⠀
Cái nhìn tâm lý học về hành vi bạo lực của con người
Khi con người sống mà không hướng đến hệ thống chuẩn mực (mà pháp luật là cơ bản), không lấy chuẩn mực xã hội làm cơ sở để chế áp bản năng thì cũng dễ thực hiện các hành vi lệch chuẩn, điển hình là bạo lực.
Tác giả: TS Phan Thị Mai Hương, Viện Tâm lý học.
Hành vi bạo lực có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng với người ở lứa tuổi trưởng thành, trước hết bắt nguồn từ chính bên trong mỗi người bởi họ có đủ trình độ (mà mặt sinh học quy định) để là chủ thể, là người quyết định và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nghiên cứu tâm lý học chỉ rõ, cảm xúc tiêu cực khiến con người khó chịu và họ có thể sử dụng hành vi bạo lực để giải phóng cảm xúc giận dữ, thất vọng hay bất lực của bản thân ra bên ngoài. Nhiều khi, hành vi bạo lực được thực hiện để người khác thấy sức mạnh, uy lực của cá nhân. Nhưng ẩn sau đó là sự thiếu tự tin, sự yếu đuối, thiếu hụt của nội tâm, mà cá nhân không chấp nhận điều đó. Nó giống như phản ánh ngược để che đậy sự thật về bản thân mình. Có người lại sử dụng hành vi bạo lực như phương tiện để kiểm soát người khác hoặc để đạt được điều họ đang mong muốn (trường hợp này thể hiện rõ sự định hướng và chủ ý của chủ thể hành vi).
Trong khi đó, không ít người sử dụng hành vi bạo lực để trả thù những ai đã làm tổn thương họ, mà lòng hận thù, sự đố kỵ, thói ích kỷ chính là những ngòi châm. Ngoài ra, xu hướng ứng xử ăn thua, được – mất là phản ứng của một số người mà khi có bất đồng họ luôn nghĩ rằng phải có người được, kẻ mất, người thắng, kẻ thua. Hành vi bạo lực thường được sử dụng để khiến người khác phải thua, mình phải thắng một cách nhanh chóng nhất.
Sống thiếu chuẩn mực cũng là một căn nguyên. Theo Freud – cha đẻ của thuyết phân tâm thì trong con người có bản năng chết, được thể hiện qua những hành vi mang tính phá hủy mà một trong những hiện thân là bạo lực. Hành vi tiềm ẩn này chịu sự chi phối của hệ thống nguyên tắc và chuẩn mực xã hội mà con người lĩnh hội, nhập tâm được. Khi con người sống mà không hướng đến hệ thống chuẩn mực (mà pháp luật là cơ bản), không lấy chuẩn mực xã hội làm cơ sở để chế áp bản năng thì cũng dễ thực hiện các hành vi lệch chuẩn, điển hình là bạo lực.
Hành vi bạo lực còn chịu tác động của các yếu tố bên ngoài. Đó là sự trừng phạt không nghiêm, sự phổ biến các thông tin bạo lực, tập nhiễm hành vi bạo lực từ môi trường, lây lan hành vi bạo lực của đám đông, tác động của rượu bia và các chất gây nghiện.
Hành vi gây bạo lực với người khác khi không bị phê phán kịp thời, không nhận được thái độ phản đối từ mọi người chung quanh, không bị kiểm soát chặt chẽ từ phía xã hội, không được pháp luật xử lý nghiêm minh sẽ được củng cố và tái hiện. Thông tin bạo lực ngày càng gia tăng chóng mặt trong thời đại kỹ thuật số với quá nhiều phim ảnh, trò chơi điện tử, bài báo, hình ảnh… mang tính bạo lực, gây ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt tới lớp trẻ vì có khả năng khơi dậy lòng hận thù, căm ghét, kích động các hành vi kháng cự, chống đối, phổ biến cách thức đáp trả bằng bạo lực trong các tình huống ứng xử xã hội dù là đơn giản.
Trong gia đình, cha mẹ là hình mẫu để con cái noi theo cách ứng xử. Những cha mẹ có hành vi bạo lực sẽ lây nhiễm phong cách hành vi đó cho con cái mình. Trên bình diện rộng hơn, ra ngoài xã hội, một số trẻ sẽ lây nhiễm cách hành xử mang tính bạo lực của người lớn và dễ thực hiện hành vi đó. Mặt khác, trong đám đông quá khích, các hành vi hung hăng, bạo lực có khả năng lây lan rất lớn, bởi khi đó, ý thức cá nhân bị mờ đi, con người hành động theo số đông, như đa số người khác mà không bị đánh giá, kiểm soát. Ngoài ra, rượu, bia và các chất gây nghiện có tác dụng gây ức chế các trung tâm điều khiển của não và tạo hưng phấn nên nếu sử dụng quá mức sẽ khiến con người khó làm chủ và mất kiểm soát hành vi. Khi đó, họ dễ bị kích thích và những lời nói, hành vi gây hấn rất dễ xuất hiện.
Đi tìm lời giải
Như vậy, muốn hạn chế và giải quyết tận gốc tình trạng bạo lực từ những căn nguyên bên trong nói trên, phải cần đến cách tiếp cận cá nhân để sao cho mỗi người tự tìm được cách giải quyết vấn đề của mình, tự chữa lành vết thương nội tâm mà không gây tổn hại cho người khác và xã hội, nếu cần thiết, phải có sự hỗ trợ tâm lý của các chuyên gia. Ở khía cạnh này, công tác giáo dục, rèn luyện kỹ năng thể hiện sức mạnh rõ rệt qua các khóa học kỹ năng, việc rèn luyện con trẻ. Tuy nhiên, phương pháp, cách thức giáo dục phù hợp với đối tượng để nó thật sự có hiệu quả vẫn còn là điều trăn trở. Đặc biệt làm sao để thay đổi hành vi của người lớn là vấn đề không dễ dàng thực hiện.
Từ góc độ xã hội, để hạn chế hành vi bạo lực, rất cần quan tâm tạo dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh từ việc pháp luật nghiêm trị những hành vi hung hăng, quậy phá đến hạn chế, kiểm soát việc phổ biến thông tin bạo lực, hạn chế tổ chức các sự kiện, lễ hội kích thích hành vi bạo lực, đến việc làm gương của người lớn, của cha mẹ trong văn hóa giao tiếp ứng xử, giải quyết bất đồng bằng ngôn ngữ hòa bình.
Trước thực trạng ẩu đả, đánh nhau do say xỉn, nhiều chuyên gia kiến nghị việc cấm lạm dụng rượu bia cần đưa thành quy định của pháp luật và cần cấm hẳn quảng cáo bán rượu bia; phải đánh thuế thật cao và hạn chế việc mở các điểm bán rượu bia. |
Theo NHÂN DÂN ONLINE
Tags: Tâm lý học, Bạo lực