Chiến tranh Iraq 2003 và bài học về chiêu trò tạo cớ gây chiến của nước lớn

Chiến tranh Iraq 2003 là một cuộc chiến điển hình về nghệ thuật “tạo cớ” và khả năng “vượt mặt” Liên Hợp Quốc để hành động.

Chiến tranh Iraq 2003 – bài học về tạo cớ gây chiến của nước lớn

Năm 2003, lực lượng đa quốc gia do Mỹ đứng đầu bất ngờ ném bom Iraq rồi cho lục quân vượt biên giới xâm lược nước này và lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein. Cuộc chiến Iraq năm đó còn được gọi là Chiến tranh Vùng vịnh lần 2 (do Tổng thống Bush con phát động) để phân biệt với Chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 diễn ra năm 1991 (dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bush cha).

Nét nổi bật của cuộc chiến này là việc Mỹ đã rất thành công trong việc tạo cớ đưa quân vào Iraq. Khi ấy Mỹ một mực khẳng định rằng Iraq vẫn đang sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học), đồng thời có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Tất nhiên Mỹ và cả Liên Hợp Quốc đã không thể tìm thấy bằng chứng cho điều này ngay trước cuộc chiến. Dù không nhận được nghị quyết phê chuẩn của Liên Hợp Quốc (do thiếu chứng cứ) và bị thế giới phản đối, Tổng thống Mỹ George W. Bush vẫn phát động Chiến tranh xâm lược Iraq dựa trên các cáo buộc của mình.

Trong khi đó, Iraq đã gần suy kiệt sau thất bại trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 (bị tới 34 nước do Mỹ đứng đầu đánh cho “tơi tả”) và các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc sau đó. Thực tế, Iraq từng có chương trình chế bom hạt nhân nhưng chưa tạo ra được 1 quả bom nào và cũng đã từ bỏ chương trình này. Còn vũ khí sinh học và hóa học thì Iraq từng có (và đã từng sử dụng trong chiến tranh với Iran) nhưng sau năm 1991, Iraq đã ngừng phát triển các loại vũ khí này, đồng thời tiến hành tiêu hủy chúng. Ngoài ra, trước sức ép của Mỹ và đồng minh, Iraq còn phá hủy dần kho tên lửa của mình trong nỗ lực tránh nguy cơ nổ ra chiến tranh – một điều Iraq không hề mong muốn trong bối cảnh đất nước đang hết sức kiệt quệ và bị cấm vận.

Mặc dù Iraq đã tỏ ra hợp tác và đã phải rất “khổ sở” cố gắng chứng minh mình “chẳng hề có” vũ khí hủy diệt hàng loạt, Mỹ vẫn không “đoái hoài” và chiến tranh đã xảy đến. Điều trớ trêu là sau khi đã tiến quân vào Iraq và hạ bệ được ông Saddam Hussein, Mỹ và đồng minh của mình vẫn không tài nào tìm được vũ khí hủy diệt hàng loạt ở đây để biện minh cho cuộc chiến.

Đến năm 2008, khi sắp sửa kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Bush đã thú nhận trên kênh truyền hình ABC (được tờ Guardian dẫn lại) rằng quyết định tiến hành chiến tranh chống lại Saddam Hussein đã dựa trên tin tức tình báo sai và đây là điều hối tiếc lớn nhất trong đời làm tổng thống của ông. Dẫu vậy, ông vẫn bảo vệ quyết định để lại quân Mỹ ở Iraq (phải đến năm 2011 quân Mỹ mới rút hết khỏi quốc gia này). Sang năm 2009, đến lượt Thủ tướng Anh Tony Blair, đồng minh thân cận của Mỹ trong Chiến tranh Iraq, thừa nhận trên BBC rằng dù cho Iraq năm 2003 không có vũ khí hủy diệt hàng loạt thì ông vẫn ủng hộ cuộc chiến nhằm loại bỏ Saddam Hussein.

Vì những điều này mà nhiều người coi Chiến tranh Iraq 2003 thực chất là 1 cuộc chiến vì dầu mỏ, trong đó Mỹ-Anh muốn dựng lên 1 chính phủ thân họ và sẵn sàng cho các công ty Mỹ và Anh vào khai thác nguồn tài nguyên dầu khí phong phú của quốc gia Trung Đông này.

Để đánh Iraq, người ta lấy cớ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Khi đánh xong rồi và không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt (trừ 1 số ít không đáng kể bị vứt bỏ và sót lại từ trước năm 1991), cũng không có ai phải chịu trách nhiệm hay bị “xử lý” vì những thông tin sai và những hành động võ đoán cả. Chỉ có một thực tế: Chủ quyền 1 quốc gia bị xâm phạm một cách dễ dàng, Tổng thống nước này bị lật đổ và xử tử, còn người dân Iraq thì phải hứng chịu bao khổ đau do chiến tranh gây ra. Tất cả đều là sự đã rồi.

Tổng thống George W. Bush vào tháng 10/2002 ký khoản chi 355 tỷ USD cho quốc phòng. Lầu Năm Góc được nhận 40 tỷ USD trong số này trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc chiến với Iraq.

Ngày 5/2/2003, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cáo buộc Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhằm chuẩn bị “hành lang” cho cuộc xâm lược sắp xảy ra.

Ngày 20/3/2003, không hề tuyên chiến, Liên quân gồm Mỹ, Anh và một số nước bất ngờ tấn công Iraq. Chiến dịch “Tự do Iraq” bắt đầu bằng những loạt bom sấm sét để dọn đường cho lục quân tiến vào Iraq.

Do đã suy yếu từ trước nên dù cố gắng, quân đội của Tổng thống Saddam Hussein đã không thể trụ vững. Sử dụng vũ khí hiện đại và kế hoạch tác chiến chuẩn bị kỹ càng, lực lượng đa quốc gia do Mỹ đứng đầu đã nhanh chóng thọc sâu, tiêu diệt các mục tiêu quân sự và nhiều sinh lực đối phương. Liên quân có hiệu suất chiến đấu cao và tỷ lệ thương vong thấp hơn hẳn.

Trước những đòn trời giáng, quân đội Iraq nhanh chóng tan rã. Ngày 9/4, Baghdad thất thủ khi quân Mỹ chiếm được dinh Tổng thống Iraq và các bộ, rồi kiểm soát toàn thành phố, chấm dứt thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Saddam Hussein. Ông Saddam Hussein sau đó biến mất (đến cuối năm 2003 ông này mới bị bắt giữ khi đang lẩn trốn, và sang năm 2006 thì bị xét xử và treo cổ). Đầu tháng 5/2003, Tổng thống Bush phát biểu khẳng định nhiệm vụ đã hoàn thành.

Tuy nhiên cuộc chiến không kết thúc ngay lúc đó, kể cả sau này khi đã thành lập được Chính phủ chuyển tiếp vào năm 2005 và 1 chính phủ thường trực vào năm 2006. Sự sụp đổ của chính quyền Saddam Hussein đã kéo theo tình trạng bất ổn kéo dài ở đất nước này. Các nhóm từng bị chính quyền Saddam trấn áp nay trỗi dậy. Lực lượng của chế độ cũ phản công lại. Xung đột giáo phái và sắc tộc gia tăng. Các chiến binh chiến đấu quyết liệt chống lại lực lượng chiếm đóng, và các tổ chức khủng bố nhanh chóng nhập cuộc, biến nơi đây thành 1 ‘thiên đường’ khủng bố…

Theo VOV

Tags: , , , , ,