Điện ảnh Việt Nam trong mối quan hệ với thị trường điện ảnh

Thị trường điện ảnh không đứng ngoài khái niệm chung về thị trường cũng như các quy luật của nó. Ở đây không thể không thấy tính đặc thù của Điện ảnh và thị trường Điện ảnh.

Điện ảnh Việt Nam trong mối quan hệ với thị trường điện ảnh

Tác giả: Trần Thanh Hiệp, PGS, TS, NGƯT, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Sân khấu và Điện ảnh, số 9, tháng 3/2016.

Để hiểu thị trường Điện ảnh phải bắt đầu từ khái niệm chung về thị trường. Ở nhiều cuốn sách về kinh tế của Việt Nam và của nước ngoài có thể có cách trình bày khác nhau về thị trường nhưng có điểm chung: Thị trường là nơi mua bán hàng hóa, nơi diễn ra hoạt động trao đổi giữa người mua và người bán, thị trường bị chi phối bởi quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị. Số lượng người mua – người bán và sự phát triển của các giao dịch phản ánh quy mô của thị trường lớn hay nhỏ cũng như sự trưởng thành của thị trường ([1]).

Thị trường điện ảnh không đứng ngoài khái niệm chung về thị trường cũng như các quy luật của nó. Ở đây không thể không thấy tính đặc thù của Điện ảnh và thị trường Điện ảnh. Các sản phẩm điện ảnh là hàng hóa đặc biệt, ngoài giá trị hàng hóa thông thường nó còn ẩn chứa giá trị đạo đức tinh thần có ảnh hưởng sâu sắc, tinh tế đến đời sống văn hóa xã hội. Nhưng bên cạnh đặc trưng ấy cũng không thể không thấy những quy luật khách quan chung của thị trường chi phối thị trường điện ảnh. Trên thế giới, thị trường điện ảnh ra đời gắn bó chặt chẽ với từng bước phát triển điện ảnh. Có thị trường điện ảnh chung của toàn thế giới và có các thị trường điện ảnh của từng nước. Phát triển thị trường bao giờ cũng gắn bó với sự phát triển điện ảnh của các dân tộc.

Trước thời kỳ đổi mới, điện ảnh cách mạng Việt Nam không có khái niệm thị trường điện ảnh. Cơ chế tập trung kế hoạch hóa được phản ánh đầy đủ trong hệ thống sản xuất phim, phát hành phim và chiếu bóng của nhà nước. Đây là một hệ thống bao cấp, khép kín. Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, Điện ảnh được định hướng là vũ khí lợi hại trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Từ sản xuất phim đến phân phối sản phẩm phim đều theo định hướng tư tưởng, theo kế hoạch chung. Đỉnh điểm thời bao cấp vào những năm 80, Điện ảnh Việt Nam một năm làm 17, 18 bộ phim truyện nhựa, 12 bộ phim hoạt hình, 60 phim tài liệu khoa học. Sản phẩm điện ảnh làm ra được công ty Fafilm Việt Nam tiêu thụ qua 350 rạp chiếu rải từ Bắc vào Nam, và qua 1100 đội chiếu bóng lưu động đưa phim tới nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa ([2]). Fafilm Việt Nam cũng là đơn vị độc quyền xuất nhập khẩu phim. Các phim nhập về Việt Nam đều là sản phẩm của các nước Xã hội chủ nghĩa trong đó chủ yếu là phim được sản xuất ở Liên Xô. Phim ở nước ngoài được nhập về theo quan điểm và yêu cầu chính trị cũng như sự phù hợp thực tế cuộc sống của người Việt Nam. Có thể thấy màn ảnh Việt Nam thời kỳ đó là màn ảnh với một nội dung thuần khiết, an lành, không có những điều đáng phải băn khoăn, suy nghĩ. Cảm hứng ngợi ca, khẳng định về sự sinh thành một xã hội mới, một thế giới mới, con người mới là cảm hứng chủ đạo. Chính sự thuần khiết nhưng một chiều, đơn điệu này có thể góp phần lý giải tại sao những phim truyện điện ảnh các nước tư bản sản xuất ta thu được từ miền Nam sau giải phóng, khi được Viện tư liệu phim chiếu để nghiên cứu lại tạo ra sự háo hức của người xem đến thế. Và có thể hiểu tại sao các bộ phim băng hình video nhập lậu dù là loại phim hạng 2 của điện ảnh các nước lại có thể làm một bộ phận không nhỏ người xem mê mẩn đến như vậy. Phải chăng bởi đó là những món ăn lạ từ một thế giới khác, một hiện thực khác mà người xem chưa từng biết đến. Người xem vốn được bao cấp về tư tưởng và thẩm mỹ, chưa có sự chuẩn bị cần có, không đủ bản lĩnh lựa chọn món ăn tinh thần của mình. Nói về một số thực tế của điện ảnh Việt Nam không phải để phán xét nhưng khi hiểu quá khứ chúng ta sẽ thấy rõ hơn những gì đang diễn ra hôm nay.

Sự hình thành thị trường điện ảnh Việt Nam gắn với thời kỳ đổi mới của đất nước. Nhưng không phải sau một đêm ngủ dậy chúng ta có ngay một thị trường điện ảnh và những nhận thức chuẩn xác cơ bản về thị trường. Điện ảnh Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới phải trải qua một cuộc vật vã đổi thay không dễ dàng gì.

Do hậu quả chiến tranh, do bị cắt viện trợ (các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa gặp khó khăn sau đó sụp đổ), do sai lầm của chính chúng ta, cả nước bị cuốn vào cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng. Sản xuất của toàn xã hội ngừng trệ. Kinh phí dành cho sản xuất phim lẽ đương nhiên bị cắt giảm. Trong khi đó, băng hình video dễ dàng bằng nhiều con đường nhập lậu xuất hiện ở phòng ngủ của các gia đình, ở các ngõ xóm Việt Nam. Các cơ sở làm phim bắt đầu phải tự bươn chải. Mọi người truyền nhau câu nói của một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng khi gặp văn nghệ sĩ: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Xuất hiện các tư nhân bỏ tiền túi ra cùng các hãng phim của nhà nước làm phim theo nguyên tắc lời lãi chia theo tỉ lệ góp vốn. Đi xa hơn, các tư nhân bỏ toàn bộ chi phí ra làm phim nhưng không có tư cách pháp nhân, phim của họ được đội mũ hãng phim nhà nước. Các chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ hào hùng một thời bắt đầu phải tính toán đầu vào, đầu ra, tính lỗ lãi kinh tế – điều mà trước đó chưa bao giờ họ phải làm. Thành phần các đoàn làm phim được tinh giản tối đa để tiết kiệm. Họ phải tính toán làm sao để một bộ phim có thể thu hồi vốn, có thể có lãi. Họ nghĩ đến các cách, các chiêu trò hướng tới khán giả. Các nền điện ảnh trên thế giới trong sự phát triển bình thường đều hướng tới người xem với nhận thức về mối quan hệ máu thịt, hữu cơ giữa tác giả, tác phẩm và người xem, nhưng vấn đề là hướng tới người xem như thế nào và không bao giờ rời xa sứ mệnh thiêng liêng của một tác phẩm nghệ thuật.

Khi hiểu người xem một cách phiến diện, khi xa rời sứ mệnh của nghệ thuật, không ít bộ phim đã trở thành hàng hóa thuần túy như các hàng hóa vật chất thông thường khác. Người xem trong trường hợp đó không còn là người đồng hành, người đối thoại, người đồng tác giả của một tác phẩm nghệ thuật mà trở thành khách hàng thượng đế. Một khi nhận thức người xem là thượng đế trong mối quan hệ mua bán hàng hóa thì các nhà làm phim chỉ còn cách chiều chuộng các loại thị hiếu của họ, dù đó là thị hiếu tầm thường nhất. Để chiều chuộng, hấp dẫn người xem, không khó hiểu khi có bộ phim được sản xuất mang tên Tên phim dành cho khán giả. Xuất hiện không ít các bộ phim bắt chước cách làm của phim võ hiệp Hồng Kông. Xuất hiện hiện tượng, xu hướng thương mại hóa các sản phẩm điện ảnh và nghiệp dư hóa điện ảnh. Người làm phim bắt đầu phải nghĩ đến quy luật cung – cầu, nghĩ tới sự cạnh tranh, tất nhiên, nghĩ, nhận thức, hiểu sâu sắc các quy luật cùng với đặc trưng của thị trường điện ảnh còn là một câu chuyện dài…

Mối quan hệ giữa phát hành phim, chiếu bóng với các cơ sở sản xuất phim cũng trải qua sự đứt gãy, biến đổi về chất. Fafilm Việt Nam nếu trước đây là cầu nối sản phẩm của các hãng phim với khán giả, một lòng một dạ trung thành tận tụy phân phối tiêu thụ hết các tác phẩm điện ảnh thì trong bối cảnh mới, khi chiếc ô bao cấp không còn thì họ cũng trở thành khách hàng khó tính, cân nhắc, kén chọn phim bởi họ cũng phải nghĩ tới lỗ lãi, lợi nhuận để tồn tại và phát triển. Bài toán lợi ích kinh tế được đặt ra. Bắt đầu có câu chuyện lựa chọn chiếu phim Việt Nam hay phim nước ngoài, lựa chọn thời điểm vàng ra phim, lựa chọn giờ chiếu phim và tỉ lệ ăn chia linh hoạt giữa các cơ sở sản xuất phim và chủ rạp.

Sự xuất hiện của thị trường điện ảnh dù mới ở dạng thô sơ, tự phát và chứa đựng không ít khuyết tật của thời kỳ đầu đổi mới đã như một cơn lốc đầu tiên dữ dội, nghiệt ngã thử thách khả năng thích nghi, tiềm năng phát triển, sức mạnh nội sinh, tính chuyên nghiệp của một nền điện ảnh. Trong cuộc chạm mặt đầu tiên, thị trường điện ảnh không chỉ mang tới cho những người làm phim những đổ vỡ, thất vọng, hối tiếc mà quan trọng hơn còn mang tới những nhận thức thiết nghĩ rất bổ ích và cần thiết. Đó là nền kinh tế đất nước vận hành theo cơ chế thị trường, điện ảnh Việt Nam muốn phát triển, không thể đứng ngoài thị trường. Điện ảnh Việt Nam phải thay đổi cách tồn tại và phát triển. Nghiên cứu thị trường, nghiên cứu thị hiếu của người xem với những nhu cầu đa dạng của họ trong một bối cảnh mới là nhu cầu sống còn trong sự phát triển của điện ảnh.

Từ những nhận thức cơ bản ấy, nhiều câu hỏi được đặt ra:

– Điện ảnh có còn là vũ khí trên mặt trận văn hóa tư tưởng không? Điện ảnh có thể có vai trò gì trong nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh mới?

– Làm thế nào để phim Việt Nam thắng trong cuộc cạnh tranh trên thị trường điện ảnh hiện nay? Mối quan hệ giữa yếu tố nghệ thuật và yếu tố thương mại cần được xử lý trên phương diện lý luận và thực tiễn như thế nào?

– Cơ chế chính sách nào cần đổi mới để Điện ảnh Việt Nam phát triển và thị trường Điện ảnh Việt Nam phát triển lành mạnh?

Nhận thức thị trường Điện ảnh và trả lời những câu hỏi đang đặt ra bao giờ cũng là một quá trình không giản đơn, dễ dàng. Bởi lẽ thị trường điện ảnh không chỉ luôn biến động, phát triển như các thị trường khác mà còn luôn chứa đựng những đặc trưng riêng. Bởi lẽ khi tham gia thị trường Điện ảnh, những người làm phim Việt Nam phải khắc phục những thói quen, có thể trở thành quán tính, những thói quen đã từng làm nên thành công của Điện ảnh thời kỳ bao cấp nhưng không còn phù hợp với sự phát triển Điện ảnh thời kỳ đổi mới.

Sự ra đời của Luật Điện ảnh (do Quốc hội thông qua), sự ra đời của “Chiến lược phát triển điện ảnh” và “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ngày 25/1/2014) là những nền tảng rất quan trọng trong sự phát triển của nền Điện ảnh dân tộc. Mục tiêu phát triển trong Quy hoạch được chỉ rõ: “thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phát triển nền Điện ảnh theo hướng công nghiệp, hiện đại, hội nhập, mang đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có các điều kiện kinh tế khó khăn. Từng bước phấn đấu xây dựng Điện ảnh Việt Nam trở thành nền Điện ảnh mạnh trong khu vực Đông Nam Á và châu Á” ([3]).

Có thể thấy vị trí, vai trò, sứ mệnh của Điện ảnh dân tộc tiếp tục được khẳng định và đề cao trong các chủ trương của nhà nước. Với nhiều nội dung của mục tiêu phát triển, để thực hiện nó, Điện ảnh Việt Nam không thể đứng ngoài thị trường điện ảnh.

Đất nước mở cửa và hội nhập sâu trong mối quan hệ quốc tế là điều kiện cho thị trường Việt Nam phát triển.

Theo tạp chí Hollywood Reporter, năm 2013, Việt Nam là một trong 13 thị trường chiếu bóng có tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Doanh thu chiếu bóng của thị trường Điện ảnh Việt Nam tăng trung bình mỗi năm 30%. Năm 2014 đạt khoảng 1700 tỉ, năm 2015 ước đạt khoảng 2000 tỉ. Đó là những con số mà 10 năm trước nếu nghĩ đến là điều không tưởng. Đó cũng là những con số nói với chúng ta rằng người xem Việt Nam rất yêu Điện ảnh, thị trường Điện ảnh là một thị trường đầy tiềm năng. Vấn đề là sẽ khai thác tiềm năng đó như thế nào, ai khai thác tiềm năng ấy và được thu lợi khi khai thác tiềm năng ấy.

Để hội nhập khi tham gia WTO,Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường, không giới hạn định mức phim nước ngoài nhập vào Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa rằng Việt Nam chấp nhận một cuộc cạnh tranh. Thị trường điện ảnh Việt Nam không chỉ có người Việt Nam tham gia mà còn có người nước ngoài, nguồn vốn tiềm lực nước ngoài, phim nước ngoài. Người làm Điện ảnh Việt Nam đã không còn “một mình một chợ”.

Đã có sự điều chỉnh để hội nhập và phát triển. Khái niệm Điện ảnh nhà nước dường như không còn nữa. Các cơ sở làm phim được cổ phần hóa. Ở những đơn vị do khó khăn, do đặc thù thì trở thành công ty TNHH nhà nước một thành viên. Nhưng ngay cả hình thức này cũng chỉ tồn tại trong một giai đoạn quá độ.

Công ty Fafilm Việt Nam không còn vị thế của một đơn vị độc quyền trong phát hành, xuất nhập khẩu phim. Và đương nhiên phải biết tồn tại và phát triển trong cạnh tranh.

Nhiều hãng phim tư nhân được phép ra đời. Có đơn vị có chức năng vừa tổ chức sản xuất phim vừa tổ chức phát hành phim và chiếu bóng. Ở các thành phố lớn, nhiều cụm rạp với công nghệ và tiện nghi hiện đại được các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng. Xuất hiện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Xuất hiện các công ty lớn trong lĩnh vực kinh doanh Điện ảnh như CGV, như Lotte Cinema, như Platinum. Được các hãng phát hành phim lớn của Hollywood cho phép độc quyền phát hành phim tại Việt Nam, CGV đã thâu tóm và chi phối hầu hết các chương trình chiếu phim Hollywood ở nước ta. Trong một tương lai gần CGV sẽ có khoảng 50 cụm rạp rải khắp cả nước.

Trong bối cảnh ấy, nhiều người làm phim Việt Nam đã có những thành công đầy ấn tượng. Mỹ nhân kế doanh thu đạt 52 tỉ, Tèo em doanh thu đạt 80 tỉ đồng, Cô dâu đại chiến 2 doanh thu 40 tỉ đồng, Long ruồi trong một tháng thu được 42 tỉ đồng, Quả tim máu trong 10 ngày thu 55 tỉ đồng. Đặc biệt bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được đầu tư 20 tỉ thu về 80 tỉ đồng…

Nhà sản xuất các phim này không chỉ quan tâm tới nội dung nghệ thuật, tính hấp dẫn của bộ phim mà còn rất quan tâm tới quảng bá, tuyên truyền cho phim, quan tâm tới thời điểm ra phim cũng như đối tượng khán giả. Đó là những điều thời làm phim bao cấp, những người làm phim không mấy quan tâm.

Bên cạnh những thành công ở phòng vé của các bộ phim Việt Nam, báo chí cũng không chỉ một lần nhức nhối nhắc đến những bộ phim được đặt hàng của Nhà nước nhưng số tiền thu về thật là ít ỏi như Hà Nội mùa đông năm 46 kinh phí đầu tư 3 tỉ 463 triệu thu về 18 triệu 900 ngàn, Ngã ba Đồng Lộc kinh phí 2 tỉ 165 triệu, thu về 113 triệu 200 ngàn đồng, Sống cùng lịch sử kinh phí đầu tư 21 tỉ nhưng chỉ thu về được một số ít ỏi , Những người viết huyền thoại kinh phí 10 tỉ thu về 500 triệu, Hà Nội 12 ngày đêm đầu tư 7 tỉ thu về 400 triệu… Báo Tuổi trẻ ngày 25/11/2015 có bài: “Phim Việt đặt hàng vốn ngân sách tiền tỉ thu về tiền triệu”.

Sẽ là phiến diện nếu đánh giá những bộ phim trên không thành công ở phòng vé là do chất lượng kém nhưng kết quả phòng vé của các bộ phim rất đáng được quan tâm nghiên cứu. Bởi đúng như một nhà nghiên cứu đã viết: Thị trường – cửa sống của sản xuất Điện ảnh ([4]).

Khi nói tới một thị trường điện ảnh Việt Nam đầy tiềm năng, doanh thu mỗi năm 2000 tỉ, tăng trưởng mỗi năm 30% thì cũng không nên quên rằng ở thị trường ấy phim Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15 đến 20% thị phần ([5]).

Làm sao để Điện ảnh Việt Nam có nhiều sản phẩm có chất lượng hơn, hấp dẫn người xem hơn, làm sao để Điện ảnh Việt Nam không thua trên sân nhà là câu hỏi lớn đang đặt ra.

Một vấn đề mà Điện ảnh các nước hết sức quan tâm trong quá trình phát triển của mình đó là vấn đề nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo những người có ý thức và biết sống, biết làm việc, biết sáng tạo trong một thị trường cạnh tranh toàn cầu. Tất cả phải từ con người, bắt đầu từ con người, phải chăng đó là chìa khóa để giải bài toán trong mối quan hệ giữa tác phẩm Điện ảnh và thị trường Điện ảnh Việt Nam hôm nay.

———————————

Tài liệu tham khảo:

[1] Tập thể tác giả (1999), Lịch sử các học thuyết kinh tế, NXB Giáo dục.
[2] Trần Luân Kim (2015), Đời sống nghệ thuật, NXB Văn học, tr.147.
[3] Quyết định số 199/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/1/2014, phê duyệt Quy hoạch phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tr. 1.
[4] Trần Luân Kim (2015), Sđd, tr. 170.
[5] Thiện Văn, Sức mạnh nội sinh phòng chống xâm lăng văn hóa, Báo Quân đội nhân dân 7/4/2014.

Theo SKDA.EDU.VN

Tags: ,