⠀
Cách mạng Tháng Mười Nga và sự hình thành nền văn học Đỏ
Bước vào thế kỷ 20, trung tâm cách mạng thế giới đã chuyển từ Tây Âu sang nước Nga. Từ đây nhân loại bước vào một thời đại mới như Lenin đã xác định đó là “thời đại rung chuyển vũ bão, thời đại đấu tranh giai cấp hết sức gay gắt, thời đại nội chiến, thời đại cách mạng và phản cách mạng”.
Tác giả: Nguyễn Thị Kim Hồng, Trường Đại học Tây Nguyên.
Chỉ trong vòng hơn 10 năm đầu của thế kỷ 20, nước Nga đã trải qua hai cuộc cách mạng (Cuộc cách mạng năm 1905 và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917) làm chấn động cả thế giới. Chế độ quân chủ chuyên chế phản động của Nga hoàng đã không đứng vững được trước sức mạnh đấu tranh cách mạng của nhân dân do Đảng của Lênin lãnh đạo, và cuối cùng nó đã sụp đổ hoàn toàn vào Tháng Mười 1917. Sự thay đổi về chính trị tác động tích cực đến nền văn học của nước Nga. Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, chủ nghĩa hiện thực phê phán Nga với đại biểu cuối cùng là nhà văn A.P.Sekhov đã hoàn thành vai trò lịch sử vẻ vang của mình. Một khuynh hướng văn học mới mẻ, non trẻ đã hình thành từ trong đời sống văn học từ những năm 90 của thế kỷ 19, gắn liền với những sáng tạo độc đáo của M. Gorki đã đáp ứng những nhu cầu to lớn và tích cực của hiện thực xã hội đầy biến động dữ dội. Đến năm 1906, khi tiểu thuyết “Người mẹ” và vở kịch “Kẻ thù” của M.Gorki ra đời thì khuynh hướng văn học mới ấy thực sự đã đến độ trưởng thành và bắt đầu vai trò lịch sử của nó.
Từ năm 1905, Lenin đã đặt ra yêu cầu giai cấp vô sản cách mạng phải xây dựng nền văn học của riêng mình nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân lao động. Đồng thời, Người cũng đề xuất nguyên lý và nhiệm vụ của nền văn học này. Đến cuối năm 1917, khi cách mạng đã thành công bước đầu, giai cấp vô sản và nhân dân lao động đã giành được chính quyền thì hoàn cảnh lịch sử mới đã làm nảy sinh cơ sở và điều kiện cụ thể về xã hội – chính trị để xây dựng nền văn học mới theo những nguyên lý đã đề ra, đó là nền văn học vô sản cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ đây, nền văn học Xô viết (gồm văn học Nga và các nước khác trong Liên bang) đã thể hiện được vai trò và ý nghĩa to lớn của nó.
Nền văn học Xô viết đã kế thừa và phát huy truyền thống tinh thần của các nền văn học quá khứ của các dân tộc anh em trong Liên bang Xô viết, đồng thời có những đổi mới về nhiều mặt trong nội dung và hình thức biểu hiện. Nền văn học Xô viết lấy hệ tư tưởng Marx – Lenin và nguyên lý mỹ học Marxist làm nền tảng cho sự nhận thức và cách nhìn nghệ thuật đối với hiện thực, trên tinh thần phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và lợi ích của giai cấp vô sản và nhân dân lao động các dân tộc anh em là chủ yếu. Chức năng cơ bản của nền văn học Xô viết là khẳng định lý tưởng của chủ nghĩa xã hội và xây dựng nền văn học xã hội chủ nghĩa bằng nghệ thuật riêng.
Nhân vật trung tâm của nền văn học Xô viết là con người lao động mới tham gia trực tiếp vào quá trình cải tạo thế giới cũ và xây dựng thế giới mới dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Có thể coi nhân vật Paven Vlasov trong tiểu thuyết “Người mẹ” của M. Gorki là một hình tượng phác thảo trong buổi ban đầu của Cách mạng Nga về nhân vật trung tâm của văn học vô sản cách mạng, là sự phát triển kế tiếp kiểu nhân vật “con người bé nhỏ” của nhà văn A. P. Sekhov và của chính M. Gorki ở giai đoạn đầu tiên. Cùng với thời gian và sự nỗ lực tìm tòi sáng tạo, các nhà văn Xô viết dần dần nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn về cách mạng, về chế độ mới và nền văn học này, ngày càng tập hợp đông đảo lực lượng sáng tác dưới ngọn cờ cách mạng.
Đại hội Nhà văn Liên Xô lần thứ nhất (1934) đã đánh dấu sự lớn mạnh, trưởng thành của nền văn học Xô viết đa dân tộc. Chưa có một nền văn học nào trên thế giới phát triển và trưởng thành nhanh chóng như nền văn học này. Trong Đại hội Hội Nhà văn Liên Xô năm 1934, M. Gorki đã phát biểu: “Không nên quên rằng nền văn học tư sản Nga phải cần đến gần một trăm năm, kể từ cuối thế kỷ 18 mới gây được cho mình một uy tín lớn trong cuộc sống và có ảnh hưởng nhất định đối với nó (văn học Xô viết). Nền văn học Xô viết chỉ sau mười lăm năm đã có được một ảnh hưởng như vậy”. Văn hào Lỗ Tấn (Trung Quốc) năm 1935 cũng thừa nhận rằng “văn học Xô viết đã chiến thắng”, đó là sự chiến thắng của văn học trong lý tưởng cao đẹp mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã đưa đến cho nhân dân Nga cũng như nhân dân trên toàn thế giới.
Trong vòng chưa đầy 2 thập kỷ từ khi ra đời, nền văn học này đã có những tác phẩm vĩ đại được cả thế giới công nhận; trong đó, có giải thưởng Nobel Văn học cho tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm”.
THeo BÁO ĐĂK LĂK
Tags: Văn học, Cách mạng Tháng Mười, Văn hóa Nga, Liên Xô