Maya Plisetskaya – huyền thoại balê của nước Nga

Trong số những nữ nghệ sĩ balê bậc thầy thế giới đáng kể nhất là nữ kiện tướng balê Nga Maya Plisetskaya (1925-2015). Cho đến cuối đời, bà vẫn đem hết mình truyền thụ lại lớp nghệ sĩ trẻ cái hồn cốt của balê kinh điển Nga.

Maya Plisetskaya – huyền thoại balê của nước Nga

Nữ hoàng balê Nga sinh trưởng trong một gia đình gốc Do Thái, bố là nhà công nghiệp nổi tiếng, mẹ là diễn viên đóng phim câm. Từ 1932 đến 1936, bà sống với bố mẹ ở đảo Spitzbergen (Na Uy). Tại đây, lúc đầu phụ thân nữ nghệ sĩ lãnh đạo một mỏ than, sau đó là tổng lãnh sự Liên Xô. Cậu và dì ruột của M.Plisetskaya là những nghệ sĩ múa chuyên nghiệp của nhà hát Bolshoi Moskva và là những nhà sư phạm giỏi. Năm cô bé Maya mới 12 tuổi, bố bị bắt theo chỉ thị của Stalin và sau đó bị bắn (đến thời kỳ Khrusov mới được phục hồi danh dự), mẹ phải đi tập trung cải tạo. Trong cảnh côi cút ấy, người dì đã cưu mang cô bé, nuôi cho ăn học ở trường múa Moskva. Sau khi tốt nghiệp năm 1943, M.Plisetskaya được nhận vào nhà hát Bolshoi và đã rất nhanh chóng trở thành diễn viên balê chủ chốt của nhà hát.

Từ năm 1945 trở đi, tài năng balê của cô vũ nữ trẻ M.Plisetskaya bắt đầu rộ nở rực rỡ.Vai diễn đầu tiên của Maya là nàng tiên Osenin trong vở balê Nàng lọ lem của nhà soạn nhạc Prokofyev (1945), sau đó đóng xuất sắc vai bà chủ Mednaya Gora trong vở balê Bông hoa đá (1959) của Prokofyev (biên đạo múa Grigirivich), vai Mekhmene Bana trong vở Truyền thuyết tình yêu (1965), vai Raymond trong vở Raymond, vai Kitri trong Đông ki sôt, nhân vật Avro trong Người đẹp ngủ, vai Juliet trong Romeo và Juliet và nhiều vở balê nổi tiếng khác. M.Plisetskaya từng biểu diễn trong các vở kịch múa cùng các tốp múa nước ngoài, ví dụ: Sự hy sinh của Bông hồng (một phần của vở balê Vườn tình và loạt vai diễn khác. Trong bất kỳ vở balê nào M.Plisetskaya cũng đều hoàn thành tuyệt vời vai diễn của mình và rất được khán giả mến mộ.

M.Plisetskaya cũng là một biên đạo múa tài năng. Nổi bật nhất trong hoạt động này là đã dựng vở kịch múa Anna Karenina theo tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Nga Lev Tolstoy và nhiều vở balê khác có sự hợp tác cùng các đồng nghiệp. Một số nhà điện ảnh đã dựng phim tài liệu kể về thân thế và sự nghiệp của bà.

M.Plisetskaya được tặng thưởng rất nhiều giải thưởng, nhiều huân và huy chương cao quý của nhà nước Liên Xô và LB Nga. Đó là danh hiệu nghệ sĩ nhân dân Liên Xô, 3 huân chương Lênin, 3 huân chương Có công với tỏ quốc hạng I, hạng II và hạng III… Bà còn được tặng nhiều phần thưởng và các danh hiệu cao quý của nước ngoài, trong đó có thể kể tới huân chương Văn học nghệ thuật của Pháp (1984), giải thưởng hoàng gia quốc tế của Nhật (2006),… Từ 1994 ở Sant Peterburg thường tiến hành cuộc thi vũ balê quốc tế mang tên bà.

M.Plisetskaya là tác giả hai cuốn hồi ký Tôi, Maya Plisetskaya và 30 năm sau: những dấu vết buồn đau.

Một điều rất thần kỳ là, khi đã ở tuổi thất thập Maya Plisetskaya vẫn xuất hiện trên sàn diễn. Thậm chí cả khi tròn thượng thọ 80, nữ nghệ sĩ đã lại một lần nữa ra trước công chúng, thể hiện tiết mục Ave Maya do tác giả người Pháp Maurice Béjart soạn riêng cho bà. Hiển nhiên đây là điển hình duy nhất trong lịch sử balê thế giới về độ dài thời gian lao động sáng tạo nghệ thuật luôn luôn sáng chói.

Những vũ đạo gia nổi tiếng nhất dựng vở cho M.Plisetskaya, phục trang của nữ nghệ sĩ do những nhà tạo mốt thượng đẳng đảm nhận. Hình tượng M.Plisetskaya đi vào thơ ca nhạc họa. Bất kỳ nhà hát nào trên thế giới cũng mở rộng cửa đón chào bà, người ta mong mỏi được thấy bà trên sàn quay của phim trường. Hai từ huyền thoại là tước hiệu vinh quang mà M.Plisetskaya được nhận từ lâu và cho đến nay vẫn gắn liền với danh tính nữ nghệ sĩ.

Còn những mệnh danh khác dành cho M.Plisetskaya là vũ nữ balê bản năng, là thiên tài hóa thân.Và cuộc phân thân biến hình đầu tiên diễn ra trên sân khấu nhà hát Bolshoi Moskva, đã trở thành điều chính yếu trong số phận M.Plisetskaya. Đó là việc thể hiện vai diễn kép Odetta-Odillya, thiên nga trắng và thiên nga đen, trong tác phẩm balê Hồ thiên Nga của Traikovski. Chính với vai diễn này, nữ nghệ sĩ trẻ 22 tuổi đã giành được không chỉ hàng triệu trái tim của những người hâm mộ, mà còn cả muôn vàn người cố gắng diễn xuất mô phỏng theo hình mẫu M.Plisetskaya. Những năm tháng sau đó, cuốn tự truyện của bà, Tôi – Maya Plisetskaya, đã lập tức thu hút giới xuất bản và được dịch ra 12 thứ tiếng. Nữ nghệ sĩ đã viết về điều đó như sau: “Phong cách diễn xuất của tôi cũng đã có những cải tiến nhất định. Từ sàn diễn, từ màn ảnh truyền hình, thấp thoáng tôi nhìn thấy phảng phất những phản ánh khúc xạ nào đó của mình, có thể là một động tác của bàn tay, một góc cánh thiên nga, một nét ngẩng đầu, đưa cả thân mình về phía sau”.

Nhưng dù sao thì bắt chước M.Plisetskaya về tất cả – cách múa hăng say kỳ lạ, lối quay đầu rất điệu nghệ, mỗi động tác tạo hình uyển chuyển và vũ đạo tràn đầy biểu cảm – bao lâu nay vẫn là chuyện không thể. Diễn xuất nghệ thuật của Maya Plisetskaya đơn giản là làm công chúng mê say. Đã bao lần nữ nghệ sĩ buộc phải múa thêm, và bao lần hầu như không thể nghe được nhạc đệm bởi những tiếng vỗ tay hoan hô như sóng trào vang dội lấn át hết thảy. Danh tính nữ nghệ sĩ in trên tờ chương trình ở bất cứ nước nào cũng như một ma lực cuốn hút công chúng và đôi khi khán giả đã kiên quyết yêu cầu nhà hát tạo điều kiện cho họ chiêm ngưỡng M.Plisetskaya.

Nhà phê bình nghệ thuật người Pháp André Hersent đã tìm những từ đồng nghĩa với tên họ của M.Plisetskaya. Đó là những từ dũng cảm và tiền phong. Thật là sự trùng hợp bất ngờ, nhưng thực ra hết sức chính xác. M.Plisetskaya thuộc số những nghệ sĩ hàng đầu, nhờ họ mà nghệ thuật ghi dấu phát triển, cụ thể là trong nghệ thuật vũ đạo. Bà thực sự đã khơi nguồn tìm kiếm lối biểu đạt cách tân. Cần nói thêm, bà đã làm như vậy ngay từ thời xô viết, khi ở đất nước quê hương của bà cụm từ tiền phong trong nghệ thuật người ta dùng để tỏ thái độ mạ lị, bài xích. Và cách hành xử của nữ diễn viên múa balê từ thuở đó đã không chỉ một lần cho thấy sự dũng cảm và lòng can đảm ở người phụ nữ có thân hình mảnh dẻ. Chỉ cần nhớ lại câu chuyện với kiệt tác balê Tổ khúc Carmen, do vũ đạo gia người Cuba Alberto Alonso dựng dành cho M.Plisetskaya, trên nền nhạc của Bizet với biến tấu của Rodion Shedrin – nhà soạn nhạc nổi tiếng và đồng thời là bạn đời của nữ nghệ sĩ. Tại Moskva người ta cho đó là lối dựng vở mang tính khiêu dâm. Bộ trưởng Văn hóa Liên Xô thời ấy thậm chí còn gọi M.Plisetskaya là kẻ phản bội nền balê kinh điển. M.Plisetskaya không bao giờ phản lại nghệ thuật balê truyền thống và kinh điển. Như chính bà nói, bà chỉ không thể chịu đựng nổi sân khấu sặc mùi cũ kỹ cố hữu. Nữ nghệ sĩ khao khát muốn thử nghiệm biểu diễn theo tất cả những cái gì mới mẻ, tân kỳ. Thí dụ như trình bày văn học kinh điển Nga bằng động tác vũ đạo. Và M.Plisetskaya đã làm được như vậy trên sàn diễn của Nhà hát Bolshoi qua việc tự mình dựng và tự diễn vở diễn Anna Karenina dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Lev Tolstoy, hoặc kịch Hải âu theo vở kịch cùng tên của Anton Chekhov. Cần nói thêm là những tiết mục này cũng đã bị người đương thời dè bỉu vì sự nhạy cảm và khó hiểu.

M.Plisetskaya muốn múa không chỉ với đôi giày vải mũi nhọn, mà cả gần như chân không, đi dép xăng đan, như trong vở balê Mary Stewart mà bà biểu diễn ở Tây Ban Nha; hoặc ngược lại, trong đôi bốt cao gót và trong tiếng nhạc jazz, như bà đã làm cùng với nhóm diễn từ thành phố Chicago. Vũ đạo gia lừng danh người Pháp Maurice Béjart đã dựng những vở kịch múa dành cho M.Plisetskaya, trong đó đan xen những truyền thống sân khấu phương Đông và phương Tây. Và sự hóa thân của nữ nghệ sĩ vào tác phẩm đã nâng thủ pháp biến hình ấy lên tầm cao nghệ thuật mới. Không có ai trên đời sánh được bằng M.Plisetskaya và có lẽ còn lâu nữa cũng không có.

Một lần, khi đang ở đỉnh cao huy hoàng của sự nghiệp, M.Plisetskaya đã thừa nhận: “Tôi cảm nhận thấy những khi tôi chiếm lấy cả khán phòng. Còn tôi chỉ giữ trong đầu những gì tôi dâng hiến, đôi khi cũng không hiểu đó chính là gì, mà chỉ cảm thấy có điều gì rất mới mẻ trong sáng và tươi nguyên toát ra. Mọi người tiếp nhận các sự kiện trong đời sống và nghệ thuật theo một tiêu chí: có động chạm được vào những điều phong phú sâu kín ẩn khuất trong tâm hồn ta hay không. Hãy tin vào mình, xin mọi người hãy tin vào bản thân mình. Nếu nghệ thuật balê gây ấn tượng với bạn, như vậy có nghĩa là nó tốt đẹp, là nó luôn khuyến thiện”.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tags: , ,