⠀
Chuyện cái loa phường: Từ lịch sử đến hiện tại
Tôi không phản đối sự xuất hiện của loa phường, nếu nó được thiết kế, lắp đặt và vận hành với một tư duy mới, không áp đặt và cưỡng bức người nghe. Xét cho cùng, cũng có lúc nó toả sáng và cần thiết. .
Tác giả: Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group, Chủ tịch câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo.
Hồi mới Thống nhất, người ta kéo vào mỗi gia đình trong khu tập thể một cái loa trăng trắng, treo tít sát tận trần nhà.
Tiếng loa ọt ẹt một hai bản nhạc, thông báo cắt nước, cắt điện, thông tin họp tổ dân phố, hoặc là tiếng cô phát thanh viên phường đọc vài bản nghị quyết… cũng làm rộn ràng xóm nhỏ. Mỗi tối, “Kể chuyện cảnh giác”, “Đọc truyện đêm khuya” truyền dẫn từ Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành những kỷ niệm khó phai của lớp dân cư đô thị nghèo từ hồi ấy. Loa phường treo ngoài ngõ đã len lỏi vào cuộc sống người Hà Nội như thế.
Rồi nhà tôi mua được đài cassette Sanyo, chiếc TV đen trắng Denon được thay bằng chiếc TV màu JVC 14 inch. Loa phường tự nhiên phát ngôn không đúng lúc. Tôi bắc thang trèo lên, vặn tịt volume của nó lại. Cặp loa phơi sương gió trên cột điện đầu ngõ vẫn tiếp tục ọt ẹt, nhưng hiếm ai còn để ý đến nó.
Báo chí rồi truyền hình trở thành món ăn tinh thần chính từ lúc nào không hay. Ngay cả radio cũng dần dần trở thành đặc sản của riêng các cụ hưu trí và cán bộ có xe riêng…
Internet bùng nổ, và chỉ mấy năm thôi là đến lượt mạng xã hội thao túng thông tin. Truyền thông biến thành hai chiều. Người dân bắt đầu có quyền lựa chọn nghe, đọc, xem cái gì, lúc nào và như thế nào. Thậm chí, họ tương tác trở lại và trở thành người đưa tin, hoặc can thiệp vào cách tiếp nhận thông tin, theo sở thích, thói quen của riêng mình.
Phương thức thông tin một chiều mất dần hiệu quả, thị trường bị thu hẹp cho các nền tảng truyền thông tương tác. Có những phương tiện truyền thông cũ kỹ bắt đầu biến mất dần. Và loa phường tưởng như đã trở thành một phần của lịch sử.
Nhưng nó vẫn tồn tại lay lắt. Thậm chí có lúc rất hữu ích, đầy thân thương, như những lúc cần cảnh báo lụt lội, lũ cuốn, nhất là trong giai đoạn cả nước hoang mang chống chọi với COVID-19. Nhưng chỉ thế thôi. Nó xuất hiện đúng lúc, thực hiện chức năng thông tin cảnh báo khi người ta cần, để rồi qua cái thời điểm khủng hoảng, nó lại bị rơi vào lãng quên.
Hôm nay, loa phường lại trở thành đề tài nóng hổi. Dự kiến loa phường sẽ được triển khai tại 100% xã phường Hà Nội. Nhưng sẽ không chỉ có Hà Nội. Theo thông tin không được trình bày kỹ lưỡng trên báo chí thì đây sẽ là thế hệ loa mới, với công nghệ mới, thông minh hơn. Chắc hẳn nó sẽ không ọt ẹt như cặp loa tròn treo trên cột điện đầu ngõ, cũng sẽ không tệ như cái cục loa trên trần nhà tôi thời bao cấp. Nhưng nó vẫn là loa phường. Nghĩa là nó sẽ thực hiện chức năng truyền thông một chiều như thế hệ trước, và tất nhiên người dùng khó mà có thể lựa chọn nghe cái gì, lúc nào và như thế nào.
Thực tình, tôi không phản đối sự xuất hiện của loa phường, nếu nó được thiết kế, lắp đặt và vận hành với một tư duy mới, không áp đặt và cưỡng bức người nghe. Xét cho cùng, cũng có lúc nó toả sáng và cần thiết. Nhưng tôi mong nó sẽ như cái dàn loa báo cháy ở khu chung cư của tôi, chỉ xuất hiện và làm phận sự khi thật cần. Còn bình thường, tôi mong nó thu mình, ẩn nhẫn, đừng làm phiền những cái tai mệt mỏi vì ô nhiễm tiếng ồn đô thị, đừng bắt người ta nghe những thứ không quan tâm, hoặc đừng phá nát không gian khi cần yên tĩnh.
Phương thức truyền thông và phương tiện truyền thông được phát minh, phát triển và lỗi thời, là điều bình thường. Mỗi thứ sinh ra đều có giá trị trong những thời điểm và hoàn cảnh nhất định, không phải là bất biến. Sử dụng sai thời điểm, sai cách khó tránh khỏi thất bại.
Loa phường, nếu như có thể đổi tên đại loại là “hệ thống thông tin khẩn cấp” thì hay biết bao. Và chỉ nên là như thế.
Theo VNEXPRESS
Tags: Âm thanh, Thông tin