⠀
Bản nhạc kèn ‘Hồn tử sĩ’ ra đời như thế nào?
“Mi mi mi mi
rê mi đô si đô la
Mi mi rê mi đô
si đô la sol la mi…”
Đây là những nốt nhạc mà dàn kèn thường hòa tấu trong các buổi tang lễ cấp nhà nước, cấp tỉnh và các quân khu. Bản nhạc ấy ta quen gọi là “Hồn tử sĩ”. Vậy “Hồn tử sĩ” có từ bao giờ và ai sáng tác?
Mở lại cuốn nhật ký ghi năm 1968, tôi dừng ở ngày 20/7, hôm đó anh chị em văn nghệ chúng tôi may mắn được gặp đủ mặt các nhân vật trong bộ ba “xe pháo mã” – “ Hoàng Mai Lưu” (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước) tại Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN). Qua buổi gặp gỡ, chúng tôi đã hiểu thêm về phong trào văn hóa văn nghệ yêu nước trong giới sinh viên học sinh trước, trong và sau cách mạng tháng 8/1945. Vì sắp đến ngày “Thương binh, liệt sĩ” nên cuối buổi gặp gỡ chúng tôi hỏi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước về bản nhạc “Hồn tử sĩ”. Ông cho biết:
Cuối năm 1942 và đầu năm 1943 Tổng hội Sinh viên Đông Dương tổ chức đợt cắm trại (31/12 và 1/1) tại Mê Linh. Tấm gương hai bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị) gắn liền với Mê Linh, sông Hát nên trong dịp đó tôi đã hoàn thành cơ bản bài hát “Hát giang trường hận” (lời thơ của Phan Mai) để tưởng nhớ các tướng sĩ của Hai Bà Trưng. Ba tháng sau đó tôi mới sửa lại và tập cho anh chị em sinh viên cùng hát:
“Đêm khuya âm u ai khóc than trong gió đàn
Xác quân Trưng nữ vương rơi ngổn ngang trên nước tràn
Hồn ai đang thổn thức trên sông
Hồn quân Nam đang khóc trên sông…”
Tháng 5/1946 theo gợi ý của các anh lãnh đạo chính quyền: Trần Văn Giàu,Tô Ký, anh Hồng Lực và tôi bàn nhau sửa chữa và đổi tên bài “Hát giang trường hận” thành “Chiêu hồn tử sĩ” để tưởng nhớ và chiêu hồn các anh hùng liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Anh Trần Văn Giàu rất hoan nghênh và để nghị chỉ để 3 chữ là “Hồn tử sĩ”. Tôi thấy cũng hợp lý và hồi ấy anh Đỗ Nhuận cũng đã có ca khúc cùng tên như thế (Chiêu hồn tử sĩ – sau này anh đổi lại là Mặc niệm đồng chí). Sang năm 1947 Chính phủ quyết định lấy ngày 27/7 làm ngày nhớ ơn các thương binh và liệt sĩ. Từ đó “Hồn tử sĩ” được hát lên bằng tốp ca hoặc đồng ca trong các buổi tang lễ tiễn đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng. Cuối năm đó bản nhạc kèn được tấu lên thay cho lời hát như chúng ta từng nghe. Từ sau năm 1954, chính quyền và quân đội Sài Gòn cũng sử dụng bản nhạc này trong các lễ truy điệu. Một bài hát đặc biệt khi cả hai chế độ đối kháng nhau lại cùng sử dụng trong cùng giai đoạn.
Về khúc thức của giai điệu, lúc đầu viết theo nhịp 4/4, nhưng sau tôi chuyển sang nhịp 2/4 có pha thêm một đọan nhịp 3/4, một đoạn nhịp 6/8 và cuối bài trở về nhịp 2/4 cho chậm rãi, thể hiện được sự nhớ thương và tỏ lòng tôn kính ngưỡng mộ những chiến tích mà các liệt sĩ đã lập nên. Khi đổi tên là “Hồn tử sĩ”, chúng tôi thống nhất chỉ lấy đoạn cuối của bài hát để hòa tấu bằng nhạc kèn. Cái đoạn này cũng đã có những gợi ý của anh Huỳnh Văn Tiểng và anh Mai Văn Bộ, trước đó các anh còn nhắc đến hai câu thơ trong “Chinh phụ ngâm”: “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi/ Mặt chinh phu trăng rọi rọi soi”.
Và “Hồn tử sĩ” dài 117 ô nhịp, mở đầu bằng những câu:
“Đêm khuya âm u ai khóc than trong sương mù?
Gió rít qua lũy tre như nghiến răng vương mối thù
Hồn ai kia đau xót chơi vơi?
Hồn quân Nam căm uất chưa nguôi…”
Khi chuyển cho dàn nhạc kèn để hòa tấu, chúng tôi trích đoạn cuối của bài chỉ có 35 ô nhịp để sử dụng cho ngắn gọn và có thể lặp đi lặp lại dễ dàng. Đoạn ấy có lời như sau:
“ Nhân dân đau thương ghi nhớ ơn của bao người
Chiến đấu dâng tấm thân cho nước nhà, cho giống nòi
Nhìn gương xưa liệt sĩ nêu cao
Lòng sôi lên cương quyết noi theo
Nước mắt rớt xuống bao xót thương bên nấm mồ
Khói bốc nghi ngút bay quyện lá cờ
chưa khô máu những người con yêu quý thác vì nược non
Ngàn muôn năm Tổ Quốc ghi ơn”.
Mỗi lần dàn nhạc tấu lên, tôi lại nhớ đến hình ảnh của Lưu Hữu Phước – người nhạc sĩ cách mạng tài ba, có nhiều đóng góp cho đất nước, trong bộ ba “Hoàng – Mai – Lưu” mà lịch sử luôn nhắc đến.
Theo NHẠC SĨ DÂN HUYỀN / VOV
Tags: Âm nhạc, Thương binh - Liệt sĩ, Lưu Hữu Phước