Câu chuyện ly kỳ về số phận một loài chim

Gà nước Guam, loài chim tuyệt chủng cách đây 4 thập kỷ, xuất hiện trở lại trên hai đảo nhiệt đới nhờ nỗ lực bảo tồn từ 21 cá thể nuôi nhốt cuối cùng.

Gà nước Guam là động vật bản xứ ở hòn đảo xa xôi rộng 549 km trên Thái Bình Dương, nằm giữa Australia và Nhật Bản. Còn có tên ko’ko’ theo tiếng địa phương, loài gà nước này được chuyển từ danh mục “tuyệt chủng trong tự nhiên” sang “loài vô cùng nguy cấp” trong Sách Đỏ 2019 của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Trong suốt Thế chiến II, đảo Guam bị lính Nhật chiếm đóng. Không lâu sau khi hòn đảo được quân đội Mỹ giải phóng vào năm 1944, rắn cây nâu xuất hiện trở thành kẻ thù của loài gà nước. Nhiều khả năng chúng có mặt trên tàu chở hàng của quân đội Mỹ.

Đối với loài rắn ăn thịt dài 2,4 m, Guam giống như một thiên đường với nguồn cung cấp thức ăn dồi dào. Do ăn những động vật bản xứ không có khả năng tự vệ trên đảo, số lượng rắn tăng đột biến với mật độ lên tới hơn 20 con trên nửa hecta rừng. Loài bò sát phàm ăn đã xóa sổ 10 trong 12 loài chim rừng bản xứ ở hòn đảo.

Hoạt động săn giết chim thúc đẩy “phản ứng dây chuyền”, theo Suzanne Medina, nhà sinh vật học ở Bộ Nông nghiệp Guam, người tìm cách cứu gà nước Guam suốt 21 năm. Không có chim phát tán hạt giống của cây, những cánh rừng thưa dần. Số lượng nhện trước đó bị kiểm soát bởi các loài chim giờ tăng vọt. Medina không còn nghe thấy tiếng chim hót khi đi bộ trong rừng, thậm chí bà luôn phải cầm một cây gậy theo để gỡ mạng nhện.

Không chỉ vậy, rắn còn bò từ cây lên đường dây điện, gây mất điện thường xuyên. Các biện pháp tiêu diệt rắn bao gồm đặt bẫy và thả xác chuột chứa thuộc giảm đau acetaminophen, hóa chất cực độc với rắn. Tuy nhiên, loài rắn xâm hại vẫn tiếp tục phá hủy hệ sinh thái. Chỉ một lượng nhỏ gà nước Guam trốn thoát kẻ thù. Năm 1981, các chuyên gia bảo tồn bắt 21 cá thể. Đó là tất cả số gà nước mà họ tìm thấy. Họ đem chúng về nuôi nhốt và tuyên bố loài chim này tuyệt chủng trong tự nhiên.

8 năm sau, nhóm bảo tồn bắt đầu thả gà nước nuôi nhốt về tự nhiên, không phải nơi chắc chắn chúng sẽ bị ăn thịt như Guam mà ở Rota, hòn đảo nhỏ không có rắn cách đó khoảng 48 km về hướng đông bắc. Nhưng theo Medina, những nỗ lực ban đầu đều thất bại. Lũ chim bị xe đâm, mèo hoang ăn thịt và chúng tỏa ra rộng đến mức không thể tìm thấy nhau để giao phối.

Phải tới cuối thập niên 1990, Medina và cộng sự tìm ra bí quyết giúp loài chim sinh sản trong môi trường nuôi nhốt, đó là hiểu rõ tính cách của những con chim. Một số con chim đực không tỏ ra hứng thú với bất kỳ bạn tình nào, ngay cả khi con cái sẵn sàng, Laura Duenas, cộng sự của Medina, cho biết. Trong khi đó, vài con đực đánh và thậm chí giết nhau để giành quyền giao phối. Nhóm nghiên cứu soạn một hồ sơ về mỗi con chim trưởng thành trong độ tuổi giao phối, ghi chú con nào sẵn sàng giao phối và con nào cần tán tỉnh. Họ điều phối quá trình chọn cặp chim giao phối dựa trên thông tin di truyền và tính cách của hai bên.

Những nỗ lực của các nhà nghiên cứu được đền đáp, ngày càng nhiều chim non ra đời. Giờ đây, Rota là ngôi nhà của hơn 200 con gà nước Guam và 60 – 80 cá thể khác sinh sống trên đảo Cocos, đảo san hô vòng nhỏ ở phía nam Guam. Tương lai của gà nước Guam đã trở nên chắc chắn hơn. Medina và Duenas hy vọng có thể thả gà nước lên đảo Guam trong giai đoạn tới, ở những khu vực không còn bóng dáng loài rắn.

Theo VNEXPRESS / CNN

Tags: , , ,