Giải mã khía cạnh quân sự của vụ khủng bố 11/9/2001

Chúng ta hãy cùng xem xét những khía cạnh quân sự được phân tích sau đây về vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ.

Giải mã khía cạnh quân sự của vụ khủng bố 11/9/2001

Ngày 11/9/2001, tổ chức khủng bố al-Qaeda đã thực hiện cuộc tấn công nhằm vào nước Mỹ, làm gần 3.000 người thiệt mạng. Đây là cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Dưới góc độ quân sự, cuộc tấn công đã đặt ra một số vấn đề sau đây.

Khủng bố từ trên trời

Trong sự kiện ngày 11/9, những kẻ khủng bố đã bắt cóc máy bay dân dụng và điều khiển chúng bay thẳng vào mục tiêu. Nhóm khủng bố đã thành công trong việc điều khiển bốn “quả bom” bay trong không phận nước Mỹ, ba chiếc trong số đó đã nhằm trúng mục tiêu đã định mà không hề bị ngăn cản.

Vấn đề rút ra là việc để mất ưu thế trên không dù trong giây lát, cũng đủ dẫn đến tổn thất khủng khiếp.

Đây được xem là một nguyên tắc bất di bất dịch, là một yếu tố quyết định trong hành động tác chiến đường không. Cướp máy bay không chỉ là một hành động khủng bố có liên quan đến dân thường mà là một hành động tấn công trực tiếp vào ưu thế trên không.

Hàng loạt mục tiêu quan trọng

Những kẻ khủng bố đã thực hiện tấn công đồng thời bốn mục tiêu ở vùng ven biển phía đông nước Mỹ. Hai chiếc máy bay đầu đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở thành phố New York, nơi có rất nhiều ngân hàng và các công ty tài chính.

Chiếc máy bay thứ ba đâm vào Lầu Năm Góc, tổ hợp quân sự khổng lồ gồm trụ sở Bộ Quốc phòng, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, các quân chủng Không quân, Hải quân, Lục quân, Hải quân đánh bộ, Lực lượng Bảo vệ bờ biển cùng hàng trăm cơ quan, trung tâm tác chiến có vai trò hết sức quan trọng đối với việc điều hành, quản lý các lực lượng vũ trang Mỹ.

Chiếc máy bay thứ tư (rơi xuống vùng Pennsylvania) được xem là nhằm vào Nhà Trắng hay trụ sở Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol. Nhà Trắng là nơi ở và làm việc của tổng thống, người đứng đầu chính quyền liên bang, người nắm quyền quyết định chính sách cấp cao nhất của nước Mỹ. Quốc hội, bao gồm cả Hạ viện và Thượng viện, là cơ quan lập pháp và chịu trách nhiệm kiểm soát hành động của chính phủ Mỹ.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, hành động khủng bố chủ ý nhằm vào: (1) cơ cấu kinh tế của nước Mỹ và nền thương mại thế giới, (2) giới lãnh đạo chính trị, quân sự của nước Mỹ và (3) dân thường. Sự lựa chọn những mục tiêu này khiến người ta liên tưởng đến nguyên tắc quen thuộc trong tác chiến của không quân nhiều nước. Đó là thực hiện oanh tạc dữ dội vào dân thường và các thành phố lớn nhằm tác động tâm lý đến người dân và làm lung lay chính phủ đối phương.

Rõ ràng, với việc lựa chọn mục tiêu là các cơ quan đầu não chính trị, quân sự và kinh tế của nước Mỹ; với ý đồ làm tê liệt một quốc gia ở tầm chiến lược, hoạt động của chủ nghĩa khủng bố đã bước sang một thời đại mới, và đó thực sự là một hành động chiến tranh nhằm mục đích chiến lược.

Tác chiến đường không phi đối xứng

Cuộc tấn công ngày 11/9/2001 đánh dấu sự xuất hiện một dạng đối đầu phi đối xứng trong tác chiến đường không, mà đặc điểm của nó là né tránh sức mạnh quân sự truyền thống và có thể làm cho lực lượng không quân quy ước bị bất ngờ và gặp khó khăn trong việc đối phó.

Tác chiến phi đối xứng là một thách thức lớn đối với các lực lượng quân sự quy ước khi phải thích ứng với chiến tranh du kích kiểu mới, nhưng vẫn phải duy trì mọi khả năng tiến hành chiến tranh thông thường. Hơn nữa, những kẻ thực hiện tiến công phi đối xứng thường ẩn náu trong cư dân cũng như trong các tổ chức xã hội và kinh tế, do đó những biện pháp đối phó bằng lực lượng quân sự phải nhằm đúng mục tiêu và được tính toán sao cho có thể tránh những thương vong, tàn phá ngoài ý muốn

Hiện thời, cách đối phó của an ninh hàng không nhiều nước đối với những hành động tác chiến đường không phi đối xứng còn rất mơ hồ và lúng túng. Chẳng hạn, có quy định cấm mang theo lên máy bay một số loại vật dụng như bấm móng tay hay dao nhíp, trong khi đó dây ni-lông thông thường, bút hay thẻ tín dụng là những thứ có lẽ còn nguy hiểm hơn, thì có thể mang vô tư. Trong tình hình này, các nhà chức trách dân sự, quân sự, công nghiệp và hàng không cần tìm ra cách tiếp cận mới, phi đối xứng để đối phó hiệu quả với những mối đe dọa tiềm tàng từ trên không.

Những sự kiện “kiểu 11/9/2001” có thể được xem như một dạng thức tác chiến đường không phi đối xứng, đặt ra nhiều vấn đề mới cho lực lượng bảo vệ, phòng thủ.

Quan trọng nhất, để mất quyền kiểm soát vùng trời, dù chỉ trong vài phút, cũng có thể dẫn đến những hậu quả khủng khiếp. Phải nhanh chóng giành lại thế chủ động, phải kiểm soát vùng trời chặt chẽ hơn, phải sử dụng các phương tiện mới để duy trì ưu thế trên không.

Không quân phải phối hợp cùng với cảnh sát và các cơ quan an ninh khác có biện pháp thích ứng và tìm ra các phương án hành động phi đối xứng mới, vượt khỏi tư duy truyền thống về tác chiến đường không. Như vậy, mới có thể ngăn ngừa và đối phó hiệu quả với tiến công khủng bố bằng máy bay và hành động khủng bố nói chung.

Theo VIETNAMNET

Tags: , ,