‘Chủ nghĩa tư bản: Một câu chuyện tình’ – bản án sâu cay cho CNTB thế kỷ 21

Chủ nghĩa tư bản xấu xa. Đó chính là kết luận của Capitalism: A Love Story (Chủ nghĩa tư bản: Một câu chuyện tình), bộ phim tài liệu của đạo diễn tài ba Michael Moore được công chiếu tại LHP Venice ngày 6/9/2009.

‘Chủ nghĩa tư bản: Một câu chuyện tình’ – bản án đanh thép cho CNTB thế kỷ 21

Lấy dẫn chứng bằng những câu chuyện có thật thương tâm và liên kết tất cả bằng một phong cách kể chuyện hài hước độc đáo, vị đạo diễn 55 tuổi đã biến bộ phim của mình thành một thứ vũ khí để tấn công vào hệ thống tư bản chủ nghĩa, chỉ trích nó chỉ sinh lợi cho người giàu trong khi đẩy hàng triệu người khác vào cảnh bần cùng.

Bộ phim tài liệu có thời lượng 2 tiếng đồng hồ kết thúc bằng câu “Chủ nghĩa tư bản là một thứ xấu xa và chúng ta không thể điều chỉnh được sự xấu xa. Chúng ta phải loại trừ nó và thay thế nó bằng một thứ gì đó tốt đẹp cho tất cả mọi người, một thứ gì đó dân chủ hơn”.

“Nhân vật phản diện” trong bộ phim của Moore là những ngân hàng lớn và những quỹ phòng ngừa rủi ro đã “đánh bạc” tiền của nhà đầu tư vào những phi vụ phức tạp mà chỉ rất ít, nếu có, người thực sự hiểu được. Trong lúc đó, các công ty lớn lại luôn nhăm nhe sa thải hàng nghìn nhân viên, bất kể việc luôn mồm khoác lác về những bản báo cáo lợi nhuận.

Đạo diễn Moore cũng cho người xem thấy mối quan hệ khăng khít “ma quỷ” giữa ngân hàng, chính trị gia và các quan chức Bộ Tài chính. Điều đó có nghĩa các quy định được đề ra chỉ để phục vụ lợi ích một số ít người ở Phố Wall (trung tâm tài chính của nước Mỹ) thay vì phục vụ đông đảo dân chúng.

Ông cho biết, việc khuyến khích người Mỹ vay tiền thế chấp bằng nhà cửa, sản nghiệp đã tạo ra các điều kiện để dẫn nền kinh tế toàn cầu đến bờ vực khủng hoảng, và đi cùng với nó là nạn thất nghiệp và vô gia cư. Ông thậm chí còn dẫn lời của một số thầy tu cho rằng chủ nghĩa tư bản là phản Chúa vì không chịu bảo vệ người nghèo.

Tại LHP Venice, Moore đã nói với khán giả: “Thực ra chúng ta có đạo luật quy định việc đánh bạc là phi pháp, thế nhưng chúng ta lại cho phép Phố Wall làm việc này và họ đã đánh bạc bằng chính tiền của người dân. Họ phải có nhiều quy tắc hơn. Và bản thân chúng ta cũng cần phải định hướng khác đi để tiền bạc được đầu tư vào việc làm, hoạt động kinh doanh…”.

Michael Moore sinh ngày 23/4/1945 tại Flint – bang Michigan (Mỹ), tốt nghiệp khoa Báo chí Đại học Michigan. Năm 1972, khi mới 18 tuổi, ông đã là thành viên ban lãnh đạo sinh viên của trường. Sau đó là chuỗi ngày viết sách, viết báo và cầm máy quay phim tài liệu. Năm 1989, bộ phim đầu tay của Michael Moore là Roger & Me (Roger và tôi) ra đời. Bộ phim là cuộc phỏng vấn hóc búa của Moore với Roger Smith, Chủ tịch Hội đồng quản trị General Motors khi nhà máy của công ty này đóng cửa khiến 30.000 người mất việc.

Tại buổi chiếu ra mắt LHP Cannes 2004 và 2007, Michael Moore đã làm cả thế giới sững sờ khi giới thiệu 2 tác phẩm: Fahrenheit 9/11Sicko, khiến sau đó ông được mệnh danh là “kẻ khủng bố chuyên nghiệp”. Ông mạnh dạn chỉ trích Chính phủ Mỹ trong cuộc chiến Iraq qua Fahrenheit 9/11 và lên án hệ thống y tế Mỹ, khi nhiều người buộc phải hiến tặng bộ phận cơ thể chỉ vì không thanh toán nổi viện phí… qua Sicko. Nhiều người cho rằng Sicko như cái gai trong mắt chính quyền Mỹ. Ngay cả bản thân Michael Moore cũng nhận ra điều đó, và đôi lúc ông phải câm nín để quay những cảnh rất đáng ngại về chính sách y tế – xã hội ở chính quê hương mình.

.

TỔNG HỢP

Tags: , , ,