⠀
Bí ẩn lịch sử về sự hình thành của người Mường
Cho đến nay, dường như không một ai trong giới nghiên cứu phủ nhận người Việt Cổ là tổ tiên trực tiếp của người Mường. Nói một cách khác, người Mường hôm nay và người Kinh (Việt hiện đại) hiện nay, là anh em sinh đôi, cùng một nguồn cội: Người Việt Cổ.
Thế nhưng, những người con cháu trực tiếp tách ra khỏi tổ tiên của họ từ bao giờ để hình thành nên một tên Mường với tư cách là một dân tộc độc lập, thì cho đến thời điểm này, vẫn là một vấn đề chưa được giải quyết trọn vẹn, dẫu rằng, những công trình nghiên cứu, được tiếp cận từ lịch sử, dân tộc học lịch sử và ngôn ngữ học lịch sử đã cố công tìm hiểu, nhưng vẫn chưa tìm được thời điểm thỏa đáng.
Nhà sử học lão thành đã quá cố Nguyễn Lương Bích đã có một luận văn chi tiết về vấn đề này từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ông cho rằng, tên gọi Mường xuất hiện sớm nhất cũng chỉ từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, để chỉ các khu vực hành chính của những địa phương miền núi, tương đương với một châu, một huyện, hay một xã lớn, không có danh từ “Mường” để chỉ người hoặc tộc người.
Dường như ông cũng không thừa nhận có một thời điểm tách ra của người Mường khỏi khối Việt – Mường. Ông khẳng định, trong lịch sử Việt Nam, người Mường và người Việt chỉ là một dân tộc. Đó là dân tộc Việt miền núi và dân tộc Việt đồng bằng. Từ Mường, hay “Sự tách biệt thành dân tộc Mường có thể chỉ là một quy định hành chính theo chính sách chia để trị của thực dân Pháp, cách ngày nay chưa đầy một trăm năm”.
Cũng có ý kiến cho rằng, người Mường tách ra thành dân tộc, có thể từ thế kỷ 10, căn cứ vào mấy tiếng Cử Long man, mà các thời Đinh – Tiền Lê – Lý đã dùng để chỉ người Cử Long. Cử Long sau này là Cổ Lũng (nay là huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa), quê hương của Hà Thọ Tường, người đã giúp sức vào việc trung hưng nhà Lê, được phong chức Tứ Đô, tước Thụy Quận Công. Ý kiến này lý giải rằng, thời Đinh, Tiền Lê, Lý gọi người Cử Long là Cử Long Man, có nghĩa coi người Cử Long là một dân tộc Man di, một dân tộc thiểu số, không phải dân tộc Việt.
Thực ra, đây không thể là câu để tìm thời điểm tách ra của người Mường khỏi khối Việt – Mường vì chỉ giản đơn rằng “Man”, “Mãnh” hay “Mang” đều là phiên âm của chữ Hán, thành Mường trong các thư tịch cổ Việt Nam. Như thế, người Thái, người Mường….đều có thể là “Man”. Đó là chưa kể có sự nhầm lẫn nào chăng giữa “âm” và “nghĩa”, giữa địa danh và tộc người.
Mặc dù vậy, thế kỉ 10, được coi như một loại ý kiến được đa số bàn luận và xem đó như một niên điểm tách ra giữa người Mường và người Việt Mường chung.
Giáo sư sử học tài danh đã quá cố Trần Quốc Vượng, dường như nghiêng theo quan điểm này. Bằng cách tiếp cận từ lịch sử, văn hóa và văn minh, luận văn “Việt Nam thế kỷ X – Văn hóa, văn minh thể X – Những vấn đề lịch sử” của ông đã cho rằng, thời điểm thích hợp nhất của sự tách ra của hai dân tộc là thế kỷ X – thế kỷ bản lề của dân tộc.
Tiếp cận từ ngôn ngữ học lịch sử, Giáo sư Hà Văn Tấn và sau này là Hà Văn Tấn, Phạm Đức Dương đã đưa ra một lược đồ, mà trong đó thể hiện các chặng mốc, nhưng không được xác định thời gian cụ thể, như sau:
Năm 1991, dẫu không khẳng định trực tiếp, nhưng bằng cách gián tiếp và để bổ sung cho lược đồ của mình, Giáo sư Hà Văn Tấn đã viết: “Văn hóa Đông Sơn tồn tại ở miền Bắc Việt Nam từ giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên (2500 năm cách ngày nay TG). Có thể phần lớn cư dân Đông Sơn còn nói ngôn ngữ Việt – Mường chung”.
Tôi hiểu cách diễn đạt này là, thế kỷ 2 sau Công nguyên, cư dân Đông Sơn – hay Việt – Mường còn nói ngôn ngữ chung là Việt – Mường, thì phải sau đó vài thế kỷ, khoảng thế kỷ 8 sau công nguyên, Việt và Mường mới được tách ra khỏi khối Việt Mường chung.
Sự diễn giải trên đây của tôi, qua ý kiến của Giáo sư Hà Văn Tấn, đồng thời cũng là ý kiến của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Văn Tài rằng, tiếng Việt và tiếng Mường tách nhau khoảng thế kỷ 7 hoặc 8 sau công nguyên.
Tôi cho rằng, các nhà nghiên cứu lịch sử luôn bị ám ảnh của quá trình đồng hóa 1000 năm thuộc Bắc, nên luôn coi thời Bắc thuộc là sự hoàn tất của quá trình Hán hóa. Những người Việt đã bị Hán hóa còn ở lại vùng đồng bằng để rồi sau khi giành được độc lập, với chiến thắng của Ngô Vương Quyền năm 938, và sự phục hưng của văn minh Đại Việt thời Lý – Trần, đã trở thành người Việt (Kinh), còn một bộ phận của người Việt cổ, bị dồn đẩy lên miền núi, trở thành người Mường. Chứng tích vật chất của khảo cổ học và thực tiễn sinh động của sức sống Việt, không ủng hộ cho quá trình Hán hóa của ngoại bang, theo đó, không thể lấy thế kỷ 10 như là một thời điểm chia tách của dân tộc Mường ra khỏi khối Việt – Mường chung. Còn về mặt ngôn ngữ, chính vì thiếu chứng cứ về các lớp từ vựng, luôn có hiện tượng chồng xếp ngôn ngữ, nên hai giáo sư Hà Văn Tấn và Phạm Đức Dương đã bỏ ngỏ niên điểm cụ thể của sự chia tách nêu trên, theo đó, cuối thời Bắc thuộc chỉ được coi như một gợi ý, mang tính giả thiết công tác.
Còn dưới góc nhìn vật thể lấy lên từ khảo cổ học, tôi thấy đến thời Lý, mộ táng Mường và Việt (Kinh) còn giống nhau đến mức kỳ lạ về cấu trúc và táng thức. Vương triều Lý luôn lấy rừng làm nơi gửi gắm phần thân xác của Hoàng gia, theo đó, ngôi mộ Lê Lan Xuân, Thứ phi của Vua Lý Thần Tông cũng tìm thấy ở rừng Gò Lăng Cấm, Hương Nộn, Tam Nông, (Phú Thọ) như là nguyên mẫu, còn ngôi mộ tìm thấy ở Bãi Cời, xã Hùng Sơn, Lương Sơn (Hòa Bình) – hiện nay là không gian của văn hóa Mường – như một bản sao, xét trên cấu trúc, táng thức và đặc biệt là đồ tùy táng, mang đậm chất cung đình, hoàng tộc.
Đến thời Trần, cái gọi là mộ táng Mường tìm thấy ở khu B Đồng Thếch, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) giống hệt những mộ táng tìm thấy ở quanh Hà Nội hiện nay [(Phú Lương, (Thanh Trì), Phú Minh, (Từ Liêm)…)]. Đó là than trải lót, là quách gỗ hình cũi, là lon sành lát nền, là quan tài hình thuyền, là tục hỏa táng, là đồ tùy táng chôn theo…..v..v và v..v. Sự tương đồng về táng thức cho ta nhận ra, quan niệm về “cõi chết” về “ngôi nhà” cho người quá cố, không có sự khác biệt giữa hai dân tộc Việt – Mường.
Chỉ đến giữa thế kỷ 15, mộ táng Mường mới thấy sự khác biệt. Đó là sự khác biệt so với cấu trúc và táng thức của chính chúng, ở nửa đầu thế kỷ 15 trở về trước và so với mộ táng ở vùng xuôi đương thời. Tôi cho đây là bản lề, là thời điểm chia tách của người Mường khỏi khối Việt – Mường chung. Có lẽ cũng vì thế mà Lê Lợi đã không hề bị mặc cảm là một “người thiểu số”, đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa giải phóng dân tộc và trấn hưng đất nước. Có lẽ cũng vì thế, mà Triều Lê và Lê Trung Hưng giành quá nhiều đặc quyền với Tù trưởng Mường, chỉ đến khi Minh Mạng, với cải cách hành chính của mình, mới giảm được đặc quyền của Tù trưởng Mường. Đây là một chuyên đề cũng khá lý thú, xin được bàn đến ở bài viết sau.
Như vậy là, bằng tài liệu mộ táng, tôi đã cho thời điểm chia tách dân tộc Mường ra khỏi khối Việt – Mường chung là giữa thế kỷ 15. Đó là một quá trình diễn ra từ từ, bắt đầu từ thời Lý, Trần, để đến giữa thế kỷ 15, có đủ điều kiện để chia tách. Quan điểm cơ bản này, tôi đã từng bảo vệ thành công trước hội đồng luận án tiến sĩ cấp nhà nước, với nhiều giáo sư được lược nhắc trong bài viết này, là thành viên. Tuy nhiên, trên đây chỉ là ý khái quát, đã được rút gọn, mong sẽ có dịp trình bày kỹ lưỡng hơn.
Theo PHẠM QUỐC / THẾ GIỚI DI SẢN
Tags: Người Việt cổ, Người Mường, 54 dân tộc anh em