Biến động Afghanistan và sự thay đổi cán cân quyền lực khu vực

Những diễn biến ở Afghanistan sẽ ảnh hưởng đến tình hình địa – chính trị khu vực như thế nào và đem đến sự thay đổi cán cân quyền lực ra sao trước sự trở lại của Taliban sau 2 thập kỷ?

Biến động Afghanistan và sự thay đổi cán cân quyền lực khu vực

Diễn biến “không kịp trở tay” ở Afghanistan

Afghanistan đã trở thành mặt trận mà Mỹ tuyên chiến với khủng bố cách đây 20 năm. Điều này đã dẫn đến sự can dự của Mỹ vào quốc gia Tây Nam Á này sau cuộc tấn công 11/9, nơi mà Washington cho là chứa chấp trùm khủng bố Osama bin Laden và các lãnh đạo khác của Al-Qaeda. Taliban đã bị đánh bại như một hình thức trừng phạt vì lực lượng này cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho Al-Qaeda, đồng thời dẫn đến cuộc can dự suốt 20 năm trong một “thí nghiệm” nhằm mang đến xã hội dân chủ cho một quốc gia, nơi mà quyền lực bị phân tán vào tay các lãnh chúa.

Mỹ đã tiêu tốn 2.250 tỷ USD vào cuộc chiến ở Afghanistan và các chi phí can dự trong 2 thập kỷ qua. Cuộc chiến này cũng khiến 66.000 cảnh sát và binh lính Afghanistan thiệt mạng, tước đi mạng sống của 47.000 dân thường, đồng thời giết chết 50.000 tay súng Taliban. Ngoài ra, về phía Mỹ còn có 7.400 nhà thầu, các lực lượng an ninh đồng minh… thiệt mạng trong cuộc chiến ở Afghanistan.

Trong những tháng qua, Taliban đã có thể “điền” vào khoảng trống quyền lực sau khi Mỹ và đồng minh rút quân một cách dễ dàng, thậm chí tiến thẳng vào Kabul mà không cần giao tranh. Tốc độ chiến thắng này diễn ra quá nhanh chóng khiến cho Mỹ và đồng minh phải vội vàng sơ tán trong cảnh tượng vô cùng hỗn loạn ở Sân bay Quốc tế Hamid Karzai tại Kabul. Taliban hiện đã thành lập Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan (IEA).

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã để lại một khoảng trống địa – chính trị khổng lồ. Do những diễn biến bất ngờ của tình hình, nên mặc dù việc rút quân được tiến hành trong một thời gian dài nhưng hiện chưa rõ chính xác liệu điều gì sẽ xảy ra hay những quốc gia nào sẽ là kẻ thắng, người thua.

Liệu đây có phải là sự rời đi của Mỹ khỏi Trung Á? Không còn sự hiện diện của Mỹ, cán cân quyền lực khu vực sẽ thay đổi như thế nào?

Cán cân quyền lực chao đảo

Theo nhà quan sát Murray Hunter nhận định trên Eurasia Review, Trung Quốc là bên nhận được nhiều cơ hội nhất với sự hiện diện khắp Trung Á. Trung Quốc có quan hệ đối tác chiến lược với Pakistan và đang phát triển quan hệ với Iran. Bắc Kinh cũng đang hợp tác với Nga trong Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO). Với nhiều quốc gia ở Trung và Nam Á là thành viên, tổ chức này có thể đóng vai trò như một vùng đệm trước ảnh hưởng ngoại giao và thương mại của Mỹ trong khu vực.

Trung Quốc có một số lợi ích chiến lược tiềm năng có thể theo đuổi với Afghanistan. Nước này có chung đường biên giới dài 50km với phía đông tỉnh Badakhishan của Afghanistan, cung cấp các tuyến đường hàng không trực tiếp tới cả Kabul và Iran. Hiện chưa có tuyến đường bộ và đường sát trực tiếp nào giữa Trung Quốc và Afghanistan, vì thế, tuyến đường thuận lợi nhất từ Trung Quốc tới Afghanistan là qua Pakistan.

Tuyến đường trên đất liền mới tới Iran sẽ tăng cường khả năng trao đổi thương mại của Trung Quốc với Iran và Trung Đông mà không cần dựa vào các tuyến đường trên biển qua Vịnh Ba Tư, vốn thường diễn ra các cuộc tuần tra của Hải quân Mỹ và Ấn Độ. Trung Quốc cũng có thể tăng nguồn cung dầu mỏ từ Iran với chi phí rẻ hơn và tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngoài ra, chính phủ Taliban ở Kabul sẽ cung cấp cho Trung Quốc cơ hội khai thác các kim loại đất hiếm, lĩnh vực nước này kiểm soát 80% trao đổi trên thế giới hiện nay.

Trung Quốc được cho là đã có thỏa thuận từ Taliban mà theo đó, lực lượng này sẽ không hỗ trợ nhóm khủng bố Hồi giáo Đông Turkestan đe dọa gây bất ổn định ở Tân Cương.

Một Afghanistan ổn định nằm trong lợi ích của Trung Quốc và việc Mỹ rút quân sẽ cho Trung Quốc cơ hội to lớn để mở rộng ảnh hưởng của mình. Trung Quốc cũng có thể cung cấp cho chính quyền mới của Taliban các nguồn ngân sách thay thế nếu các nguồn ngân sách từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới bị đóng băng.

Uzbekistan, Turkmenistan và Tajikistan rất thận trọng với chính quyền Taliban. Trong hàng thập kỷ qua, đã có không ít cuộc đụng độ biên giới và sự liên quan của Al Qaeda từ Afghanistan. Đã có những cuộc tấn công của Taliban dọc biên giới Tajikistan vào tháng trước khi hơn 2.000 binh lính Afghanistan được huy động tới biên giới và người dân ở tỉnh Badakhshan phải chạy sang biên giới.

Bất kỳ hành vi khủng bố nào của Taliban nhằm vào các nhóm thiểu số đều có thể dẫn đến những rạn nứt lớn hơn. Tajikistan sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga trong khi Uzbekistan sẽ quay sang Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nếu có bất kỳ xung đột nào xảy ra. Iran cũng sẽ hỗ trợ các cuộc giao tranh của người thiểu số Hazara dòng Shia ở Afghanistan chống lại Taliban nếu Taliban đe dọa họ.

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực cũng là một mối đe dọa lợi ích với Ấn Độ. Những diễn biến xoay quanh việc Mỹ rút quân diễn ra giữa thời điểm Mỹ đang cố gắng xích lại gần Ấn Độ trong quan hệ song phương và qua hình thức của Bộ Tứ Kim Cương. Do đó, việc này có thể làm chậm việc tăng cường quan hệ Mỹ – Ấn về ngắn hạn.

Với Ấn Độ, Taliban chiếm được Kabul có thể coi như một chiến thắng chính trị – khu vực cho Pakistan. Pakistan mà nơi nhiều nhà lãnh đạo Taliban trú ẩn trong 2 thập kỷ sau vụ 11/9. Tuy nhiên, có thể Taliban sẽ không quên sự hợp tác của Pakistan với Mỹ 2 thập kỷ qua. Lực lượng Taliban, ở cả Afghanistan và Pakistan đều muốn thành lập một tiểu vương quốc Hồi giáo của người Pashtun.

Tuần trước, người phát ngôn của Taliban khẳng định họ sẽ không chấp nhận Đường Durand, một ranh giới được Anh vạch ra vào năm 1893 nhằm xác định biên giới giữa Pakistan và Afghanistan. Đường Durand cắt ngang qua khu vực mà người Pashtun sinh sống. 15 triệu người Pashtun sống ở Afghanistan trên dân số 40 triệu dân và 42 triệu người Pashtun trong số 216 triệu dân sống ở Pakistan. Điều này có nguy cơ làm dấy lên cuộc xung đột bên trong Pakistan nếu nhiều tay súng Taliban theo đuổi mục tiêu trên. Mullah Abdul Ghani Baradar đã trải qua 18 năm trong 1 nhà tù ở Pakistan và người Pashtun này có thể được bổ nhiệm để trở thành người đứng đầu Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan mà Taliban mới thành lập.

Trong khi đó, châu Âu đang dốc hết sức để ngăn làn sóng người nhập cư mới từ Afghanistan. BBC đưa tin, Hy Lạp đã nhanh chóng xây dựng một hàng rào dài 40km dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn cản người di cư Afghanistan. Tình hình ở Afghanistan cũng có thể dẫn đến sự gia tăng nguồn cung thuốc phiện trái phép trên thế giới.

Chính phủ tương lai của Afghanistan

Một số nhà phân tích cho rằng, những cấp chỉ huy cao hơn của Taliban đã trưởng thành trong 20 năm qua và nhận thấy việc cần thiết của việc tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao hơn. Taiban có một hệ tư tưởng dựa trên luật Shariah của đạo Hồi đã được nhiều người ở Afghanistan chấp nhận, mặc dù 20 năm theo chủ nghĩa tự do ở Kabul đã thay đổi nhiều người từng sống dưới ảnh hưởng của lực lượng này. Đó là lý do tại sao Mỹ và các đồng minh NATO thất bại trong chiến lược xây dựng quốc gia bởi những khái niệm dân chủ của phương Tây không tương thích với Shariah, đặc biệt là tại các tỉnh ở Afghanistan.

Quyền lực của Taliban sẽ phụ thuộc vào sự chấp nhận của các lãnh chúa tại các địa phương. Nếu các nhóm đối lập như các lãnh chúa chống Taliban, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)…, phản kháng sự kiểm soát của Taliban, điều này có thể dẫn đến một cuộc nội chiến. Ngoài ra, cũng có một vài sự cạnh tranh giữa Taliban và IS về việc kiểm soát một số khu vực buôn bán ma túy ở Afghanistan.

Thời gian là câu trả lời duy nhất cho việc liệu Taliban đã thay đổi hay chưa. Taliban sẽ phải quyết định liệu có tham gia thành lập chính phủ, hay sẽ quay lại khoảng thời gian dung dưỡng các tổ chức cực đoan như trước đây. Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho biết Al-Qaeda đã hiện diện ở 15 tỉnh của Afghanistan cùng với các tay súng thuộc Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP) ở Syria. Ngoài ra, các tay súng IS từng chiến đấu ở Iraq và Syria cũng đang phân tán khắp các vùng quê của quốc gia này.

Rất nhiều diễn biến sẽ phụ thuộc vào việc nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế công nhận chính phủ của Taliban như thế nào. Nếu châu Âu, Mỹ và các tổ chức quốc tế lớn không công nhận Taliban, chính phủ mới này sẽ bị dồn vào chân tường. Đó có lẽ là lý do tại sao Taliban gặp cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, một thủ lĩnh bộ tộc người Pashtun, để hỗ trợ thành lập một chính phủ có thể chấp nhận và làm việc được với Mỹ cũng như NATO. Tuy nhiên, đánh giá của Nga về tình hình ở Afghanistan đã bày tỏ những lo ngại về sự phân tán của chính quyền mới ở Afghanistan.

Cuối cùng, Mỹ sẽ phải thiết kế lại hoàn toàn các chiến lược thương mại, ngoại giao và an ninh tại khu vực Trung Á khi nơi này trải qua những dịch chuyển lớn lớn lao và sự thay đổi cán cân quyền lực mạnh mẽ.

Theo VOV / EURASIA REVIEW

Tags: , ,