Amazon: Câu chuyện về bản án tử hình con người dành cho rừng xanh

Ngọn lửa hoang dại của rừng Amazon hồi tháng 8/2019 đã làm rực sáng những góc khuất của khu rừng, khiến cả thế giới không thể làm ngơ trước “thảm họa” toàn cầu. Nhưng đó không phải là ngọn lửa khơi mào, đó là đám cháy tiếp diễn của chuỗi hành động kéo dài hàng thế kỷ.

Amazon: Câu chuyện về bản án tử hình con người dành cho rừng xanh

Mọi người có thể kinh hoàng vì mức độ hủy diệt của đám cháy rừng Amazon, nhưng những người dân bản địa đã có thể hình dung trước thảm cảnh này. Vì đây là kết quả của một quá trình chứ không xuất phát một cách ngẫu nhiên. Điều tất yếu của việc “miệt mài” phá rừng, hiển nhiên, bạn sẽ đánh mất nó. Khu rừng có niên đại 10 triệu năm bị hủy hoại trong vài thập kỷ. Đây không còn là câu chuyện vô lý khi đến nay, 1/5 diện tích rừng đã bị thay thế bằng những khoảng đất trống, đất nông nghiệp, sân bóng đá, xí nghiệp, nhà máy hay trơ trọi những gốc cây tàn. Lần hồi theo những dấu tích lịch sử, chúng ta bắt đầu có thể khám phá ra phần nào căn nguyên sự tàn lụi của rừng Amazon hiện tại.

SỰ “XÂM LĂNG” CỦA NHỮNG YẾU TỐ NGOẠI SINH

Những cư dân đầu tiên di cư đến Amazon từ phía Trung Mỹ vào khoảng 13.000 năm trước. Đã có tới 10 triệu bộ lạc sống trong các khu định cư kiên cố, tạo ra các phẩm vật nhất định bằng cách canh tác trên các cánh đồng và vườn cây. Trong đó, bộ lạc Karipuna đã lang thang ở một vùng đất phía Nam, nơi ngày nay là bang Rondônia của Brazil.

Năm 1492 chứng kiến sự đổ bộ của thực dân châu Âu đến châu Mỹ, bắt đầu cho các cuộc phát kiến địa lý quy mô và cũng khởi phát cho nạn phá rừng ở Tân Thế Giới. Các cánh rừng hoang sơ nhường chỗ cho những khu nhà ở mới, đất cho nông nghiệp và những cội cây già trở thành củi đốt dưới mỗi mái nhà. Đến đầu thế kỷ 20, thế giới đã từng mất một số cây che phủ rừng mưa Amazon ít nhất một lần, nhưng phần lớn chúng vẫn được bảo toàn, không giống như cư dân của nó. Cũng như phần đông trong số hơn 300 bộ lạc còn tồn tại ở Brazil, việc tiếp xúc với những người ngoại tộc đã làm suy giảm số lượng người Karipuna do lây nhiễm các loại bệnh mới với họ như sởi, cúm.

Các tộc người bản địa tại Amazon sống cùng rừng và vì rừng. Thế nên, họ là lực lượng bảo vệ rừng “tinh nhuệ” nhất. Hơn ai hết, họ là những người hiểu rõ tầm quan trọng của những cánh rừng đối với sự sinh tồn của bộ tộc. Sự suy giảm số lượng người khiến các tộc phải liên kết, co cụm lại để huy động sức mạnh bảo vệ nguồn sống là rừng.

CHÍNH PHỦ CHO PHÉP CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC RỪNG VÔ TỘI VẠ

Số lượng cây rừng biến mất trong thế kỷ 20 nhiều hơn tổng số của phần lịch sử trước đó. Amazon, sở hữu lượng lớn khoáng sản dưới lòng đất, cuối cùng đã bị đe dọa khi số lượng khai thác trở nên ồ ạt. Vào năm 1964, chế độ độc tài quân sự Brazil lên nắm quyền và ra cảnh báo rằng những khu rừng có tính chất không an ninh, dẫn đến việc thành lập Viện Thực dân và Cải cách nông nghiệp quốc gia (National Institute of Colonization and Agrarian Reform – INCRA) để chinh phục rừng và biến nó thành đồn điền nông nghiệp.

Tuy nhiên, khi vào mùa khô, những đám cháy đỏ thẫm thắp sáng bầu trời đêm trên khắp Rondônia cho thấy sự phát triển không kế hoạch sẽ luôn phải trả giá. Tháng 8 đang là mùa cháy, như thường lệ, nông dân Amazon sử dụng thời tiết khô hạn hiếm hoi để đốt lửa dọn sạch những cánh rừng sẵn sàng cho việc trồng trọt. Nhưng năm 2019 thì khác, dữ liệu vệ tinh cho thấy có hơn 46.000 vụ cháy ở Amazon, tăng mức đáng báo động – 111% so với năm 2018.

Khi đó, Tổng thống Bolsonaro không bày tỏ thái độ quan ngại thích đáng cho tình trạng cháy rừng. Hơn nữa, ông còn bác bỏ các số liệu phá rừng sơ bộ năm 2019 khi cho đó là “giả” và sa thải Galvão, người đứng đầu cơ quan không gian Brazil, INPE, để bảo vệ dữ liệu. Các số liệu INPE sơ bộ cho thấy nạn phá rừng tăng 92% trong 8 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018. Vẫn chưa rõ liệu tỷ lệ nạn phá rừng đã trở lại mức cao nhất như giai đoạn năm 1995 đến 2004 hay không, nhưng việc ủng hộ phá rừng cho đất nông nghiệp của Bolsonaro hẳn gây ra nhiều tác động.

ĐÁNH MẤT LÁ PHỔI CỦA TRÁI ĐẤT VÌ LỢI ÍCH NHÓM

Theo thống kê, có ít nhất 427 loài động vật có vú sống sinh sống trong rừng mưa Amazon, nhưng hiện tại chiếm số lượng áp đảo lại chính là bò, loài vật cung cấp nguồn lớn sản lượng để xuất khẩu sang các nước Hồng Kông, Ai Cập, Nga, Ả Rập Saudi, Thụy Sĩ, Đan Mạch… Đến 80% diện tích đất rừng bị phá được dùng cho việc chăn nuôi gia súc. Năm 2018, Brazil đã xuất khẩu một lượng thịt bò trị giá 6 tỷ đô la Mỹ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Luật pháp yêu cầu các hộ nông dân nhỏ, lẻ phải duy trì 80% rừng trên đất của họ, nhưng các hình thức phạt vạ lại không ngăn cản việc chăn nuôi. Oliveira, chủ trang trại ở União Bandeirantes, không thể bán hợp pháp gia súc của mình do các lệnh cấm vận được đặt bởi cơ quan quản lý môi trường. Thay vào đó, anh ta bán động vật với giá thấp hơn cho một người trung gian, người bán chúng cho lò mổ lớn nhất trong tiểu bang mà không gặp phải các truy cứu trách nhiệm pháp lý. Các lò giết mổ thường nhắm mắt làm ngơ trước nguồn gia súc được cung thông qua các bên thứ ba. Nhiều doanh nghiệp hả hê về sự thành công của mình một khi rừng Amazon vẫn còn được mở rộng khai thác.

Tuy nhiên, hậu quả hiện đang trở nên rõ ràng ngay cả với một số người ủng hộ các chính sách của Bolsonaro. Oliveira, chủ trang trại, cho biết dòng suối trong đất của anh đã cạn. Ở rìa phía Đông của Amazon, vùng cây bụi (hình thành trên vùng đất khí hậu khắc nghiệt, nơi lượng bốc hơi vượt quá lượng mưa) đã xuất hiện. Ngoài ra, tại các khu vực bị phá rừng ở miền Nam, nhiệt độ đã tăng hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu.

RỪNG MƯA NHIỆT ĐỚI HAY TRẢNG CỎ XA-VAN?

Khi hoạt động của con người ở Amazon sôi động hơn, tương lai của khu vực này lại càng trở nên rõ nét. Các nhà khoa học cảnh báo rằng nhiều thập kỷ hoạt động của con người dẫn đến biến đổi khi hậu đã đưa rừng rậm đến gần hơn điểm giới hạn. Rừng mưa nhiệt đới có đặc tính ẩm ướt, nơi cây cối hút nước từ Trái Đất, sau đó tích tụ không khí trở thành mưa. Sự mất cân bằng của vòng tuần hoàn ấy bị phá hỏng bởi nạn phá rừng, cháy rừng và sự nóng lên toàn cầu.

Các chuyên gia cảnh báo rằng chu kỳ vòng nước sẽ sớm bị phá vỡ mà không thể phục hồi, kéo theo xu hướng lượng mưa suy giảm và mùa khô kéo dài hơn nhiều so với thập kỷ trước. Ít nhất một nửa khu rừng bị thu hẹp sẽ nhường chỗ cho tràng cỏ xa van (savanna – xuất hiện tại khu vực có biểu hiện thoái hóa của đất). Với 17% rừng bị mất, các nhà khoa học tin rằng dù hiện tượng biến đổi khí hậu có được bình ổn, mức bùng phát về thiên tai tại Amazon cũng khó có thể kiểm soát. Nếu đúng như dự đoán, khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 4ºC, phần lớn miền Trung, Đông và Nam rừng Amazon chắc chắn sẽ trở thành vùng đất cằn cỗi.

TỪ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI ĐẾN CHẢO LỬA DIỆT VONG

Rừng nhiệt đới ẩm ướt là quần xã sinh vật phong phú nhất về loài. Các rừng mưa nhiệt đới tại châu Mỹ còn phong phú hơn các rừng đất ẩm ướt ở châu Phi và châu Á. Là một dải rừng mưa nhiệt đới lớn nhất tại châu Mỹ, rừng mưa Amazon có sự đa dạng sinh học không thể so sánh được. Khoảng 10% số lượng loài đã biết trên thế giới hiện sống tại rừng mưa Amazon. Đây là nơi tập hợp đông đảo nhất các loài động, thực vật còn sinh tồn trên thế giới.

Tuy nhiên, khu dự trữ sinh quyển lớn của thế giới đang đứng trên bờ vực diệt vong. Carlos Nobre và Thomas Lovejoy, các nhà chức trách đứng đầu về vấn đề Amazon và biến đổi khí hậu tin rằng, tất cả đều xuất phát từ nạn phá rừng. Những đám cháy được châm ngòi bởi những người chăn nuôi và hậu quả của nó đến việc nóng lên toàn cầu là không thể chối bỏ. Các dự báo hiện tại của Hoa Kỳ cho thấy, Trái Đất đang có nguy cơ nóng lên tới 5ºC trong thế kỷ này, cao hơn nhiều so với 2ºC theo nghiên cứu của Nobre. Nếu điều đó xảy ra, khu rừng sẽ biến mất vĩnh viễn.

Khu rừng này lưu trữ tới 120 tỷ tấn carbon, tương đương với gần 12 năm phát thải toàn cầu ở mức hiện tại. Nếu bị xóa sổ, phần lớn lượng carbon sẽ đi vào bầu khí quyển. Chỉ riêng điều ấy có thể đẩy khí hậu toàn cầu vượt quá giới hạn an toàn.

Điểm giới hạn của rừng Amazon cũng có thể dẫn đến một loạt các điểm giới hạn về khí hậu tiềm tàng khác. Sự tàn lụi của rừng mưa cũng có mối liên hệ mật thiết với các hiện tượng khác như sự tan chảy của sông băng Iceland, khiến mực nước biển dâng cao; sự suy thoái của vùng băng vĩnh cửu tại Bắc Cực, sẽ giải phóng khí nhà kính trong băng. Các nhà khoa học tin rằng những thay đổi này đồng loạt xảy ra có thể dẫn đến sự nóng lên toàn cầu mà con người sẽ không thể ứng phó được.

HIỂM NGUY RÌNH RẬP AMAZON TRONG THẾ KỶ MỚI

Dù 19,8% của 1,5 triệu dặm vuông rừng mưa Brazil đã bị khai phá, chủ yếu dọc theo phía Nam và phía Đông, những dải đất phía Tây và Trung tâm vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng điều đó cũng có thể sớm thay đổi. Từ địa hình bị tàn phá của Rondônia, tiểu bang của Brazil, một con đường cao tốc đang được tái hình thành. BR-319 chia đôi lưu vực Purus-Madeira, một trong những phần được bảo tồn nhiều nhất của rừng Amazon, nơi các động vật hoang dã như khỉ len và thằn lằn Teju sống yên ổn.

Quân đội đã khánh thành đường cao tốc vào năm 1973 để kết nối vùng Porto Velho – thủ phủ của Rondônia – với Manaus, thành phố lớn nhất ở Amazon. Tuy nhiên, trong một vài năm, con đường dài hơn 800.000 km rơi vào tình trạng hư hỏng, bị hoang hóa bởi cỏ dại. Báo đốm và trăn xanh Nam Mỹ (Anaconda) có thể băng qua đường nhựa, nổi bật với ổ gà rộng hàng mét và biển báo đường rỉ sét.

Giờ đây, BR-319 đang được đưa trở lại vòng tranh cãi. Các dự án trên cung đường đã lên kế hoạch với bản đồ hình xương cá. Khu rừng đang đứng trước nguy cơ lại bị san sẻ một lần nữa.Tại chỗ rừng bị đốn hạ, lượng mưa giảm sẽ làm mất đất canh tác và gây ra hạn hán trên diện rộng. Mực nước sông thấp hơn sẽ có tác động mạnh đối với vận tải thuyền, đánh bắt cá và sản xuất thủy điện. Nếu đạt đến điểm giới hạn, nền kinh tế Amazon có thể phá hủy phần lớn hệ thống sinh thái quốc gia.

Nhưng các bánh xe vẫn lăn, tiếng kim loại vang vọng từ rừng già cũng không suy giảm. Lợi ích trước mắt có thể làm nhòe đi ký ức về rừng già một thời che chở cho nhân loại.

Theo ELLE.VN / TIME

Tags: , ,