Bài học thành công của Singapore: Nỗ lực phi thường để trở nên khác biệt

Các nguyên tắc chiến lược tạo nên thành công của Singapore trong suốt chặng đường phát triển của đất nước này kể từ những năm 60 của thế kỷ trước bao gồm 7 trụ cột, có tính liên thông và mục tiêu xuyên suốt là đặt lợi ích của con người, người dân vào trung tâm phụng sự của hệ thống công và mọi chính sách phát triển đất nước.

Bài học thành công của Singapore: Nỗ lực phi thường để trở nên khác biệt

I. Tổng quan về Singapore

Singpore là quốc đảo nhỏ bé, với diện tích 719 km2, số dân 5.6 triệu người (tương đương quy mô dân số của Phần Lan và Israel), GDP khoảng 296 tỷ USD. Theo bình chọn của Tạp chí Forbes năm 2017, trên cơ sở số liệu công bố của Quỹ Tiền tệ thế giới, Singapore được xem là trung tâm công nghệ, sản xuất và tài chính (a technology, manufacturing and finance hub) với thu nhập bình quân đầu người trên 56.700 USD, là quốc gia giàu thứ ba trên thế giới, chỉ sau Qatar (88.000 USD) và Luxembourg (81.000 USD).

Các chỉ số xếp hạng của Singapore về đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) đều ở tốp đầu thế giới. Năm 2017, Singapore xếp thứ 7/127 quốc gia về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu1 (Việt Nam thứ 47/127) và xếp thứ 3/137 quốc gia về chỉ số cạnh tranh toàn cầu2 (Việt Nam thứ 55/137).

Để đạt được kỳ tích phát triển như ngày nay, Singapore phải vượt qua rất nhiều thách thức của một quốc gia diện tích nhỏ hẹp, không có tài nguyên thiên nhiên.

Quá trình công nghiệp hóa của Singapore đã trải qua 5 giai đoạn: từ thập kỷ 1960 – thâm dụng lao động (Labour Intensive Phase), thập kỷ 1970 – thâm dụng kỹ năng (Skill Intensive Phase), thập kỷ 1980 – thâm dụng vốn (Capital Intensive Phase), thập kỷ 1990 – thâm dụng công nghệ (Technology Intensive Phase), cho tới giai đoạn hiện nay – thâm dụng tri thức và đổi mới sáng tạo (Knowledge and Innovation Intensive Phase).

II. Bảy nguyên tắc chiến lược tạo nên thành công của Singapore

1. Có nền quản trị tốt (Good Governance).

Muốn có nền quản trị tốt, cần đảm bảo các nguyên tắc sau: i) Nền hành chính quốc gia liêm chính và có trách nhiệm, dựa trên cơ chế thực tài (đảm bảo tuyển dụng người tài làm việc trong bộ máy chính quyền) và tinh thần thượng tôn pháp luật; ii) chính sách công thực mạnh và thực dụng (theo nghĩa tích cực), bắt buộc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức.

2. Có nền công vụ trung thực và hiệu quả (Honest & Efficient Civil Service).

Đây cũng là nhu cầu tự thân xuất phát từ bối cảnh năm 1959, nền công vụ Singapore được tiếp quản từ người Anh sau khi Singapore nắm quyền tự quyết và Đảng Hành động Nhân dân (PAP) thắng cử, phải đối mặt với hai thách thức kép là tạo việc làm cho người dân và đảm bảo nhà ở cho dân. Để hoàn thành hai sứ mệnh đầy thách thức này, nền công vụ Singapore phải cải tổ theo hướng trung thực và hiệu quả, đảm bảo có đủ năng lực thực thi có hiệu lực và hiệu quả các chính sách của Chính phủ.

Tính hiệu quả của nền công vụ phụ thuộc vào cơ chế thực tài. Công chức được tuyển dụng trên cơ sở năng lực chuyên môn giỏi và được thăng tiến dựa trên năng lực và tiềm năng. Công chức không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ bị thải loại. Cơ chế thực tài cho phép chính quyền lựa chọn được những người giỏi nhất có đủ năng lực giải quyết các thách thức quốc gia (như sứ mệnh tạo việc làm và đảm bảo nhà ở cho mọi người dân Singapore). Bên cạnh đó, một nền công vụ hiệu quả cũng đòi hỏi công chức phải có tính trung thực. Nền công vụ trung thực sẽ loại trừ các nguy cơ tham nhũng, đảm bảo chất lượng dịch vụ công, góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và thu hút được đầu tư nước ngoài. Nguyên tắc thực tài và trung thực sẽ bảo đảm sự tự tin của nền công vụ và niềm tin của dân chúng đối với chính quyền.

3. Phát triển kinh tế – tạo việc làm cho người dân (Economic Development – Creating jobs for the people).

Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ mới khi tiếp quản chính quyền là phải tạo việc làm cho mọi người dân Singapore. Khi đất nước không có đất đai để phát triển nông nghiệp và thu hút việc làm thì công nghiệp hóa là một lựa chọn tất yếu. Mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài được đặt ra và khi người dân đã có việc làm, thì giai đoạn phát triển tiếp theo của nền kinh tế cần đặt trọng tâm không chỉ vào việc tạo thêm việc làm, mà là tạo việc làm có thu nhập cao hơn.

4. Phát triển nhà ở công – xây nhà cho dân ở (Public Housing – Building homes for the people).

Khi người dân đã có việc làm, thì nhu cầu tiếp theo là cần nơi ăn, chốn ở ổn định. Chính phủ Singapore xác định trách nhiệm của mình là phải đảm bảo cho mọi người dân đều có nhà để ở. Chính sách nhà ở công ra đời từ năm 1964 và từ đó đến nay đã thành công tốt đẹp, có tới hơn 90% người dân Singapore sống tại nhà ở công – các căn hộ do Chính phủ đầu tư xây dựng và bán lại với cơ chế sao cho người dân có thu nhập thấp nhất vẫn đủ khả năng sở hữu căn hộ.

5. Phát triển hệ thống giao thông đường bộ – giúp người dân di chuyển thuận lợi(Land Transport System – Keeping the nation moving).

Khi chính sách tạo việc làm và nhà ở cho người dân thành công cũng lại tạo ra một thách thức mới, đó là vấn đề tắc nghẽn giao thông đô thị. Trước thực trạng đó, Chính phủ Singpore đặt ra mục tiêu phải đảm bảo cho giao thông thông suốt, thuận tiện cho người dân đi lại, từ đó, giảm các chi phí cơ hội do ùn tắc giao thông gây ra, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển hiệu quả hơn.

Chiến lược thông minh của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề giao thông đô thị là: kiểm soát chặt chẽ việc sở hữu và sử dụng xe ô tô cá nhân; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng; đồng bộ hóa quy hoạch hệ thống giao thông và quy hoạch sử dụng đất đai. Đặc biệt, cơ chế thu phí tắc nghẽn giao thông được áp dụng từ năm 1998 (Electronic Road Pricing scheme) được coi là một sáng kiến đặc biệt thành công của Singapore trong giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông giờ cao điểm, đã được nhiều quốc gia trên thế giới học tập, áp dụng.

Một nét chính sách cực kỳ độc đáo và nhân văn của Chính phủ nhằm khuyến khích người dân tham gia giao thông công cộng đó là: xây dựng các mái che cho các con đường dẫn từ các ga tàu điện ngầm tới bến xe buýt và các khu nhà ở của người dân. Sự thuận tiện của hệ thống giao thông công cộng đã thu hút hơn 60% người dân quốc đảo sử dụng phương tiện này, góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề tắc nghẽn giao thông của thành phố.

6. Bảo vệ môi trường – giữ cho đất nước sạch và xanh (Environment Protection – Keeping the country clean and green).

Khi các điều kiện cơ bản về việc làm, nhà ở và giao thông được bảo đảm, Chính phủ Singapore tính đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tin tưởng sâu sắc rằng, việc đảm bảo một môi trường đô thị sạch và xanh là vô cùng quan trọng đối với sự ổn định xã hội. Từ đó, các chính sách về đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý nước thải thành nước sinh hoạt, phủ xanh các tòa nhà cao tầng (với triết lý việc xây dựng các tòa nhà lấy đi thảm cây xanh trên mặt đất thì phải trả lại màu xanh tự nhiên đó trên các nóc nhà hoặc ban công tòa nhà), trồng thêm công viên cây xanh và kết nối các công viên trên toàn thành phố bằng các con đường thư giãn.

7. Phát triển đô thị – tạo nên một thành phố đáng sống và bền vững (Urban Development – Creating a sustainable and livable city).

Phát triển thành phố trở thành một nơi đáng sống và có tính bền vững, truyền cảm hứng cho hơn 5.6 triệu người dân là mục tiêu mà Chính quyền đô thị Singapore hướng tới. Do vậy, quan điểm chỉ đạo quy hoạch đô thị của thành phố dựa trên ba từ khóa cơ bản: Tổng thể (Comprehensive), Tích hợp (Integrated) và Hướng tới tương lai (Forward-looking) với mục tiêu biến Singapore từ “Thành phố vườn” (Garden City, năm 2008) thành “Thành phố trong vườn” (City in a Garden).

Có sự khác biệt khá tinh tế giữa triết lý xây dựng thành phố nhiều cây xanh (thành phố có vườn – Garden City) với thành phố nằm trong một khu vườn rộng lớn được bao bọc bởi màu xanh vô tận của cây cỏ, đa dạng sinh học và muôn loài cùng sinh sống giao hòa với con người (City in a Garden).

Tầm nhìn về Thành phố vườn (Garden City) được Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu khởi xướng từ năm 1967 nhằm đưa Singapore trở thành một thành phố nhiều cây xanh và môi trường trong sạch để cuộc sống người dân thư giãn hơn. Tầm nhìn này được hiện thực hóa khởi đầu bằng Chương trình tập trung trồng mới cây xanh từ cuối những năm 1960, Ngày trồng cây được chính thức công bố từ năm 1971, Luật về công viên và cây xanh được ban hành năm 1975, xây dựng nhiều công viên mới từ giữa những năm 1970 và con đường – hành lang xanh kết nối các công viên trong thành phố từ những năm 1990.

Tầm nhìn Thành phố ở trong vườn (City in a Garden) được khởi xướng từ năm 1998 như một giai đoạn tiếp theo của Tầm nhìn Thành phố vườn với các hoạt động trọng tâm như: xây dựng các khu vườn đẳng cấp thế giới ở Singapore; làm trẻ hóa các công viên đô thị và con đường đi bộ; tối ưu hóa các không gian đô thị dành cho cây xanh và giúp con người thư giãn; làm giàu đa dạng sinh học trong môi trường đô thị; lôi cuốn và truyền cảm hứng cho cộng đồng để cùng tham gia đồng sáng tạo vì một Singapore xanh hơn và đáng sống hơn.

Các nguyên tắc và chiến lược lập kế hoạch phát triển đô thị của Singapore dựa trên 5 nguyên tắc sau: i) Tư duy dài hạn (Think long term); ii) Lập kế hoạch có tính liên kết xuyên ngành (Integrated planning across agencies); iii) Đảm bảo tính minh bạch trong quá trình lập kế hoạch và phát triển (Transparency in planning and development processes); iv) Thi hành có hiệu quả (Effective in implementation); và v) Linh hoạt(Flexibility).

III. Nền công vụ dựa trên thực tài và chính sách thu hút người tài

Tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và người tài đối với sự phát triển của Singapore đã được Thủ tướng Chính phủ Lý Hiển Long, cũng là Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu, Đổi mới sáng tạo và Doanh nghiệp của Singapore (RIEC) nhấn mạnh: “Để đạt được các thành tựu phát triển, chúng ta cần con người giỏi, cần các chương trình nghiên cứu tốt, và từ đó mới có thể thu hoạch được các kết quả tốt đẹp. Con người là nhân tố quan trọng nhất vì vậy, trước hết chúng ta cần người tài. Và để duy trì một cộng đồng nghiên cứu năng động, chúng ta cần thu hút các tài năng quốc tế song song với chú trọng nuôi dưỡng các tài năng trong nước. Chúng ta cần cả hai”.

Để nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong nước, Singapore chú trọng đầu tư cho giáo dục và đào tạo (tương tự như Việt Nam, 20% chi ngân sách nhà nước hằng năm dành cho giáo dục và đào tạo). Singapore thực hiện Chương trình “SkillsFuture” như một phong trào quốc gia cung cấp cho mọi người dân Singapore các cơ hội phát triển tối đa nhất tiềm năng của mình trong suốt cuộc đời, không phân biệt điểm xuất phát.

Tuy nhiên, vấn đề thu hút tài năng là người nước ngoài tới Singapore sinh sống và làm việc mới là trọng tâm chiến lược. Chính sách thu hút tài năng quốc tế tập trung vào 3 nhóm đối tượng: i) Người tài tốp đầu như các giám đốc điều hành, nhà khoa học, học giả, nghệ sỹ; ii) Các chuyên gia như kỹ sư, kế toán, nhân lực công nghệ thông tin, giáo viên; và iii) công nhân có tay nghề cao. Singapore triển khai các chương trình thu hút tài năng quốc tế áp dụng với từng nhóm đối tượng, ví dụ, Chương trình “Contact Singapore” có văn phòng đại diện đặt tại châu Âu, châu Mỹ, châu Á (Bắc Kinh và Thượng Hải), cung cấp các dịch vụ trọn gói đối với các tài năng quốc tế muốn làm việc tại Singapore; Chương trình “Careers@Singapore” áp dụng đối với người nước ngoài đã làm việc ở Singapore 5-10 năm; Chương trình “Experience@Singapore” dành cho các sinh viên nước ngoài mới tốt nghiệp đại học.

Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, ví dụ, đối với ngành công nghiệp y sinh, Singapore đề ra mục tiêu chiến lược của ngành này nhằm phục vụ tăng trưởng kinh tế, phát huy thế mạnh của Singapore trong khoa học và thương mại hóa kết quả nghiên cứu với tư cách một trung tâm tầm cỡ toàn cầu về nghiên cứu công nghệ y sinh. Chính sách thu hút người tài trong ngành y sinh tập trung vào 3 nội dung: i) Xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành khu công viên khoa học y sinh mới như một hệ sinh thái tích hợp ba chức năng phục vụ môi trường làm việc, sống và giải trí thư giãn; ii) Thu hút các công ty công nghệ y sinh quốc tế đầu tư vào Singapore; và iii) Tuyển dụng các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới nhằm thúc đẩy gắn kết giữa nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Để thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào ngành công nghệ y sinh tại Singapore, chính sách ưu đãi thuế và tài chính không phải là quan trọng nhất (như ở Trung Quốc, Ấn Độ). Đối với Singapore, đó là tiêu chuẩn bảo hộ cao đối với các quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cho phép doanh nghiệp nước ngoài thu hút tài năng vào làm việc; môi trường nói tiếng Anh; cơ hội phát triển kinh doanh.

IV. Một số vấn đề gợi suy đối với Việt Nam

1. Tư duy chiến lược và văn hóa đổi mới sáng tạo

Các thành công của Singapore bắt nguồn từ một triết lý và tư tưởng phát triển đất nước vô cùng sâu sắc của người đứng đầu quốc đảo này – Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ông nói: “Để Singapore tồn tại được, chúng ta không thể chỉ là một quốc gia tầm thường. Chúng ta phải nỗ lực phi thường, chúng ta phải trở nên khác biệt”.3

Đó là vấn đề tư duy chiến lược về phát triển, có được từ tầm nhìn và văn hóa đổi mới sáng tạo mà người đứng đầu đất nước mong muốn trở thành đặc tính dân tộc được thấm nhuần trong đội ngũ cán bộ đại diện cho quyền lực công cho tới các tầng lớp nhân dân. Văn hóa suy nghĩ khác biệt và tôn trọng sự khác biệt, văn hóa dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn của mình để dám dấn thân sáng tạo, mơ giấc mơ lớn ra ngoài biên giới quốc gia, và nỗ lực phi thường để biến giấc mơ thành hiện thực. Chính giấc mơ lớn muốn đưa đất nước phải vượt lên phát triển cao hơn, khác biệt so với phần còn lại của thế giới đã thôi thúc lãnh đạo và người dân Singapore đồng tâm, hiệp lực thực hiện các mục tiêu vô cùng tham vọng của Chính phủ, và họ đã thành công.

Đối với Việt Nam, chính sách của Chính phủ cũng nên tính tới chiến lược dài hạn, giáo dục quan trí và dân trí theo hướng dũng cảm đổi mới tư duy và khuyến khích văn hóa sáng tạo, suy nghĩ khác biệt và tôn trọng sự khác biệt, không sớm thỏa mãn với những gì đã đạt được để luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân và đưa đất nước tiến về phía trước. Đối với hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (National Innovation System), chúng ta cũng cần ba nhân tố để bảo đảm thành công, đó là: i) Tự chủ và tự do học thuật; ii) Đội ngũ cán bộ khoa học thực tài; iii) Lòng dũng cảm của các nhà khoa học dám thử và sai, chấp nhận mạo hiểm và thất bại, có hoài bão cống hiến vì một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng.

2. Chính sách công vì con người và sứ mệnh phụng sự nhân dân

Sáng kiến về các con đường xanh thư giãn kết nối các công viên trong toàn thành phố, các con đường đi bộ có mái che từ bến tàu điện ngầm, bến xe buýt tới khu dân cư, các tòa nhà cao tầng phủ màu xanh của thiên nhiên, các triển lãm truyền thông về tầm quan trọng của nước và giải pháp biến nước biển thành nước ngọt, xử lý nước thải thành nước sinh hoạt, các khu vườn trong vịnh (Garden by the Bay) có được nhờ lấn biển để người dân được tận hưởng vẻ đẹp của các hệ thực vật khác nhau trên hành tinh, v.v… đã hướng người dân Singapore tới lối sống lành mạnh gần gũi với thiên nhiên, sử dụng phương tiện công cộng, tiết kiệm tài nguyên nước, trân trọng và bảo vệ môi trường sống.

Chính sách quốc gia xuất phát từ người dân và vì chất lượng cuộc sống của người dân sẽ dẫn các nhà hoạch định chính sách đến các giải pháp chính sách thông minh, vì con người và có thể điều chỉnh hành vi con người. Điều đó chỉ có được khi sứ mệnh phụng sự nhân dân được mọi công chức trong nền công vụ thấu hiểu, tôn trọng và thực hiện. Đó không chỉ là công vụ và nghĩa vụ, đó là vinh dự của hệ thống công quyền.

3. Thu hút người tài cần chính sách đồng bộ

Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình kinh tế từ thâm dụng lao động sang nền kinh tế dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo, vấn đề có được lực lượng lao động có kỹ năng và trình độ cao càng trở nên quan trọng đối với Việt Nam. Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, cần có chính sách đồng bộ về đào tạo, thu hút, sử dụng và trọng dụng người tài. Đồng thời, kết hợp song song chính sách nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong nước với chính sách thu hút nhà khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.

Điều quan trọng là các giải pháp cần phải đồng bộ, kết hợp giữa xây dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi; môi trường học thuật tiên tiến; hình thành hệ sinh thái đồng sáng tạo tích hợp nhiều tiện ích phục vụ hoạt động nghiên cứu và làm việc, sống và thư giãn đối với nhà khoa học và gia đình họ. Chính sách về tiền lương và thu nhập cần thiết nhưng không phải là quan trọng nhất.

————————————-

Chú thích:

(1) Nguồn: Báo cáo xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017-2018 được công bố bởi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
(2) Nguồn: Báo cáo xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
(3) “For Singapore to survive, we could not be an ordinary country. We had to make extra-ordinary efforts, we had to be different” – Former Prime Minister Lee Kuan Yew.

Theo TRẦN THỊ THU HƯƠNG / TẠP CHÍ TIA SÁNG 

Tags: ,