⠀
Bắc Phi: Đấu trường địa chính trị mới của NATO – Nga – Trung Quốc
Bắc Phi đang dần trở thành một phần trong khu vực lợi ích chiến lược của NATO, vì đây đang trở thành nơi đối đầu với Nga và Trung Quốc. Tây Ban Nha sẽ đóng vai trò không nhỏ trong cuộc đụng độ này. Chiến lược mới của NATO đã đặt Bắc Phi vào vùng lợi ích quan trọng của mình ở sườn phía Nam.
Bản đồ chính trị-quân sự mới của tổ chức này đã lần đầu tiên đề cập đến một chiến tuyến tiến về phía Nam, hướng tới lục địa đen, ngay cả khi các tuyên bố, văn kiện và dự án của NATO đều trao vai trò chính cho sườn phía Đông châu Âu, nơi Nga đang thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bắc Phi được nhắc đến trong số các khu vực tạo thành đấu trường đối đầu giữa NATO và Nga. Tổng Thư ký của khối Jens Stoltenberg đã cảnh báo: “Cả Moscow và Bắc Kinh đều đang sử dụng đòn bẩy kinh tế, sự ép buộc và phương pháp tiếp cận hỗn hợp để thúc đẩy lợi ích của họ trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi”. Do mức độ ảnh hưởng của Moscow tại Bắc Phi ở các cấp độ kinh tế, quân sự… (ở Libya, Algeria và Morocco), nên cuộc bỏ phiếu chống lại Nga trong hồ sơ Ukraine của NATO tại Liên Hợp quốc gặp nhiều khó khăn. Algeria bỏ phiếu trắng, Mauritania lên án hành động của Nga, trong khi đại diện của Morocco thậm chí không có mặt tại phiên họp của Liên Hợp quốc. Điều này cho thấy lợi ích quốc gia là yếu tố chính trong các quyết định của mỗi quốc gia, nhưng điều đó chưa chắc khiến quan điểm của các quốc gia Bắc Phi rõ ràng hơn trong các cuộc xung đột trong tương lai.
Vai trò của Tây Ban Nha có lẽ sẽ là một trong những điều làm sáng tỏ quan điểm tương lai của Bắc Phi qua các sự kiện chiến lược sắp tới. Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid, ngày 29/6/2022, Tây Ban Nha đã soạn thảo một lộ trình mới cho Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương và lộ trình này đã được thông qua, trong đó khẳng định rằng sườn phía Nam của NATO cũng quan trọng như các sườn khác. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết: “Chúng tôi đã đảm bảo rằng sườn phía Nam của NATO không bị lãng quên”. Đây là lý do tại sao vai trò của Tây Ban Nha là yếu tố quan trọng để hiểu được tình hình hiện tại ở Bắc Phi và triển vọng của khu vực này.
Tây Ban Nha đã bước vào một giai đoạn mới trong quan hệ chiến lược với Morocco và nhờ vai trò trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO, nước này đã trở thành đại diện của NATO về vấn đề di cư và chống khủng bố. Trong khi đó, Mauritania đã khởi động lại việc phê chuẩn Thỏa thuận hợp tác, láng giềng hữu nghị với Madrid được ký năm 2008. Tây Ban Nha đang tránh xa Algeria vì vấn đề Tây Sahara. Tình hình căng thẳng giữa hai quốc gia này đã dẫn đến việc sử dụng dầu khí làm vũ khí, thứ mà NATO coi là bị cấm đối với bất kỳ quốc gia thành viên nào.
Trong danh sách các cuộc khủng hoảng xảy ra ở những nước châu Phi tiếp giáp với không gian của NATO, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đề cập đến vấn đề khủng bố, di cư bất hợp pháp, mối đe dọa sử dụng khí đốt và dầu mỏ làm vũ khí và cái gọi là cuộc chiến tranh hỗn hợp trong đó các lãnh thổ của Bắc Phi là một phần nguồn gốc ảnh hưởng của các lực lượng bên ngoài. Đây có lẽ là chủ ý trong phát biểu của ông Jens Stoltenberg, khi lưu ý rằng các quốc gia thành viên NATO lo ngại về Nga và nguyện vọng của Trung Quốc trong việc mở rộng chính trị, kinh tế và quân sự về phía nam NATO. Liên minh này chỉ ra sự bất ổn có thể gây ra bởi sự gia tăng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc nên muốn thuyết phục các đối tác tại Bắc Phi tỏ rõ quan điểm không đối kháng với NATO. Đây chính là lý do lần đầu tiên tài liệu chiến lược của NATO coi Trung Quốc là một ‘‘thách thức’’ đối với ‘‘các lợi ích’’ và ‘‘an ninh’’ của khối. Một bước ngoặt thực sự trong tiến trình hoạt động của NATO.
NATO còn cáo buộc Trung Quốc nhắm mục tiêu vào thành viên trong liên minh bằng các “hoạt động không gian mạng độc hại và luận điệu đối đầu, sử dụng loạt công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường hiện diện và phô diễn sức mạnh toàn cầu, trong khi mập mờ về chiến lược, ý định và các hoạt động tăng cường quân đội”. NATO lo ngại về các khoản đầu tư chiến lược trong tương lai của Bắc Kinh ở Địa Trung Hải, ở các nước châu Phi phía Nam Sahara và ở Bắc Phi.
Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và với tư cách là một đối tác chiến lược mà không có sự hiện diện quân sự chính thức. Bắc Kinh có quan hệ chặt chẽ với Marocco, một đồng minh của NATO và EU. Mauritania cũng không từ bỏ triển vọng hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Đây cũng là trường hợp của Algeria. Còn John Calabrese, người đứng đầu Dự án Trung Đông-Á tại Đại học American, cho biết ông không tin rằng Nga và Trung Quốc gây ra các mối đe dọa an ninh lớn, trực tiếp ở Trung Đông hoặc châu Phi đối với các lợi ích của Mỹ và châu Âu.
Joseph Siegle, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi, cho biết NATO trước đây tập trung vào an ninh châu Âu, đặc biệt là các mối đe dọa từ Nga. Theo ông, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều sự chú ý đến châu Phi, chủ yếu là do lo ngại về số lượng người tị nạn ngày càng tăng. Ông cho biết: “Tôi tin rằng những tuyên bố mới nhất của NATO đối với châu Phi và Trung Đông phần lớn là kết quả của việc Nga ngày càng có ảnh hưởng lớn ở Bắc Phi, vốn là mối đe dọa đối với sườn phía Nam của NATO”.
Ông nói, ví dụ, Nga đang tiến hành các hoạt động quân sự ở Libya, với mục đích cài đặt ủy nhiệm của họ ở Tripoli. Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Algeria và có quan hệ chặt chẽ với Ai Cập và Sudan”. Theo ông Siegle, NATO cũng lo ngại rằng Nga sẽ đạt được đòn bẩy đối với các tuyến đường di cư và tị nạn quan trọng tới châu Âu, đặt Nga vào tình thế có thể gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị ở châu Âu như đã làm với việc thao túng dòng người tị nạn Syria.
Tóm lại, tương lai gần sẽ không mấy rõ ràng với các quốc gia Bắc Phi, ngoại trừ những quốc gia đã có lập trường cứng rắn trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Với cả NATO, Nga và Trung Quốc, sẽ là sai lầm lớn nhất nếu chọn cái nhìn hạn hẹp về tình hình và từ bỏ mọi sự hợp tác để xây dựng một liên minh Bắc Phi hiệu quả có khả năng đóng vai trò thiết lập sự cân bằng chiến lược toàn cầu.
Theo AN NINH THẾ GIỚI
Tags: NATO, Bắc Phi, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha