⠀
Chiêu Trưng Vương Lê Khôi: Lồ lộ thai tinh một đóa mây
Đó là một câu trong bài thơ Điếu Lê Khôi của Lê Thánh Tông khi ghé thăm đền Chiêu Trưng Vương ở núi Nam Giới. Ở một bài thơ khác, Lê Thánh Tông cũng đã tôn vinh ông sánh với Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo/Vũ Mục hung trung liệt giáp binh”.
Đền thờ Chiêu Trưng Vương Lê Khôi ở Lộc Hà (Hà Tĩnh).
“Vũ Mục hung trung liệt giáp binh”
Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép: “Ông người làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên,Thanh Hóa, con người anh thứ hai của Lê Thái Tổ (Lê Trừ – người viết chú), sinh ra có dáng lạ, người thanh nhã, trọng hậu, ít nói cười, đàn bà trẻ con trong làng xóm đều biết tiếng. Mùa xuân Mậu Tuất (1418), ông theo đầu tiên dưới lá cờ khởi nghĩa, mình đeo bên tả túi tên, bên hữu túi cung, theo vua ra hàng trận, công lao rực rỡ”.
Trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, Lê Khôi là một vị tướng thân cận của thủ lĩnh Lê Lợi và có nhiều võ công nổi bật.
Thực hiện mưu kế của Nguyễn Chích, nghĩa quân Lam Sơn chuyển hướng đánh vào Nghệ An “để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực, tài lực đất ấy mà quay ra Đông Đô, thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ”.
Ngày 20 tháng Chín năm Giáp Thìn (1424), nghĩa quân Lam Sơn bất ngờ tấn công đồn Đa Căng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) để khai thông đường tiến vào Trà Lân (Con Cuông); tiếp tục đánh thắng ở trang Trịnh Sơn (nay thuộc xã Thạch Ngàn – Con Cuông) – tiền đồn phía Đông Bắc của thành Trà Lân. Tháng 10, nghĩa quân bao vây thành Trà Lân đồng thời chốt chặn phòng địch từ thành Nghệ An và Diễn Châu lên ứng cứu. Sau 2 tháng bị vây hãm, lại không có viện binh, Cầm Bành phải mở thành xin hàng.
Mùa xuân năm Ất Tỵ (1425), địch tập trung lực lượng từ Đông Quan và thành Nghệ An phản công hòng lấy lại thành Trà Lân.
Khả Lưu và Bồ Ải là những vị trí hiểm yếu trên đường lên thành Trà Lân. Quân Minh đánh chiếm được Khả Lưu. Lê Lợi đóng quân ở Bồ Ải, tự đốt dinh trại, ngược dòng sông lên phía trên, rồi ngầm đi đường tắt, trở lại mật phục chỗ cũ. Hôm sau Lê Lợi đem quân tinh nhuệ khiêu chiến trước ải Khả Lưu. Quân Minh đuổi đánh. Đợi chúng đến Bồ Ải, Lê Lợi tung phục binh chặn đánh. Lê Khôi tiên phong phá trận, bắt sống Chu Kiệt, chém chết Hoàng Thành. Bọn Trần Trí, Sơn Thọ phải chạy về thành Nghệ An cố thủ. Nghĩa quân tiến về giải phóng vùng đồng bằng Nghệ An.
Đầu năm Đinh Mùi (1427), viện binh Minh bị thua to ở Chi Lăng, Thôi Tụ, Hoàng Phúc thu nhặt tàn quân tiến đến phủ lỵ Lạng Giang để vào thành Xương Giang, nhưng thành này đã bị nghĩa quân chiếm từ mười hôm trước. Thôi Tụ, Hoàng Phúc đành đóng quân ở cánh đồng phía bắc Xương Giang. Lê Lợi sai Lê Khôi, Phạm Vấn đem quân hỗ trợ Đỗ Sát, đánh tan quân giặc, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng mấy vạn tên địch, khiến Tổng binh Vương Thông đóng ở thành Đông Quan khiếp sợ phải quy hàng.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, Lê Khôi được phong chức Kỳ Lân Hổ vệ thượng tướng quân, tổng quản hành quân, Nhập nội thiếu úy. Sau ông lại được thăng Tư mã, đeo kim phù. Năm sau, khắc biển công thần, Lê Khôi trong nhóm 14 công thần khai quốc, được phong tước Đình thượng hầu.
“Dẹp yên tám cõi mới buông tay”
Cuối năm Canh Tuất (1430), Bế Khắc Thiệu, Nông Đắc Thái ở châu Thạch Lâm, trấn Thái Nguyên tranh giành nhau quyền hành và chiếm giữ lãnh địa làm loạn, Lê Thái Tổ hạ chiếu gọi Lê Khôi từ Hóa Châu về làm tướng tiên phong. Đầu năm Tân Hợi (1431), Lê Khôi đem quân tiến thẳng vào dinh lũy, bắt sống Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái.
Năm Quý Sửu (1433), Lê Thái Tổ ốm nặng, triệu Lê Khôi từ Hóa Châu về triều để bàn về việc lập Thái tử. Vua hỏi Lê Khôi trước rồi mới quyết định giáng con trưởng Tư Tề làm Quận vương, lấy con thứ Nguyên Long nối ngôi.
Năm Giáp Dần (1434), Lê Khôi có công dẹp giặc Đạo Luận cướp phá biên cương, khiến quốc vương Bố Đề nước Chiêm từ bỏ âm mưu đánh phá Đại Việt.
Do công lao giữ gìn biên cương, năm Mậu Ngọ (1438), Lê Khôi được thăng lên Nhập nội tư mã Tham tri chính sự Tri Tây đạo, Chư vệ quân sự.
Năm Kỷ Mùi (1439) thổ tù họ Cầm quấy hại dân biên giới. Vua sai tướng đến hỏi tội. Quốc vương Ai Lao nghe Cương Nương xúi, đem quân sang giúp, lấn cướp các châu Phục Lễ (nay là huyện Mường Lai, Mường Tè). Thái Tông thân chinh, sai Lê Khôi phò tá, bắt tướng địch là Đạo Mông, quân Ai Lao thua chạy về nước. Năm Canh Thân (1440), Lê Khôi lại theo Thái Tông đi đánh châu Thuận Mỗi (Sơn La, Lai Châu) hỏi tội phản nghịch của Đạo Nghiễm, phải dâng trâu và voi xin hàng.
Các năm Quý Hợi, Giáp Tý (1443,1444), vua Chiêm là Bí Cai đem quân cướp phá Hóa Châu. Nhân tông sai Nguyễn Thận, Nguyễn Xí đem binh đi đánh, lại lệnh cho Lê Khôi thống lĩnh quân lính Nghệ An đi tăng viện. Lê Khôi lập công lớn, vua tiến phong ông làm Nhập nội tham tri chính sự, nhưng vẫn ở lại trấn Nghệ An, khi có việc đại sự mới về triều.
Tháng Giêng Bính Dần (1446), Lê Khôi làm tướng tiên phong đem quân Nghệ An mở đường cho đại binh triều đình đi đánh Chiêm Thành; phá tan đồn giặc trên biên ải, vượt sông Ly Giang, qua xứ Đa Lang, Cổ Lũy đến cửa biển Thị Nại (Quy Nhơn, Bình Định), chờ đại quân đến hội binh rồi tiến đánh Chà Bàn. Nghe uy ông, quân Chiêm không đánh mà tan. Quân Đại Việt phá thành Chà Bàn, bắt được quốc vương Bí Cai.
“Tiếng ca tụng công đức nghe khắp các đường ngõ”
Không chỉ là võ tướng, Lê Khôi còn là ông quan cai trị có tài, có tâm. Khi nhà Lê mới lập, năm Canh Tuất (1430), Lê Thái Tổ cử ông vào trấn thủ Hóa Châu là vùng giáp với Chân Lạp.
Tại đây, “Khi đến, ông bãi trạm gác, bỏ sự xét hỏi nghiêm ngặt; chỉ chăm chiêu mộ dân lưu tán, khuyên bảo làm ruộng trồng dâu; huấn luyện quân sĩ, giữ vững bờ cõi, chính sự nghiêm mỡ có tin nên được dân kính yêu. Đường biển ngày một yên ổn; người Chiêm sợ uy, mến nghĩa. Dân ở biên giới có nhiều người bị bắt, ông đều đãi tử tế cho về. […]. Đức vọng của ông vang lừng đến các nơi di địch là như thế” (Phan Huy Chú; sđd).
Phan Huy Chú cũng chép việc ông làm quan ở Nghệ An như sau: “Năm đầu Thái Hòa đời Nhân Tông [1443] vua nhớ đến ông là bề tôi đứng đầu có công cũ, lại triệu ông cho làm Nhập nội Thiếu úy, coi việc trong phủ [đốc trấn] Nghệ An. Lúc mới đến, các sĩ phu, dân chúng đứng chật hai bên đường trông đón và giơ tay đến trán mừng reo rằng: “Chúng tôi mong ông lâu rồi! Ngày nay trời mới giáng phúc cho dân tôi đấy ư?”.
Sau khi ông ở trấn vài năm, chính sự công bình, việc kiện cáo đâu vào đấy, mùa được, dân khỏe. Tiếng ca tụng công đức ông nghe khắp các đường ngõ. Bởi vì ông là người gần dân, đức và chính của ông được dân tin đã lâu, cho nên cả vùng yêu mến ông và đều vui vẻ”.
“Hiền thần, lương tướng dễ ai hơn!”
Sau trận bình Chiêm năm Bính Dần (1446), trên đường về, ngày 2 tháng Năm, Lê Khôi bị bệnh nặng, rồi mất ở chân núi Long Ngâm thuộc dãy Nam giới cạnh Cửa Sót (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Tướng sĩ thương khóc, kêu gào dậy trời đất. Vua bãi triều ba ngày, sai quan Hữu tư đi thăm điếu, trước phong tặng Nhập nội đô đốc, ban tên thụy là Trung Hiến, sau truy tặng Nhập nội kiểm hiệu Tư không, Bình chương sự, đổi tên thụy Vũ Mục công.
Mộ và đền thờ Lê Khôi ở ngọn Long Ngâm, ngay chỗ ông mất.
Năm Quý Mùi (1463), Lê Thánh Tông sai Nguyễn Như Đổ soạn văn khắc bia đá dựng ở Nam Giới để ghi sự tích Vũ Mục công. Ít lâu sau, Thánh Tông lại truy phong ông tước Chiêu Trưng Vương.
Lê Thánh Tông từng ca ngợi ông: Phong lưu phú quý ba đời thấy /Sự nghiệp công danh bốn bể hay.
Bốn trăm năm sau, đời nhà Nguyễn, Lê Khôi được thờ ở miếu Lịch đại đế vương và sau đó là Võ miếu cùng với Trần Quốc Tuấn, Lê Phụng Hiểu, Tô Hiến Thành, Trần Nhật Duật… Vua Tự Đức cũng hết lời ca ngợi ông: Một lòng tướng sĩ tựa cha con/ Trăm trận gần xa nức tiếng đồn/ Nghìn thuở Hoan Châu còn miếu điện/ Hiền thần, lương tướng dễ ai hơn!
Phan Huy Chú chép việc Lê Khôi làm quan ở Nghệ An như sau: “Năm đầu Thái Hòa đời Nhân Tông [1443] vua nhớ đến ông là bề tôi đứng đầu có công cũ, lại triệu ông cho làm Nhập nội Thiếu úy, coi việc trong phủ [đốc trấn] Nghệ An. Lúc mới đến, các sĩ phu, dân chúng đứng chật hai bên đường trông đón và giơ tay đến trán mừng reo rằng: “Chúng tôi mong ông lâu rồi! Ngày nay trời mới giáng phúc cho dân tôi đấy ư?”. |
Theo VĨNH KHÁNH / KINH TẾ ĐÔ THỊ
Tags: Nhà Hậu Lê, Kháng chiến chống Minh, Lê Khôi, Danh nhân Việt Nam