Ảnh hưởng của nền âm nhạc Nga đến đời sống âm nhạc Việt Nam

Ca khúc Nga mang đến cho người nghe những cảm xúc chân thành, niềm tin yêu và tinh thần lạc quan phơi phới. Chất nhân văn ấy đã khiến cho những giai điệu đẹp từ nước Nga vượt qua muôn trùng khoảng cách, đến với trái tim hàng triệu người yêu nhạc Việt Nam dù đã hay chưa một lần đặt chân tới nước Nga.

Là một đất nước rộng lớn, trải dài từ Á tới Âu, có sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, nước Nga có truyền thống âm nhạc chuyên nghiệp tuy không phải sớm, nhưng khá nổi bật trên thế giới. Thế kỷ XVII, trường phái âm nhạc chuyên nghiệp của Nga mới xuất hiện nhưng tới thế kỷ XIX, âm nhạc Nga bước vào thời kỳ “được thế giới công nhận thông qua những sáng tác của Glinka” (1). Tiếp sau Glinka – Puskin của âm nhạc Nga, nhiều thế hệ nhạc sĩ nổi tiếng của Nga đã làm nên một trang sử rạng danh cho đất nước với tên tuổi của rất nhiều nhạc sĩ như: thế kỷ XIX có A. Aliabiev, A. Varlamov, các nhạc sĩ nhóm Khỏe (M.P. Mussorgsky, A.P. Borodin, N.A. Rimsky-Korsakov)… và đặc biệt phải kể tới nhạc sĩ P.I. Tchaikovsky – “ông đã đưa âm nhạc Nga lên đến đỉnh cao” (2). Thế kỷ XX, nền âm nhạc nước Nga thực sự như một vườn hoa muôn màu sắc. Thế giới đã khẳng định những đóng góp của các nhạc sĩ tài năng của nước Nga ở thế kỷ XX như I. Stravinsky, A. Scriabin, S. Rachmanhinov, S. Prokofiev, D. Shostakovich, A. Khachaturian.
.

Bài viết của tác giả Lê Xuân Hảo, lớp Cao học k5 – Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc nghệ trình nghệ thuật, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương.

Ca khúc Nga là những bài hát do các nhạc sĩ Nga và Liên Xô (cũ) sáng tác, được người Việt Nam sử dụng trong hoạt động ca hát chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong nhiều năm qua.

Trong ca khúc Nga là những hình ảnh về đất nước Nga hùng vĩ, tươi đẹp, thơ mộng; là tiếng lòng tha thiết của những đôi trai gái yêu nhau; là những điệu nhảy đậm chất dân gian nhiệt thành, sôi nổi; là chân dung những con người Nga giản dị, nồng hậu, thông minh trong xây dựng đất nước nhưng quả cảm và nghị lực trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc… Ca khúc Nga không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống âm nhạc Nga mà còn ở nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Bài viết này xin giới thiệu đôi nét về vai trò của ca khúc Nga trong đời sống âm nhạc Việt Nam.

Trong đời sống xã hội

Việt Nam và Nga vốn có tình hữu nghị gắn bó keo sơn từ giữa thế kỷ XX trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, quân sự chính trị… Ngay những năm giữa thế kỷ ấy, nhiều cán bộ, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, du học sinh… của Việt Nam đã sang Nga để học tập và nhiều chuyên gia Nga cũng sang làm việc tại Việt Nam. Vì thế, văn hóa, giáo dục và đặc biệt là âm nhạc của Nga đã có ảnh hưởng khá lớn đến đời sống xã hội nước ta.

Nước ta đã tiếp thu và biết đến nhiều nhà văn, nhà thơ cũng như những tác phẩm văn học nổi tiếng của Nga. Những tên tuổi như A. Puskin, F.M. Dostoievsky, L. Tostoy, A. Tchekhov, M.A. Solokhov, C. Aitmatov… đã một thời là thần tượng của nhiều người yêu văn học Việt Nam. Các tác phẩm như Năm đêm trắng của F. Dostoievsky, Chiến tranh và hòa bình của L. Tostoy, Sông Đông êm đềm của M. Solokhov, Tuyển tập truyện ngắn của A. Tsekhov, Tuyển tập thơ, truyện ngắn của A. Puskin, Cây phong non trùm khăn đỏ của C. Aitmatov, Cánh buồm đỏ thắm của A. Grin, tập truyện ngắn thiếu nhi Bình minh mưa của K. Pautovsky… đã trở thành sách gối đầu giường, là niềm đam mê của nhiều thế hệ người Việt Nam.

Người Việt Nam những năm 70, 80 của thế kỷ XX say mê với những phim truyện của Nga với đủ các thể loại phim về chiến tranh, tâm lý xã hội, phim khoa học, hoạt hình, thần thoại… có thể kể đến như: Chiến tranh và hòa bình, Giải phóng, Chàng ngốc, Khi đàn sếu bay qua, Bài ca người lính, Năm đêm trắng, Bản sonate ven hồ, Moskova tình yêu của tôi, Cánh buồm đỏ thắm, Lửa nước và ống đồng, Câu chuyện vua Saltan…

Trong lĩnh vực âm nhạc, sau năm 1954 ở miền Bắc, âm nhạc của Nga cùng với văn hóa – nghệ thuật của các nước xã hội chủ nghĩa được giới thiệu rộng rãi và phổ biến thường xuyên trên Đài phát thanh, các sân khấu ca nhạc, các câu lạc bộ sinh hoạt văn nghệ của học sinh, sinh viên… Nga có sự ảnh hưởng đến một số lĩnh vực như biểu diễn, đào tạo, nghiên cứu… âm nhạc của nước ta. Nhiều giáo trình, sách; phương pháp dạy học âm nhạc của Nga được các nhà sư phạm, nghiên cứu chọn lọc tiếp thu từ Nga như giáo trình Lý thuyết âm nhạc của V.A. Khrameev, sách giáo khoa Hòa âm của bốn tác giả người Nga (Y. Dubovsky, S. Evseev, Y. Sposobin, V. Sokolov)…; tư liệu lịch sử âm nhạc, thể loại âm nhạc, phân tích tác phẩm, xướng âm, sách dạy học thanh nhạc…; nhiều sách dạy học piano, violon và cho nhiều nhạc cụ phương Tây khác… Trong thời kỳ chiến tranh, kinh tế khó khăn, Nga đã hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo, cử chuyên gia sang dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam, cho các học sinh, sinh viên sang học tại các trường âm nhạc của Nga trong đó có Nhạc viện Tchaikovsky. Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn đoạt giải Nhất kỳ thi quốc tế âm nhạc Chopin tại Ba Lan năm 1980 cũng nhờ có sự hỗ trợ, giúp sức của giáo sư người Nga khi anh học ở đây.

Chính vì mối quan hệ như vậy mà âm nhạc Việt Nam những năm 60 – 90 thế kỷ XX có sự ảnh hưởng lớn của Nga. Các tác phẩm của Nga, phong cách âm nhạc Nga, phương pháp dạy học âm nhạc của Nga… được người Việt tiếp thu. Có thể nói, đời sống âm nhạc Việt Nam có ảnh hưởng không nhỏ dấu ấn của âm nhạc Nga, trong đó có ca khúc.

Người Việt Nam những năm khoảng nửa sau thế kỷ XX rất quen thuộc với nhiều bài hát Nga. Âm nhạc Nga trữ tình, hồn hậu, giai điệu đẹp, phù hợp với thẩm mỹ và tâm hồn của người Việt Nam. Ca khúc Nga mang đến cho người nghe những cảm xúc chân thành, niềm tin yêu và tinh thần lạc quan phơi phới. Chất nhân văn ấy đã khiến cho những giai điệu đẹp từ nước Nga vượt qua muôn trùng khoảng cách, đến với trái tim hàng triệu người yêu nhạc Việt Nam dù đã hay chưa một lần đặt chân tới nước Nga. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, những bài hành khúc như Cachiusa, Bài ca thời thanh niên sôi nổi, Cuộc sống ơi ta mến yêu người và cả những bài hát trữ tình như Đôi bờ (A. Eshpai, thơ: G. Pozhenyan), Siberi nở hoa (V. Muradeli, thơ: E. Iodkovsky), Cây thùy dương (E. Rodygin) đã cùng hành quân trên đường Trường Sơn, cùng ra trận với người chiến sĩ, là niềm vui tinh thần của người dân Việt Nam nơi hậu phương. Có lẽ, những năm 70, 80 của thế kỷ XX, hầu như những người Việt Nam yêu âm nhạc, ai cũng từng hát một bài hát Nga nào đó. Trong các trường học phổ thông hay đại học, học sinh và sinh viên gần như ai cũng thuộc hay ít nhất thì cũng biết các bài hát Bài ca thời thanh niên sôi nổi, Cachiusa, Cuộc sống ơi ta mến yêu người. Tiết tấu hành khúc, tính chất tập thể dễ hát, dễ thuộc, giai điệu lôi cuốn của các ca khúc đó đã hấp dẫn các bạn thanh niên. Trong những ngày hội trường, hội diễn, biểu diễn văn nghệ… các bài hát Nga có mặt trên sân khấu trở nên hết sức thân thuộc.

Từ sau năm 1975 và đến nay, chiến tranh đã qua đi, mối quan hệ quốc tế của nước ta đã vô cùng rộng mở, chúng ta không chỉ quan hệ với các nước XHCN mà còn với nhiều nước khác trên thế giới. Nhạc nhẹ đã vào Việt Nam, với sự mới mẻ, hấp dẫn của nó mở ra một thời đại mới trong âm nhạc, nhất là trong đời sống ca khúc quần chúng. Tuy vậy, vẫn có nhiều người thuộc và thích hát các bài hát Nga. Sức sống của các bài như Chiều ngoại ô Moskova, Cây thùy dương, Syberi nở hoa, Đôi bờ, Đỉnh núi Lê nin, Chiều hải cảng… dường như bất diệt trong lòng người Việt. Các bài hành khúc tạm thời lắng xuống, thay vào đó, các ca khúc trữ tình được hưởng ứng hơn, người ta hát thêm những bài như Tình ca du mục (B. Formin, thơ: K. Podrevsky), Triệu bông hồng (R. Pauls, thơ: A. Voznesensky)… Những giai điệu trữ tình của các bài hát đó đã làm rung động thế hệ trẻ hiện nay dù họ không sống trong thời kỳ trước đó. Nhiều bài hát thiếu nhi của Nga cũng được trẻ em Việt Nam yêu thích như Hãy để mặt trời chiếu sáng, Ở trường cô dạy em thế, Nụ cười… Các bài hát này còn được lựa chọn vào trong chương trình dạy học âm nhạc ở cấp trung học cơ sở hiện nay.

Trong thanh nhạc

Trước khi có âm nhạc mới, ca hát cổ truyền Việt Nam là những thể loại như Ca trù, Chèo, Quan họ, Xoan, Ghẹo, Ví, Dặm… và những thể loại Hò, Lý, Hát ru… của nhiều vùng nhiều dân tộc trải dài từ Bắc tới Nam. Lối hát cổ truyền theo đặc trưng của từng thể loại như Quan họ hát vang, rền, nền, nảy; Chèo cũng gần tựa như Quan họ nhưng khác đôi chút về cách luyến láy, nảy, ngân rung; Ca trù hát ém hơi, đổ con kiến… nhưng quy tụ lại, có một số điểm chung là: hát tròn vành, rõ chữ, chủ yếu hát bạch thanh (giọng tự nhiên).

Nền thanh nhạc mới Việt Nam được hình thành từ khi có nền âm nhạc mới vào khoảng những năm 30 thế kỷ XX. Khi có những sáng tác ca khúc theo kiểu châu Âu thì thanh nhạc Việt Nam cũng học tập lối hát châu Âu. “Sau khi ra đời nền nhạc mới Việt Nam, bên cạnh ca hát cổ truyền, chúng ta có thêm ca hát nhạc mới theo phong cách châu Âu. Lúc đầu đội ngũ những người hát nhạc mới được đào tạo trong các trường học của Pháp hoặc là những ca sĩ ca hát trong các quán bar, các phòng trà, tiệm nhảy”. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp thì những người hát nhạc mới là những người đã từng ca hát trước đó và họ tham gia phục vụ kháng chiến. Họ là “những diễn viên của các đoàn nghệ thuật kháng chiến hoặc là những người nổi lên trong các phong trào nghệ thuật quần chúng. Dần dần, họ có kinh nghiệm trong ca hát, trở thành lực lượng nòng cốt của nền thanh nhạc mới Việt Nam”(5). Những ca sĩ có tên tuổi thời kỳ đó và cả đến sau này ngoài Thương Huyền, Mai Khanh có thêm Quốc Hương, Khánh Vân…

Từ khi học tập lối hát châu Âu, các khái niệm về cộng minh, chuyển giọng, thanh khu giọng đầu, giọng ngực, giọng pha, giọng chuyển… hát legato (liền tiếng), staccato (nảy tiếng), pasage (nhanh, nhiều nốt) là những khái niệm mới mẻ và dần được người Việt Nam tiếp thu.

Kỹ thuật thanh nhạc châu Âu thực sự trở thành một lối hát và được đưa vào giảng dạy trong các trường âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam từ sau năm 1954, nhất là sau khi Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập năm 1956. Khoa Thanh nhạc trong các trường này đào tạo ca hát nhạc mới theo mô hình của châu Âu, có chương trình, giáo trình, đội ngũ giáo viên là những ca sĩ nổi danh từ những thời kỳ trước cách mạng hoặc là người được đào tạo từ trong, ngoài nước và có các chuyên gia nước ngoài như Nga, Trung Quốc, Triều Tiên…

Về các bài hát Nga được đưa vào chương trình đào tạo thanh nhạc ở Việt Nam ta thấy có một số nguồn: Trước hết, đó là do chiến lược phát triển âm nhạc của đất nước. Nước ta thời kỳ sau 1954 có sự bang giao thân thiết với với các nước xã hội chủ nghĩa. Vì thế, ngoài các mối quan hệ hợp tác về chính trị, quân sự, kinh tế thì giáo dục trong đó có giáo dục âm nhạc cũng có chiến lược hợp tác với các nước XHCN mà sự hợp tác với Liên Xô rất chặt chẽ. Từ đường lối của Đảng và Nhà nước, các nhà quản lý, lãnh đạo các trường chuyên nghiệp có những chính sách trong vấn đề học tập tiếp thu xây dựng chương trình đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp dựa vào chương trình của các nước bạn. Sự hợp tác được biểu hiện ở nhiều mặt trong đó đầu tiên phải kể đến sự giúp đỡ của các chuyên gia thanh nhạc. Các chuyên gia thanh nhạc sang Việt Nam tham gia giảng dạy, phổ biến các phương pháp thanh nhạc. Đi đôi với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài như Nga, Trung Quốc, Triều Tiên… về phương pháp dạy thanh nhạc thì nội dung chương trình đào tạo thanh nhạc cũng có sự tiếp thu của các nước đó và kèm theo là các giáo trình, sách dạy học thanh nhạc và các tác phẩm âm nhạc tiêu biểu của các nước bạn cũng được phổ biến đến Việt Nam. Đây là nguồn chính để các bài hát Nga đưa vào chương trình đào tạo thanh nhạc ở nước ta.

Một nguồn nữa để các bài hát Nga được đưa vào chương trình đào tạo thanh nhạc ở Việt Nam là do các ca sĩ, giảng viên người Việt Nam được đi đào tạo ở Nga. Do được hát, được tiếp xúc với nền âm nhạc Nga trong quá trình học tập ở Nga, các ca sĩ, giảng viên Việt Nam nhận thấy những ưu điểm, những kỹ thuật quan trọng trong thanh nhạc phương Tây có thể áp dụng phù hợp với giọng hát của người Việt Nam để phát triển kỹ thuật thanh nhạc chuyên nghiệp. Chính vì thế, họ đã mang những tác phẩm mà họ được học về nước để biểu diễn, để giảng dạy cho học sinh của mình.

Các bài hát Nga không chỉ có giai điệu đẹp, trữ tình, lôi cuốn, hấp dẫn hay hào hùng, rực lửa, thôi thúc ý chí nghị lực kiên cường mà ở đó còn tập trung những kỹ thuật thanh nhạc phong phú như legato, staccato, marccato, ngân dài, hát nhanh… có âm vực rộng với những quãng phức tạp để có thể phát triển điêu luyện cho giọng hát cá nhân cũng như hòa bè hát tập thể. Đơn cử dẫn chứng bài Chim họa mi của Solovyov Sedoi, để hát được bài này phải có kỹ thuật thanh nhạc bel canto tốt, đặc biệt là kỹ thuật legato, âm vực của bài rộng, có những quãng nhảy xa và nhiều tổ mô tiến đi xuống liên tiếp đòi hỏi cách hát các âm khu trầm, trung, cao phải rất đều màu, giữ chắc vị trí âm thanh… Ngoài ra, sắc thái trong bài cũng khá phong phú: p, f, to dần, nhỏ dần… nên người hát phải có kỹ thuật xử lý tinh tế.

Như trên đã nêu, trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, nhiều bài hát Nga được người Việt Nam yêu thích và hát trong đời sống hàng ngày. Điều đó cũng là động lực, một sự đòi hỏi với các nghệ sĩ, ca sĩ luyện tập, học hát các bài hát Nga để biểu diễn cho công chúng trong những ngày lễ, hội, liên hoan, trong các cuộc giao lưu, gặp gỡ…

Các bài hát Nga được dùng trong thanh nhạc, đại thể là ngoài những bài được phổ biến trong đời sống xã hội Việt Nam như Cây thùy dương, Chiều ngoại ô Moskova, Chiều hải cảng, Bài ca Tổ quốc, Cuộc sống ơi ta mến yêu người, Bài ca thời thanh niên sôi nổi, Triệu đóa hồng, Đôi bờ,… thì còn có một số bài khác nữa. Đó là những bài trong chương trình thanh nhạc của Nhạc viện như aria, romance, ca khúc… của các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới như P.I. Tchaikovsky, M.I. Glinka…

Ca khúc Nga không chỉ được sử dụng để dạy học trong Nhạc viện mà còn ở nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc của các trường nghệ thuật và cả ở các trường sư phạm âm nhạc trong môn Thanh nhạc và cả một số môn khác như Xướng âm, hát Hợp xướng, Phân tích tác phẩm…

Tóm lại, ca khúc Nga có vai trò khá quan trọng trong đời sống âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là ở những năm nửa sau thế kỷ XX. Hiện nay ca khúc Nga vẫn có một vị trí không thể thiếu trong chương trình dạy học âm nhạc nói chung và thanh nhạc nói riêng ở nước ta.

—————————–

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Tố Mai (2014), Giáo trình Lịch sử âm nhạc thế giới – phần châu Âu từ khởi đầu đến cuối thế kỷ XIX hệ ĐHSP Âm nhạc (tập 1, 2), Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.
2. Nguyễn Thị Tố Mai (2014), Opera Việt Nam (tập 1,2,3), Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

Theo ĐH SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG

Tags: , , ,