⠀
5 lý do Nga sẽ không dừng chiến dịch quân sự ở Ukraina
Mỹ và phương Tây đã tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraina với hy vọng sẽ đảo chiều cuộc chiến theo hướng có lợi cho Kiev và buộc Tổng thống Putin dừng chiến dịch quân sự đang diễn ra. Tuy nhiên, dưới đây là 5 lý do khiến Nga sẽ không dừng chiến dịch này.
Đầu tiên, Nga tin rằng chiến dịch quân sự của mình đang ở thời điểm quan trọng cả trong và ngoài chiến trường sau khi kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraina. Các lực lượng của Nga đã kiểm soát hoàn toàn thành phố chiến lược Severodonetsk vào cuối tháng 6/2022 vào ngày 3/7 đã kiểm soát được thành phố Lysychansk ở khu vực Donbass, thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn trung tâm công nghiệp của Ukraina với các nhà máy sản xuất sắt thép và các mỏ dự trữ khoáng sản cũng như than đá chất lượng cao.
Thứ hai, Tổng thống Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt đã gây tác động ngược với phương Tây khi những nước này đối mặt với giá dầu mỏ và khí đốt tăng cao cũng như tình trạng thiếu thực phẩm. Những biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có mà phương Tây áp lên Nga đã không thể phá hủy nền kinh tế của nước này mà thậm chí còn khiến nó mạnh hơn. Doanh thu dầu mỏ của Nga tăng vọt trong khi đồng rúp ở mức cao nhất trong 7 năm.
Trong khi đó, nền kinh tế Đức có nguy cơ sụp đổ, kéo theo những tác động tiêu cực với phần còn lại của châu Âu khi nước này phải thực hiện chế độ phân phối sử dụng khí tự nhiên như một hệ quả từ việc Nga cắt giảm nguồn cung. Nền kinh tế Mỹ cũng gần như rơi vào suy thoái.
Thứ ba, Nga hiểu rằng tâm lý mệt mỏi vì cuộc chiến ở Ukraina đã bắt đầu nhen nhóm trong liên minh các nước phương Tây, bất chấp việc Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu công khai thể hiện sự ủng hộ Kiev. Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden được cho là đang mất dần niềm tin vào khả năng Ukraina có thể chiến thắng và kín đáo thảo luận về khả năng Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nên nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.
Nguyên nhân thứ tư là châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng từ chính động thái trừng phạt của mình và những đòn đáp trả của Nga. Khi nhiệt độ giảm dần vào mùa đông và Tây Âu “rùng mình” vì cái lạnh, sự ủng hộ dành cho Ukraina trong cuộc chiến với Nga có lẽ cũng sẽ nguội lạnh dần. Việc Nga cắt giảm khí đốt có thể khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải cân nhắc đến mức độ ủng hộ Ukraina. Cùng lúc đó, Mỹ cũng bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ, khiến cho Washington sẽ giảm bớt mức độ ưu tiên cho cuộc chiến ở Ukraina.
Cuối cùng, kết quả chiến dịch ở Ukraina là một vấn đề có ý nghĩa sống còn với Nga. Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố, Ukraina là một “lằn ranh đỏ” đối với sự mở rộng NATO bởi dù thế nào, Nga vẫn coi Ukraina là một phần trong phạm vi an ninh chiến lược của mình.
Với việc NATO kết nạp các quốc gia vùng Baltic, khoảng cách giữa các lực lượng của NATO và Nga đã giảm từ hơn 1.600 km xuống còn 160 km ngày nay. Việc có một liên minh quân sự đối đầu ở gần biên giới Nga như vậy đối với Moskva là điều không thể chấp nhận.
Hôm 29/6, Tổng thống Putin khẳng định, mục tiêu của chiến dịch quân sự là giải phóng Donbass, bảo vệ người dân sống ở đây và “tạo điều kiện để đảm bảo an ninh của chính nước Nga”. Khi được hỏi về hạn chót chấm dứt chiến dịch quân sự, Tổng thống Nga cho biết: “Không cần nói về bất kỳ hạn chót nào. Tôi không bao giờ nói về nó bởi đây là cuộc sống và có những điều thực tế. Sẽ thật không hợp lý khi cố đặt ra bất kỳ hạn chót nào“.
“Điều này có liên quan đến mức độ của chiến dịch tấn công và liên quan trực tiếp đến số lượng thương vong nên trên hết chúng tôi phải nghĩ cách bảo vệ tính mạng cho các binh lính của mình“, nhà lãnh đạo Nga bình luận.
Theo VOV
Tags: Nga, Xung đột Nga - Ukraina