha mẹ còn hơn là sống với bọn người kia…” Nhiều người muốn cứu cô, và họ quay mặt đi chỗ khác, khi voi, bị đánh đập, đã tung cô lên trời hai lần, rồi lấy ngà đỡ cô.

“Đến lượt bà Thiếu phó (Bùi Thị Xuân – ND), bà hiên ngang tiến đến trước mặt voi để khiêu khích nó. Khi bà đến gần, người ta kêu lên bảo bà quì xuống cho voi dễ cuốn, nhưng bà không nghe, cứ đi thẳng đến voi. Người ta còn kể rằng dầu voi đã bị kích thích nhiều, cũng còn phải giục ép lắm, nó mới tung bà lên, dường như nó còn nhận được bà người chủ cũ của nó.

“Trước khi bị gia hình, người đàn bà can đảm đó đã bảo mang đến trong ngục cho bà nhiều tấm lụa. Bà lấy lụa vấn chặt ống chân cùng các phần thân thể bà cho đến trên bụng ở phía trong quần áo. Bà có ý làm thế để tránh bị trần truồng như các bà chịu tử hình cách đó thường bị.

“Người ta kể rằng, muốn được can đảm như bà, bọn lý hình lấy tim, gan, phổi, cùng cánh tay mập của bà mà ăn. Bà đã làm cho binh sĩ, cùng đến cả tướng lãnh của họ, khiếp sợ, khi bà vượt luỹ (nhắc lại chiến công oanh liệt của bà khi đánh Nguyễn Ánh ở luỹ Đồng Hới và gần thắng thì được tin Quang Toản đã chạy, nên phải lùi – ND), nên người ta để các bộ phận bà cho bọn đó ăn. Ở Bắc Hà, thịt người được ăn sống với rượu (nhưng người ta chỉ ăn trong những dịp như thế này thôi).

“Người ta nói rằng chỉ có vị liệt nữ đó, cùng chồng bà, và em vua Tây sơn là không đổi sắc mặt khi giờ chết đến, còn các kẻ khác thì tái xanh đi và run sợ.

“Quan trấn thủ xứ Nghệ (Trần Quang Diệu – ND), một người vào hạng cao chức nhất, bị phanh thây ra nghìn miếng, vì người ta ghét ông hơn cả. Chính ông đã cho lùng bắt tôi hơn bảy năm và đã thề giết cho được tôi mới thôi. Ông muốn bắt tôi, vì biết tôi ở trong tỉnh ông. Ông cho đốt cụt ngón tay trỏ của một tín đồ người Nam Hà và của cô con gái người đó, để bắt họ thú là có tôi ở trong làng, mà điều đó thật có. Việc nầy xảy ra mấy tháng trước khi Bắc Hà bị vua chiếm”.

Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Tags: , ,