Chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc và thách thức với Việt Nam

Đông Nam Á là khu vực có vị trí địa – chiến lược, các quốc gia trong khu vực đang trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, ngày càng thể hiện vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế – chính trị quốc tế. Đông Nam Á vì vậy cũng là mối quan tâm lớn trong chính sách đối ngoại của các nước lớn, trong đó có Trung Quốc.

Chính sách đối với Đông Nam Á của Trung Quốc và thách thức đối với Việt Nam

Tác giả: Hồ Quốc Phú, Trường Đại học Chính trị – Bộ Quốc phòng.

Phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á giúp Trung Quốc tìm kiếm nguồn nguyên, nhiên liệu đủ lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và với sự phát triển kinh tế ổn mạnh mẽ, tỷ lệ dân số trung lưu ngày càng tăng, ASEAN là thị trường tiềm năng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Đồng thời, thông qua hợp tác kinh tế để gia tăng ảnh hưởng, cạnh tranh với Mỹ, củng cố an ninh ở phía Nam. Đặc biệt, Trung Quốc muốn sử dụng sức mạnh mềm để chi phối Đông Nam Á, khu vực quan trọng hàng đầu trong việc phá thế bao vây của Mỹ đối với Trung Quốc, mở đường tiến lên vị thế siêu cường trong tương lai.

Chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc vừa tạo ra cơ hội cho Việt Nam trong việc tranh thủ môi trường hòa bình, các nguồn lực để phát triển và hội nhập quốc tế có hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, song cũng tạo ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam về an ninh quốc gia, chủ quyềnvà độc lập tự chủ trong quá trình phát triển.

1. Một số thách thức cơ bản

Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Trung Quốc đã tích cực đẩy mạnh ngoại giao đa phương thông qua việc tham gia vào các tiến trình, cơ chế hoạt động của ASEAN, tăng cường hợp tác song phương với các nước Đông Nam Á và từng bước triển khai chính sách đối ngoại kiểu nước lớn ở khu vực này.

Đối với Việt Nam, Trung Quốc luôn xác định đây là một mắt xích quan trọng trong chính sách Đông Nam Á của họ nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi cả trên bộ lẫn trên biển, là cầu nối, cửa ngõ để Trung Quốc đi xuống phía Nam. Ngoài ra,Trung Quốc cũng muốn sử dụng mối quan hệ láng giềng truyền thống, sự tương đồng về ý thức hệ cũng như sức hấp dẫn về hợp tác kinh tế để lôi kéo Việt Nam, qua đó đẩy nhanh tốc độ gia tăng ảnh hưởng của họ ở Đông Nam Á. Thêm vào đó, vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong ASEAN cũng buộc Trung Quốc phải tính đến trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách Đông Nam Á.

Việc gia tăng vai trò của Trung Quốc ở Đông Nam Á đã tạo ra trạng thái cân bằng ảnh hưởng giữa các nước lớn, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực – là điều kiện cần thiết cho quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại nước lớn của Trung Quốc với hoạt động chủ đạo là gia tăng can dự vào Đông Nam Á cùng những hành động cứng rắn nhằm xác lập chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ nhất, vấn đề chủ quyền quốc gia và quốc phòng – an ninh

Biển Đông vốn được coi là “Địa Trung Hải” của châu Á. Các học giả Trung Quốc cho rằng, Biển Đông là “trục hai đại dương, là hòn đá tảng về sức mạnh biển, là đồng tiền sinh mệnh của Trung Quốc”(1). Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông hòng khống chế tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, bảo đảm tuyến đường biển xuống phía Nam, từ đó tiến ra các đại dương, cạnh tranh vị thế siêu cường với Mỹ.

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có các hoạt động từng bước thay đổi hiện trạng tại các khu vực đang có xảy ra tranh chấp, tăng cường hiện diện quân sự và các lực lượng kinh tế – bán quân sự ở vùng biển này. Năm 2009, Trung Quốc đã gửi Công hàm đến Liên Hợp quốc và tấm bản đồ đính kèm thể hiện đường đứt khúc 9 đoạn ở Biển Đông, ngang nhiên tuyên bố “…chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo trong Biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán đối với các vùng nước, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng…”(2). Ngày 2/5/2014, Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam… Những hành động này đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam được xác lập theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực đem đến những thách thức cho Việt Nam trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Trên hướng biển, hiện nay Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Còn trên hướng đất liền, Trung Quốc hiện đang gia tăng ảnh hưởng ở Lào và Campuchia – là những nước có vị trí địa – quân sự quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam không chủ trương theo đuổi chính sách dân tộc hẹp hòi, song những vấn đề đã từng có với Trung Quốc trong quá khứ buộc Việt Nam cần có những tính toán để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc.

Thứ hai, về quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước ASEAN

Việc Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước Đông Nam Á, nhất là trên lĩnh vực kinh tế đã tạo ra những thách thức đối với khả năng cạnh tranh kinh tế của Việt Nam với các nước này. Do năng lực đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn và trình độ khoa học công nghệ còn hạn chế, trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại có sự tương đồng lớn với các nước Đông Nam Á nên việc tham gia vào thị trường ASEAN chưa thu được hiệu quả tích cực. Trong khi đó, Trung Quốc lại có lợi thế về vốn, khoa học công nghệ, vị thế và ảnh hưởng quốc tế trội hơn hẳn Việt Nam. Chính sức hấp dẫn và hiệu quả kinh tế mà Trung Quốc mang đến cho các nước Đông Nam Á khiến cho Việt Nam khó tiếp cận được với thị trường các nước ở khu vực này. Điều này cũng là nguyên nhân lý giải vì sao giao dịch thương mại nội khối ASEAN không cao hơn so các đối tác thương mại ngoại khối.

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thương mại song phương cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam. Nhờ lợi thế về công nghệ và chi phí nhân công thấp nên hàng hóa Trung Quốc thường có giá rẻ, dễ dàng xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Ở chiều ngược lại, do chưa có chiến lược rõ ràng, lâu dài trong xuất khẩu nên các doanh nghiệp Việt Nam rất khó tiếp cận với thị trường Trung Quốc. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên, nhiên liệu thô nên thường có giá trị kinh tế thấp. Một vấn đề cũng đáng lưu tâm là việc thương lái Trung Quốc thường có các hoạt động thu mua những hàng hóa dị biệt, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo cách tung tin đồn, đẩy giá cao và mua số lượng lớn. Đến khi thương lái Việt Nam gom đủ hàng thì thương lái Trung Quốc “biến mất”, để lại hậu quả kinh tế nặng nề cho người dân. Mặt khác hoạt động này có nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế và phá hoại cơ cấu, quy hoạch sản xuất của Việt Nam.

Thứ ba, nguy cơ lệ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc

Hiện nay, Việt Nam đang giữ vị trí cao nhất trong số các đối tác lớn của Trung Quốc như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và ASEAN về mức độ phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu năm 2004, chỉ số phụ thuộc nhập khẩu của ASEAN từ Trung Quốc cao hơn của Việt Nam khoảng 16%; thì đến năm 2014, chỉ số này của Việt Nam đã cao hơn ASEAN 21,7%. “Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc trong cán cân thương mại, năm 2015 nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc là 32,3 tỷ USD lớn gấp nhiều lần mức nhập siêu chung của toàn nền kinh tế (3,2 tỷ USD). Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 49,3 tỷ USD cao hơn rất nhiều so với 17 tỷ USD giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc”(3). Hàng hóa Trung Quốc thường có giá rất rẻ do chi phí nhân công thấp, lại thêm mẫu mã và chủng loại phong phú, đa dạng nên thường được người dân và doanh nghiệp Việt Nam (do khả năng tài chính hạn chế) lựa chọn, trong khi hầu hết hàng Việt Nam chưa có tên tuổi và thương hiệu trên thị trường quốc tế nên khó thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc.

Một vấn đề đáng lưu tâm là Việt Nam hầu như không có hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, do đó hàng hóa của Trung Quốc bất kể chất lượng thế nào vẫn có thể nhập khẩu dễ dàng vào nước ta. Ngoài ra, Trung Quốc còn yêu cầu hàng Việt Nam xuất sang nước họ buộc phải qua một số cửa khẩu do họ chỉ định để dễ kiểm soát và gây tác động. Nếu không có giải pháp nhằm giảm sự phụ thuộc về thương mại vào Trung Quốc, thì khi có biến động xảy ra, Trung Quốc có thể áp đặt những hạn chế trong quan hệ thương mại với Việt Nam, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, nhất là an ninh kinh tế của Việt Nam.

2. Mốt số giải pháp

Để tranh thủ tối đa thời cơ đồng thời ứng phó có hiệu quả với những thách thức trên lĩnh vực đối ngoại, Việt Nam cần nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau:

Một là,nhận thức đúng đắn, đầy đủ về “đối tác – đối tượng” trong quan hệ với Trung Quốc hiện nay. Theo quan điểm của Việt Nam: “những nước nào, những tổ chức nào, những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá đất nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng chúng ta đấu tranh”(4). Mục tiêu cơ bản lâu dài trong nhận thức “đối tác, đối tượng” là nhằm không ngừng tăng cường đoàn kết, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với bạn bè quốc tế đồng thời đấu tranh với những quan điểm máy móc, khô cứng, xem “đối tác” là để hợp tác và “đối tượng” là để cô lập đấu tranh. Trong khi quan hệ với “đối tác” cần nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện các mâu thuẫn có thể nảy sinh để kịp thời đấu tranh. Trong đấu tranh với “đối tượng” không có nghĩa là phân tuyến đối đầu mà cần tranh thủ mọi cơ hội tìm hiểu, tạo lòng tin để đi đến hợp tác bình đẳng cùng có lợi.

Đối với Trung Quốc, cần nhận thức rõ Việt Nam là một trong những nước quan trọng hàng đầu trong chiến lược ngoại giao láng giềng, mở rộng quan hệ và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trung Quốc có nhu cầu mở rộng quan hệ với Việt Nam, muốn Việt Nam ủng hộ Trung Quốc trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Từ thực tế phát triển quan hệ hai nước và những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy trong những năm tới, Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách vừa tranh thủ hợp tác, vừa gây sức ép với Việt Nam, trong đó mặt hợp tác là chủ lưu, còn những mâu thuẫn và cạnh tranh kinh tế đang có xu hướng tăng lên – song chưa trở thành đặc trưng trong quan hệ hai nước. Vì vậy trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam cần thấy rõ hai mặt đối tượng và đối tác, trong đó mặt đối tác vẫn là cơ bản. Trong xử lý quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam cần theo phương châm tôn trọng nước lớn, mong muốn hợp tác với Trung Quốc để duy trì môi trường hòa bình và củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, đồng thời cũng phải giữ vững nguyên tắc không đánh đổi chủ quyền lãnh thổ để lấy thứ hòa bình hữu nghị viển vông, lệ thuộc.

Hai là, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế. Chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc có tác động cả tích cực và tiêu cực đến Việt Nam. Khi tiến hành đa phương hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam tránh bị lệ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời dựa vào các mối quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế để gây sức ép, tạo dư luận đấu tranh với các mặt tiêu cực, bảo vệ lợi ích của ta. Cần chú ý, việc mở rộng quan hệ đối tác phải đảm bảo nguyên tắc độc lập, tự chủ và lợi ích quốc gia dân tộc. Đa phương hóa không có nghĩa là thiết lập quan hệ vô nguyên tắc. Cũng không nên coi “đa phương hóa” là cây đũa thần có thể giải quyết được tận gốc mọi vấn đề mà chỉ xác định đây là một biện pháp quan trọng góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia trong quan hệ quốc tế hiện nay.

Song song với việc đa phương hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam cũng cần chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực. Hội nhập quốc tế chính là việc tiến hành các hoạt động tăng cường sự gắn kết giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế trên cơ sở sự chia sẻ các giá trị về lợi ích, mục tiêu, nguồn lực phát triển quốc gia. Hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu của thời đại ngày nay. Cá nhân muốn tồn tại phải gắn kết với cộng đồng, quốc gia muốn phát triển phải biến mình thành một phần của thế giới. Toàn cầu hóa khiến các quốc gia đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Hội nhập quốc tế hiệu quả góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước – là cơ sở để Việt Nam có được vị thế ngang hàng với Trung Quốc và các nước khác – với tư cách là một chủ thể tham gia vào hoạch địch luật chơi chung trong khu vực cũng như trên thế giới.

Ba là, lấy việc nâng cao nội lực của đất nước là trọng tâm trong thực hiện đường lối đối ngoại với các đối tác

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng; chiêng có to, tiếng mới lớn”(5). Muốn phát huy được mặt tích cực trong chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc, Việt Nam cần gia tăng nội lực của mình. Những khoản đầu tư lớn đến từ Trung Quốc đòi hỏi các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam phải có đủ năng lực để tiếp nhận và sử dụng hiệu quả. Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) sẽ chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc nếu vì một lý do nào đó (chất lượng, giá cả, công nghệ quản lý…) hàng hóa Việt Nam không cạnh tranh được với hàng hóa của Trung Quốc. Đặc biệt, các nước lớn thường sử dụng công cụ kinh tế với các khoản đầu tư, viện trợ nhiều ưu đãi dành cho các nước nhỏ, dần đưa các quốc gia này vào quỹ đạo ảnh hưởng, từ đó can thiệp vào công việc nội bộ và chính sách đối ngoại theo hướng có lợi cho họ.

Chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc đã và đang đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, lãnh hải của Việt Nam. Để ứng phó với tình hình này, Việt Nam một mặt kêu gọi cộng đồng quốc tế, các lực lượng tiến bộ cùng lên tiếng để bảo vệ lợi ích quốc gia. Mặt khác, quan trọng nhất chính là củng cố nội lực, gia tăng sức mạnh quốc gia trên tất cả các mặt. Khi nội lực mạnh lên, hội nhập quốc tế cũng sẽ hiệu quả hơn, các mối quan hệ đa phương cũng phát triển hơn, thế đan xen về lợi ích với các nước, kể cả với Trung Quốc cũng rõ ràng và sâu sắc hơn; từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp, có sự kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế trong đấu tranh và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia của Việt Nam.

————————————

Chú thích:

(1)Trần Khánh(chủ biên):Hợp tác và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở Đông Nam Á-Ba thập niên đầu sau Chiến tranh lạnh, Nxb.Thế Giới, Hà Nội, 2014, tr.142
(2)Nguyễn Hồng Thao: Sự mơ hồ và phi lý của đường lưỡi bò, http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/su-mo-ho-va-phi-ly-cua-duong-luoi-bo-85 711.html, ngày 15-11-2016
(3)Phương Linh:Việt Nam nhập siêu hơn 32 tỷ USD từ Trung Quốc, http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/viet-nam-nhap-sieu-hon-32-ty-usd-tu-trung-quoc-3333807.html, ngày 12-11-2016
(4)Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Viết Thông: Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.125-126
(5)Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, T. 4, tr.126.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , , , ,